Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Chính phủ Hàn Quốc khởi động cải cách lao động

2022-12-17

Tin tức

ⓒYONHAP NewsHội đồng nghiên cứu thị trường lao động tương lai của Hàn Quốc ngày 12/12 đã công bố dự thảo khuyến nghị cải cách thị trường lao động. Hội đồng này là một tổ chức gồm các chuyên gia, được Chính phủ lập ra vào tháng 7 năm nay nhằm thảo luận về phương án cải cách chế độ thời gian làm việc và hệ thống tiền lương, những bài toán mà Chính phủ Tổng thống Yoon Suk-yeol đang xúc tiến.


Thời gian làm việc

Về vấn đề thời gian làm việc, Hội đồng nghiên cứu thị trường tương lai đề xuất rút ngắn thời gian làm việc trên cơ sở là sự lựa chọn, tự quyết của doanh nghiệp và người lao động. Hội đồng đề xuất Chính phủ đa dạng hóa cách quản lý thời gian làm thêm giờ theo đơn vị “tháng, quý, 6 tháng, năm” thay vì theo đơn vị “tuần” như hiện nay, nhằm mở rộng quyền lựa chọn cho doanh nghiệp và người lao động. Theo chế độ tuần làm việc tối đa 52 giờ hiện hành, ngoài 40 giờ làm việc cơ bản thì người lao động được phép làm thêm tối đa 12 tiếng một tuần. Tuy nhiên, Hội đồng cho rằng nếu đơn vị áp dụng số tiếng làm thêm giờ càng dài thì phải giảm tổng thời gian làm thêm giờ. Cụ thể theo tháng là 52 tiếng/tháng, theo quý là 140 tiếng/quý, tức bằng 90% nếu tính theo tháng; 6 tháng sẽ là 250 tiếng, tức bằng 80% nếu tính theo tháng; và theo năm là 440 tiếng/năm, tức bằng 70% nếu tính theo tháng. Ngoài ra, Hội đồng nghiên cứu khuyến nghị mở rộng áp dụng chế độ cho phép người lao động lựa chọn thời gian làm việc linh hoạt “trong vòng ba tháng” thay vì dừng lại ở “một tháng” như hiện nay, áp dụng với tất cả các ngành nghề. Theo Luật tiêu chuẩn lao động hiện hành, người lao động có thể tự do điều chỉnh thời gian làm việc trong vòng một tháng, miễn sao đảm bảo không vượt quá bình quân 52 tiếng làm việc một tuần. Tuy nhiên, luật bị chỉ ra là chưa quy định đối tượng rõ ràng, và việc chỉ áp dụng trong vòng một tháng làm giảm đi tính hiệu quả.


Hệ thống tiền lương

Hội đồng nghiên cứu thị trường lao động tương lai đề xuất chuyển đổi hệ thống tiền lương tính theo thâm niên như hiện nay sang hệ thống trả lương theo chức vụ, thành tích công việc. Hội đồng khuyến nghị Chính phủ xây dựng một hệ thống tiền lương công bằng cho những người lao động hợp đồng ngắn hạn và người lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những nơi vốn không có hệ thống tiền lương rõ ràng. Chính phủ phải mở rộng tư vấn cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn và quy trình đánh giá thành tích công việc, phát triển và phổ biến các công cụ đánh giá, để người lao động có thể được đánh giá một cách công bằng về hiệu quả công việc và được trả lương thưởng xứng đáng.


Ngoài ra, Chính phủ cũng cần sửa đổi chế độ, pháp lý để duy trì sự hài hòa giữa việc kéo dài tuyển dụng người lao động cao tuổi và tạo việc làm mới cho thanh niên. Hội đồng nghiên cứu cũng đề xuất Chính phủ tăng cường giám sát lao động để ngăn chặn các trường hợp lạm dụng hệ thống “tiền lương toàn diện” (bao gồm luôn lương cơ bản và các loại trợ cấp, thưởng cho người lao động ngay từ lúc ký hợp đồng). Đồng thời, Chính phủ cũng cần xem xét lập ra một cơ quan hành chính chuyên môn về thống kê lao động, để các doanh nghiệp có thể tham khảo, lập ra hệ thống tiền lương công bằng; cải thiện chế độ lương cơ bản, trợ cấp nghỉ hưởng lương.


Khởi động cải cách lao động

Các nội dung khuyến nghị trên đã được Hội đồng nghiên cứu thảo luận trong vòng 5 tháng, kể từ sau khi ra mắt vào ngày 18/7 năm nay. Đây có thể coi là khung phác thảo về cải cách lao động của Chính phủ Tổng thống Yoon Suk-yeol. Một ngày sau khi Hội đồng nghiên cứu công bố dự thảo khuyến nghị, Tổng thống Yoon Suk-yeol ngày 13/12 cho biết Chính phủ sẽ sớm đưa ra lập trường chính thức sau khi xem xét các nội dung khuyến nghị, xúc tiến cải cách lao động để bảo vệ những người lao động yếu thế trong xã hội Hàn Quốc. Bộ trưởng Tuyển dụng và lao động Lee Jung-sik cũng phát biểu Chính phủ sẽ chính thức cải cách vì thị trường lao động, quan hệ lao động bền vững, hướng tới tương lai.


Việc cải cách lao động luôn là một vấn đề nhạy cảm do có liên quan trực tiếp tới đời sống người dân. Giới lao động ngay lập tức đã chỉ trích mạnh mẽ dự thảo khuyến nghị của Hội đồng nghiên cứu thị trường lao động tương lai sẽ càng khiến thời gian làm việc của họ dài hơn, lương thì bị cắt giảm, yêu cầu Hội đồng xem xét lại toàn diện các nội dung khuyến nghị. Các tổ chức kinh tế lớn trong nước thì bày tỏ hoan nghênh, đồng tình về phương hướng cải cách, nhưng đồng thời cho rằng một số nội dung cần được bổ sung, hoàn thiện.


Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã dập tắt cuộc đình công của Công đoàn vận tải hàng hóa bằng các biện pháp đối phó cứng rắn như hai lần ban lệnh cưỡng chế người lao động quay trở lại làm việc. Theo đó, việc Chính phủ xúc tiến cải cách lao động lần này dự kiến sẽ không tránh khỏi gây ra xung đột một lần nữa với giới lao động.

Lựa chọn của ban biên tập