Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về "Chương trình tổng hợp xã hội" và kinh nghiệm khi thuê nhà tại Hàn Quốc.

2014-03-16

Question 1
Câu hỏi 1 :
Chào ban biên tập KBS. Mình đã lấy chồng và sống tại Hàn Quốc được gần hai năm và chuẩn bị xin đăng ký nhập quốc tịch Hàn. Mình có nghe nói là nếu tham gia Chương trình tổng hợp xã hội thì sẽ được miễn thi phỏng vấn và thi viết khi đăng ký nhập quốc tịch. Mình muốn nhờ KBS World Radio xác nhận lại thông tin này và giải thích cho mình rõ hơn về nội dung của chương trình. Xin cảm ơn.


Answer 1
Trả lời 1:
Chào chị! Trước hết, xin được chúc mừng chị chuẩn bị chính thức trở thành công dân của Hàn Quốc. Chắc hẳn không chỉ riêng chị, mà có rất nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn cũng mong muốn được sớm nhập quốc tịch và ổn định cuộc sống. KBS World Radio xin được giới thiệu tới quý vị thính giả các thông tin cần thiết về "Chương trình tổng hợp xã hội" (KIIP: Korea Immigration and Integration Program, tên tiếng Hàn là “사회통합프로그램”).

“Chương trình tổng hợp xã hội” có nghĩa là “chương trình giúp người nhập cư hòa nhập với xã hội Hàn Quốc”. Chương trình này được Bộ Tư pháp thiết kế và tổ chức hướng đến đối tượng người nước ngoài, đặc biệt là những người nhập cư kết hôn với người Hàn, nhằm giúp họ nhanh chóng thích ứng và hòa nhập với xã hội Hàn Quốc, đồng thời ổn định cuộc sống lâu dài.

Trước tiên, xin được xác nhận thông tin mà chị đã nêu là đúng. Khi tham gia "Chương trình tổng hợp xã hội", người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc sẽ được hưởng các ưu đãi như sau: Miễn thi vấn đáp, thi viết khi đăng ký nhập quốc tịch, rút ngắn thời gian đợi xét duyệt nhập quốc tịch; được cộng thêm điểm khi xin thay đổi tư cách cư trú F-2; miễn thi năng lực tiếng Hàn khi xin tư cách cư trú lâu dài F-5-1; miễn thi năng lực tiếng Hàn khi xin tư cách cư trú lâu dài F5-2 cho con em độ tuổi vị thành niên của người nhập cư kết hôn với người Hàn; miễn thi năng lực tiếng Hàn cho các visa E-9, E-10, H-2 khi muốn đổi tư cách cư trú sang visa hoạt động đặc biệt E-7, miễn thi năng lực tiếng Hàn cho các visa cư trú dài hạn như D1, D5~D9, F1, F3, E1-E5, E7 khi chuyển sang visa cư trú F2.

Có thể thấy, về mặt hình thức, khi đăng ký tham gia chương trình này, người nước ngoài sẽ được hưởng nhiều ưu đãi trong việc xin nhập quốc tịch cũng như chuyển tư cách cư trú. Tuy nhiên, đúng như tên gọi "tổng hợp xã hội", mục đích cơ bản của chương trình là giúp cho tất cả những người nước ngoài có thể sớm hòa nhập với xã hội Hàn Quốc. Bởi vậy, đối tượng của "Chương trình tổng hợp xã hội" bao gồm tất cả những người nhập cư (nhập cư do kết hôn với người Hàn và nhập cư thông thường), tức không chỉ có những phụ nữ làm dâu xứ Hàn, mà các đối tượng khác như du học sinh, lao động cũng có thể đăng ký tham gia chương trình này. Trong quá trình học, ngoài việc được học tiếng và văn hóa Hàn Quốc, người tham gia còn được tư vấn cụ thể về những băn khoăn thắc mắc hay những vấn đề khó khăn gặp phải khi sang Hàn Quốc sinh sống.

Cấu trúc của chương trình gồm có ba phần: Khóa học tiếng Hàn, Khóa học tìm hiểu về xã hội Hàn Quốc và Khóa học về các chính sách liên quan đến quá trình thống nhất xã hội. Khi tham gia chương trình này, người học sẽ được làm một bài kiểm tra để đánh giá năng lực tiếng Hàn và được xếp vào các cấp tương ứng với trình độ của mình là Cơ bản, Sơ cấp 1-2 và Trung cấp 1-2. Riêng người nhập cư kết hôn với người Hàn sẽ được miễn học trình độ Trung cấp 1-2.

Một điểm cần chú ý khi tham gia "Chương trình tổng hợp xã hội" là kết quả của toàn bộ khóa học sẽ không chỉ được đánh giá qua điểm số bài thi, mà còn dựa trên số giờ học mà học viên có mặt, tức điểm chuyên cần cũng là một yếu tố đánh giá quan trọng. Ví dụ, người tham gia sẽ phải hoàn thành 15 giờ học lớp tiếng Hàn Cơ bản, 100 giờ học lớp tiếng Hàn cho mỗi lớp Sơ cấp và Trung cấp. Riêng khóa học tìm hiểu về văn hóa xã hội Hàn Quốc được tổ chức ba lần trong một năm với số giờ học tối thiểu là 50 giờ, tối đa là 450 giờ. Trong trường hợp không thể tiếp tục tham gia 30 buổi trở lên vì lý do bất khả kháng như nghỉ thai sản, chữa bệnh... thì phải đăng ký với cơ quan tổ chức chương trình tại địa phương trong vòng 15 ngày, kể từ ngày phát sinh lý do đó. Sau khi đã đăng ký, người học có thể được bảo lưu kết quả, số giờ học đã hoàn thành và tiếp tục khóa học vào đợt tiếp theo. Nếu bạn nghỉ học không có lý do thì tư cách học viên sẽ bị hủy bỏ và phải sau 6 tháng trở lên mới được đăng ký học lại.

Kết thúc khóa học, người tham gia sẽ phải dự một kỳ thi viết dài 25 phút với 20 câu hỏi và thi vấn đáp trong vòng 10 phút, chủ yếu là kiểm tra về năng lực tiếng Hàn cũng như hiểu biết chung về xã hội Hàn Quốc. Sau khi hoàn thành kỳ thi đánh giá năng lực của khóa học tiếng Hàn, bạn sẽ được phát "Bằng chứng nhận năng lực tiếng Hàn của Chương trình tổng hợp xã hội" (사회통합프로그램 한국어능력시험합격증). Sau khi kết thúc toàn bộ các quá trình và trải qua kỳ thi đánh giá tổng hợp, người học sẽ được nhận "Bằng chứng nhận đủ tư cách xin nhập quốc tịch Hàn Quốc" (한국이민귀화적격시험합격증).

Đây là chương trình liên kết với Cục quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc nên các bạn có thể đến văn phòng Quản lý xuất nhập cảnh nơi địa phương mình sinh sống để hỏi về cơ quan đảm trách chương trình. Cho đến nay, “Chương trình tổng hợp xã hội” đã được mở rộng với 76 cơ sở điều hành và tổ chức trên toàn Hàn Quốc, trong đó có 29 cơ quan chính. Ở khu vực Seoul, nơi tổ chức chương trình này là Trung tâm nghiên cứu giáo dục đa văn hóa thuộc Trường đại học giáo dục Seoul, Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa phường Dongdaemun, Trung tâm phúc lợi xã hội Hwawon. Còn trên toàn khu vực tỉnh Gyeonggi, đó là Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa thành phố Suwon, Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa thành phố Pocheon, Trung tâm hỗ trợ người nước ngoài thành phố Ansan. Ngoài những khu vực chính này ra thì tại các thành phố, địa phương khác, mỗi nơi đều có một cơ quan đoàn thể tổ chức và thực hiện chương trình này.

Khi tham gia chương trình này, người học phải trực tiếp đăng ký trực tuyến qua cổng thông tin tổng hợp dành cho người nước ngoài tại trang web http://www.hikorea.go.kr hoặc www.socinet.go.kr. Để phục vụ cho người nước ngoài, trang web có hỗ trợ nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Các bạn chỉ cần nhập các thông tin cần thiết để đăng ký thành viên (회원가입) và lựa chọn các khóa học, thời gian học phù hợp với bản thân. Trong suốt quá trình học, các bạn cũng có thể truy cập vào trang web này để kiểm tra và quản lý điểm thi giữa kỳ, cuối kỳ và tổng số thời gian mà mình đã hoàn thành trong khóa học. Khóa 1 của “Chương trình tổng hợp xã hội” năm 2014 đang được tiến hành và khóa 2 sẽ bắt đầu nhận đăng ký từ ngày 21 tháng 4. Chị Minh Trang và các quý vị thính giả có quan tâm, xin hãy theo dõi thông tin trên trang web mà chúng tôi vừa hướng dẫn ở trên nhé!


Question 2
Câu hỏi 2 :
Chào chương trình. Mình đang học đại học năm thứ ba ở thành phố Gwangju, miền Nam Hàn Quốc. Trước đây, mình ở trong ký túc xá của trường nên không phải lo lắng gì về chỗ ở. Nhưng đến năm nay, mình đã hết hạn được ở trong ký túc và phải tìm nhà ở ngoài. Tuy ở Hàn Quốc đã hơn ba năm nhưng nghĩ đến việc phải sinh hoạt ở ngoài, đặc biệt là việc tìm và dọn nhà là mình thấy rất lo lắng. Chương trình có thể tư vấn cho mình về kinh nghiệm khi thuê nhà ở Hàn Quốc được không ạ?


Answer 2
Trả lời 2:
Vấn đề thuê nhà không chỉ là nỗi lo của các bạn du học sinh mà dường như là vấn đề quan tâm hàng đầu của tất cả những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Giống như câu tục ngữ "an cư lạc nghiệp", dù là ở nơi "đất khách quê người", nhưng chúng ta cũng phải tìm được một chỗ ở an toàn, ổn định thì mới có thể yên tâm học tập và làm việc, đúng không ạ? Hôm nay, KBS World Radio xin chia sẻ cùng các quý vị thính giả về các kinh nghiệm khi thuê nhà tại Hàn Quốc.

Trước tiên, việc tìm nguồn thông tin nhà trọ ở đâu chắc hẳn là câu hỏi mà nhiều bạn thắc mắc nhất. Đầu tiên, hãy ưu tiên những thông tin của người quen đang sống tại Hàn Quốc hoặc của những người đi trước đã có nhiều kinh nghiệm. Bạn cũng có thể xem thông tin ở những tờ thông báo dán trên tường hay bảng tin tại các khu công cộng. Tuy nhiên, phương pháp phổ biến mà nhiều người nước ngoài và cả người Hàn Quốc sử dụng là thuê nhà qua công ty môi giới bất động sản (부동산). Đây được coi là phương pháp an toàn bởi hầu như tất cả các công ty môi giới bất động sản tại Hàn Quốc đều phải đăng ký và hoạt động theo sự quản lý của pháp luật. Vì vậy, đây là các cơ sở trung gian đáng tin cậy, giúp bạn tìm đúng ngôi nhà phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu của mình. Công ty bất động sản cũng sẽ đứng ra giúp bạn xác minh về chủ nhà, giấy tờ chứng minh của ngôi nhà bạn thuê và soạn các hợp động thuê nhà cho cả hai bên.

Hai hình thức thuê nhà phổ biến tại Hàn Quốc là “jeonse” (전세) và “wolse” (월세). Khi đặt cọc một khoản tiền lớn theo hình thức thuê nhà jeonse cho chủ nhà (40~60% giá trị căn nhà), bạn có quyền sinh sống ở đó mà không phải trả thêm phí thuê nhà hàng tháng. Khoản tiền đặt cọc sẽ được trả lại cho người thuê khi hợp đồng thuê nhà kết thúc. Wolse là hình thức thuê trả tiền hàng tháng cho chủ nhà, nhưng thường chủ nhà cũng sẽ yêu cầu một khoản tiền đặt cọc nhỏ hơn rất nhiều so với hình thức thuê nhà jeonse. Hình thức wolse thích hợp với những ai có thời gian cư trú ngắn hạn và khả năng tài chính hạn chế. Còn những ai có ý định cư trú lâu dài tại Hàn Quốc, đặc biệt là ở cùng gia đình thì jeonse là lựa chọn tối ưu. Tùy vào khả năng tài chính cũng như những dự định tương lai mà bạn có thể lựa chọn một trong hai hình thức thuê nhà trên.

Sau khi xác định hình thức thuê nhà, các bạn sẽ phải lựa chọn các loại hình nhà ở phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của mình. Ở Hàn Quốc, có các loại hình nhà trọ như gosiwon (고시원), gasuk (하숙), one room (원룸), jutaek (주택) và chung cư (hoặc villa). Gosiwon là loại phòng trọ có giá thuê phải chăng và diện tích hẹp, hầu như chỉ được dùng để học và ngủ. Các tiện ích khác như nhà vệ sinh, bếp ăn, máy giặt... được dùng chung với những người cùng thuê khác. Hasuk là hình thức trọ sống cùng nhà với người dân bản địa. Tiền nhà sẽ bao gồm cả tiền các bữa ăn do chủ nhà trực tiếp chuẩn bị. Đây cũng là một hình thức homestay khá thú vị giúp sinh viên quốc tế trải nghiệm văn hóa và cuộc sống tại Hàn Quốc một cách chân thực nhất.

Phòng đơn (one room) là loại phòng dành cho một người ở giống như gosiwon nhưng có diện tích rộng hơn và bao gồm cả các tiện ích khép kín như nhà vệ sinh, bếp ăn, máy giặt... Nhà dân jutaek là loại nhà giống như kiểu nhà sinh hoạt của gia đình người Hàn Quốc, có từ hai phòng trở lên. Vì ở độc lập nên ngoài tiền thuê nhà hàng tháng, bạn sẽ phải trả các khoản tiền như điện, nước, gas... và phải tự đứng ra giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình sinh sống. Loại nhà trọ đắt tiền nhất và cũng rộng rãi, thoải mái nhất là thuê căn hộ ở chung cư hoặc villa. Tuy hội tụ tất cả các ưu điểm của các loại hình nhà ở phía trên, nhưng do giá tiền đặt cọc cũng như tiền trả theo tháng rất cao nên loại nhà chung cư hay villa chỉ dành cho người đi làm hoặc những gia đình đã định cư lâu năm tại Hàn Quốc.
Sau khi tìm được hình thức thanh toán và kiểu nhà trọ ưng ý, việc thỏa thuận và ký hợp đồng thuê nhà cũng rất quan trọng. Trước tiên, bạn đừng nên tin vào những lời quảng cáo hay giới thiệu mà hãy đến xem trực tiếp và kiểm tra trang thiết bị trong nhà cũng như môi trường xung quanh nhà cần thuê. Tiếp theo, bạn phải biết chính xác xem chủ nhà là ai và phải ký hợp động trực tiếp với chủ nhà, tránh tình trạng khi ký hợp đồng với người đang thuê nhà đó, về sau chủ nhà không chấp nhập hợp đồng này và không trả lại tiền đặt cọc. Bạn cũng có thể yêu cầu chủ nhà cho xem các giấy tờ xác minh quyền sở hữu của họ đối với ngôi nhà để tránh những sự việc rắc rối về sau. Thông thường, tiền ký hợp đồng là 10% tiền đặt cọc, số còn lại bạn hãy thỏa thuận với chủ nhà là sẽ trả trong ngày bạn chuyển đến.
Trước khi ký hợp đồng, bạn cần phải kiểm tra các thông tin như: địa chỉ nhà trong hợp đồng có trùng với địa chỉ ghi trong thông tin trên sổ đăng ký nhà đất không; tiền ký hợp đồng có đúng không; ngày trả tiền ký hợp đồng, tiền đặt cọc, tiền thanh toán giữa kỳ và tiền còn lại; thời hạn hợp đồng; cả hai bên thuê và bên cho thuê phải trực tiếp ký tên và đóng dấu; hợp đồng làm thành ba bản, mỗi bản do người thuê nhà, chủ nhà và người làm chứng (công ty bất động sản) giữ.

Sau khi chuyển nhà, bạn cần đến Ủy ban nhân dân phuờng (hay là Văn phòng phường) (동사무소) để khai báo tình trạng cư trú. Khi đăng ký với Văn phòng phường và có con dấu xác nhận của chính quyền địa phương, bạn sẽ được pháp luật bảo vệ và có thể nhận lại tiền đặt cọc trong trường hợp xảy ra rắc rối. Hi vọng những thông tin trên sẽ hữu ích cho các quý vị thính giả cần thuê nhà khi học tập, sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập