Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên thay thế nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu

2019-05-02

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Bắc Triều Tiên đã thay thế nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu là Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Yong-chol, người đã dẫn đầu các cuộc hội đàm hạt nhân với Mỹ cho tới Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 2 tại Hà Nội. Ông Kim Yong-chol đã không xuất hiện trong danh sách các quan chức cấp cao tháp tùng Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un trong chuyến thăm Nga để hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/4 vừa qua (giờ địa phương).

 

Giờ đây, miền Bắc còn lại hai nhà ngoại giao then chốt là Ngoại trưởng Ri Yong-ho và Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Choe Son-hui tại bàn đàm phán, hàm ý rằng hội đàm Mỹ-Triều lâm vào bế tắc đang đứng trước một bước ngoặt mới. Ông Park Won-gon, Giáo sư Quan hệ quốc tế của trường Đại học Handong, phân tích.

 

Hai quan chức chủ chốt đã vắng mặt trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vào tuần trước là Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Yong-chol và bà Kim Yo-jong, em gái của Chủ tịch Kim Jong-un, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động. Hai nhân vật này đã đóng vai trò quan trọng trong các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.

 

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Kim đã tháp tùng nhà lãnh đạo miền Bắc tại tất cả các hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc và Mỹ trong năm vừa qua. Việc thay thế ông Kim, Chủ tịch Mặt trận Thống nhất Bắc Triều Tiên, cơ quan trực thuộc Ủy ban trung ương đảng Lao động, được hiểu như ý định của Bình Nhưỡng nhằm chuyển trọng tâm của hội đàm hạt nhân sang Bộ Ngoại giao, và để cho Mặt trận Thống nhất tập trung đảm trách các vấn đề quan hệ liên Triều. 

 

Bắc Triều Tiên đã thực hiện một sự thay đổi nhân sự đáng chú ý thông qua Hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều, cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên của Chủ tịch Ủy ban quốc vụ Kim Jong-un với một nhà lãnh đạo nước ngoài sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Bình Nhưỡng đã thay thế một tướng quân đội theo đường lối cứng rắn bằng một nhà ngoại giao để đảm nhận vai trò đàm phán với Mỹ. Một sự thay đổi khác cũng được ghi nhận trong chiến lược của Bình Nhưỡng về hội đàm phi hạt nhân hóa với Washington.

 

Dường như Bắc Triều Tiên muốn hội đàm phi hạt nhân hóa được khởi động trở lạiCùng với việc loại bỏ ông Kim Yong-chol, miền Bắc cũng đang kêu gọi thay thế Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đối tác đàm phán của ông Kim. Điều đó có nghĩa là, Bình Nhưỡng không còn muốn tiếp tục kênh đàm phán giữa ông Kim và ông Pompeo, hai nhân vật then chốt đã đảm trách các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa trước đây. Trong bài phát biểu chính sách vào tháng trước, Chủ tịch Kim Jong-un khẳng định Bắc Triều Tiên không thèm khát được miễn cấm vận. Mặc dù gỡ bỏ cấm vận là điều vô cùng cấp bách với miền Bắc, song Bình Nhưỡng đã đề cập tới một vấn đề hóc búa khác là đảm bảo an ninh cho chính quyền, một bài toán còn nan giải hơn đối với Washington.    

 

Có suy đoán cho rằng, sau Hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều, Bắc Triều Tiên đã hướng sự chú ý từ gỡ bỏ cấm vận sang đảm bảo an ninh cho chính quyền trong chiến lược của nước này đối với hội đàm phi hạt nhân hóa. Nói cách khác, miền Bắc đã vừa gửi tín hiệu tới Mỹ, rằng hai bên cần phải tái khởi động đàm phán. Bình Nhưỡng đã tránh chỉ trích thái quá Washington sau thất bại của hội nghị Hà Nội, nhưng vừa qua lại tăng cường chỉ trích Mỹ, kêu gọi cường quốc số một thế giới thay đổi thái độ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường trước đây.

 

Kể cả sau khi hội nghị tại Hà Nội thất bại, Mỹ vẫn không thay đổi lập trường về một thỏa thuận dứt khoát với Bắc Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tiếp khẳng định chỉ có thể tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba khi nào Bình Nhưỡng xác thực sẽ chấp nhận yêu cầu về một thỏa thuậntrọn gói. Mỹ cũng giữ vững nguyên tắc duy trì cấm vận cho tới khi nào miền Bắc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa qua phát biểu rằng quá trình tiến tới phi hạt nhân hóa vẫn còn rất chông gai và đầy thử thách. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác với Trung Quốc và Nga trong các biện pháp cấm vận Bắc Triều Tiên, khẳng định rằng sức ép về kinh tế sẽ buộc miền Bắc phải phi hạt nhân hóa.

 

Trong khi đó, nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un đã cải thiện đối ngoại với Bắc Kinh và Mát-xcơ-va để nâng tầm ảnh hưởng ngoại giao của mình, nhằm làm suy yếu cấm vận quốc tế và tăng cường năng lực đàm phán của Bình Nhưỡng với Washington. Có nghĩa là, Bắc Triều Tiên muốn thiết lập một khung đàm phán mới cho các cuộc hội đàm hạt nhân với Mỹ dựa trên sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga. Cả hai nước này đều đang nỗ lực can thiệp một cách tích cực vào các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khả năng Bắc Kinh và Mát-xcơ-va gỡ bỏ cấm vận với Bình Nhưỡng là rất nhỏ.

 

Trong hội nghị thượng đỉnh với Bắc Triều Tiên, Nga vẫn tỏ ra khá thận trọng về việc giảm nhẹ hay gỡ bỏ cấm vận với Bình Nhưỡng, dường như là bởi nhận thấy sự quan tâm, chú ý lớn của Tổng thống Mỹ đối với sự kiện này. Trước thượng đỉnh Nga-Triều, Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã tới thăm Nga, được cho là nhằm truyền đạt quan điểm của Washington về sự cần thiết phải duy trì cấm vận với Bình Nhưỡng. Về phần mình, Trung Quốc đã tiến hành đàm phán thương mại căng thẳng với Mỹ kể từ năm ngoái. Cho tới thời điểm này, cả Bắc Kinh và Mát-xcơ-va vẫn duy trì cấm vận với Bình Nhưỡng, bởi lẽ việc quan hệ với Washington xấu đi là không phù hợp với lợi ích quốc gia của các nước này.

 

Mỹ đang có lập trường cứng rắn với đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa. Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa qua đã đề xuất nối lại đàm phán đa phương nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Nhưng Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton đã bày tỏ sự nghi ngờ về đề xuất của ông Putin, cũng như “phương án phi hạt nhân hóa từng phần” mà miền Bắc theo đuổi. Mặc dù vậy, ông Bolton nhấn mạnh rằng Mỹ sẵn sàng tiến hành hội đàm thượng đỉnh lần thứ ba với Bắc Triều Tiên nếu có thời cơ. Washington dường như cho rằng thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng có thể sẽ ngày càng bị kéo dài.

 

Tôi cho rằng thời gian đang đứng về phía Mỹ. Cấm vận toàn diện với Bắc Triều Tiên đã khiến nước này vật lộn với nhiều khó khăn về kinh tế và cạn kiệt nguồn ngoại tệ. Chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” của miền Bắc, nếu được sử dụng, sẽ chỉ khiến Mỹ tăng cường cấm vận và buộc Trung Quốc và Nga phải dừng ủng hộ nước này. Thực sự là Bình Nhưỡng đang phải đối mặt với bộn bề khó khăn.

 

Ngược lại, Mỹ đã có được một số khoảng trống. Sau khi công bố báo cáo của công tố viên Robert Muller liên quan đến vấn đề bầu cử, Tổng thống Trump được cho là đã loại bỏ được một vật cản lớn về chính trị trong nước, mặc dù tranh cãi vẫn chưa chấm dứtHơn nữa, nội bộ nước Mỹ ngày càng lo ngại rằng Bắc Triều Tiên vẫn đang phát triển các đầu đạn và nguyên liệu hạt nhân, cũng như chương trình tên lửa. Tôi cho rằng cả Bình Nhưỡng và Washington đều cảm thấy cần phải tìm ra một bước đột phá thông qua hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ ba.

 

Bắc Triều Tiên và Mỹ đều có chung quan điểm về sự cần thiết của hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ ba. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đang tái sắp xếp đội ngũ nhân sự và chiến lược trong hội đàm phi hạt nhân hóa, còn Washington đã tái khẳng định lập trường tăng cường gây sức ép với miền Bắc. Trong bối cảnh đó, cuộc “giằng co” giữa hai bên rất có thể sẽ còn kéo dài.

Lựa chọn của ban biên tập