Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về hướng dẫn phân loại rác thải và hệ thống địa chỉ mới tại Hàn Quốc

2014-03-09

Question 1
Câu hỏi 1 :
"Chào các anh chi biên tập ban tiếng Việt của đài KBS. Em mới sang làm dâu Hàn Quốc được ba tháng và còn gặp rất nhiều khó khăn. Những sinh hoạt hàng ngày như việc đổ rác cũng khiến em bỡ ngỡ và lúng túng. Có lần, bác bảo vệ trong chung cư đã lên nhắc em vì đổ chung tất cả các loại rác vào một chỗ. Em thấy ở chung cư có để rất nhiều thùng đổ rác, nhưng không biết phải phân loại và đổ rác như thế nào. Mong được ban biên tập giúp đỡ."


Answer 1
Trả lời 1:
Câu hỏi của bạn đã đề cập đến một vấn đề vô cùng thiết thực và quan trọng không chỉ ở Hàn Quốc mà với tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Sự gia tăng nhanh của dân số, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, y tế đã để lại hậu quả là môi trường sinh thái ngày càng bị hủy hoại nghiêm trọng. Việc đổ rác và phân loại rác đúng quy cách, tận dụng nguồn rác tái chế từ lâu đã được các nước phát triển quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, rất nhiều quốc gia đang phát triển tại châu Á hay châu Phi lại chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Thực ra, dù chương trình phân loại rác chưa được phổ biến thì từ xa xưa, người dân Việt Nam cũng đã có ý thức chia các loại rác như giấy, nilon, thủy tinh, kim loại để bán "đồng nát" hoặc cho những người đi thu mua phế liệu. Đó chính là hình thức phân loại rác.

Từ ý thức thu gom rác để tái chế của người dân, nếu trên đường phố và những nơi công cộng đều có những thùng phân loại rác thì có lẽ người dân sẽ dần dần có thói quen phân loại rác ở nơi công cộng. Nhưng tiếc thay, hiện nay ở những nơi có thùng rác công cộng, người ta thường thấy có mỗi một thùng, nên người dân bỏ lẫn lộn tất cả các loại rác vào đó. Đến Hàn Quốc, đi trên đường phố hay nơi công cộng như công viên, quảng trường, nhà ga, bến xe, sân bay, tại các trường học, cơ quan, bệnh viện...các bạn sẽ thấy luôn có các thùng rác riêng biệt: rác thông thường (일반쓰레기), nhựa (플라스틱), kim loại (철류), giấy (종이류), thủy tinh (유리류)... Không chỉ phân loại đổ rác nơi công cộng, Hàn Quốc là một trong nhiều quốc gia đã thực hiện chương trình phân loại rác tại gia đình (tức phân loại rác từ nguồn) từ nhiều năm nay. Chương trình giảm tổng lượng rác thải của Hàn Quốc được bắt đầu thí điểm từ tháng 4.1994 tại một số khu vực và được thực hiện trên toàn quốc từ ngày 01.01.1995.

Thay vì việc trả phí thu gom rác hàng tháng, người dân sẽ tự trả tiền đổ rác bằng cách mua các túi đổ rác. Vì càng đổ rác nhiều sẽ càng tốn nhiều túi rác nên người dân sẽ có ý thức tiết kiệm, không bỏ thừa thức ăn, tránh lãng phí trong sinh hoạt gia đình. Và như vậy, nhà nước hoặc công ty vệ sinh đô thị sẽ giảm được đáng kể chi phí cho việc xử lý rác thải. Đây cũng là một trong những hoạt động của chính sách bảo vệ môi trường quốc gia của Hàn Quốc.

Đổ rác ở Hàn Quốc được gọi là 분리수거 (분리 là phân loại, 수거 là thu gom), tức là trong khái niệm đổ rác đã bao gồm hành vi phân loại rác. Thông thường, khi đổ rác, người ta chia rác làm hai loại, một là loại có thể tái sử dụng, hai là loại đem đi tiêu hủy. Rác thải từ gia đình nói chung hay từ các cơ sở doanh nghiệp có quy mô nhỏ phải được cho vào túi rác (쓰레기봉투) do các đơn vị thành phố hay quận, huyện sản xuất và bán ra, đồng thời phải được đổ ở nơi đúng quy định. Những túi rác này có nhiều kích cỡ nhất định và được bán tại các cửa hàng tiện ích hay siêu thị nhỏ xung quanh nơi cư trú.

Trong trường hợp rác có thể tái sử dụng (재활용품) hay tro của than thì không cần phải sử dụng túi đựng rác nói trên. Nếu đổ theo đúng cách thức quy định của khu vực phường, quận, huyện thì rác này sẽ được thu gom miễn phí. Mỗi địa phương có cách thức thu gom rác tái sử dụng khác nhau. Song về cơ bản, chúng thường được thu gom, phân loại ra thành các loại như: lon (hộp), nhựa, giấy, thủy tinh và chai lọ, quần áo, thức ăn. Các chung cư đều trang bị những thùng rác riêng để thu gom theo từng loại tại những địa điểm nhất định hoặc thu gom rác lệch nhau theo ngày. Đối với rác có kích cỡ lớn không thể cho vào túi rác như quy định như bàn, ghế, tủ... bạn phải mua tem đổ rác kích thước lớn (대형쓰레기 스티커) tại các siêu thị và dán vào món đồ trước khi bỏ đi.

Túi rác thức ăn được quy định là màu vàng, còn túi rác sinh hoạt màu trắng. Rác thức ăn phải được loại bỏ nước và cột chặc túi rác trước khi mang ra ngoài. Không được dựng các loại rác không phải là thức ăn như xương, vỏ sò, tăm xỉa răng vào túi rác thức ăn. Túi rác sinh hoạt được bán và sử dụng theo quy định của từng địa phương. Tức là nếu bạn đang ở quận Seodaemun (서대문구) thì bạn sẽ không thể sử dụng túi rác mua ở quận Mapo (마포구), mặc dù hai quận này đều thuộc Seoul. Không được để rác thức ăn và rác tái sử dụng vào túi rác này và cũng phải cột chặt khi đem túi rác đi đổ. Khi mua các sản phẩm tại siêu thị, nếu để ý, bạn sẽ thấy tất cả các sản phẩm đều được đánh dấu hướng dẫn phân loại rác. Ví dụ như PET (Polyethylene Terephthalate ) là rác nhựa như bình đựng nước, nước ngọt, các loại nước tương, mắm; PP (Poly Polyethylene ): những loại thùng nhựa (biến dạng khi gặp nhiệt nóng) đựng rượu soju hoặc các loại nước ngọt; Other: Những loại rác tổng hợp có nhiều thành phần hóa học hỗn hợp như Túi đựng mỳ ăn liền, đựng bánh kẹo...

Ban đầu, nếu chưa quen với việc phân loại rác tại chung cư, bạn có thể thực hiện việc này cùng với các thành viên trong gia đình. Có một bí quyết rất thú vị là bạn hãy chép lại tất cả những từ mới tiếng Hàn ghi trên các thùng đựng rác vào một quyển sổ nhỏ. Lịch thu gom các loại rác được quy định vào các ngày trong tuần, nên sau khi quan sát và hỏi người thân, bạn hãy tự tổng hợp lại thành một bảng ghi nhớ lịch đổ rác bằng tiếng Việt. Chỉ cần một chút quan tâm và chú ý là bạn sẽ thấy việc thu gom và phân loại rác ở Hàn Quốc không những không khó mà lại rất thú vị, phải không nào?


Question 2
Câu hỏi 2 :
"Chào chương trình. Tôi đang làm việc tại thành phố Incheon. Hôm trước, khi đến bưu điện gửi đồ cho một người bạn, tôi được nhân viên bưu điện hướng dẫn cách viết địa chỉ mới theo tên đường phố chứ không phải là theo thành phố, quận, phường, ngõ như trước nữa. Tôi băn khoăn không biết là việc thay đổi hệ thống địa chỉ này sẽ đem lại những lợi ích gì và nội dung cụ thể của chế độ mới này ra sao. Mong chương trình giải thích cho tôi về vấn đề này. Xin cảm ơn!"


Answer 2
Trả lời 2:
Việc thay đổi hệ thống địa chỉ mà bạn vừa đề cập ở trên được gọi là Doromyeong juso (도로명주소). Đúng như tên gọi, đây là cách ghi địa chỉ dựa theo tên đường phố. Hệ thống địa chỉ mới này đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014. Việc ghi địa chỉ theo tên đường phố đã được các nước phát triển, tiêu biểu là Mỹ, thực hiện từ trước đây rất lâu. Ví dụ như người ta đã chia thành phố Washington làm bốn phần: Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc và Đông Nam. Theo hướng Đông - Tây, các con phố được đánh theo số thứ tự từ bé tới lớn, tính từ trục cắt qua tòa nhà Quốc hội. Còn theo hai hướng Nam - Bắc, các con phố được đánh thứ tự theo ABC cũng tính từ trục cắt qua nhà Quốc hội. Cách đánh tên đường ấy giúp cho ai đó đang đứng ở giữa ngã tư của đường H với phố 12 có thể biết rằng phố 20 là ở phía trước mặt họ và phố 5 là ở sau lưng (hoặc ngược lại). Và đường F là ở phía trước mặt còn đường C là ở phía sau.

Tại Hàn Quốc, hệ thống địa chỉ truyền thống ghi theo quận/huyện, phường/xã, thôn/xóm đã có lịch sử gần 100 năm, kể từ thời Nhật Bản xâm lược Hàn Quốc. Chính phủ khẳng định, hầu hết các nước trên thế giới đã áp dụng hệ thống địa chỉ theo tên đường phố và đợt cải cách đổi hệ thống địa chỉ sẽ giảm chi phí kinh tế xã hội, giúp giải quyết các vấn đề khẩn cấp như chữa cháy hoặc cấp cứu một cách kịp thời. Việc thí điểm hệ thống địa chỉ mới đã được tiến hành trong năm 2010 và cũng đã thu thập được nhiều ý kiến của công chúng. Theo hệ thống mới này, tên đường và số nhà sẽ được đặt theo số thứ tự liên tiếp bắt đầu từ đầu cho đến cuối khu phố.

Để tìm địa chỉ mới của một khu nhà, bạn có thể vào trang chủ địa chỉ tên đường của Bộ An ninh và Hành chính (안전행정부) www.juso.go.kr và đánh vào đó địa chỉ cũ gồm tên thành phố, quận (gu), phường (dong) và số căn hộ. Hệ thống mới, về nguyên tắc sẽ không có tên khu nhà mà thay vào đó có số của khu nhà. Trang web này cũng có chế độ hỗ trợ chuyển hệ thống địa chỉ mới tự động. Người dân chỉ cần nhập địa chỉ mới lên thanh công cụ trên trang chủ và nhấn nút Chuyển đổi (전환) là có thể nhận lại địa chỉ thay đổi theo chế độ mới. Trang web www.juso.go.kr cũng hỗ trợ tên địa chỉ nhà bằng tiếng Anh. Khi cần địa chỉ bằng tiếng Anh để trao đổi quốc tế, bạn chỉ cần tham khảo trên trang web và đổi từ địa chỉ tiếng Hàn sang địa chỉ tiếng Anh.

Ví dụ, nếu một địa chỉ cho một ngôi nhà riêng là 1540-5, Seocho-dong, Seocho-gu, Seoul (서울 서초구 서초동 1540-5) thì địa chỉ mới sẽ là 6, Banpo-daero 23-gil, Seocho-gu, Seoul (서울 서초구 반포대로 6. Nếu một địa chỉ cho một căn hộ là 12-dong 110-ho, Hanshin Apt.1583-10, Seocho-dong, Seocho-gu, Seoul (서울 서초구 서초동 1583-10 한신 아파트) thì địa chỉ mới sẽ là (Seocho-dong, Hanshin Apt.)12-dong 110-ho, Banpo-daero 58, Seocho-gu, Seoul (서울 서초구 반포대로 58 한신 아파트 12동 110호)

Theo quy định của Bộ Địa chính và giao thông Hàn Quốc, một con đường rộng hơn 40 m với 8 làn hoặc nhiều hơn hiện là “daero” (đại lộ, 대로) trong khi đó một con phố rộng 12 m đến 40 m với 2 đến 7 làn là “ro” (lộ, 로). Tiếp theo, các con đường nhỏ hơn mức quy định trên gọi là là “gil” (đường, 길). Số nhà được ấn định cho điểm bắt đầu của con phố, theo thứ tự, từ Tây sang Đông, và từ Nam lên Bắc. Bắt đầu từ đầu phố đến điểm cuối cùng, số lẻ dành cho nhà bên trái và số chẵn dành cho nhà bên tay phải.
Những con số này cũng chỉ ra khoảng cách giữa hai tòa nhà. Sự chênh lệch về số nhà giữa hai tòa nhà được nhân gấp 10 lần với khoảng cách giữa hai tòa nhà. Ví dụ, tòa nhà 1 và tòa nhà 11 sẽ cách xa nhau là 110 m .

Bên cạnh đó, trang thay đổi địa chỉ nhà www.ktmoving.com của hãng KT Olleh còn hỗ trợ mọi người dân thay thế địa chỉ nhà cũ bằng địa chỉ nhà mới tại nhiều trang trực tuyến và dịch vụ tài chính, như là thẻ tín dụng. Cùng với sự phát triển và phổ cập của điện thoại thông minh (smart phone), nhiều ứng dụng mới như Jusochatgi (주소찾기) nghĩa là “tìm địa chỉ”, sẽ giúp người sử dụng tìm vị trí theo địa chỉ và cung cấp thông tin về những điểm du lịch, nhà hàng và cửa hàng gần đó.

Để thiết lập và đưa vào thực hiện chế độ địa chỉ mới này, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư hơn 400 tỉ won (4.000 억원, tương đương 37 triệu USD). Hiện nay, việc áp dụng chế độ vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn do người dân vẫn quen với cách biểu thị "dong" (phường, 동) trên địa chỉ nhà. Để khắc phục tình trạng này và khắc phục các bất tiện cho người dân, chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng nhiều giải pháp tích cực như: biểu thị cả hệ thống địa chỉ cũ và mới trên bảng địa chỉ các cơ quan, doanh nghiệp; tổ chức đội ngũ tình nguyện viên phát tờ rơi và hướng dẫn tới từng người dân; mở rộng các chính sách khuyến khích như miễn phí tiền vận chuyển cho những địa chỉ mới.

Lựa chọn của ban biên tập