Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Lao động và việc làm ở Bắc Triều Tiên

2019-03-21

Vì một bán đảo thống nhất

© KBS

Các công ty và cơ quan Nhà nước ở Hàn Quốc vừa bắt đầu tuyển mộ nhân viên mới trong đợt tuyển dụng mùa xuân năm nay. Việc làm đang trở nên ngày một khó khăn, trung bình người tìm việc phải dành hơn 4 giờ mỗi ngày để tìm kiếm thông tin việc làm, viết bản sơ yếu lý lịch và thư xin việc. Vậy thị trường việc làm ở Bắc Triều Tiên thì như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu về điều kiện lao động và việc làm ở miền Bắc.


Mọi người dân đều có nghĩa vụ làm việc

Trên lý thuyết, tỷ lệ tuyển dụng ở Bắc Triều Tiên là 100%, bởi luật pháp nước này quy định rằng tất cả công dân có quyền và nghĩa vụ làm việc. Nói cách khác, miền Bắc đã đạt được “toàn dụng lao động”, tức là trạng thái của nền kinh tế mà tất cả những người thuộc lực lượng lao động đều có việc làm. Nam giới từ 16-60 tuổi và nữ giới từ 16-55 tuổi đều làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân lại không được phép lựa chọn việc làm.


Điều 70 Hiến pháp Bắc Triều Tiên quy định công dân lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với nguyện vọng và năng lực của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, Đảng lao động và các cơ quan hành chính chỉ định việc làm cho người dân, xem xét tới tầng lớp hoặc khuynh hướng chính trị của họ, hơn là năng lực hay phẩm chất. Bởi Đảng lao động quyết định công ăn việc làm cho người dân, nên họ không thể nào tự do thay đổi công việc. Sự thật là, một khi đã được chỉ định vào công việc nào đó, phần lớn người dân sẽ làm công việc ấy cả đời.


Quy định ngày làm 8 tiếng

Trên giấy tờ, người dân Bắc Triều Tiên làm việc 8 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần, và được nghỉ 14 ngày mỗi năm. Trên thực tế, phần lớn nam giới miền Bắc làm việc từ 7 giờ sáng tới 8 giờ tối. Ngoài 13 tiếng làm việc mỗi ngày, họ dành hai tiếng để đọc báo Lao động do Nhà nước phát hành và là cơ quan ngôn luận của Đảng lao động. Sau khi tan làm, họ phải đánh giá và phản ánh công việc trong ngày và tham dự nhiều cuộc họp kéo dài 1-2 tiếng. Công nhân nữ thậm chí còn bắt đầu ngày làm việc sớm hơn. Họ dậy lúc 5 giờ sáng, sớm hơn hai tiếng so với các đồng nghiệp nam, để chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa trước khi đi làm. Trong khi thời gian làm việc bị kéo dài, lương của người lao động lại khá thấp.


Lương của công nhân là không đủ sống

Bắc Triều Tiên khẳng định rằng lương hàng tháng của công nhân tại các doanh nghiệp Nhà nước đã tăng từ 100 USD lên 150 USD, sau khi nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un năm 2015 áp dụng biện pháp cải cách kinh tế nhằm trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các doanh nghiệp. Nhưng thu nhập trung bình hàng tháng trên thực tế của công nhân chỉ là 3.000 won (25 cent). Năm 2018, 1 USD tương đương với 8.000 won miền Bắc. Do đó, lương hàng tháng của họ còn chưa được 1 USD.Không thể trả chi phí sinh hoạt bằng đồng lương của mình, một số thành viên trong gia đình phải làm việc tại các chợ tư nhân, còn gọi là “jangmadang”.


Theo nghiên cứu của Giáo sư Kim Byung-yeon của Khoa Kinh tế trường Đại học Quốc gia Seoul, những người làm việc tại chợ có thể kiếm được trung bình 172.750 won (khoảng 21 USD) mỗi tháng. Vì vậy, người dân miền Bắc sống bằng lương hàng tháng và tiền lãi kiếm được từ chợ.


Thị trường lao động đang thay đổi từng ngày nhờ chợ

Theo thống kê dân số Bắc Triều Tiên thực hiện bởi Quỹ dân số của Liên hợp quốc năm 2008, 88% dân số nước này có việc làm. Nhưng báo cáo của Viện phát triển Hàn Quốc năm 2016 chỉ ra rằng tỷ lệ tuyển dụng chính thức đạt cao nhất là 56%, thấp hơn nhiều so với số liệu năm 2008.


Trong báo cáo gần đây, Đài châu Á tự do (RFA) của Mỹ cũng nhận định tấm bằng đại học là vô nghĩa đối với sinh viên Bắc Triều Tiên. Đó là bởi họ không thể nhận được gạo hay lương từ chỗ làm, nơi họ bị Nhà nước chỉ định làm việc sau khi tốt nghiệp. Chính quyền miền Bắc trừng phạt những người từ chối tới công sở, nhưng nhiều người đã lựa chọn chợ tư nhân, thay vì chỗ làm do Nhà nước quyết định. Kinh tế khó khăn cũng đang ảnh hưởng tới công việc mong muốn của người dân nước này.


Kể từ thập niên 1990, người dân Bắc Triều Tiên bắt đầu tìm kiếm các công việc có thể kiếm được nhiều tiền. Nhiều người theo đuổi các công việc chuyên môn hoặc bắt đầu tự kinh doanh ở chợ tư nhân, trong khi một số khác chuộng làm công việc hậu cần, đi về giữa Trung Quốc. Bởi chợ đã trở nên ngày một có tầm ảnh hưởng, một thế giới công việc khác đang được tạo ra, bên cạnh các công việc chính thức do Nhà nước chỉ định. Quả thực, thị trường lao động ở miền Bắc đang thay đổi từng ngày. Trong khi khái niệm lao động dựa trên lô-gíc chính trị đang ngày một mờ nhạt đi, làn gió kinh tế thị trường đang tràn vào đất nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa này.

Lựa chọn của ban biên tập