Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ tư

2019-04-18

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây đã chính thức đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư với Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Đề xuất trên được đưa ra ngày 15/4, chỉ ít ngày sau cuộc hội đàm thượng đỉnh Hàn-Mỹ và bài phát biểu của nhà lãnh đạo miền Bắc trong một cuộc họp then chốt của Hội đồng nhân dân tối cao nước này vào tuần trước. Tuy nhiên, vẫn chưa có gì đảm bảo chắc chắn là Bình Nhưỡng sẽ chấp nhận đề xuất của Tổng thống Moon, khi mà thời gian qua đã chỉ trích Seoul khá gay gắt. Ông Cho Sung-ryul, nghiên cứu viên cấp cao của Viện nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia (INSS) phân tích.


Hàn Quốc và Mỹ đã nỗ lực duy trì xung lực của hội đàm phi hạt nhân hóa kể từ sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi cuối tháng 2. Trong cuộc hội đàm thượng đỉnh tại Washington tuần trước, Tổng thống Moon và Tổng thống Trump đã nhất trí về nguyên tắc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và sự cần thiết phải duy trì xung lực cho đối thoại Mỹ-Triều. Cũng trong tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc đã thể hiện sự quan tâm lớn với bài phát biểu của Chủ tịch Kim Jong-un trước Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc.


Và sang đầu tuần này, Tổng thống Moon Jae-in đã khẳng định mong muốn gặp lại Chủ tịch Kim. Đề xuất về cuộc gặp song phương lần thứ tư được nhìn nhận như một phần trong các nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc nhằm khôi phục xung lực cho đàm phán phi hạt nhân hóa đang lâm vào bế tắc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba.


Tại cuộc hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Trump ở thủ đô Washington, Mỹ, ngày 11/4 (giờ địa phương), Tổng thống Moon đã bày tỏ ý định xúc tiến tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh liên Triều nữa. 4 ngày sau, Tổng thống Hàn Quốc tái khẳng định quan điểm này trong một cuộc họp với đội ngũ cố vấn Phủ Tổng thống ở Seoul. Tổng thống Moon nêu rõ địa điểm và dạng thức của cuộc hội đàm thượng đỉnh thứ tư với Chủ tịch Kim Jong-un không phải là vấn đề gì to tát, chừng nào hai bên còn có thể thảo luận một cách đáng kể vấn đề phi hạt nhân hóa. Nhưng vẫn cần phải chờ đợi và dõi xem Bắc Triều Tiên sẽ phản ứng ra sao. Trong bài phát biểu trước Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc ngày 12/4, nhà lãnh đạo nước này đã yêu cầu Hàn Quốc dừng việc đóng vai “người trung gian nhiễu sự” trong tiến trình hòa bình trên.


Bất chấp lời chỉ trích đanh thép nhằm vào Chính phủ Hàn Quốc, Bình Nhưỡng vẫn đang kỳ vọng Seoul đóng vai trò trung gian, điều phối, tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại Mỹ-Triều trong bối cảnh đàm phán song phương bế tắc. Tôi cho rằng miền Bắc muốn miền Nam giúp truyền tải lập trường tới Mỹ một cách chính xác, chứ không chỉ đơn thuần là chuyển tiếp thông điệp từ Washington tới Bình Nhưỡng. Có nghĩa là, miền Bắc đang thúc giục miền Nam hành động như một bên có liên quan trực tiếp, chứ không phải là người trung gian hay bên trợ giúp. Vì vậy, tôi cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un là rất có khả năng, mặc dù Bình Nhưỡng vừa bày tỏ sự thất vọng của mình với Seoul.


Nhiều người kỳ vọng Bắc Triều Tiên sẽ chấp nhận đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc, bởi nước này cần phải biết được liệu Mỹ đã thể hiện bất cứ thay đổi nào trong thái độ với Bình Nhưỡng tại cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Mỹ vừa qua hay chưa. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ tư, nếu trở thành hiện thực, sẽ tập trung vào các biện pháp khôi phục đối thoại Mỹ-Triều đang bế tắc. Tuy nhiên, hội đàm thượng đỉnh liên Triều sẽ không sớm diễn ra, bởi nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên dường như sắp tới thăm Nga. Mát-xcơ-va trong tuần này xác nhận rằng đã bắt đầu công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Với việc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều vẫn giậm chân tại chỗ, Bắc Triều Tiên đang nhấn mạnh tầm quan trọng của “tự lực cánh sinh”, một lần nữa được khẳng định trong bài phát biểu của nhà lãnh đạo nước này hồi tuần trước. Đối với miền Bắc, một ưu tiên nữa chính là củng cố tình đoàn kết với các nước cánh tả khác.


Bắc Triều Tiên đã khôi phục quan hệ với Trung Quốc thông qua hội nghị thượng đỉnh song phương vào tháng 3 năm ngoái. Đầu tháng 11 cùng năm, Chủ tịch Kim Jong-un đã hội đàm thượng đỉnh với Chủ tịch Cuba Migeul Diaz-Canel tại Bình Nhưỡng nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Hội nghị thượng đỉnh giữa Bắc Triều Tiên và Việt Nam cũng đã diễn ra ngày 1/3 vừa qua, sau khi Chủ tịch Kim hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Trump tại Hà Nội. Giờ đây, Bình Nhưỡng đã sẵn sàng tăng cường mối quan hệ với Mát-xcơ-va. Bằng cách củng cố mối quan hệ với các nước thuộc phe cánh tả, miền Bắc dường như đang nỗ lực hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Hiện tại, Bắc Triều Tiên đang tập trung vào mục tiêu trên, trước khi thực hiện bất cứ cuộc hội đàm thượng đỉnh nào với Hàn Quốc hay Mỹ. Triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều có thể được hiểu trong bối cảnh này.


Tổng thống Nga Putin dự kiến sẽ tham dự diễn đàn sáng kiến “Vành đai và con đường” tại Bắc Kinh, Trung Quốc trong hai ngày 26 và 27/4. Các nhà phân tích kỳ vọng Chủ tịch Kim Jong-un sẽ gặp Tổng thống Putin tại thành phố Vladivostok, miền Đông nước Nga, vào khoảng thời gian trên. Có thể dễ dàng dự đoán Bắc Triều Tiên sẽ nỗ lực hợp tác chặt chẽ với nga, bởi nước này phải tự làm mình mạnh lên trước viễn cảnh đàm phán với Mỹ bị kéo dài. Nếu vậy, “cuộc chiến cân não” giữa Bình Nhưỡng và Washington sẽ ngày càng căng thẳng hơn.


Bắc Triều Tiên chấp thuận phi hạt nhân hóa về mặt nguyên tắc. Nhưng những gì miền Bắc có thể đưa ra vào thời điểm này là việc phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon (tỉnh Bắc Pyongan), và dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Về các yêu cầu khác của Mỹ, miền Bắc nhất quyết không nhượng bộ, dù chỉ rất ít. Với các biệp pháp này, Bình Nhưỡng muốn nỗ lực thu về nhiều nhượng bộ nhất có thể từ Washington.


Tuy nhiên, Mỹ cho rằng chỉ tổ hợp hạt nhân Yongbyon là không đủ. Washington muốn “được ăn cả, ngã về không” tức miền Bắc phải giao nộp tất cả các vũ khí và vật liệu hạt nhân, cũng như xóa sổ vũ khí hủy diệt hàng loạt, kể cả vũ khí sinh hóa và các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ. Washington tin rằng Bình Nhưỡng cuối cùng cũng sẽ nhượng bộ, chừng nào cấm vận với nước này vẫn còn được duy trì. Có lẽ vì lý do đó, Bắc Triều Tiên đã đặt ra thời hạn cho đối thoại, ngụ ý rằng nước này có thể sẽ khởi động lại các động thái khiêu khích bắt đầu từ năm sau, nếu không đạt được bất cứ thỏa thuận nào tại hội đàm phi hạt nhân hóa cho tới cuối năm nay.       


Trong bài phát biểu quan trọng về chính sách ngày 12/4, nhà lãnh đạo miền Bắc đã đặt ra thời hạn cho Mỹ, nói rằng sẽ đợi tới cuối năm nay xem liệu Washington có đưa ra một quyết định táo bạo hay không. Đáp lại, Tổng thống Trump tuyên bố rất sẵn lòng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba. Nhưng Tổng thống Mỹ cũng đã nói rõ rằng không vội vàng tổ chức một cuộc hội đàm thượng đỉnh nữa với ông Kim. Bất chấp bất đồng Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa, hai bên vẫn muốn tiếp tục đối thoại. Trong bối cảnh trên, vai trò của Tổng thống Hàn Quốc đang trở nên ngày một quan trọng.


Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một giải pháp gọi là “thỏa thuận đủ tốt”, nằm giữa thỏa thuận dứt điểm một lần của Tổng thống Mỹ và phương án từng bước tiến tới phi hạt nhân hóa của Chủ tịch Bắc Triều Tiên. Nếu có thể dàn xếp một “thỏa thuận đủ tốt”, Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba trước cuối năm nay. Nhưng kể cả khi sự kiện này trở thành hiện thực, thì hai bên vẫn phải tổ chức hội đàm cấp chuyên viên trước để đạt được “các thỏa thuận nhỏ”.


Nhìn lại quá khứ, các cuộc gặp cấp trợ lý Bộ trưởng trước đàm phán hạt nhân 6 bên đã dẫn tới việc Bắc Triều Tiên tạm dừng vận hành các cơ sở hạt nhân của nước này, vô hiệu hóa và công bố chúng. Thời điểm này cũng vậy, hội đàm trung và cao cấp có thể được tổ chức để thảo luận những biện pháp thực chất nhằm duy trì xung lực cho đàm phán, hơn là để hội đàm thượng đỉnh giải quyết tất cả mọi thứ. Trong quá trình đó, hai bên có thể tìm ra sự thỏa hiệp giữa cuộc mặc cả lớn mà Mỹ khăng khăng theo đuổi và phương án phi hạt nhân hóa từng phần mà miền Bắc nhất quyết muốn thực hiện.

Lựa chọn của ban biên tập