Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tranh cãi mới xoay quanh các căn cứ tên lửa của Bắc Triều Tiên

2018-11-15

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Trong bối cảnh đàm phán Mỹ-Triều về vấn đề hạt nhân còn đang bế tắc, thông tin về sự tồn tại của các căn cứ tên lửa bí mật của Bắc Triều Tiên đang làm dấy lêncác cuộc tranh cãi mới. Sự việc bắt đầu ngày 12/11 vừa qua (theo giờ Mỹ), Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ tuyên bố đã xác định ít nhất 13 căn cứ tên lửa chưa từng được khai báo tại miền Bắc. Hãy cùng lắng nghe ông Park Won-gon, Giáo sư Quan hệ quốc tế của trường Đại học Handong, phân tích sâu hơn.


“Beyond Parallel,” một chương trình chuyên về các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc thuộc CSIS, cho rằng đã xác định được vị trí của ít nhất 13 trong số 20 căn cứ tên lửa đang hoạt động chưa từng được Bình Nhưỡng khai báo, trong một báo cáo có tên “Những điều Bắc Triều Tiên chưa công bố.” Chương trình cũng tiết lộ các ảnh chụp vệ tinh của căn cứ tên lửa Sakkanmol, thuộc huyện Hwangju, tỉnh Bắc Hwanghae, miền Bắc. Viện dẫn những phân tích hình ảnh vệ tinh từ CSIS, tờ New York Times của Mỹ ngày 12/11 cũng đưa tin Bình Nhưỡng có 16 căn cứ tên lửa bí mật và các căn cứ này thể hiện rằng miền Bắc đang “lừa dối trắng trợn.” Các thông tin trên đã làm dấy lên rất nhiều tranh cãi.


Trong báo cáo của mình, CSIS đặc biệt chú ý tới căn cứ tên lửa Sakkanmol. Viện dẫn các ảnh chụp vệ tinh từ tháng 3, cơ quan cố vấn này cho rằng căn cứ trên có 7 đường hầm dài có thể chứa 18 xe chuyên chở tên lửa. CSIS cũng cảnh báo các căn cứ bí mật như vậy có thể là một mối đe dọa quân sự. Trong bối cảnh đối thoại Mỹ-Triều tiếp tục bế tắc, bài báo được dự đoán sẽ tạo ra sức ép lên các quan chức Mỹ với yêu cầu phải cẩn trọng hơn khi đối phó với Bắc Triều Tiên.


Một trong những nguyên nhân mấu chốt của thế bế tắc hiện nay giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ chính là việc Bình Nhưỡng từ chối công bố các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, bất chấp yêu cầu kiên trì từ phía Chính phủ Mỹ. Bản báo cáo vừa qua của CSIS cho thấy ngay cả cơ quan cố vấn tư nhân này cũng có thể tìm ra được các cơ sở tên lửa then chốt tại miền Bắc, và một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc giục Bình Nhưỡng mau chóng công bố các chương trình hạt nhân của mình. Tôi cho rằng đây là một lời cảnh báo đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Khi tiết lộ Bắc Triều Tiên có quá nhiều cơ sở bí mật, CSIS cảnh báo Tổng thống Mỹ không nên lao vào một “thỏa thuận lớn” với miền Bắc thông qua việc ký kết một hiệp định hòa bình chỉ để đổi lấy sự phá dỡ từng phần các cơ sở hạt nhân và tên lửa của nước này.


Nhấn mạnh khả năng Bắc Triều Tiên có thể đang che giấu các cơ sở và vũ khí hạt nhân của mình, bản báo cáo đã thức tỉnh các quan chức Mỹ về sự nghi ngờ ngày một lớn trước cam kết phi hạt nhân hóa của miền Bắc. Cho tới thời điểm này, Bình Nhưỡng lẽ ra phải quyết định tự mình phá dỡ các cơ sở trên và tuân theo quy trình phi hạt nhân hóa. Nhưng hiện tại, nhiều quan chức tại Washington đang đặt câu hỏi về hiệu quả của hình thức “tự phi hạt nhân hóa” trên. Thay vào đó, họ muốn thúc giục Bắc Triều Tiên trình ra danh sách đầy đủ các chương trình hạt nhân và tên lửa trước khi thực sự tiến hành phá dỡ và kiểm chứng. Phương cách này rất có thể sẽ gây thêm nhiều sức ép hơn tới Bình Nhưỡng.


Bản báo cáo một lần nữa đã nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của các tên lửa đạn đạo. Một trong những mục tiêu chính của việc chính quyền Tổng thống Trump rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran là nhằm tránh để các nước Trung Đông phát triển tên lửa đạn đạo. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được cho là đã chỉ ra vấn đề tên lửa Bắc Triều Tiên trong chuyến thăm thứ 4 tới Bình Nhưỡng vào tháng trước. Tôi không cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump có quan điểm hoàn toàn khác biệt với báo cáo của CSIS. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều 12/6, ông Trump đã tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn. Tất nhiên, phi hạt nhân hóa hoàn toàn ở đây bao gồm cả việc chấm dứt hoàn toàn các tên lửa đạn đạo có khả năng chở đầu đạn hạt nhân. Đây là quan điểm chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ. Như một phần nỗ lực gây sức ép lên Bình Nhưỡng và có được lợi thế tại đàm phán trong tương lai, Washington dường như đang nhấn mạnh rằng việc phá dỡ các chương trình tên lửa đạn đạo của miền Bắc sẽ cấu thành cốt lõi của quá trình phi hạt nhân hóa.


Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, Washington đang nhấn mạnh về cấm vận Bình Nhưỡng và việc miền Bắc phải công bố đầy đủ về kho vũ khí hạt nhân của mình, cũng như một quá trình kiểm chứng kỹ lưỡng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, rất khó để nói rằng sự hiện diện của các bãi thử tên lửa như đã báo cáo đang gây ra mối bất hòa trong thỏa thuận về phi hạt nhân hóa giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Trong khi thỏa thuận ở Singapore hồi tháng 6 kêu gọi các nỗ lực tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc, việc đóng cửa các căn cứ tên lửa tầm ngắn đã không được nêu cụ thể trong thỏa thuận này. Hơn nữa, các hình ảnh vệ tinh do CSIS tiết lộ được chụp từ tháng 3, tức ba tháng trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Dường như Mỹ đang tập trung nhiều hơn vào việc miền Bắc phải công bố chương trình phát triển hạt nhân của mình tại các cuộc đàm phán trong tương lai, hơn là sự tồn tại của bản thân các căn cứ tên lửa. Trên thực tế, Tổng thống Donald Trump đã cố gắng làm giảm mối quan ngại về các căn cứ tên lửa chưa được khai báo của Bình Nhưỡng.


Tổng thống Trump đã mau chóng đưa ra phản ứng với bài báo của tờ New York Times trên tài khoản Twitter cá nhân, gọi đây là “tin tức giả”, “không chính xác”. Cùng lúc đó, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton tuyên bố rằng ông Trump vẫn đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thứ 2 với Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Điều đó có nghĩa Washington muốn duy trì xung lực của đối thoại. Mỹ đã có phản ứng thận trọng trước việc hoãn hội đàm cấp cao song phương hồi tuần trước và hai phía đã tránh chỉ trích lẫn nhau. Họ được cho là sẽ lên kế hoạch mới cho cuộc gặp bị hoãn lại này. Đúng là Bình Nhưỡng và Washington có quan điểm khác nhau về vấn đề phi hạt nhân hóa. Nhưng họ rõ ràng đang nỗ lực giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại.


Tổng thống Trump cho rằng báo cáo của CSIS không phải nội dung mới, trong một động thái dường như là nhằm kiểm soát bất cứ yếu tố bất lợi nào có thể làm ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ-Triều và nhằm duy trì xung lực của đối thoại. Nhưng cuộc giằng co giữa Bình Nhưỡng và Washington có thể sẽ còn quyết liệt hơn, xét tới việc các thành viên Đảng Dân chủ đã chiếm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ, và sự nghi ngờ chính sách với miền Bắc của chính quyền Tổng thống Trump đang ngày một tăng lên.


Tình huống này quả là không dễ dàng gì. Bắc Triều Tiên và Mỹ có quan điểm rất khác biệt về các biện pháp tương ứng trong quá trình phi hạt nhânhóa miền Bắc. Tôi cho rằng vấn đề sẽ được giải quyết khi một trong hai bên nhượng bộ. Trong tình huống đó, vai trò của Hàn Quốc là rất quan trọng. Seoul cần tăng cường hợp tác hơn nữa với Washington, đồng thời duy trì các kênh đối thoại với Bình Nhưỡng. Nói cách khác, Hàn Quốc phải sử dụng quan hệ với Mỹ và quan hệ liên Triều một cách hiệu quả, nhằm dẫn dắt quá trình mà trong đó hai miền Nam-Bắc và Mỹ phác thảo một lộ trình và kế hoạch cụ thể cho sự phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.


Trong lúc đối thoại Mỹ-Triều tiến triển chậm chạp, tranh cãi vừa qua xoay quanh các căn cứ tên lửa của Bắc Triều Tiên có nguy cơ sẽ ảnh hưởng tới đàm phán hạt nhân song phương. Bởi vậy, Hàn Quốc cần đóng vai trò hóa giải tranh cãi này, vốn đã nổ ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 và đang đe dọa hủy hoại lòng tin giữa 2 phía.

Lựa chọn của ban biên tập