Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Khả năng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai

2018-09-13

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Quan hệ Mỹ-Triều tưởng chừng như đang xấu đi khi chuyến thăm tới Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đột ngột bị hủy vào cuối tháng trước lại vừa có một bước ngoặt. Vào ngày 10/9 vừa qua, Nhà Trắng cho biết Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai trong một bức thư. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Jin Hee-gwan đến từ khoa Thống nhất trường Đại học Inje phân tích về khả năng diễn ra sự kiện trên.


Nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao đổi một vài bức thư. Nội dung các bức thư khá chung chung, nhưng đột nhiên bức thư gần đây nhất lại bao hàm đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Điều này cho thấy hai bên đã chốt lại quan điểm về vấn đề này ở một mức độ nào đó. Dường như chính quyền của Tổng thống Trump rất hoan nghênh bức thư trên. Có thể thấy Bắc Triều Tiên vừa qua đã tránh khiêu khích Chính phủ Mỹ khi không đưa các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm thành lập chính quyền vào ngày 9/9. Miền Bắc dường như đang cố gắng xây dựng một bầu không khí thuận lợi cho đối thoại Mỹ-Triều.


“Ngoại giao thư từ” giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ đã cho thấy khả năng diễn ra cuộc họp thượng đỉnh song phương lần thứ hai đang ngày một lớn. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, một nhân vật theo đường lối cứng rắn với Bình Nhưỡng, cũng tiết lộ khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai trong năm nay. Theo sau phản ứng tích cực của Washington trước đề xuất hội đàm thượng đỉnh của Chủ tịch Kim Jong-un, đàm phán song phương về phi hạt nhân hóa một lần nữa lại được đẩy nhanh tiến độ. Lý do nào khiến nhà lãnh đạo miền Bắc quyết định phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán và đưa ra đề nghị như trên?


Chủ tịch Kim Jong-un đã công bố kế hoạch phát triển kinh tế năm năm tại Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên lần thứ VII vào tháng 5/2016. Đây là Đại hội đảng lần đầu tiên dưới chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un. Giờ đây, chỉ còn chưa đầy hai năm rưỡi nữa là tới năm 2021, năm mục tiêu cho kế hoạch kinh tế đầy tham vọng này. Nhiều người cho rằng yếu tố trên không đóng vai trò lớn. Nhưng Đại hội đảng vừa qua là sự kiện đầu tiên trong vòng 36 năm, và kế hoạch phát triển kinh tế trên cũng là đề xuất kinh tế đầu tiên trong vòng gần 30 năm qua, khi một kế hoạch tương tự trong vòng bảy năm đã được công bố vào năm 1987. Nói cách khác, Chủ tịch Kim Jong-un đã triệu tập một đại hội toàn đảng rất hiếm khi được tổ chức và công bố kế hoạch phát triển kinh tế năm năm, điều vốn chưa có tiền lệ trong những năm tháng cầm quyền của cha mình là cố Chủ tịch Kim Jong-il. Rất khó để Bắc Triều Tiên đạt được mục tiêu kinh tế trên, nhất là về mặt con số, nếu chỉ dựa vào các nguồn lực trong nước. Do đó, chính quyền của ông Kim Jong-un cần phải thu hút được các nguồn lực bên ngoài thông qua việc cải thiện quan hệ với Mỹ.


Nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un đang nỗ lực một cách toàn diện nhằm xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, thậm chí từ bỏ chính sách tiêu biểu của mình là “phát triển hạt nhân song song với phát triển kinh tế.” Vì mục tiêu đó, một quốc gia ẩn dật như Bắc Triều Tiên cần phải thoát khỏi sự cô lập ngày một trầm trọng hơn, hậu quả của các lệnh cấm vận mạnh mẽ của Mỹ. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sử dụng hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai với ông Kim như một thành tựu trong vấn đề hạt nhân miền Bắc trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11. Vì những lý do trên, các nhà phân tích cho rằng trước tháng 11 năm nay, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sẽ được diễn ra tại Washington.


Nhiều người dự đoán rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai có thể sẽ được tổ chức vào tháng 10, trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giữa nhiệm kỳ vào đầu tháng 11. Tôi cho rằng Washington chính là địa điểm mà Tổng thống Trump mong muốn tổ chức sự kiện này nhất. Chuyến thăm tới Mỹ đầu tiên của một nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều sự chú ý. Xét tới việc các hãng truyền thông trên toàn thế giới đều đặt trụ sở tại Washington, một cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại thủ đô của nước Mỹ sẽ có hiệu ứng truyền thông ở mức cực đại. Ông Trump có lẽ biết rất rõ điều này. Đương nhiên, Chủ tịch Kim Jong-un có thể mong muốn tổ chức sự kiện trên tại Bình Nhưỡng hơn là Washington. Nhưng nếu phán đoán dựa trên thái độ hăng hái vừa qua của ông này trong việc cải thiện quan hệ Mỹ-Triều, ông Kim có thể sẽ tới tận Washington để dự hội đàm thượng đỉnh.


Giữa bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai có khả năng diễn ra tại Washington vào tháng 10, sự chú ý cũng được hướng tới việc liệu hai bên có đạt được một thỏa thuận lớn nhằm giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa vốn đang bế tắc hay không. Tại hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên ở Singapore vào tháng 6, Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đã đạt được một thỏa thuận toàn diện trên ba điểm –phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, đảm bảo an ninh cho chính quyền miền Bắc và bình thường hóa quan hệ song phương. Ba tháng đã trôi qua, nhưng thỏa thuận trên chưa hề có tiến triển. Mỹ yêu cầu miền Bắc công bố danh sách đầy đủ các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, cũng như phá hủy một phần chương trình vũ khí hạt nhân. Nhưng Bình Nhưỡng vẫn chưa có động thái thực tế nào ngoài việc kêu gọi một “giải pháp đồng bộ”, trong đó việc công bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và giảm nhẹ cấm vận với miền Bắc nên được tiến hành cùng lúc.


Mong muốn lớn nhất của Bắc Triều Tiên chính là tuyên bố chấm dứt chiến tranh và còn hơn nữa. Bình Nhưỡng đã liên tục phàn nàn rằng “Tại sao 

Mỹ mong đợi một bước tiến, nhưng lại không thể giải quyết vấn đề căn bản là công bố chấm dứt chiến tranh?” Nếu Tổng thống Donald Trump muốn thu về một số thành quả tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Chủ tịch Kim Jong-un, ít nhất ông Trump nên đưa ra quyết định về vấn đề này. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng hai bên có thể sẽ chuẩn bị một kênh đối thoại ổn định hơn, như văn phòng liên lạc hoặc văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng và Washington, hơn là chỉ dựa vào các cuộc hội đàm cấp cao do Ngoại trưởng Mỹ Pompeo dẫn đầu. Nếu hai nước đạt được thay đổi này trong quan hệ song phương, hội nghị thượng đỉnh sắp tới rất có thể sẽ diễn ra suôn sẻ và thu về kết quả tích cực.

Lựa chọn của ban biên tập