Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về kinh nghiệm khi học tập và sinh hoạt tại trường đại học ở Hàn Quốc và một số thay đổi trong cuộc thi Năng lực tiếng Hàn dành cho người nước ngoài (TOPIK)

2014-02-02

Question 1
Câu hỏi 1 :
Chào chương trình, tháng ba tới, mình sẽ sang Hàn Quốc để bắt đầu nhập học và theo đuổi chuyên ngành mình mơ ước từ lâu là Quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui sướng, tự hào, thú thực là mình cũng rất lo lắng vì không biết có thể thích nghi với cuộc sống ở trường Đại học và có thể theo kịp được các chương trình học tập cùng với các bạn sinh viên người Hàn Quốc không. Chương trình có thể chia sẻ cho mình vài kinh nghiệm khi học tập và sinh hoạt tại trường học Hàn Quốc không?


Answer 1
Trả lời 1:
KBS World Radio xin chia sẻ với các quý vị thính giả thông tin về sinh hoạt tại trường đại học Hàn Quốc.

Khác với hệ thống giáo dục ở Việt Nam, năm học ở Hàn Quốc bắt đầu từ tháng ba, kì nghỉ hè diễn ra vào tháng 7, tháng 8. Học kì hai bắt đầu vào tháng 9 và kéo dài cho đến hết tháng 12, tiếp đó là kì nghỉ thứ hai hay còn gọi là kì nghỉ đông kéo dài cho đến hết tháng 2. Chương trình đào tạo đối với hệ đại học chính quy ở Hàn Quốc thường kéo dài trong bốn năm, các trường dạy nghề là từ hai đến ba năm. Về thời gian biểu và chế độ thi cử, mỗi trường có một chế độ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, các tiết học chính quy ở trường đại học diễn ra từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi tiết học kéo dài 50 phút, nghỉ giải lao giữa các tiết 10 phút, tiết đầu tiên bắt đầu lúc 9 giờ sáng và tiết cuối cùng kết thúc lúc 6 giờ chiều. Hệ cao học có thể có các tiết học buổi tối hoặc cuối tuần tùy theo yêu cầu của mỗi môn học.

Cũng giống như ở Việt Nam, các trường đại học ở Hàn Quốc rất nghiêm ngặt trong việc đánh giá điểm chuyên cần, mà cụ thể là hoạt động điểm danh. Hiện nay, cũng có một số trường đại học áp dụng phương thức quản lý kiểu mới được gọi là “lớp học thông minh”, quản lý sĩ số sinh viên bằng máy quẹt thẻ sinh viên trước cửa lớp học hay ghế điện tử nhận diện sinh viên. Mỗi kỳ học thường sẽ có hai kỳ thi, thi giữa kỳ và thi cuối kỳ. Kết quả đánh giá cuối cùng sẽ là tổng điểm của hai kỳ thi này cộng với điểm chuyên cần, điểm đánh giá các bài tập cá nhân và bài tập nhóm mà sinh viên thực hiện trong suốt kỳ học.

Các trường đại học ở Hàn Quốc không áp dụng thang điểm 10 như ở Việt Nam mà là thang điểm 100 với các mức đánh giá như mức điểm cao nhất là A+ tương đương với 95-100 điểm, mức điểm thấp nhất là F tương đương với số điểm từ 59 điểm trở xuống. Các bạn có thể tính số điểm trung bình trong cả học kỳ bằng cách cộng tổng các điểm số và chia cho số học trình (신청학점). Là học sinh, sinh viên thì điều quan trọng nhất bao giờ cũng là thành tích học tập, đúng không ạ? Vì vậy, việc xác định cho mình thái độ học tập nghiêm túc và mục tiêu phấn đấu rõ ràng sẽ giúp cho việc học tập tại trường học của bạn có ý nghĩa và hiệu quả hơn.

Ngoài các giờ học thì việc tìm hiểu xã hội và tham gia các hoạt động ngoại khóa tại trường học cũng là những trải nghiệm rất bổ ích cho sinh viên. Để tìm hiểu tổng quát về ngôi trường mình đang học, ngoài việc chăm chỉ đọc thông tin trên trang web của trường, các bạn cũng đừng quên tham dự các buổi Hướng dẫn nhập học (Orientation). Đây chính là cơ hội để bạn gặp gỡ những người quản lý nhà trường cũng như bạn bè cùng khóa với mình. Ngoài ra, vì là một sinh viên nước ngoài nên bạn cũng cần tìm hiểu thông tin về Phòng quan hệ quốc tế, nơi sẽ quản lý và tổ chức các hoạt động dành cho sinh viên quốc tế. Bạn có thể đến trực tiếp hoặc đăng ký địa chỉ email của mình qua trang web để có thể cập nhật các thông tin mới từ Phòng quan hệ quốc tế của trường.

Cuộc sống sinh viên sẽ mất đi rất nhiều nét thú vị khi thiếu đi những người bạn. Bạn hãy chủ động tìm cơ hội kết bạn thông qua các hoạt động ngoại khóa của trường hoặc bạn cũng có thể tham gia một câu lạc bộ (동아리) để vừa thoả mãn sở thích cá nhân, vừa làm quen với những người bạn mới. Có rất nhiều trường đại học tại Hàn Quốc quan tâm tới sinh viên quốc tế bằng việc tổ chức các chương trình đăng ký Mentor - Mentee (Người đi trước giúp đỡ thế hệ đi sau) hay Doumi (도우미, Người giúp đỡ). Khi tham gia các chương trình này, các bạn sẽ được nhà trường giới thiệu kết bạn với một người bạn Hàn Quốc nhiệt tình và nhiều kinh nghiệm. Chắc chắn, khi tham gia những chương trình như thế này, trình độ tiếng Hàn cũng như những hiểu biết về Hàn Quốc của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.

Một trong những dịp mà các bạn sinh viên ở Hàn Quốc rất đón chờ là MT. MT là viết tắt của Membership Training. Đây chính là dịp sinh viên toàn khoa tham gia hoạt động ngoại khoá. Thực ra đó là cơ hội để các bạn sinh viên được đi du lịch ra xa khỏi ngoại thành, tổ chức các trò chơi, thi đấu thể thao... để có cơ hội tìm hiểu và thân thiết với nhau hơn. Đây là dịp để các bạn hòa mình vào không khí tập thể và tìm hiểu về tâm tư, tình cảm của giới trẻ Hàn Quốc.

Ngoài ra, nếu thấy chương trình học trên lớp quá khó và không thể tự mình theo kịp với tiến độ chung, bạn cũng có thể đề nghị với Văn phòng khoa hay giáo sư giới thiệu cho mình một Nhóm học tập (Study Group) để bổ sung và hoàn thiện các kiến thức hổng. Điều quan trọng nhất là khi gặp khó khăn, vướng mắc, thay vì việc im lặng, tìm cách tháo gỡ một mình, các bạn hãy mở lòng và yêu cầu sự giúp đỡ từ xung quanh.

Trường học thường được ví như một xã hội thu nhỏ, là nơi huấn luyện để chúng ta bước ra bể lớn là trường đời. Việc phải sinh hoạt, học tập trong một môi trường mới, văn hoá mới với một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của mình chắc chắn sẽ khiến bạn Linh gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Nhưng chúng tôi mong bạn cũng như các quý vị thính giả khác còn đang ngồi trên ghế nhà trường hãy tin rằng "có công mài sắt, có ngày nên kim". Nếu luôn nỗ lực cho những giấc mơ mình theo đuổi, thì chắc chắn những năm tháng học tập tại trường đại học sẽ là khoảng thời gian có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của các bạn.


Question 2
Câu hỏi 2 :
Chào các anh chị biên tập trong chương trình tiếng Việt của đài KBS. Hiện nay em đang học tiếng Hàn tại thành phố Gwangju và trong năm 2013 vừa rồi, em đã đạt cấp 3 trong cuộc thi Năng lực tiếng Hàn dành cho người nước ngoài (TOPIK). Em đang ôn tập và chuẩn bị để có thể đạt mức cao hơn trong kỳ thi tiếp theo. Nhưng em nghe nói từ năm 2014, cuộc thi Năng lực tiếng Hàn dành cho người nước ngoài sẽ thay đổi về chế độ tổ chức, đánh giá... Mong chương trình hãy hướng dẫn cho mình về các nội dung thay đổi và thời gian áp dụng những thay đổi này nhé.


Answer 2
Trả lời 2:
Cuộc thi năng lực tiếng Hàn mà bạn nhắc đến thường được mọi người biết đến với tên viết tắt là TOPIK tức Test of Proficiency in Korean hay tên tiếng Hàn là TOPIK (한국어능력시험). Tên gọi này được dùng để phân biệt với cuộc thi do đài phát thanh và truyền hình KBS tổ chức, 한국어능력시험, là cuộc thi năng lực tiếng Hàn dành cho đối tượng là người Hàn Quốc.

Hiện nay cuộc thi này được thực hiện ở 177 khu vực tại 62 quốc gia trên toàn thế giới. Kết quả đánh giá năng lực sử dụng tiếng Hàn sẽ được sử dụng khi đi xin việc và đi du học tại các trường đại học tại Hàn Quốc. Hiện cuộc thi này được thực hiện bốn lần một năm tại 20 khu vực ở Hàn Quốc, 177 khu vực tại các quốc gia. Trước đây, cuộc thi năng lực tiếng Hàn TOPIK được phân loại thành Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp với sáu cấp đánh giá (từ cấp 1 đến cấp 6) và đánh giá năng lực thí sinh trên bốn lĩnh vực: Từ vựng - ngữ pháp, Viết, Nghe, Đọc. Mỗi lĩnh vực này có thang điểm 100 và điểm tối đa cho mỗi kỳ thi là 400 điểm. Có hai hình thức câu hỏi thi: câu hỏi khách quan (dạng tự chọn) và câu hỏi chủ quan (dạng tự viết). Trong lĩnh vực viết, thí sinh còn phải viết một bài luận với yêu cầu về giới hạn ký tự: sơ cấp 150-300 ký tự, trung cấp 400-600 ký tự, cao cấp 700-800 ký tự.

Bắt đầu từ kỳ thi lần thứ 35, tiến hành vào ngày 20 tháng 7 năm 2014 tới đây, cuộc thi năng lực tiếng Hàn TOPIK sẽ bỏ lĩnh vực Từ vựng-Ngữ pháp. Viện quốc gia giáo dục quốc tế cho biết, việc đánh giá cấp bậc sẽ được phân loại thành TOPIK I (cấp 1-2) và TOPIK II (cấp 3-6). Số lượng các câu hỏi trong đề thi cũng được giảm xuống, TOPIK I có số câu hỏi trong đề thi Đọc là 40 câu, đề thi Nghe là 30 câu. TOPIK II có số câu hỏi trong đề thi Đọc là 50 câu, đề thi Nghe là 50 câu. Đề thi Viết chỉ dành riêng cho TOPIK II sẽ có bốn câu trong đó các câu 1-2 yêu cầu thí sinh điền cụm từ hay câu văn thích hợp vào chỗ trống cho phù hợp với mạch của toàn bộ đoạn văn. Các câu 3-4 là bài luận thể hiện tính logic và năng lực ngữ pháp của thí sinh dựa trên các chủ đề liên quan đến cuộc sống nói chung.

Thang điểm chấm cho TOPIK I cũng được điều chỉnh là 200 điểm và thang điểm cho TOPIK II là 300 điểm. Đồng thời, cuộc thi mới cũng sẽ bãi bỏ chế độ điểm liệt cho từng môn như trước đây. Thời gian thi của TOPIK I là 100 phút, TOPIK II là 180 phút. Với những thay đổi đơn giản hóa trong nội dung câu hỏi cũng như phân loại đánh giá, Viện quốc gia giáo dục quốc tế Hàn Quốc hy vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học tiếng Hàn trên toàn thế giới khi cần có chứng chỉ tiếng Hàn lúc cần thiết. Cùng với sự lan tỏa của làn sóng Hallyu trên khắp thế giới, số lượng du học sinh và những người học tiếng Hàn nói chung cũng ngày một tăng lên. Việc thay đổi trong phương thức tổ chức cuộc thi này sẽ khuyến khích du học sinh cũng như người học tiếng Hàn tự tin đăng ký tham gia cuộc thi hơn.

Lựa chọn của ban biên tập