Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ

2019-04-04

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Washington (Mỹ) ngày 11/4 (giờ địa phương). Trước thềm sự kiện có thể tác động đến đối ngoại khu vực sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, nhiều quan chức cấp cao của Hàn Quốc đã tới Mỹ để thảo luận các bước đi chiến lược tiếp theo. Ông Oh Gyeong-seop, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc, phân tích.


Các quan chức ngoại giao và an ninh của Hàn Quốc đã tới Mỹ để giúp khôi phục xung lực đối thoại giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Phó Chánh văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Kim Hyun-chong đã gặp Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Charles Kupperman tại Nhà Trắng ngày 1/4 (giờ địa phương), nhằm thảo luận và chốt lại các chủ đề nghị sự cho Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vào tuần sau. Ông Kim cũng đã gặp các quan chức cấp cao và Thượng nghị sĩ Mỹ để thảo luận phương án nối lại đàm phán Mỹ-Triều. Cùng ngày và cũng tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo đã hội đàm với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, nhằm giải thích và kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ đối với lập trường của Hàn Quốc trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và khôi phục đối thoại Mỹ-Triều. 


Với việc quan chức cấp cao Hàn-Mỹ đã tổ chức một loạt các cuộc gặp gỡ tại Washington, dường như hội đàm phi hạt nhân hóa đang lấy lại xung lực sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đổ bể. Được biết, hai bên đã thảo luận phương án nhằm mau chóng phá vỡ thế bế tắc hiện nay giữa Bình Nhưỡng và Washington trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ, sự kiện được kỳ vọng sẽ vạch ra phương hướng cho đàm phán phi hạt nhân hóa.


Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ sắp tới là vô cùng quan trọng, bởi nó có thể tạo ra một bước đột phá cho thế bế tắc hiện nay trong đàm phán Mỹ-Triều, trong đó Tổng thống Hàn Quốc đóng vai trò trung gian, điều đình. Mỹ muốn thỏa thuận một lần duy nhất với Bắc Triều Tiên, trong khi miền Bắc theo đuổi phương án phi hạt nhân hóa từng phần. Bởi vậy, điều quan trọng là Tổng thống Moon Jae-in phải đưa ra được một giải pháp trung hòa hợp lý. Để duy trì đối thoại Mỹ-Triều, Hàn Quốc nên thuyết phục Bắc Triều Tiên làm rõ cam kết phi hạt nhân hóa của họ. Quy mô phi hạt nhân hóa và sự chân thành của Bình Nhưỡng trong cam kết sẽ là yếu tố quan trọng.


Mục đích của Tổng thống Moon Jae-in là đưa hội đàm Mỹ-Triều trở lại đúng quỹ đạo thông qua hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Trump. Nghị trình then chốt của thượng đỉnh Hàn-Mỹ sẽ là khác biệt giữa Bình Nhưỡng và Washington về phi hạt nhân hóa, cũng như phương án tiến tới một bán đảo Hàn Quốc không hạt nhân. Như nhà nghiên cứu Oh Gyeong-seop vừa giải thích, Mỹ đang thúc ép kế hoạch “tất cả trong một”, trong khi Bắc Triều Tiên lại tìm kiếm phương án từng bước một trong vấn đề giải trừ hạt nhân. Điều then chốt là hai bên có thể thu hẹp khoảng cách trong quan điểm đến mức nào.


Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa toàn diện bằng cách phá dỡ các cơ sở hạt nhân dưới lòng đất chưa được công bố, bên cạnh tổ hợp hạt nhân Yongbyun ở tỉnh Bắc Pyongan; giao nộp tất cả các vũ khí và vật liệu hạt nhân, cũng như từ bỏ các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác như vũ khí sinh-hóa. Trong khi đó, Bình Nhưỡng lại nhất quyết muốn Washington phải từng bước gỡ bỏ cấm vận, phù hợp với một thỏa thuận dựa trên một lộ trình hay kỳ hạn phi hạt nhân hóa căn bản. 


Chính phủ Hàn Quốc trước tiên cần phải đảm bảo lời hứa phi hạt nhân hóa hoàn toàn của Bắc Triều Tiên kèm theo một lộ trình thỏa đáng. Nếu Bình Nhưỡng đồng ý, Seoul nên thuyết phục Washington xem xét giảm nhẹ một phần cấm vận với Bình Nhưỡng. Về vấn đề dỡ bỏ cấm vận, Hàn Quốc có thể viện dẫn việc triển khai các dự án hợp tác kinh tế liên Triều.


Mục đích của Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ là tái khẳng định sự phối hợp trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán và đạt được những biện pháp phi hạt nhân hóa quan trọng. Vì mục tiêu này, Hàn Quốc rất có thể sẽ nhấn mạnh lập trường của mình về một thỏa thuận toàn diện và phương án triển khai từng phần cho quá trình phi hạt nhân hóa. Nghĩa là, bằng cách kết hợp các yêu cầu của cả Bình Nhưỡng và Washington, Seoul gợi ý rằng hai bên sẽ gặp nhau ở một điểm chung.


Phủ Tổng thống Hàn Quốc mới đây khẳng định Seoul đang chuẩn bị cho “một thỏa thuận vừa đủ tốt” mà cả Mỹ và Bắc Triều Tiên đều có thể chấp nhận được. Nếu thượng đỉnh Hàn-Mỹ đạt được một số thành quả tích cực, sự kiện này sẽ giúp khôi phục đối thoại Mỹ-Triều. Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề cập khả năng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tiếp theo.


Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 1/4 đã bày tỏ hy vọng Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp lại nhau trong “vài tháng tới” và có bước tiến quan trọng nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân miền Bắc. Ông Pompeo cũng nhận định rất khó để biết chính xác thời điểm của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba, nhưng khẳng định Mỹ mong muốn giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt.


Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ cho thấy Washington đang để ngỏ khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng, và rằng Mỹ có ý định tiếp tục tổ chức đàm phán phi hạt nhân hóa thông qua cuộc hội đàm thượng đỉnh lần thứ ba giữa ông Trump và ông Kim. Nếu Bắc Triều Tiên chấp nhận thay đổi lập trường, một cơ hội tốt đang mở ra để hai bên nối lại hội đàm.


Tổng thống Mỹ đang gửi đi một loạt các thông điệp hòa giải với Bắc Triều Tiên. Ngày 22/3, ông Trump đã chỉ thị rút lại các biện pháp cấm vận mới với miền Bắc. Một tuần sau đó, Tổng thống Mỹ quyết định dừng cấm vận bổ sung với Bình Nhưỡng với lý do chưa đến lúc áp dụng chúng, nhấn mạnh việc người dân Bắc Triều Tiên đang phải chịu đựng, chống đỡ. Nếu quan điểm này được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ sắp tới, đây sẽ là đầu mối quan trọng cho một giải pháp trong thế bế tắc hạt nhân hiện nay. Vào thời điểm hiện tại, chúng ta có thể hình dung về một Hội nghị thượng đỉnh liên Triều nữa tại Làng đình chiến Bàn Môn Điếm, sau đó là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi hiện nay là Bắc Triều Tiên sẽ phản ứng thế nào.


Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ sắp tới sẽ cho chúng ta biết về dạng thức và quy mô của hội đàm Mỹ-Triều trong tương lai. Để sự kiện trên đạt được thành công, điều quan trọng là Hàn Quốc phải khiến Bắc Triều Tiên đưa ra cam kết đầy đủ về phi hạt nhân hóa. Khi đó, Seoul sẽ dễ dàng thuyết phục Washington hơn.


Nhưng nếu miền Bắc không chấp nhận bất kỳ sự thay đổi nào trong lập trường, sẽ rất khó để Hàn Quốc đưa ra một thỏa hiệp với Mỹ. Vì vậy, Seoul cần phải liên lạc với Bình Nhưỡng thông qua nhiều kênh khác nhau trước cuộc hội đàm thượng đỉnh với Washington, và nỗ lực có được cam kết phi hạt nhân hóa từ miền Bắc.


Trong bối cảnh Mỹ-Triều tiếp tục bất đồng ý kiến sau hội nghị bất thành tại Hà Nội, Hàn Quốc đang cố gắng hết sức để điều phối giữa hai bên. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo chắc chắn là các nỗ lực của Seoul sẽ thu về thành quả mong muốn. Một chi tiết đáng lưu ý là Bắc Triều Tiên sẽ tổ chức phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân tối cao lần thứ 14 tại Bình Nhưỡng ngày 11/4, đúng thời điểm Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ diễn ra tại Washington. Nhiều nhà phân tích suy đoán rằng miền Bắc có thể sẽ công bố chính sách đối ngoại trọng yếu tại cuộc họp của cơ quan lập pháp nước này. Trong bối cảnh trên, cần phải dõi xem liệu Hàn-Triều-Mỹ sẽ phản ứng thế nào trong thời gian tới, giai đoạn tối quan trọng về mặt ngoại giao rất có thể sẽ quyết định vận mệnh của đối thoại Mỹ-Triều đang bế tắc.

Lựa chọn của ban biên tập