Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Thực trạng chết trong cô độc gia tăng tại Hàn Quốc

2022-12-17

Tin tức

ⓒKBS NewsMỗi năm, tại Hàn Quốc lại có hơn 3.000 người trút hơi thở cuối cùng trong cô độc, tăng tới 40% trong vòng 5 năm. Chính phủ Hàn Quốc đang lập kế hoạch trung và dài hạn dựa trên kết quả khảo sát thực trạng chết cô độc giai đoạn 2017-2021. Trong khi đó, giới chuyên gia thì chỉ ra rằng Chính phủ phải bao gồm phương án tăng cường sự kết nối xã hội trong đối sách trung và dài hạn, chứ không chỉ riêng sự hỗ trợ về mặt kinh tế.


Kết quả khảo sát thực trạng chết cô độc

Bộ Y tế và phúc lợi Hàn Quốc ngày 14/12 công bố kết quả khảo sát thực trạng chết cô độc năm 2022. Trong năm ngoái, tại Hàn Quốc có 3.378 người chết trong cô độc, tăng 2.412 người so với năm 2017, tức tăng tới 40%, chiếm khoảng 1% tổng số ca tử vong trong nước.


Theo kết quả khảo sát, trừ năm 2019, số trường hợp chết cô độc có chiều hướng tăng dần qua mỗi năm, bắt đầu từ 2.412 ca vào năm 2017 lên 3.378 ca vào năm ngoái, mức tăng bình quân là 8,8%/năm. Xét theo độ tuổi, số người chết trong cô độc chủ yếu là người ngoài 50, 60 tuổi, chiếm lần lượt 29,6% và 29%. Tiếp theo là người ngoài 40 tuổi chiếm 15,6%, người ngoài 70 tuổi là 12,5%. Ngược lại, tỷ lệ người ngoài 20,30 tuổi chết trong cô độc có chiều hướng giảm, từ 8,4% năm 2017 xuống 6,5% vào năm ngoái.


Xét theo giới tính, số trường hợp chết cô độc là nam giới cao gấp 4 lần so với nữ giới. Trong năm ngoái, cách biệt này tăng lên thành 5,3 lần. Tỷ lệ nam giới chết cô độc tăng bình quân 10%/năm trong vòng 5 năm qua, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân ở nữ giới là 5,6%. Số ca chết cô độc là nam giới ngoài 50,60 tuổi đạt 1.760 ca, chiếm 52,1% tổng số ca.


Giải nghĩa

Bộ Y tế và phúc lợi tiến hành cuộc khảo sát trên căn cứ theo Luật về phòng ngừa và quản lý các trường hợp chết cô độc được thực thi từ tháng 4 năm nay. Đây là số liệu thống kê quốc gia đầu tiên về thực trạng chết cô độc, được khảo sát theo chu kỳ 5 năm 2017-2021. Luật này định nghĩa “chết cô độc” là cái chết của người sống một mình, cắt đứt quan hệ với những người xung quanh như gia đình, họ hàng, sau đó trút hơi thở cuối cùng do tự sát hoặc bệnh tật, phải một thời gian sau thi thể mới được phát hiện.


Luật quy định Bộ Y tế và phúc lợi Hàn Quốc phải phối hợp với chính quyền các địa phương để tiến hành khảo sát 5 năm một lần về các trường hợp chết cô độc; dựa vào kết quả khảo sát để lập đối sách phòng ngừa. Tuy nhiên, do Chính phủ hiện vẫn chưa lập kế hoạch tổng hợp nên kết quả khảo sát lần này được sử dụng để Bộ Y tế lập Kế hoạch cơ bản lần thứ nhất.


Theo kết quả khảo sát, có thể thấy đặc điểm chính của các trường hợp nam giới ngoài 50 tuổi chết trong cô độc đó là mức độ hài lòng về cuộc sống của họ đã giảm mạnh sau khi bị rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc ly hôn, không quan tâm tới sức khỏe bản thân và không rành việc nhà. Nam giới trung niên trở lên thường có khuynh hướng không mong muốn kết nối xã hội hoặc nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài. Phần lớn họ không chú ý theo dõi các bệnh mãn tính, thêm vào đó lối sinh hoạt lại không lành mạnh, buông thả bản thân, nên dễ qua đời mà không ai hay biết.


Đối sách

Sự gia tăng các trường hợp chết cô độc tại Hàn Quốc có ảnh hưởng lớn từ xu hướng mất dần sự kết nối giữa các cá nhân trong xã hội Hàn Quốc hiện nay, trong bối cảnh các hộ gia đình một thành viên đang tăng mạnh.


Tại buổi trưng cầu ý kiến tổ chức tại Quốc hội vào ngày 14/12, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần phải lập ra một cơ chế hỗ trợ chủ động và có hệ thống cho các hộ gia đình bị cô lập về mặt xã hội, phân loại các nhóm có rủi ro cao để tăng cường hỗ trợ, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh. Trong đó, các chuyên gia chỉ ra rằng việc khôi phục “kết nối xã hội” là điều quan trọng nhất để phòng ngừa các trường hợp chết cô độc.

Lựa chọn của ban biên tập