Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tròn một năm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bàn Môn Điếm

2019-04-25

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Ngày 27/4/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã mở ra một con đường mới tiến tới hòa bình và thịnh vượngbằng việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử tại Làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Với việc mọi sự ý đều đổ dồn vào sự kiện này, hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc đã công bố sẽ chấm dứt sự chia cắt và đối đầu kéo dài, đồng thời mở ra một thời đại của hòa giải và hòa bình thông qua việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Hôm nay, hãy cùng điểm lại những diễn biến trong quan hệ liên Triều và tình hình đối ngoại xoay quanh bán đảo Hàn Quốc một năm qua.


Các động thái khiêu thích tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã tiếp diễn cho tới ngày 29/11/2017, khi nước này khẳng định đã thử thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Đúng như dự đoán, quan hệ Mỹ-Triều đã trở nên ngày một xấu đi, với việc lãnh đạo hai nước chỉ trích gay gắt lẫn nhau. Bất chấp việc căng thẳng leo thang, Chính phủ Hàn Quốc vẫn đề xuất đối thoại và các nỗ lực của Seoul đã thu về thành quả, chính là Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 27/4/2018 tại Làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Quả thực, sự kiện này đã góp phần làm giảm căng thẳng và mở ra một giải pháp hòa bình.


Trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm, hai miền Nam-Bắc nhất trí cải thiện và phát triển quan hệ song phương một cách toàn diện, thúc đẩy trao đổi và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, cũng như tái kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường bộ, đường sắt xuyên biên giới. Hai bên cũng cam kết giảm nhẹ căng thẳng quân sự và loại bỏ nguy cơ chiến tranh trên bán đảo bị chia cắt. Theo đó, hai miền đã tổ chức hội đàm quân sự cấp tướng vào tháng 5 và ký thỏa thuận quân sự vào tháng 9 cùng năm nhằm thực thi Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Thỏa thuận quân sự này là một cột mốc quan trọng trong quá trình đi tới chấm dứt các hành vi thù địch lẫn nhau trên mọi mặt trận, trên đất liền, trên không và trên biển. Hai miền cũng đã nhất trí hợp tác tích cực nhằm thiết lập một cơ chế hòa bình dài lâu và vững chắc trên bán đảo Hàn Quốc.


Đặc biệt, Tuyên bố Bàn Môn Điếm còn bao gồm cụm từ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”, báo hiệu sự khởi đầu của tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Hàn Quốc. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều thành công đã mở đường cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.


Ngày 5/3/2018, đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới Bình Nhưỡng và tuyên bố rằng hai miền Nam-Bắc nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 4. Sự kiện trên đã trở thành hiện thực, và Tuyên bố chung được thông qua tại hội nghị đã bao hàm nhiều vấn đề then chốt, như hòa bình dài lâu trên bán đảo Hàn Quốc, tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và phi hạt nhân hóa. Theo sau tuyên bố quan trọng này, Mỹ đã tích cực xem xét khả năng tìm kiếm một bước đột phá trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên thông qua một hội nghị thượng đỉnh song phương, và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên trong lịch sử đã diễn ra trong tháng 6 cùng năm.  Tuyên bố Bàn Môn Điếm là rất quan trọng về mặt lịch sử, bởi nó đóng vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc hội đàm thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ giữa Bình Nhưỡng và Washington.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại đảo Sentosa của Singapore ngày 12/6/2018. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi thành lập chính quyền Bắc Triều Tiên. Hai bên đã ký thỏa thuận chung kêu gọi thiết lập hòa bình trên báo đảo Hàn Quốc. Tháng 7 cùng năm, miền Bắc trao trả hài cốt của 55 lính Mỹ tử nạn trong chiến tranh Triều Tiên, hoàn thành một phần lời hứa của Chủ tịch Kim với Tổng thống Trump trong cuộc hội đàm song phương tại Singapore.


Quan hệ liên Triều cũng tiến triển mau chóng. Hợp tác và trao đổi song phương được nối lại, với việc hai bên mở Văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn vùng biên Gaesung, miền Bắc, và tổ chức một đợt đoàn tụ mới cho thành viên các gia đình bị ly tán do chiến tranh sau 3 năm trì hoãn. Một năm đã trôi qua kể từ ngày Tuyên bố Bàn Môn Điếmđược ký kết. Tuy nhiên, đáng tiếc thay, vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên lại chưa đạt được nhiều tiến triển.


Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội ngày 28/2 vừa qua đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, và Washington tin rằng thà không có thỏa thuận nào còn tốt hơn là có một thỏa thuận tồi. Kể từ đó, hội đàm hạt nhân đã lâm vào bế tắc. Tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Trump đột ngột hủy hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch với Chủ tịch Kim vì cho rằng không thể đạt được thỏa thuận. Tình huống hiện nay khiến chúng ta nhớ lại thời điểm bế tắc một năm trước. Hai miền Nam-Bắc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh bất ngờ ngày 26/5 năm ngoái nhằm mang lại một bước đột phá và tạo điều kiện thuận lợi cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Đó là lý do vì sao nhiều nhà phân tích cho rằng đây chính là lúc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh liên Triều nữa.


Có nguồn tin cho rằng Tổng thống Hàn Quốc đã nhận thông điệp từ Tổng thống Mỹ trong cuộc hội đàm song phương tại Wahshington, ngày 11/4 vừa qua. Tôi cho rằng nhà lãnh đạo miền Bắc cần phải lắng nghe trực tiếp thông điệp của Tổng thống Trump và quan điểm của Tổng thống Moon để hội đàm phi hạt nhân hóa đang bế tắc trở lại đúng quỹ đạo.


Bắc Triều Tiên và Mỹ đã cho thấy quan điểm rất khác biệt về phi hạt nhân hóa kể từ thất bại của hội đàm thượng đỉnh song phương lần thứ hai. Seoul và Bình Nhưỡng đã tổ chức tới ba hội nghị thượng đỉnh chỉ riêng trong năm ngoái, nhưng quan hệ liên Triều cũng đang giậm chân tại chỗ. Như một phần trong các nỗ lực phá vỡ thế bế tắc, ngày 15/4 vừa qua, Tổng thống Moon đã chính thức đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 với Chủ tịch Kim. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên vẫn im lặng trước đề xuất này.


Tôi cho rằng Bắc Triều Tiên cần thời gian để chuẩn bị lập trường của mình. Đối với Mỹ, phi hạt nhân hóa Bình Nhưỡng là một trong rất nhiều vấn đề ngoại giao mà Washington phải giải quyết. Tuy nhiên, đối với miền Bắc, đây lại là vấn đề sống còn. Thật không dễ cho Bình Nhưỡng đưa ra được quyết định chóng vánh về một vấn đề tối quan trọng như vậy, hay phản ứng một cách vội vàng trước đề xuất của Seoul. Đó là lý do vì sao miền Bắc vẫn im lặng, thay vì phản hồi tích cực với đề xuất đối thoại của Tổng thống Hàn Quốc.


Một số nhà quan sát suy đoán rằng Bắc Triều Tiên đã quay lưng lại với Hàn Quốc và thay vào đó tiến tới Nga, sau “hội nghị thượng đỉnh không có thỏa thuận” tại Hà Nội. Nhưng miền Bắc dường như đang cố gắng giải quyết các vấn đề đối ngoại của mình thông qua việc tăng cường mối quan hệ với các đồng minh truyền thống và đảm bảo sự ủng hộ từ họ. Tôi cho rằng Bình Nhưỡng đang tham gia các hoạt động ngoại giao bình thường.


Các chuyên gia nhận định rằng hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Vladivostok, miền Đông nước Nga, hôm thứ Năm (25/4) sẽ không ảnh hưởng gì nhiều tới các cuộc đàm phán hạt nhân. Nhưng với việc nhà lãnh đạo miền Bắc đã chọn tổ chức hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Nga, thật không dễ cho Hàn Quốc đứng ra làm trung gian, điều phối giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Hơn nữa, hai nước khó có thể sớm thu hẹp bất đồng về phi hạt nhân hóa. Tổng thống Moon Jae-in đã tích cực đóng vai người trung gian nhằm duy trì xung lực của hội đàm hạt nhân, nhưng dường như ông Moon đang gặp khó khăn trong việc tiếp tục đảm trách vai trò này.


Lập trường của Hàn Quốc là rất rõ ràng. Seoul nỗ lực điều đình giữa Bình Nhưỡng và Washington, thuyết phục hai bên gặp gỡ để đạt được thỏa hiệp giữa nguyên tắc “phi hạt nhân hóa từng bước một” theo yêu cầu của Bắc Triều Tiên và “thỏa thuận trọn gói một lần” mà Mỹ mong muốn. Seoul đề xuất rằng Bình Nhưỡng và Washington đạt được một thỏa thuận toàn diện về việc phi hạt nhân hóa triệt để miền Bắc, vạch ra một lộ trình và thi hành lộ trình ấy theo từng giai đoạn.


Tuy nhiên, với việc cả Bắc Triều Tiên và Mỹ từ chối nhượng bộ, Hàn Quốc cảm thấy khó lòng tìm ra một sự thỏa hiệp mà hai bên có thể chấp nhận được. Đối với Washington, phi hạt nhân hóa triệt để có nghĩa là Bình Nhưỡng đầu hàng, điều mà miền Bắc tất nhiên không bao giờ chấp nhận. Trong quá trình điều đình giữa hai nước, cộng đồng quốc tế đánh giá Hàn Quốc dường như đang nghiêng về phía Bắc Triều Tiên. Kết quả là, lập trường đối ngoại của Seoul có thể bị suy yếuvà khả năng đàm phán của Hàn Quốc có thể bị thuyên giảm. Kể cả trong trường hợp này, tôi cho rằng Hàn Quốc vẫn nên nhẫn nại và tập trung vào vai trò của mình một cách kiên trì.


Sau Hội nghị thượng đỉnh liên triều tháng 4 và Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ tháng 5 năm ngoái, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên trong lịch sử đã diễn ra trong tháng 6. Tương tự như vậy, Hàn Quốc đang nỗ lực mở đường cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba thông qua cuộc hội đàm lần thứ tư giữa Tổng thống Moon và Chủ tịch Kim. Đây tất nhiên là một nhiệm vụ đầy thử thách. Nhưng nếu hai miền Nam-Bắc nhớ lại cảm xúc khi lãnh đạo hai nước gặp mặt lần đầu tiên cách đây một năm và nêu cao tinh thần của Tuyên bố Bàn Môn Điếm, hy vọng rằng họ sẽ lại có thể khôi phục xung lực của đối thoại.

Lựa chọn của ban biên tập