Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về tour du lịch xung quanh quận Gangnam, thủ đô Seoul, và lớp học tiếng cùng văn hóa Việt Nam dành cho con em gia đình đa văn hóa.

2014-04-06

Question 1
Câu hỏi 1 :
Chào chương trình. Em là một du học sinh đang học tiếng Hàn tại thành phố Busan. Tuy mới sang Hàn Quốc chưa lâu nhưng từ khi còn ở Việt Nam em đã rất thích văn hóa và âm nhạc Hàn Quốc. Đặc biệt, em rất thích ca sĩ Psy, mỗi khi xem những videoclip ca nhạc của anh ấy, em luôn cảm thấy bao mệt mỏi, căng thẳng đều xua tan theo những nhịp điệu đầy mạnh mẽ, sôi nổi trong âm nhạc của Psy. Nhắc đến Psy thì không thể không nhắc đến ca khúc "Gangnam Style". Sau khi nghe bài hát này, em đã rất tò mò về địa danh Gangnam và trong dịp tới lên Seoul chơi, em muốn được một lần đến khu vực này. Chương trình có thể tư vấn cho em về những địa điểm tham quan tại khu vực này được không ạ?


Answer 1
Trả lời 1:
Chào bạn bạ, đúng như bạn chia sẻ, ca khúc "Gangnam Style" (Phong cách Gangnam) cùng điệu nhảy ngựa của ca sĩ Psy đã "gây bão" trên thế giới và vẫn đang trên đường tiến đến đích 2 tỷ lượt xem trên Youtube. Cùng với sự phổ biến của bài hát này, quận Gangnam ở thủ đô Seoul cũng trở thành một trong những địa danh nổi tiếng trên thế giới. Hôm nay, KBS World Radio xin giới thiệu tới bạn Hữu Nam và các quý vị thính giả về tour du lịch quanh quận Gangnam.

Gangnam theo âm Hán Việt là Giang Nam, tức là phía Nam con sông. Gangnam là một quận (gu) của thủ đô Seoul với diện tích gần 40 km2, dân số khoảng 570,000 người (số liệu năm 2012). Tuy chỉ là đơn vị hành chính cấp quận nhưng giá trị của Gangnam được đánh giá cao hơn cả thành phố Busan, và được ví như Beverly Hills của California, Mỹ. Nếu trước đây, du khách quốc tế đổ về Gangbook (강북, tức là phía Bắc của sông Hàn) để khám phá đền đài, cung điện cổ, thì hiện nay một dòng du khách đang đổ về Gangnam, để khám phá cuộc sống hiện đại và hào nhoáng đã được mô tả trong bài hát Gangnam Style.

Khoảng gần hai thế kỷ trước, Gangnam chỉ là những khu nhà hoang bao bọc bởi những rãnh thoát nước và vùng đất nông nghiệp rộng lớn. Tuy nhiên, cùng với chính sách phát triển đô thị của thành phố Seoul, Gangnam bắt đầu phát triển bùng nổ vào khoảng những năm 1970. Từ đó, nơi đây trở thành một trong những địa chỉ du lịch trọng điểm của thủ đô Seoul. Chỉ riêng năm ngoái, có khoảng 5,1 triệu khách tham quan tìm đến quận Gangnam, chiếm 51% lượng khách du lịch của Seoul. Theo thống kê của Viện nghiên cứu chính sách công nghiệp Hàn Quốc, giá trị thương hiệu của quận Gangnam trong năm 2013 là 149.700 tỷ won (tương đương 140 tỷ USD). Để tiếp tục thu hút sự quan tâm của thế giới, bắt đầu từ tháng 12 năm 2013, chương trình tour du lịch quanh quận Gangnam bằng xe buýt điện đã được khởi động.

Hiện nay có hai loại xe buýt chạy bằng điện chuyên dành để chở khách du lịch đi thăm quận Gangnam. Xe buýt điện Gangnam được thiết kế với màu đỏ trẻ trung, ấn tượng và cấu trúc cửa sổ mái vòm theo phong cách phương Tây. Hệ thống bên trong xe tiện lợi hơn so với xe buýt thường ở chỗ có thêm không gian để đồ, tạo điều kiện cho khách du lịch ba-lô có chỗ cất đồ riêng. Hệ thống cửa sổ cũng được nới rộng để người bên trong có thể dễ dàng quan sát khung cảnh hai bên đường. Bên trong xe còn trang bị máy tính bảng sử dụng bốn thứ tiếng là tiếng Anh, Trung, Hàn và Nhật để cung cấp thông tin về các điểm du lịch.

Tour du lịch Gangnam khởi hành lúc 10 giờ sáng, mỗi chuyến cách nhau một giờ đồng hồ. Tuyến du lịch bằng xe buýt điện sẽ dừng lại ở 21 địa điểm thăm quan tiêu biểu như suối Yangje, Lăng Seonjeong - hai ngôi lăng nhà vua và hoàng hậu trong triều đại Joseon là vua Seongjong (Thành Tông) vào thế kỷ thứ XV, chùa Bongeun (Phụng Ân), Công viên Dosan, Trung tâm nghệ thuật Horim, ga Gangnam, khu phố Garosu và Bảo tàng trang điểm Hàn Quốc. Xe buýt điện sẽ kết thúc chặng hành trình tại nơi xuất phát ban đầu là Trung tâm thông tin du lịch Apgujeong. Trên xe buýt còn có hướng dẫn viên nhiệt tình chào đón, hướng dẫn các du khách và giới thiệu về từng điểm tham quan mà xe buýt đi qua.

Nếu muốn tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Hàn Quốc, khách thăm quan có thể đến các di tích lịch sử như công viên Dosan, nơi có nhà tưởng niệm nghĩa sĩ cách mạng Ahn Chang-ho có hiệu là Dosan (도산, Đảo Sơn). Quý khách cũng có thể đến thăm Bảo tàng trang điểm Hàn Quốc ngay cạnh đó để tìm hiểu về cách thức trang điểm của phụ nữ Hàn Quốc từ thời kỳ Tam quốc (thời đại ba nước là Goguryeo, Baekje và Silla từ năm 57 sau công nguyên). Ở Gangnam cũng có một ngôi chùa lớn là chùa Bongeun, được xây dựng từ thời Silla, có lịch sử hơn 1.200 năm, với khu vực mộ Gwangpyeong Daegun (광평대군, Quảng Bình Đại quân, con trai của vua Sejong (Thế Tông), Công viên Samneung (삼릉,Tam lăng). Công viên Samneung là nơi có lăng mộ gia đình của ba nhân vật lịch sử thời Joseon (từ thế kỷ thứ XIV đến XIX) là: vua Thành Tông, hoàng hậu Jeonghyeon (정현, Trinh Hiển), và người con trai là vua Jungjong (중종, Trung Tông). Công viên Samneung đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2009.

Đến Gangnam, khách tham quan còn dễ dàng bắt gặp cảnh người hâm mộ xếp hàng rồng rắn trước cửa trụ sở chính của công ty giải trí SM, để chờ được gặp các ngôi sao Hallyu. Gần đây, chính quyền quận Gangnam đã thiết lập "Con đường Hallyu" nhằm đưa nơi này trở thành địa chỉ tham quan số một của tour du lịch Hallyu. Con đường dài hơn 1 km từ Trung tâm thương mại Galleria, phường Apgujeong kéo dài đến phường Cheongdam, giáp với Công ty giải trí SM Entertainment và Công ty giải trí Cube Entertainment. Du khách cũng có thể cảm nhận rõ nét về sự phát triển dịch vụ sửa sang sắc đẹp tại Hàn Quốc qua các tấm biển quảng cáo, các trung tâm thẩm mỹ nối nhau san sát tại Gangnam. Nếu muốn nắm bắt các xu thế thời trang Hallyu đang thịnh hành, du khách chỉ cần xuống các bến Apgujeong Rodeo, hay phố hàng hiệu Cheongdam.

Có hai loại vé xe buýt điện là vé đi một lần và vé đi trong ngày. Hành khách có thể tự do lựa chọn tùy theo thời gian muốn đi du lịch. Vé đi một lần có lệ phí là 4.000 won (tương đương gần 4 USD), vé đi trong ngày có lệ phí là 12.000 won (khoảng 11 USD) và không giới hạn số lần lên xuống xe buýt trong ngày. Với vé dùng trong ngày thì hành khách có thể thoải mái lên xuống xe trong khoảng thời gian xe hoạt động của ngày hôm đó. Xe buýt điện du lịch Gangnam có lắp đặt hệ thống tiền tệ của 20 quốc gia, tạo điều kiện cho hành khách quốc tế có thể thanh toán trực tiếp bằng thẻ cá nhân mà không cần đổi sang tiền won.

Có nhiều cách mua vé xe buýt điện Gangnam, như đặt mua vé tại trang web du lịch Gangnam là www.gangnamtour.go.kr hoặc mua vé trực tiếp khi lên xe buýt. Ngoài ra, khách tham quan cũng có thể đến trực tiếp Trung tâm thông tin du lịch Gangnam (강남관광정보센터) có địa chỉ tại số 161 đường Apgujeong (압구정로), quận Gangnam (강남구), thủ đô Seoul hoặc gọi điện đến số điện thoại tư vấn của Trung tâm là 02-3445-0111 để tìm hiểu thông tin chi tiết. Trung tâm thông tin du lịch Gangnam cũng là điểm xuất phát đầu tiên của xe buýt du lịch điện. Nếu muốn tìm đến Gangnam bằng phương tiện giao thông công cộng, khách tham quan có thể đi tuyến tàu điện ngầm số 3 (3 호선) đến ga Apgujeong và ra cửa số 6. Chúc bạn Hữu Nam và các quý vị thính giả khác sẽ có chuyến thăm quan thú vị với xe buýt điện du lịch Gangnam.


Question 2
Câu hỏi 2 :
Chào chương trình. Mình đã sang Hàn Quốc được gần mười năm và hiện nay đang có một cháu trai lên 9 và một cháu gái lên 5 tuổi. Trong thời gian vừa qua, mình đã cố gắng học tiếng cũng như thích nghi với cuộc sống, văn hóa Hàn Quốc để có thể nuôi dạy các cháu giống như những người mẹ Hàn Quốc khác. Thỉnh thoảng mình cũng có kể chuyện về nhà ngoại, về Việt Nam, nhưng rất hạn chế nói tiếng Việt với các cháu, vì muốn các cháu tập trung phát âm tiếng Hàn cho thật chuẩn xác. Nhưng gần đây, mình được nghe giới thiệu về các chương trình học tiếng và văn hóa Việt Nam dành cho trẻ em gia đình đa văn hóa. Mình băn khoăn là không biết có nên cho các cháu học thêm tiếng Việt hay không và độ tuổi nào thì thích hợp?


Answer 2
Trả lời 2:
Chào chị, chia sẻ của chị có lẽ cũng là nỗi băn khoăn của rất nhiều bà mẹ Việt Nam tại Hàn Quốc. Có những bà mẹ chủ động nói tiếng Việt và đưa con mình về thăm Việt Nam ngay từ nhỏ, nhưng có những người lại chỉ tập trung dạy con nói tiếng Hàn. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, số lượng trẻ em đến từ gia đình đa văn hóa tại các trường học ở Hàn Quốc đã tăng từ 9.389 trẻ năm 2006 lên 46.954 trẻ năm 2012. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên đến 55.000 trẻ vào năm 2014. Tuy chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ gia đình đa văn hóa, nhưng việc hòa nhập vào hệ thống trường học chính thức của các học sinh gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc vẫn vô cùng khó khăn. Tuy không phải đa số các em đều có sự mặc cảm về nguồn gốc “con lai” nhưng việc sinh ra trong một gia đình đa văn hóa đã tạo một bức tường vô hình khi các em hòa nhập với xã hội Hàn Quốc. Đặc biệt, càng học lên cao, các học sinh gia đình đa văn hóa càng dễ bị tụt hậu so với bạn bè do những hạn chế ngôn ngữ.

Các bậc phụ huynh là những người gần gũi nhất với con em của mình và cũng là người có vai trò quan trọng nhất trong việc hướng dẫn, động viên các em. Đặc biệt, sự giao tiếp, chia sẻ thường xuyên giữa mẹ và con sẽ giúp cho các em ổn định về mặt tâm lý và tự tin vào bản thân mình. Tất cả trẻ em đều có quyền được khích lệ nói và sử dụng ngôn ngữ của người mẹ. Học thứ tiếng từ quê hương của mẹ sẽ giúp các em hình thành ý thức về bản sắc văn hóa dân tộc của người mẹ. Xét về tương lai lâu dài, các con em của gia đình đa văn hóa sẽ là nhịp cầu giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt- Hàn và mai đây, các em có thể tự tin làm việc hay tham gia các hoạt động đa dạng tại quê hương của mẹ, quê hương thứ hai của mình. Biết thêm một ngôn ngữ cũng đồng nghĩa với cơ hội tiếp cận thông tin, mở mang kiến thức của các em.

Nhiều nghiên cứu cũng đã khẳng định rằng biết hai thứ tiếng sẽ giúp việc học ngoại ngữ được dễ dàng hơn. Suy nghĩ của người nói song ngữ mang tính sáng tạo và có khả năng thích nghi với mọi tình huống. Nó cũng hỗ trợ cho việc tiếp thu từ vựng và các khái niệm của các bộ môn học khác. Như vậy, nó đồng thời thúc đẩy những cơ hội cho học sinh học hoàn toàn tất cả những bộ môn học trong trường phổ thông. Việc học thêm ngôn ngữ của mẹ cần được lên kế hoạch trước và nên được cả hai bố mẹ cùng tham gia động viên, khuyến khích các con.

Không có một quy định rõ ràng về việc nên cho con em mình học tiếng Việt từ bao nhiêu tuổi. Tuy nhiên khi còn nhỏ, các chị cũng có thể giao tiếp tự nhiên với con bằng những câu tiếng Việt cơ bản như chào hỏi, phép tắc cơ bản để các em làm quen với âm điệu tiếng Việt. Khi các em lớn hơn và bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu cuộc sống, các chị cũng có thể trò chuyện nhiều hơn với con về quê hương Việt Nam, nơi mẹ đã được sinh ra với những phong tục, văn hóa đặc sặc như thế nào. Thông qua quá trình chia sẻ bình đẳng và chân thành của cha mẹ, các em sẽ dần hiểu được sự đa dạng của cuộc sống và tự hào về nguồn gốc cũng như gia đình của mình hơn.

Với nỗ lực xây dựng một xã hội đa văn hóa bình đẳng, tôn trọng sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa, chính phủ Hàn Quốc cũng đang tích cực đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ về giáo dục cho con em gia đình đa văn hóa. Trong đó, chương trình dạy tiếng Việt cho trẻ em được thực hiện dưới tên gọi "이중언어교실" (Lớp học hai ngôn ngữ). Chương trình này bước đầu được áp dụng với trẻ em bậc tiểu học trong các gia đình có bố là người Hàn, mẹ là người Việt. Các giáo viên dạy tiếng Việt, phần lớn là du học sinh, sinh viên của các trường đại học tại Hàn Quốc, sẽ đến tận nhà tư vấn, hỗ trợ và dạy tiếng Việt cho các em. Hoặc chương trình cũng có thể được tổ chức dưới dạng các lớp học cuối tuần với các hoạt động học văn hóa, tham quan dã ngoại, tập hát, tập múa... từ đó nâng cao hiểu biết của các em về Việt Nam và giúp các em ngày càng trở nên mạnh dạn, tự tin trong cuộc sống.

Chương trình “Lớp học hai ngôn ngữ” đã và đang được tiến hành với quy mô và hình thức khác nhau, tùy theo tính chất và đặc điểm của từng địa phương khu vực. Ví dụ như ở Seoul có "Lớp học đa văn hóa hạnh phúc ngày thứ Bảy” (토요다문화행복학교) đã triển khai ở 11 khu vực trong thành phố; lớp học tiếng Việt cho con em gia đình đa văn hóa do Đại sứ quán Việt Nam hoặc Trung tâm giao lưu văn hóa Hàn - Việt tổ chức. Ở những nơi tập trung nhiều gia đình đa văn hóa như Suwon, Ansan, Busan...các lớp học tiếng và văn hóa Việt Nam cũng đang nhận được nhiều hưởng ứng của các gia đình đa văn hóa. Nếu ở khu vực Seoul, các chị có thể tìm hiểu thông tin về các lớp học này bằng cách gọi điện đến Trung tâm hỗ trợ giáo dục gia đình đa văn hóa của Sở giáo dục thành phố Seoul (다문화교육지원센터 서울시교육청) số 02-3999-058; hoặc theo dõi trang web www.koviculture.net của Trung tâm giao lưu văn hóa Hàn-Việt (한베문화교류센터). Các chị em ở các thành phố và khu vực khác có thể hỏi thông tin về chương trình “Lớp học hai ngôn ngữ” tại các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa và văn phòng chính quyền địa phương để được tư vấn cụ thể.

Lựa chọn của ban biên tập