Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên tăng cường nỗ lực ngăn chặn virus corona chủng mới

2020-02-06

Vì một bán đảo thống nhất

© Rodong Sinmun

Bắc Triều Tiên đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của virus corona chủng mới và coi các biện pháp phòng ngừa là vấn đề chính trị quan trọng, có thể quyết định số phận của đất nước.

Ngày 2/2, Bắc Triều Tiên xác nhận chưa có trường hợp nhiễm virus corona chủng mới nào ở nước này. Bình Nhưỡng coi tình hình dịch bệnh nghiêm trọng đến mức thậm chí có thể ảnh hưởng đến ngoại giao khu vực. Nhà bình luận thời sự Choi Young-il phân tích sâu hơn.

 

Bắc Triều Tiên đã thành lập ban chỉ huy khẩn cấp gồm các Bộ trưởng và Thứ trưởng. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, ngày 4/2 đưa tin đảng đã thực hiện các biện pháp bổ sung để hỗ trợ các đơn vị liên quan thuộc Ban chỉ đạo phòng dịch trung ương nâng cao năng lực, tổ chức các dự án, truy tìm bất kỳ kẽ hở nào trong các nỗ lực phòng ngừa và đề xuất các biện pháp đối phó chi tiết. Tờ báo cũng khẳng định những đơn vị đó sẽ đủ khả năng đối phó với tình hình hiện tại, với sự góp sức của các quan chức có trách nhiệm từ Ban thư ký Nội các, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Bộ Thương mại. Rõ ràng, Bắc Triều Tiên đang tập trung mọi nỗ lực để ngăn chặn sự bùng phát của loại virus chết người này.

 

Ngày 22/1, Bắc Triều Tiên đã đóng cửa biên giới và chặn khách du lịch nước ngoài vào nước này. Ngày 28/1, miền Bắc tuyên bố áp dụng cơ chế khẩn cấp chống virus và quyết định cách ly toàn bộ người nước ngoài đến nước này qua đường Trung Quốc trong một tháng. Đến ngày 30/1, Bình Nhưỡng tạm thời đình chỉ hoạt động của Văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn biên giới Gaeseong. Ngay ngày hôm sau, nước này đóng cửa tất cả các tuyến hàng không và đường sắt đến và đi từ Trung Quốc, và thông báo cho Seoul về quyết định hoãn phá dỡ các cơ sở của Hàn Quốc tại khu nghỉ dưỡng núi Geumgang. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên đã phong tỏa tất cả các lối đi ra thế giới bên ngoài, chủ động ứng phó với virus corona chủng mới hơn so với các đợt bùng phát dịch bệnh trước đây, cụ thể là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003 và Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) năm 2015.

 

Cơ sở hạ tầng y tế để chống chọi với các bệnh truyền nhiễm của Bắc Triều Tiên yếu hơn nhiều so với các nước tiên tiến. Vài lần trước đây, tại miền Bắc bùng phát một số dịch bệnh đã không còn tồn tại ở các nơi khác trên thế giới, dẫn đến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh gia tăng, như đã thấy trong thống kê của các tổ chức quốc tế. Hiện tại, cơ sở hạ tầng của Bắc Triều Tiên không phù hợp để xử lý virus corona chủng mới. Một khi chủng virus này xâm nhập, nó có thể lây lan trên cả nước ngoài tầm kiểm soát. Đó là lý do tại sao Bình Nhưỡng quá nhạy cảm về sự bùng phát của bệnh truyền nhiễm, thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn bất kỳ quốc gia nào.

 

Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Bắc Triều Tiên tăng nhanh cũng là một lý do khiến miền Bắc nhanh chóng triển khai biện pháp ngăn chặn virus. Hơn 300.000 khách du lịch Trung Quốc đã đến thăm Bắc Triều Tiên vào năm ngoái. Chính phủ Bắc Kinh đã khuyến khích công dân đến miền Bắc trong một động thái rõ ràng nhằm hỗ trợ đồng minh cộng sản thông qua du lịch, bởi ngành này không nằm trong khuôn khổ lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Nhưng giờ đây, Bắc Triều Tiên, nước có chung biên giới với Trung Quốc, lại lâm vào tình thế khó khăn vì hạn chế du lịch và giao thương với Bắc Kinh. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuần trước cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi thư và tiền quyên góp cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bày tỏ niềm cảm thương sâu sắc với người dân Trung Quốc.

 

Bức thư và tiền quyên góp được coi là cử chỉ ngoại giao của Bắc Triều Tiên đối với Trung Quốc. Để tồn tại, miền Bắc không còn lựa chọn nào khác ngoài đóng cửa biên giới với Trung Quốc, gây ra áp lực ngoại giao. Nếu Bắc Kinh đổ lỗi cho Bình Nhưỡng vì đã quay lưng lại với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên sẽ không còn quốc gia nào để nương tựa. Vì vậy, miền Bắc đã làm tất cả những gì có thể. Thực tế là Bắc Triều Tiên nghèo khổ không thực sự có khả năng và tâm thế gửi quyên góp cho Trung Quốc. Bức thư và chút quyên góp cho thấy miền Bắc đang mong muốn Trung Quốc thông cảm cho các biện pháp kiểm dịch mới nhất của nước này.

 

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng đã gửi thiệp chúc mừng năm mới tới Chủ tịch Trung Quốc. Hôm 3/2, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã công bố danh sách các nhà lãnh đạo mà Chủ tịch Kim Jong-un đã gửi thiệp chúc mừng, và đề cập đến ông Tập Cận Bình đầu tiên. Quan hệ Trung-Triều có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhờ những nỗ lực ngoại giao của Bình Nhưỡng, tuy vậy những khó khăn kinh tế của Bắc Triều Tiên sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Đình chỉ thương mại với Trung Quốc có thể gây rủi ro cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Bằng cách xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, Bắc Triều Tiên đã kiếm được ngoại tệ và tồn tại được trước các lệnh trừng phạt mạnh mẽ do Liên hợp quốc và Mỹ áp đặt. Giao thương với Trung Quốc chiếm tới 91,8% giao dịch quốc tế của Bắc Triều Tiên năm ngoái. Nếu hoạt động buôn lậu và kinh doanh không chính thức của thị trường tư nhân hay còn gọi là Jangmadang cũng bị đình chỉ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ phải thay đổi chính sách.

 

Từ đầu năm, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã kiểm tra các cơ sở kinh tế trong nỗ lực tăng cường đoàn kết nội bộ. Tuy nhiên, do lo ngại virus, ông đã kiềm chế các hoạt động công cộng. Trước vụ lúa mùa xuân, các trang trại địa phương ở Bắc Triều Tiên đang rất lo lắng về khả năng lây lan của virus. Virus này cũng đã phá vỡ kế hoạch kiếm ngoại tệ thông qua du lịch của miền Bắc.

 

Trong cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương đảng Lao động hồi cuối năm ngoái, Chủ tịch Kim Jong-un kêu gọi người dân tạo ra bước đột phá trực diện để xây dựng nền kinh tế tự chủ. Kể từ đó, Bắc Triều Tiên đã nỗ lực giải quyết các khó khăn kinh tế, khuyến khích nhiều ngành công nghiệp đa dạng, bao gồm cả nông nghiệp, chung tay hiện thực hóa mục tiêu. Tuy nhiên, nếu không được trợ giúp từ Trung Quốc, Bắc Triều Tiên khó có thể giành được độc lập về kinh tế, bất kể có quyết tâm theo đuổi tự lực đến đâu. Nếu virus corona chủng mới không được kiểm soát sớm, Bắc Triều Tiên sẽ phải đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng. Trong tình thế này, Bình Nhưỡng càng cần giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế. Do đó, vấn đề virus có thể sẽ tác động đến chính sách đối ngoại của Bắc Triều Tiên.

 

Nếu vấn đề virus tồn đọng quá lâu, Bắc Triều Tiên có thể sẽ không đủ sức đương đầu với những khó khăn kinh tế và phải yêu cầu nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, chấp thuận một thỏa thuận trọn gói” vốn được Mỹ ủng hộ. Kịch bản gần như không thể xảy ra này hiện đang được giới phân tích lưu tâm. Lo ngại về sự bùng phát virus corona chủng mới, một yếu tố không lường trước, có thể khiến Bắc Triều Tiên dịu lại thái độ và tạo ra bước ngoặt cho quan hệ Mỹ-Triều.

 

Song song với những nỗ lực kiểm dịch quyết liệt để ngăn chặn sự bùng phát của virus trên lãnh thổ, Bắc Triều Tiên có thể sẽ thay đổi lập trường cứng rắn. Sự lây lan toàn cầu của dịch viêm phổi Vũ Hán đang là yếu tố mới có khả năng ảnh hưởng đến tình hình ngoại giao xung quanh bán đảo Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập