Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Triển vọng đối ngoại khu vực sau vụ Bắc Triều Tiên thử vũ khí tầm ngắn

2019-05-09

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đang bế tắc đã bước sang một cục diện mới, sau khi Bắc Triều Tiên bắn một loạt vũ khí tầm ngắn chưa xác định chính xác chủng loại về vùng biển phía Đông hôm 4/5. Nếu các vũ khí này bao gồm tên lửa, đây sẽ là vụ phóng thử tên lửa đầu tiên của miền Bắc kể từ tháng 11 năm 2017, khi nước này bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tuy nhiên, lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ đang tránh chỉ trích Bắc Triều Tiên, và thay vào đó là nỗ lực dàn xếp tình hình. Bởi vậy, sự chú ý giờ đây tập trung vào triển vọng đối ngoại khu vực. Hãy cùng nghe phân tích của Giáo sư Jin Hee-gwan đến từ khoa Thống nhất trường Đại học Inje.


Bắc Triều Tiên đã tiết lộ hình ảnh vụ phóng thử vũ khí của nước này, trong đó có hệ thống phóng đa nòng đường kính 240 mm và 300 mm, cùng một vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới. Đánh giá dựa trên hình dáng cấu tạo, vũ khí chiến thuật này trông giống như một tên lửa đạn đạo và được phóng thẳng đứng từ một bệ phóng di động. Tuy nhiên, nếu xét tới độ cao so với mặt biển và tầm bắn, đây dường như là loại vũ khí nằm giữa một tên lửa và một pháo đa nòng. Vì vậy, rất khó để khẳng định chắc chắn rằng đó là một tên lửa. Hơn nữa, giám sát vụ diễn tập hỏa lực là Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên Ri Yong-gil và một quan chức pháo binh cấp cao là Pak Jong-chon, thay vì Tư lệnh Lực lượng chiến lược Kim Rak-gyom, người luôn giám sát các vụ thử tên lửa trước đây. Việc Tư lệnh Lực lượng chiến lược không có mặt chứng tỏ các vũ khí mà miền Bắc vừa phóng thử không phải là tên lửa. Hàn Quốc và Mỹ vẫn đang phân tích để đưa ra nhận định chi tiết.


Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 7/5 đã báo cáo lên Quốc hội rằng Bắc Triều Tiên đã phóng tổng cộng ba loại vũ khí và một vài trong số đó có đường bay khá bất thường. Cũng theo Bộ Quốc phòng, rất khó để xác định rằng trong đó có tên lửa tầm ngắn hay không. Chính phủ Mỹ cũng định nghĩa loại vũ khí chiến thuật mà miền Bắc vừa phóng là “đạn tầm ngắn” và tỏ ra khá thận trọng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 5/5 (giờ địa phương) tuyên bố Chính phủ Mỹ hoàn toàn tự tin rằng đây không phải các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. 


Tên lửa là một hệ thống vũ khí có lực đẩy tự động với tầm bay hàng trăm tới hàng nghìn kilomét. Nhìn chung, các tên lửa được phân loại thành tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Trong khi đó, đạn tầm ngắn bao gồm tên lửa vệ tinh, đạn pháo và tên lửa. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cấm Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo. Do đó, nếu các vũ khí mà miền Bắc vừa phóng thử thực sự là tên lửa, cộng đồng quốc tế không còn cách nào khác là đáp lại động thái khiêu khích của nước này cả trên phương diện chính trị và ngoại giao. Điều đó có thể chấm dứt đối thoại Mỹ-Triều vốn đang bế tắc kể từ sau hội nghị thượng đỉnh song phương tại Hà Nội hồi cuối tháng 2. Dù có lẽ biết rất rõ hậu quả của việc phô trương sức mạnh quân sự, nhưng tại sao Bắc Triều Tiên vẫn tiến hành diễn tập hỏa lực? 


Động thái vừa qua của Bắc Triều Tiên được nhìn nhận như tối hậu thư với Mỹ. Nếu mọi việc sụp đổ, miền Bắc có thể đi quá giới hạn và phóng tên lửa đạn đạo, chứ không chỉ là đạn tầm ngắn chưa xác định. Bình Nhưỡng đang hối thúc Washington mau chóng khôi phục đối thoại để tránh việc miền Bắc tiến tới các hành động quá khích. Nếu thực sự có ý định phá vỡ mối quan hệ với Mỹ để trở lại thế đối đầu, Bắc Triều Tiên đáng lẽ đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 nữa, giống như đã làm ngày 29/11/2017. Tuy nhiên, miền Bắc đã chọn phóng các đạn tầm ngắn, ngụ ý rằng nước này đang để ngỏ cánh cửa đối thoại.


Bằng cách phóng đạn tầm ngắn, vốn không gây ra mối đe dọa đối với Mỹ, miền Bắc đã thể hiện rõ ràng mong muốn duy trì đối thoại. Nói cách khác, Bắc Triều Tiên đã vừa có động thái khiêu khích ở mức thấp, được tính toán cẩn trọng, đồng thời giữ cho cơ hội khôi phục hội đàm với Mỹ không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, lãnh đạo Hàn-Mỹ đã điện đàm ngày 7/5 (giờ Hàn Quốc), chỉ ba ngày sau khi miền Bắc thử vũ khí, để thảo luận biện pháp đối phó. 


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận việc mau chóng khôi phục các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, và chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc giữ Bắc Triều Tiên đi đúng quỹ đạo đối thoại. Hai nhà lãnh đạo dường như cũng đã thảo luận vấn đề viện trợ nhân đạo cho miền Bắc. Nhưng mối quan ngại chính yếu của hai bên là làm cách nào thuyết phục Bình Nhưỡng tiếp tục tham gia đàm phán để đạt được mục tiêu giải trừ hạt nhân bán đảo Hàn Quốc và thiết lập hòa bình dài lâu trong khu vực. Trong quá trình phân tích các vũ khí mà miền Bắc vừa phóng thử, Seoul và Washington cùng cho rằng điều quan trọng nhất là phải duy trì được điều kiện thuận lợi để Bình Nhưỡng tiến tới phi hạt nhân hóa.


Một điểm đặc biệt trong cuộc điện đàm là Tổng thống Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Seoul viện trợ lương thực cho miền Bắc, cho rằng đây là hành động rất kịp thời và tích cực. Bởi hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về sự cần thiết trong viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên chỉ một ngày trước chuyến thăm Hàn Quốc của Đặc phái viên phụ trách chính sách miền Bắc thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, “viện trợ nhân đạo” đang nổi lên như từ khóa cho việc khôi phục đối thoại. 


Trong quá khứ, viện trợ lương thực nhân đạo cho Bắc Triều Tiên đã tạo ra cơ hội tiếp xúc với quốc gia khép kín này. Trong quá trình viện trợ lương thực, quan chức của các tổ chức quốc tế đã tới thăm miền Bắc để điều hành và đánh giá công tác phân phối lương thực. Nhờ vậy, miền Bắc đã có thể phát triển mối quan hệ thân thiện với cộng đồng quốc tế và dẫn tới các chương trình hợp tác khác. Bắc Triều Tiên mới đây đã tuyên bố chính thức với Liên hợp quốc rằng nước này thiếu 1,5 triệu tấn lương thực trong năm nay. Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thông qua khảo sát thực địa cũng xác nhận rằng nước này cần hơn 1 triệu tấn ngũ cốc bổ sung để bù đắp cho lượng thiếu hụt lương thực của năm nay. Dường như công tác viện trợ lương thực cho miền Bắc là hết sức cấp bách. Như đã nói, viện trợ lương thực chắc chắn sẽ mang lại xung lực mới cho mối quan hệ của Bắc Triều Tiên với thế giới bên ngoài, bao gồm cả Mỹ và Hàn Quốc.


Chính phủ Hàn Quốc ngày 8/5 thông báo sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm viện trợ lương thực cho miền Bắc, giúp nước này cải thiện tình trạng thiếu hụt lương thực. Nhưng vẫn chưa rõ liệu Bắc Triều Tiên sẽ tích cực đáp lại viện trợ lương thực hay không, bởi điều mà Bình Nhưỡng thực sự mong muốn có lẽ là gỡ bỏ cấm vận. Hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc và Mỹ đang sử dụng các toan tính ngoại giao để nắm bắt được suy tính của đối phương. Trong bối cảnh trên, cần phải xem xem liệu đề xuất viện trợ lương thực cho miền Bắc sẽ dẫn tới một bước đột phá trong việc nối lại đàm phán Mỹ-Triều và quan hệ liên Triều hay không.

Lựa chọn của ban biên tập