Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về món rong biển Kim và giới thiệu về Bảo tàng chiến tranh Hàn Quốc.

2014-02-16

Question 1
Câu hỏi 1 :
Mình là một bà mẹ trẻ, đã sang sinh sống tại Hàn Quốc được gần hai năm. Thật may mắn là trong quá trình sinh sống ở đây, mình rất hợp với đồ ăn cũng như khí hậu tại Hàn Quốc nên cũng thích nghi khá nhanh với môi trường mới. Đặc biệt, trong những món ăn phụ giản tiện, ngon miệng tại xứ sở Kim Chi, mình thích nhất là lá Kim (김). Ngoài việc mua về ăn kèm cơm trong các bữa ăn, mình cũng thường xuyên gửi về Việt Nam cho gia đình và mọi người ở nhà đều tấm tắc khen ngon. Mình muốn nhờ chương trình giúp mình tìm hiểu sâu hơn về loại đồ ăn này, ví dụ như nguồn gốc, chủng loại, tác dụng...


Answer 1
Trả lời 1:
Đúng như chị chia sẻ, ở Hàn Quốc, lá Kim cũng là một trong những món ăn được mọi người ưa thích và thường xuyên xuất hiện trên mâm cơm của người Hàn. Có câu nói vui là "Thứ nhất Kimchi, thứ nhì Kimbap" -Kimbap (김밥) là món cơm cuộn rong biển, trong đó "Kim" (김) chính là để chỉ lá rong biển cuốn bên ngoài cơm và các nguyên liệu khác. Không chỉ là món ăn phổ biến và có sức tiêu thụ lớn trong nước, Kim cũng là loại đồ ăn khô có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Tuy nhiên, phải tới năm 2010, Hàn Quốc mới chính thức tập trung xuất khẩu Kim và cũng trong năm đó, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này đã đạt 100 triệu won (tương đương 90.000 USD). Điều này cho thấy, Kim có một thị trường tiêu thụ rất lớn và không chỉ hợp với khẩu vị của người châu Á mà còn được cả thế giới đón nhận. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn Phương cũng như các quý vị thính giả về nguồn gốc xuất xứ cũng như tính năng và các chủng loại của lá Kim.

Hiện nay khi dịch sang tiếng Việt, cả Kim (김) và Miyeok (미역) đều được gọi là "rong biển". Nhưng trên thực tế, nguồn gốc, tên gọi và hình thái của hai loại này là hoàn toàn khác nhau. Kim là loài tảo biển thuộc ngành 보라털과 [Bangiaceae], thân dài từ 14-25 cm, tua dài 5-12cm và mọc ký sinh trên đá ngầm dưới đáy biển giống như một loài rêu. Kim có hình ô van dài và có nếp gấp ở mép gờ, phần thân trên có màu nâu sẫm và phần thân dưới có màu xanh lục.

Trong khi đó Miyeok thuộc ngành Tảo biển có cánh (미역과, Alariaceae), thân dài từ 1-2 m và chiều rộng có thể lên tới 50cm. Những lá Miyeok đan vào nhau tạo thành những tán rộng, trông giống như hình tổ tò vò. Thân Miyeok cũng bám vào đá để phát triển, những lá tảo gắn liền với thân chủ tại những "điểm sinh trưởng" và có thể tái sinh tại những điểm này. Do có thân và lá to nên rong biển Miyeok được phơi khô và dùng như một loại rau để nấu canh. Còn rong biển Kim có hình dạng lá mỏng, mềm, dễ dàng phơi khô thành tấm và được gọi là “giấy đen.”

Còn một loại rong biển mà nếu các quý vị thính giả hay đi chợ và nấu món ăn Hàn Quốc thì chắc chắn sẽ gặp thường xuyên, là tảo bẹ Dasima (다시마). Đây là một loài rong lá có tên khoa học là Laminaria, dài từ 1,5 – 3,5m, rộng từ 25-40cm và có rễ, thân, lá phân biệt rõ ràng. Tảo bẹ Dasima có tuổi sinh trưởng là bốn năm. Tại Hàn Quốc, tảo bẹ Dasima được dùng nhiều để nấu nước dùng hoặc ở một số vùng, người ta luộc Dasima như rau để quấn ăn cùng cơm hoặc gói sushi.

Việc trồng rong biển bắt đầu tại Hàn Quốc vào đầu thế kỷ 17. Có khoảng 500 triệu tấm rong biển đã được sản xuất hàng năm vào đầu thế kỷ 20. Ngày nay, với sự tham gia của công nghệ tiên tiến trong việc nuôi trồng rong biển, mỗi năm có khoảng 10 tỷ tấn rong biển được sản xuất. Rong biển Kim sau khi phơi khô sẽ được sấy, gia công, tẩm gia vị để trở thành món ăn sẵn mà chúng ta thường gọi là Kim. Ngoài dạng tấm, rong biển có thể được nén và bán dưới dạng bánh hay dưới dạng miếng với hương vị sẵn có giống như một loại snack.

Rong biển có chứa 40% protein và tất cả tám loại axít amin thiết yếu. Đồng thời, rong biển chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất, có hàm lượng calo, muối và đường thấp, không có gluten và là một phần của chế độ ăn uống nhiều chất xơ. Do không có cholesterol và không sử dụng hương vị nhân tạo, chất tạo màu hoặc chất bảo quản trong quá trình sản xuất rong biển nên đây là loại thực phẩm bổ dưỡng bổ sung đủ chất cho chế độ ăn uống của chúng ta kể cả khi đang trong quá trình giảm cân. Theo các nhà khoa học phân tích, rong biển tẩm gia vị chỉ chứa một phần tư lượng calo và một phần ba hàm lượng natri có trong khẩu phần của 100 gram khoai tây chiên.

Đặc biệt, thành phần quan trọng nhất có trong rong biển là fertile clement. Đây là chất có tác dụng điều tiết máu lưu thông, tiêu độc, loại bỏ các cặn bã trong cơ thể. Thêm vào đó, nó còn là chất không thể thiếu của tuyến giáp trạng, nơi tiết ra hoóc-môn sinh trưởng, giúp cơ thể phát triển. Chính vì lẽ đó mà phụ nữ có thai và trẻ em được khuyến khích ăn các thực phẩm làm từ rong biển.

Rong biển không tẩm gia vị sẽ được sấy khô hoặc nướng rất nhanh trên lửa. Loại này thường được sử dụng để cuộn cơm làm món ăn phụ hoặc cuốn sushi. Người ta có thể chế biến rong biển truyền thống bằng cách trộn với các loại gia vị như dầu vừng, muối và có thể là một chút nước tương rồi sau đó nướng lên. Có thể dùng rong biển như một món ăn nhẹ, uống với rượu hoặc sử dụng làm món ăn kèm với cơm. Cũng có thể tán rong biển thành bột để rắc và ăn cùng cơm.

Chúng ta cũng có thể cắt tấm rong biển tươi thành miếng nhỏ rồi chiên trong dầu và nêm thêm muối, đường, nước sốt và gia vị tùy thuộc vào khẩu vị. Đây là một nguyên liệu hoàn hảo để rắc lên món bibimbap là cơm trộn với các loại rau, thịt và nước sốt. Thậm chí, rong biển còn trở thành một món ăn nhẹ hay món nhậu. Để làm món này, bạn chỉ cần quệt hồ gạo nếp lên một tấm rong biển khô và để khô. Sau khi khô, tấm rong biển được phủ hồ gạo nếp sẽ được chiên giòn. Đây là một phương pháp làm món ăn nhẹ thú vị, giống với khoai tây chiên của Mĩ.


Question 2
Câu hỏi 2 :
Sắp tới ba mình sẽ sang Hàn Quốc để tranh thủ công tác và có ở lại với mình khoảng một, hai ngày tại Seoul. Mình muốn dẫn ba đi chơi một vài địa điểm nổi tiếng ở Seoul, nhưng ngoài phong cảnh đẹp thì mình cũng muốn giới thiệu cho ba một vài di tích lịch sử vì ba mình là quân nhân nên rất quan đến lĩnh vực này. KBS có thể tư vấn cho mình một địa điểm phù hợp với dự định trên của mình hay không?


Answer 2
Trả lời 2:
Chúng tôi xin giới thiệu tới bạn cũng như tất cả các quý vị thính giả có quan tâm tới lịch sử và văn hóa Hàn Quốc một địa điểm vô cùng bổ ích là Bảo tàng chiến tranh Hàn Quốc (한국전쟁기념관).

Nhắc đến bảo tàng về chiến tranh, ở Việt Nam có hai bảo tàng là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng lịch sử quân đội Việt Nam tại Hà Nội. Đây là hai bảo tàng chuyên nghiên cứu, sưu tầm và lưu trữ, bảo quản những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về những chứng tính, tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm chiếm đã gây ra đối với Việt Nam.

Bảo tàng chiến tranh Hàn Quốc (한국전쟁기념관) được chính thức thành lập vào ngày 6/10/1994. Ngay từ khi bước vào cửa bảo tàng, khách thăm quan sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp khối kiến trúc cao lừng lững nằm ngay trước quảng trường Hòa bình. Khối kiến trúc này được tạo ra để kỉ niệm 50 năm cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Khối kiến trúc bao gồm hai nửa là thanh gươm đồng màu xanh và cây sinh mệnh được ghép thành khối trụ vươn thẳng lên trời cao, hai bên tạc đoàn người theo kích thước thật gồm có quân đội, lính đồng minh, thanh niên xung phong, du kích, học sinh sinh viên, dân tị nạn... Một kiến trúc ngoài trời khác cũng đem lại xúc động cho người xem là Tượng Anh em tái hiện cảnh người anh là chiến sĩ Hàn Quốc gặp và ôm người em là lính Bắc Triều Tiên giữa chiến trường trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Những khối kiến trúc này đã thể hiện được sức ảnh hưởng lớn của cuộc chiến tranh Triều Tiên đối với lịch sử và đời sống văn hóa, tinh thần của cả dân tộc Hàn Quốc. Những khối điêu khắc tô đậm nét bi thương, hào hùng và cả khát vọng về một tương lai hòa bình, thống nhất của nhân dân Hàn Quốc.

Bước qua khu vực quảng trường có 21 lá cờ, tượng trưng cho 21 quốc gia tình nguyện hỗ trợ Hàn Quốc trong chiến tranh, người xem chính thức bước vào khu vực thăm quan chính của bảo tàng. Bảo tàng được phân thành hai khu: khu triển lãm trong nhà và khu triển lãm ngoài trời với tổng cộng 9.000 hiện vật. Khu triển lãm trong nhà gồm Phòng tưởng nhớ các nước đồng minh, Phòng lịch sử chiến tranh, Phòng chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Phòng triển lãm về quân đội Hàn Quốc tại nước ngoài, Phòng triển lãm về lịch sử phát triển của quân đội Hàn Quốc, Phòng triển lãm các trang bị liên quan đến chiến tranh. Các phòng trưng bày được sắp đặt theo dòng lịch sử chiến tranh, từ thời Thời đại Tam Quốc trên bán đảo Hàn Quốc với Cao Câu Ly (고구려), Bách Tế (백제) và Tân La (신라), cho đến chiến tranh hiện đại với sự tham gia của quân đồng minh.

Đặc biệt, thăm Bảo tàng chiến tranh Hàn Quốc là cơ hội tìm hiểu bổ ích cho những ai có quan tâm đến chiến tranh Triều Tiên (1950~1953). Bởi tại đây, các bạn có thể tìm hiểu một cách trực quan, dễ hiểu qua các hiện vật, triển lãm 3D, 4D từ nguyên nhân nảy sinh cho đến toàn bộ quá trình diễn ra cũng như những hậu quả mà cuộc chiến này gây ra.

Khu triển lãm ngoài trời trưng bày các phương tiện di chuyển, vận chuyển trong quân đội cũng như các vũ khí được sử dụng trong các cuộc chiến tranh tại Hàn Quốc. Nối liền với khu triển lãm vũ khí còn có khu bia tưởng niệm, ghi tên các liệt sĩ Hàn Quốc và những chiến sĩ của các nước đồng minh đã hy sinh tại Hàn Quốc. Ngoài hoạt động thăm quan, người xem có thể được ngồi trong máy bay hay chiến hạm để trải nghiệm tình huống chiến đấu qua màn hình 3D. Ngoài khu thăm quan chính, để phục vụ cho hoạt động thăm quan, nghỉ ngơi và vui chơi của khách, bảo tàng còn có ba quán cà phê, phòng cho bà mẹ và trẻ em, cửa hàng lưu niệm, nhà ăn và hội trường tổ chức đám cưới.

Chế độ miễn phí vé vào cửa Bảo tàng chiến tranh Hàn Quốc được áp dụng từ năm 2010 (trừ những dịp có chương trình triển lãm đặc biệt). Bảo tàng mở cửa 09 h 00 đến 17 h 30 vào tất cả các ngày trong tuần, trừ Chủ nhật. Địa chỉ chính xác của bảo tàng là 29 đường Itaewon (Itaewon-no), quận Yongsan (Yongsan-gu), Seoul 140-021; Điện thoại tư vấn: 02-709-3139. Nếu đi bằng tàu điện ngầm, các bạn có thể đi tuyến số 6 đến ga Samgakji (삼각지역) và ra cửa số 1,11,12 hoặc đi tuyến số 1 đến ga Namyeong (남영역), ra cửa số 1. Sau khi ra các cửa trên, các bạn chỉ cần đi bộ từ 5-10 phút là sẽ đến Bảo tàng chiến tranh Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập