Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Nền nông nghiệp của Bắc Triều Tiên

2019-03-14

Vì một bán đảo thống nhất

© KBS

Theo lịch truyền thống của Hàn Quốc, tiết “Kinh trập” (“Gyeongchip”, ngày 6/3 năm nay), là lúc vạn vật tỉnh dậy sau giấc ngủ đông, báo hiệu mùa xuân đến. Vào thời điểm này trong năm, người nông dân bắt đầu chuẩn bị việc đồng áng, như sửa sang lại các nông cụ, cày đất và chuẩn bị gieo hạt. Vậy việc nuôi trồng ở Bắc Triều Tiên thì như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu về nền nông nghiệp ở miền Bắc.


Nông nghiệp – ngành quan trọng nhất ở miền Bắc

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cho biết sản lượng của nông-lâm-ngư nghiệp năm 2016 vào khoảng 7.140 tỷ won (6,32 tỷ USD), chiếm 22,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bắc Triều Tiên. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) thì ước tính 2,93 triệu người dân miền Bắc tham gia vào ngành nuôi trồng năm 2014, chiếm 11,7% tổng dân số. Như vậy, nông nghiệp rất được xem trọng tại đất nước này.


Nhưng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp thì lại rất nghèo nàn. Hệ thống tưới tiêu không đủ, khiến người nông dân không thể đảm bảo đủ nước sử dụng cho nông nghiệp. Miền Bắc cũng thiếu phân bón hóa học, vốn cần thiết cho việc gia tăng sản lượng nông nghiệp. Do tình trạng thiếu thốn lương thực kinh niên, Bình Nhưỡng đã phát động các “cuộc chiến nông nghiệp” trong nhiều năm.


Khởi đầu việc đồng áng trong năm bằng lễ khai máy kéo

Vào mùa xuân, nông dân Bắc Triều Tiên tổ chức lễ khai máy kéo. Trong đó họ sửa sang và đưa máy kéo vốn đã không được sử dụng trong suốt mùa đông ra, thể hiện rằng mình đã sẵn sàng cho công việc đồng áng. Ngay sau nghi lễ này, họ sẽ cày ruộng và mang phân bón ra đồng bằng máy kéo, báo hiệu sự khởi đầu của việc nuôi trồng trong năm.


Vào mùa đồng áng bận rộn tháng 5-6, người dân sẽ tham gia vào các “cuộc chiến” trồng lúa và làm cỏ. Tới mùa thu, họ tham gia “cuộc chiến” thu hoạch. Vào mùa đông, họ gửi phân bón đã thu thập được từ các công ty và vùng miền trên cả nước tới các làng xã nông nghiệp, gọi là “cuộc chiến phân bón”. Các “cuộc chiến” này là nhằm huy động nỗ lực, nguồn lực của người dân, bởi đất nông nghiệp thuộc sở hữu của Nhà nước.


Đất nông nghiệp thuộc sở hữu của Nhà nước

Năm 1946, ngay sau khi bán đảo Hàn Quốc giành được độc lập, Bắc Triều Tiên đã tiến hành cải cách ruộng đất bằng cách tịch thu đất đai từ người Nhật và các đại địa chủ, rồi phân phát cho người lao động và nông dân. Trong vòng 5 năm từ năm 1953, nước này đã quốc hữu hóa ngành nuôi trồng. Kể từ đó, đất đai của miền Bắc thuộc sở hữu của Nhà nước, và việc buôn bán và tư hữu hóa đất đai là bị cấm. Cho đến năm 1997, có khoảng 3.220 nông trường tập thể và 1.241 nông trang Nhà nước tại Bắc Triều Tiên. Các nông trường tập thể chiếm tới hơn 90% tổng số các khu vực nuôi trồng. Nông dân làm việc tại các nông trường tập thể nhận được nguồn cung thực phẩm trong một năm, như phần của mình sau khi thu hoạch. Nhưng tình hình giờ đây đã thay đổi.


Cải cách nông nghiệp sau thời kỳ “Tháng Ba gian khổ” của thập niên 1990

Sau khi hứng chịu nạn đói trên diện rộng trong thập niên 1990, Bắc Triều Tiên đã tiến hành cải cách nông nghiệp nhằm nâng cao sản lượng. Cuộc cải cách này đã đặc biệt được đẩy mạnh kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên lãnh đạo đất nước. Năm 2012, miền Bắc áp dụng một biện pháp cải cách nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực kinh niên.


Dưới hệ thống mới, chính quyền chia nhỏ các nông trường tập thể và phân phối ruộng cho các nhóm nhỏ hơn chỉ từ 3-5 người mỗi nhóm. Trước đây, nhóm từ 20-25 người được phân làm việc tại nông trang. Dưới hình thức nuôi trồng quy mô gia đình, người nông dân được phép giữ lại và bán ra bất cứ số dư nào, sau khi họ đã hoàn thành hạn mức quy định. Trước đó, năm 2003, buôn bán thực phẩm đã được công nhận chính thức tại các chợ, góp phần cải thiện nguồn cung và cầu thực phẩm.


Sau khi các nông trường tập thể, vốn cấu thành chìa khóa cho nền nông nghiệp miền Bắc, áp dụng các yếu tố của nền kinh tế thị trường, tình trạng lương thực đã được cải thiện phần nào. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên vẫn đang tụt hậu về nông nghiệp. Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (Mỹ) phân tích rằng năng suất đất của miền Bắc đang giậm chân ở mức của những năm 1990. Liên hợp quốc đầu tháng này tuyên bố năm ngoái miền Bắc đã có vụ thu hoạch kém nhất trong vòng hơn một thập niên, với chỉ 4,95 triệu tấn lúa gạo. Để cải thiện nền nông nghiệp ở nước này, Bình Nhưỡng nên đưa ra một quyết định lớn.


Nông nghiệp – lĩnh vực tiềm năng nhất để cải thiện quan hệ với miền Bắc

Nhà đầu tư nổi tiếng thế giới người Mỹ Jim Rogers từng phát biểu rằng nông nghiệp có thể là lĩnh vực tiềm năng nhất nếu quan hệ liên Triều được cải thiện. Nếu nguồn nhân lực của miền Bắc được kết hợp với nguồn vốn và chuyên môn của miền Nam, nền nông nghiệp của một bán đảo Hàn Quốc thống nhất có thể vượt trội Nhật Bản. Cộng đồng quốc tế đang tập trung sự chú ý vào miền đất hứa, chính là nông nghiệp của Bắc Triều Tiên. Hãy cùng chờ xem liệu miền Bắc có thể mở ra tương lai thông qua một cuộc cải cách táo bạo hay không.

Lựa chọn của ban biên tập