Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chương trình du lịch liên Triều núi Geumgang đang trên bờ vực bị “xóa sổ”

2019-11-14

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Đầu tháng 11 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất với Bắc Triều Tiên về việc gửi nhóm kiểm tra đến núi Geumgang ở miền Bắc để rà soát các cơ sở của miền Nam ở đó. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không hề có phản hồi nào, báo hiệu không mấy tích cực về triển vọng của dự án du lịch liên Triều, vốn đã bị đóng cửa từ lâu. Giáo sư Cho Jin-gu đến từ Viện nghiên cứu các vấn đề Viễn Đông, Đại học Kyungnam phân tích sâu hơn.


Ngày 23/10, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã có chuyến thị sát khu vực núi Geumgang. Tại đây, Chủ tịch Kim chỉ trích các cơ sở bị bỏ mặc của Hàn Quốc rất tệ hại, nhìn đã thấy chán. Nhà lãnh đạo miền Bắc nói rằng chương trình du lịch núi Geumgang giờ không còn là biểu tượng của hợp tác liên Triều, và việc phụ thuộc vào miền Nam trong dự án này là sai lầm. Song, ông cũng nói người dân Hàn Quốc vẫn được chào đón tại khu nghỉ mát này. Hai ngày sau đó, Bình Nhưỡng đề nghị thảo luận vấn đề này với Hàn Quốc bằng văn bản. Đáp lại, ngày 28/10, Seoul đề nghị tổ chức các cuộc gặp cấp chuyên viên. Tuy nhiên ngay hôm sau, miền Bắc một lần nữa nhắc lại đề nghị trao đổi qua văn bản. Rõ ràng, ngay từ đầu miền Bắc không có ý định gặp trực tiếp miền Nam. Nỗ lực từ phía Hàn Quốc vẫn không dừng lại ở đó. Ngày 5/11, chính quyền thành phố Seoul đề nghị cử một phái đoàn đến núi Geumgang để kiểm tra các cơ sở hạ tầng trong khu du lịch. Thế nhưng cho đến nay, miền Bắc vẫn im lặng.


Ngày 10/11, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã đề cập đến sự cần thiết phải trùng tu, tân trang các cơ sở tại khu nghỉ mát trên núi của miền Bắc, nhấn mạnh đây là dịp tái khởi động dự án du lịch. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên kiên quyết giữ vững lập trường chỉ thảo luận về việc loại bỏ các cơ sở xây dựng của Hàn Quốc bằng văn bản. 


Bắc Triều Tiên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tự lực cánh sinh khi đối phó với các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Nước này thể hiện khá tự tin là có thể đối phó với những lệnh này. Tuy nhiên trên thực tế, miền Bắc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt quốc tế tăng cường. Chẳng hạn như khó đảm bảo đủ vật liệu để xây dựng khách sạn hoặc các cơ sở du lịch khác. Do đó, tôi nghĩ động thái của Bắc Triều Tiên lần này nhằm “thăm dò” phản ứng của Seoul. Hàn Quốc hy vọng sẽ tiếp tục các tour du lịch đến ngọn núi hùng vĩ của Bắc Triều Tiên, nhưng cũng đồng thời phải xem xét các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với miền Bắc. Do đó, miền Bắc muốn xem miền Nam sẽ tìm ra lối thoát nào cho tình hình bế tắc hiện tại. Thêm vào đó, có vẻ Bình Nhưỡng đang xây dựng kế hoạch cụ thể liên kết các tour du lịch núi Geumgang với khu trượt tuyết nghỉ dưỡng Masikryong, hoặc khu du lịch bãi biển Kalma ở thành phố Wonsan, như một phần của chiến lược phát triển kinh tế 5 năm.


Nối lại chương trình du lịch xuyên biên giới là một trong những chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9 năm ngoái. Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un cũng đề cập đến mong muốn khởi động lại tour du lịch núi Geumgang trong bài phát biểu chào năm mới đầu năm nay. Song, miền Bắc hiện đang gây áp lực cho miền Nam với lập trường cứng rắn. Lý do có thể vì mối quan hệ liên Triều không tiến triển thêm chút nào kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội hồi tháng 2 kết thúc mà không đạt thỏa thuận. Thêm vào đó, việc nối lại dự án du lịch còn không được thảo luận do các lệnh trừng phạt quốc tế tăng cường. Chính vì không có bước tiến triển nào trong cả đàm phán hạt nhân với Mỹ lẫn hợp tác kinh tế với Hàn Quốc, có lẽ Bắc Triều Tiên đã chọn phương thức tự lực tự cường, tự phát triển bằng du lịch mà không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt kinh tế từ phía Mỹ. 

Tuy nhiên trên thực tế, Bình Nhưỡng lại rất khó loại Seoul ra khỏi các tour du lịch. Nếu đơn phương trục xuất nhà điều hành tour du lịch Hàn Quốc là Công ty lữ hành Hyundai Asan, đơn vị đã đầu tư hàng trăm triệu đô-la Mỹ vào kinh doanh du lịch miền Bắc, khách nước ngoài sẽ e ngại hơn rất nhiều khi quyết định tới Bắc Triều Tiên. Ấn tượng không mấy tích cực của cộng đồng quốc tế sẽ gây nhiều khó khăn cho Bình Nhưỡng trong việc thu hút cả vốn đầu tư lẫn khách du lịch nước ngoài. Rõ ràng, đây không phải điều Bắc Triều Tiên mong muốn. Quốc gia bí ẩn khép kín này ngày càng nhận ra giá trị và tầm quan trọng của du lịch, và đã đầu tư nhiều tiền của và tài nguyên vào ngành công nghiệp không khói này. Với tham vọng trở thành một quốc gia du lịch, rất có khả năng miền Bắc sẽ dỡ bỏ các cơ sở của Hàn Quốc tại núi Geumgang và xây dựng mới lại toàn bộ. Các tour du lịch cá nhân có thể là giải pháp nên cân nhắc. 


Các chuyến du lịch cá nhân có thể là phương án thay thế. Tỉnh trưởng tỉnh Gangwon Choi Moon-Soon đã gửi thư cho Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm Washington gần đây, yêu cầu Mỹ cho phép Hàn Quốc triển khai du lịch ở bãi biển Kalma, thành phố Wonsan của miền Bắc. Các tour du lịch cá nhân cũng có thể phát sinh nhiều vấn đề. Tất nhiên thử thách lớn nhất vẫn là các lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc cần thảo luận vấn đề này với Mỹ tại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên, và có được sự đồng thuận từ phía Washington. Nhưng nếu không có các cuộc thảo luận giữa hai miền Nam-Bắc, sẽ rất khó để hiện thực hóa kế hoạch này.


Nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên của Liên hợp quốc không trực tiếp cấm hoạt động du lịch núi Geumgang. Vấn đề nằm ở nguồn thu lớn từ các gói du lịch nhóm chảy vào Bắc Triều Tiên, và việc đưa vào các thiết bị máy móc để tu sửa các cơ sở du lịch. Nếu triển khai du lịch cá nhân, các địa phương sẽ thu được lợi nhuận nhỏ lẻ. Nhưng du lịch cá nhân vẫn nằm trong khuôn khổ của các biện pháp trừng phạt. Do đó, Hàn Quốc rất cần thảo luận với Mỹ về vấn đề này. Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ kể từ khi nhậm chức ngày 17/11 này. 


Bộ trưởng Thống nhất cần truyền đạt lập trường của chính phủ Hàn Quốc, và nỗ lực giành được sự nhượng bộ từ phía Washington, bởi vấn đề du lịch núi Geumgang không thể giải quyết nếu không có sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Mỹ. Bộ Trưởng cần giải thích với Mỹ về tầm quan trọng và ý nghĩa của ngọn núi Bắc Triều Tiên này đối với Hàn Quốc. Đây không chỉ là một địa điểm du lịch, mà còn là điểm đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ có thể cảm thông với tinh thần nhân đạo.


Thế giới vẫn phải chờ xem liệu nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc trong việc nối lại chương trình du lịch nối liền hai miền biên giới có dẫn đến các cuộc đối thoại “mặt đối mặt” liên Triều, cũng như thay đổi quan điểm của Washington về các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng hay không.

Lựa chọn của ban biên tập