Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Phương hướng chính sách kinh tế Hàn Quốc năm 2023

2022-12-24

Tin tức

ⓒYONHAP NewsChính phủ Hàn Quốc ngày 21/12 đã công bố “Phương hướng chính sách kinh tế năm 2023”, trong đó đề ra phương án khắc phục khủng hoảng, nâng cao sức sống cho khối tư nhân, trong bối cảnh tình hình kinh tế năm sau được dự báo sẽ tiếp tục rơi vào khó khăn nghiêm trọng.


Dự báo kinh tế 2023

Chính phủ đưa ra dự báo hết sức u ám về kinh tế năm 2023. Do sự co hẹp của nền kinh tế toàn cầu, các điều kiện bên ngoài sẽ ngày càng xấu hơn, tác động tiêu cực tới nền kinh tế thực của Hàn Quốc, đời sống dân sinh cũng vì thế mà chật vật hơn. Chính phủ dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm sau là 1,6%, thấp hơn dự báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) từng công bố là 1,8%, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cho rằng là 1,7%, Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) là 1,8%.


Các chỉ số chính khác cũng hết sức ảm đạm. Xuất khẩu, trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc, được Chính phủ dự báo sẽ giảm 4,5% vào năm sau, ảnh hưởng từ tình hình thương mại toàn cầu nói chung và ngành công nghiệp chíp bán dẫn nói riêng bị co hẹp. Nếu đúng như dự báo của Chính phủ, thì xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ lần đầu giảm sau ba năm, sau lần giảm 5,5% vào năm 2020. Chính phủ dự báo tiêu dùng tư nhân sẽ tăng 2,5%, thấp hơn mức tăng năm nay (4,6%), ảnh hưởng từ gánh nặng lãi suất tăng, tuyển dụng khó khăn, giá tài sản giảm. Đầu tư thiết bị được dự báo giảm 2,8%, đầu tư xây dựng giảm 0,4%. Lao động có việc làm được dự báo tăng 100.000 người trong năm sau, thấp hơn hẳn so với mức tăng 810.000 người trong năm nay. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát năm sau được dự báo ở mức 3,5%, thấp hơn so với mức là 5,1% của năm nay.


Phương hướng chính sách kinh tế

Trước tình hình kinh tế đóng băng như hiện nay, từ khóa mà Chính phủ Hàn Quốc đưa ra chính là “nâng cao sức sống cho khối tư nhân”. Kể từ sau khi ra mắt, Chính phủ Tổng thống Yoon Suk-yeol theo đuổi nền kinh tế do khối tư nhân đóng vai trò chủ đạo, hơn là Chính phủ trực tiếp can thiệp bằng tài chính. Trong năm sau, Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì đường lối này, đồng thời giảm nhẹ quy chế, giảm thuế, hỗ trợ tài chính để tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hoạt động kinh tế ở khối tư nhân, từ đó ổn định thị trường, hồi phục xuất khẩu, tăng đầu tư.


Bên cạnh đó, Chính phủ đang lên kế hoạch nới lỏng nhiều loại quy chế nhằm tạo ra cú “hạ cánh mềm” cho thị trường bất động sản, được dự báo sẽ co hẹp trong năm sau. Một số phương án mà Chính phủ sẽ xúc tiến là nới lỏng thuế bất động sản với người sở hữu nhiều nhà ở và thuế chuyển nhượng bất động sản, cho phép vay thế chấp tối đa 30% giá trị nhà ở, khôi phục thuế chuyển nhượng ngắn hạn về tương tự thời điểm trước năm 2020.


Để hỗ trợ xuất khẩu trong năm sau, Chính phủ sẽ rót 360.000 tỷ won (281,9 tỷ USD) nguồn vốn vay ngắn hạn cho doanh nghiệp xuất khẩu, nâng mức khấu trừ thuế đầu tư lên 10% trong trường hợp doanh nghiệp tăng quy mô đầu tư trong năm 2023. Ngoài ra, Chính phủ cũng đề ra phương án phục hồi kinh tế dân sinh khác như hạ thuế xăng dầu, gia hạn miễn giảm thuế với các mặt hàng nông thủy sản và chăn nuôi, nâng tỷ lệ khấu trừ thu nhập với các khoản như chi phí giao thông công cộng hay lãi suất vay thế chấp nhà của người dân.


Đánh giá và triển vọng

Tình trạng kinh tế đóng băng trong năm sau là hiện tượng chung trên toàn thế giới, nên khó có thể khắc phục chỉ bằng nguồn lực chính sách trong nước. Mặc dù vậy, một số ý kiến vẫn chỉ trích rằng phương hướng chính sách kinh tế mà Chính phủ vừa công bố còn thiếu đối sách về hỗ trợ tầng lớp yếu thế và vực dậy tiêu thụ nội địa; Chính phủ phải tích cực triển khai các chính sách tài chính hơn nữa. Điều quan trọng hơn cả là nhiều đối sách mà Chính phủ đưa ra sẽ phải trải qua quy trình lập pháp tại Quốc hội, nên quá trình xúc tiến sẽ có thể vấp phải nhiều khó khăn do đảng đối lập lại đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Lựa chọn của ban biên tập