Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tổng thống Trump hủy chuyến thăm Bắc Triều Tiên của Ngoại trưởng Pompeo

2018-08-30

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa hủy chuyến thăm tới Bắc Triều Tiên của Ngoại trưởng Mike Pompeo, vốn có thể coi là một bước ngoặt quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa hai nước. Triển vọng cho đối ngoại khu vực một lần nữa lại trở nên u ám. Hôm 27/8 vừa qua, tờ Bưu điện Washington (Mỹ) đưa tin một ngày trước khi Mỹ tuyên bố hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Pompeo, Ngoại trưởng Mỹ đã nhận được một bức thư mật từ Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động miền Bắc Kim Yong-chol. Ngay sau đó, ông Pompeo đã báo cáo bức thư này lên Tổng thống Donald Trump. Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ nhận định chuyến thăm Bình Nhưỡng lần này sẽ không thể thành công. Trên tài khoản cá nhân trang mạng Twitter, ông Trump giải thích lý do của quyết định này là bởi “chưa đạt được tiến triển đầy đủ trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc.” Điều này cho thấy, Tổng thống Trump đã lần đầu tiên chính thức thừa nhận không có tiến triển trong việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Sau đó, dường như đã có sự thay đổi trong định hướng chính sách với miền Bắc của chính quyền Mỹ. Vào ngày 28/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết Washington không có kế hoạch trì hoãn thêm việc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Hãy cùng lắng nghe ông Kim Geun-sik, Giáo sư khoa Chính trị học của trường Đại học Kyngnam, phân tích sâu hơn.


Nhằm đáp trả thông điệp cứng rắn của Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, Mỹ cũng có động thái tương tự, bằng cách quay về một số biện pháp mà Washington đã quyết định hoãn lại trong quá trình đàm phán. Biện pháp rõ ràng nhất chính là việc Mỹ sẽ nối lại tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Trong một động thái dường như là để tăng sức ép đối với nhà lãnh đạo miền Bắc, Mỹ đã cho thấy rằng Washington vẫn rất kiên định với lập trường của mình, ngay cả khi phải đối diện với nguy cơ đưa đàm phán song phương trở về thế cương quyết, không nhượng bộ.


Washington đang đẩy cao sức ép với Bình Nhưỡng, với niềm tin rằng các biện pháp ngoại giao như đối thoại và đàm phán là không đủ để khiến Bắc Triều Tiên có các biện pháp phi hạt nhân hóa trước. Tuy nhiên, liên quan tới chuyến thăm miền Bắc của mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã sử dụng cụm từ “lùi lại” chứ không phải “hủy bỏ”, cho rằng Mỹ sẵn sàng đối thoại với miền Bắc, nếu nước này sẵn sàng phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn.


“Cưỡi trên lưng hổ” chính là cụm từ mô tả tình thế hiện tại của Chủ tịch Kim Jong-un. Đối với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, các cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa đã trở thành một khó khăn mà ông này không thể chối bỏ một cách dễ dàng hoặc an toàn được, giống như một người đã trèo lên lưng hổ mà giờ lại sợ phải trèo xuống. Ông Kim đang đưa ra các yêu cầu mạnh mẽ với Tổng thống Trump, như việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và một hiệp định hòa bình. Nhưng Chủ tịch Kim vẫn cảm thấy rất khó có thể cùng với đó, hủy bỏ các cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa. Tương tự như vậy, việc cắt đứt đàm phán trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 sẽ là một gánh nặng chính trị đối với ông Trump, người liên tục khoe rằng đối thoại phi hạt nhân hóa với Chủ tịch Kim Jong-un chính là thành tựu của mình. Ông Trump và ông Kim đang gây sức ép lẫn nhau nhằm có được lợi thế trong đàm phán. Đặc biệt, Tổng thống Trump được kỳ vọng sẽ tiếp tục sức ép mạnh mẽ nhằm thu về sự nhượng bộ từ ông Kim, trong lúc vẫn duy trì đối thoại.


Trong khi Mỹ đang gây sức ép mạnh mẽ lên Bắc Triều Tiên, Trung Quốc lại đang ở trong tình thế nan giải. Washington đang đổ lỗi cho Bắc Kinh về tiến triển chậm chập trong đối thoại về phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng, thậm chí còn đề cập tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trong hoàn cảnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sẽ tới thăm Bình Nhưỡng để dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 thành lập chính quyền miền Bắc vào ngày 9/9 sắp tới.


Rõ ràng, nhà lãnh đạo Trung Quốc đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đột ngột hủy chuyến thăm tới Bắc Triều Tiên của Ngoại trưởng Pompeo và đổ lỗi cho Trung Quốc. Trong tình thế này, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể cảm thấy gánh nặng nếu quyết định tới thăm Bình Nhưỡng, giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nhưng nếu Bắc Kinh hủy chuyến thăm này, danh tiếng của ông Tập sẽ bị ảnh hưởng. Quan trọng hơn, mối quan hệ Trung-Triều vừa mới được khôi phục sau một thời gian dài gián đoạn trong lúc Bắc Triều Tiên đang đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ. Trong quá trình đó, Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un đã tới thăm Trung Quốc tới ba lần. Do đó, bất chấp một vài khó khăn, Chủ tịch Tập rất có thể sẽ quyết định tới thăm miền Bắc với tính chất có qua có lại.


Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 29/8 cho biết Bắc Kinh ủng hộ đối thoại Mỹ-Triều cũng như quan hệ liên Triều trước thềm phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đồng thời sẽ nỗ lực tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc và ổn định trong khu vực. Điều này được nhìn nhận như ý định của Trung Quốc nhằm đóng vai trò điều phối trong đối thoại về phi hạt nhân hóa với mục tiêu gạt bỏ các chỉ trích của Tổng thống Trump rằng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm khi đàm phán Mỹ-Triều bế tắc. Giờ đây sự chú ý đang được hướng tới việc Bắc Triều Tiên sẽ phản ứng thế nào trước quyết định hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo.


Cho tới nay Bắc Triều Tiên vẫn im lặng, đối lập với phản ứng nhanh chóng của nước này trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ vào hồi tháng 5 về việc hủy hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Kim Jong-un. Giờ đây, tình thế đã thay đổi. Chủ tịch Kim đã tổ chức hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Trump, và Ngoại trưởng Mỹ Pompeo sau đó đã tới thăm Bình Nhưỡng. Miền Bắc cho rằng ông Trump sẽ không quay đầu lại với đàm phán Mỹ-Triều cho tới tận tháng 11. Với tính toán chiến lược trên, Bắc Triều Tiên tin rằng chính ông Trump, chứ không phải Chủ tịch Kim, đang ở thế tuyệt vọng hơn. Giờ đây, miền Bắc sẽ chờ xem liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có tới thăm Bình Nhưỡng vào tháng sau không. Hơn nữa, nước này sẽ chờ đợi và dõi xem kết quả của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba trong năm nay được lên kế hoạch tổ chức vào giữa tháng 9. Trong lúc trải qua giai đoạn có phần nguội lạnh, Chủ tịch Kim sẽ cân nhắc về phương án đối phó với một vòng đàm phán về phi hạt nhân hóa mới với Mỹ trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập