Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Thực trạng lương thực và kinh tế của Bắc Triều Tiên

2019-05-16

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Trong một nỗ lực nhằm khôi phục đàm phán phi hạt nhân hóa đang bế tắc, Chính phủ Hàn Quốc ngày 8/5 đã công bố kế hoạch viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên. Các báo cáo vừa qua của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu hụt lương thực tại miền Bắc, càng cho thấy sự đúng đắn của quyết định vừa qua của Seoul. Ông Cho Bong-hyun, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế IBK, phân tích về thực trạng lương thực và kinh tế hiện nay của Bắc Triều Tiên.

 

Thực trạng thiếu lương thực ở Bắc Triều Tiên hiện được đánh giá là tồi tệ nhất trong vòng 10 năm qua. Từ năm 2017 cho tới cuối năm ngoái, tình hình được cho là tương đối ổn định, nhưng thiên tai và những đợt cấm vận bổ sung đã khiến sản lượng lương thực của nước này sụt giảm chỉ còn 4,9 triệu tấn thóc gạo, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Hậu quả là, thâm hụt lương thực của miền Bắc ước tính lên đến 1,36 triệu tấn, với khoảng 10,1 triệu người, tương đương 40% dân số, đang  thiếu lương thực. Một mặt, thiên tai như hạn hán và lũ lụt kéo dài đã khiến sản lượng ngũ cốc lao dốc. Mặt khác, các lệnh cấm vận mạnh mẽ khiến miền Bắc không thể nào nhập khẩu các nguyên liệu liên quan tới sản xuất hoặc thiết bị nuôi trồng, càng làm cho sản lượng và tình hình lương thực ngày một xấu đi.

 

Kể từ tháng 3, FAO và WFP đã kiểm tra tình hình lương thực của Bắc Triều Tiên trong vòng 15 ngày. Các tổ chức của Liên hợp quốc đã tiến hành điều tra thực địa tại 12 huyện, xã trên 6 tỉnh thành, ước tính rằng 40% dân số miền Bắc không có đủ cái ăn và cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp. Kể từ khi lên lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã xem nông nghiệp như một trong những nhiệm vụ kinh tế hàng đầu nhằm giải quyết vấn nạn thiếu hụt lương thực kinh niên của nước này. Nhà lãnh đạo nàythường xuyên tới thăm các cơ sở nông nghiệp và ban hành nhiều chính sách cải cách nông nghiệp. Nhưng cải cách lại dẫn đến kết quả là thiết hụt lương thực.

 

Kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên lãnh đạo, Bắc Triều Tiên đã thông qua hai giải pháp kinh tế vào năm 2012 và năm 2014, bắt đầu bằng các chính sách nông nghiệp. Toàn bộ hệ thống sản xuất được rà sát tổng thể nhằm giảm nhân công làm việc tại các nông trang tập thể của Nhà nước, tập trung nhiều hơn vào nuôi trồng quy mô gia đình. Kết quả phân tích cho thấy chính sách này đã giúp tăng sản lượng ngũ cốc lên 20-30% trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất trong nước vẫn còn hạn chế.

 

Nhìn chung, để cải thiện tình trạng lương thực ở miền Bắc, trước tiên, toàn bộ hệ thống nông nghiệp cần phải được cải tổ. Tiếp đó, việc nhập khẩu các nguyên liệu và công cụ liên quan tới sản xuất lương thực cần phải được xúc tiến thuận lợi nhằm thúc đẩy sản lượng lúa gạo. Đây là điều bất khả thi chừng nào các lệnh cấm vận vẫn còn hiệu lực. Đó chính là lý do vì sao các biện pháp cải cách của chính quyền nước này cho thấy một số kết quả tích cực trong giai đoạn đầu, nhưng lại dần mất đi tác dụng.

 

Nông nghiệp ở Bắc Triều Tiên đang cần một cuộc cải tổ căn bản. Với hệ thống hiện tại, trong đó các yếu tố đầu vào như hệ thống thủy lợi đang ở trong tình trạng yếu kém, sản xuất lương thực khó tránh khỏi thiệt hại lớn mỗi khi xảy ra thiên tai. Trong khi đó, các động thái khiêu khích liên tiếp của nước này chỉ nhận lấy những lệnh cấm vận mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Cải cách đòi hỏi ngân sách và vật liệu, nhưng ở tình thế hiện nay, khả năng Bình Nhưỡng cải thiện được năng lực sản xuất là vô cùng hạn chế.

 

Nền kinh tế Bắc Triều Tiên đã tăng trưởng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un, nhưng bắt đầu suy thoái kể từ năm 2017. Miền Bắc đang tìm kiếm giải pháp cho nhiều vấn đề nội bộ bằng các cuộc cải cách kinh tế nhưng đã không thành bởi cấm vận. Nước này đang nỗ lực vượt qua những khó khăn về kinh tế, bằng cách nhấn mạnh tự lực cánh sinh, tự lực tự cường. Tuy nhiên, việc Bình Nhưỡng tự mình có thể giải quyết các vấn đề một cách căn bản dường như là điều bất khả thi. Nói cách khác, những khó khăn kinh tế của miền Bắc chỉ có thể được tháo gỡ nếu cấm vận được giảm nhẹ và nước này hợp tác với các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc. Với việc xuất khẩu thì bị cấm còn nhập khẩu thì bị cản trở, năng lực sản xuất công nghiệp của Bắc Triều Tiên đang ngày càng sa sút. Sự tổng hòa tất cả các vấn đề trên chính là nguyên do của thực trạng kinh tế khó khăn hiện nay.

 

World Data Lab, một cơ quan chuyên về phân tích dữ liệu có trụ sở tại Áo, vừa qua đã công bố kết quả phân tích hình ảnh chụp Bắc Triều Tiên từ vệ tinh vào buổi tối. Sử dụng ánh đèn tại các thành phố như một chỉ số để đánh giá năng lực kinh tế, cơ quan này ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Bắc Triều Tiên chỉ đạt khoảng 1.400 USD/năm. Nếu đánh giá trên là đúng, miền Bắc hiện là một trong 10 nước nghèo nhất thế giới.

 

Tuy nhiên, các đánh giá về nền kinh tế Bắc Triều Tiên thường đem lại kết quả rất mâu thuẫn. Bất chấp cấm vận, ngành kinh doanh xây dựng vẫn đang thịnh vượng ở thủ đô Bình Nhưỡng và các thành phố vùng biên, nơi vô số tòa nhà mới xây cứ liên tục mọc lên. 10 năm trước, điện thoại di dộng không hề tồn tại ở đất nước này, nhưng hiện có khoảng 6 triệu chiếc điện thoại di động đang được lưu hành. Vì vậy, có suy đoán cho rằng, dù các lệnh cấm vận có được áp dụng mạnh mẽ, chúng không gây ra tác động lớn tới nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ nền kinh tế nước này.

 

Tổng thể nền kinh tế Bắc Triều Tiên đang phải đối mặt khó khăn. Mặc dù các ngành xây dựng và phân phối vẫn đang phát triển tại Bình Nhưỡng và những thành phố lớn, song nếu việc đánh giá nền kinh tế nước này chỉ dựa trên các hiện tượng quan sát được tại một số vùng miền nhất định sẽ dẫn tới sai lệch. Kinh tế miền Bắcthực tế đang ở trong tình trạng xấu, còn kết quả trên chỉ là do Nhà nước đang liên tục thúc đẩy xây dựng tại một số khu vực nhất định. Đúng là nền kinh tế thị trường ở Bắc Triều Tiên gần đây đã được mở rộng, và ngày càng có nhiều người có tiền đang tiến hành đầu tư. Tuy nhiên, đánh giá toàn bộ nền kinh tế dựa trên các hiện tượng như vậy là không chuẩn xác.

 

Nền kinh tế thị trường đang mau chóng lớn mạnh ở Bắc Triều Tiên. Vấn đề là ở chỗ, kết quả của hiện tượng này là sự phân cực thấy rõ, với việc tình trạng thiếu hụt lương thực chỉ tập trung vào tầng lớp có thu nhập thấp. Mặc dù chính quyền miền Bắc đang kêu gọi tự lực cánh sinh và tự phục hồi, song thực tế là nước này vẫn không thể tự mình vượt qua được vấn nạn thiếu hụt lương thực triền miên. Nếu Chính phủ Hàn Quốc viện trợ nhân đạo cho miền Bắc, liệu Bình Nhưỡng có chấp nhận hay không? Và nếu có, động thái trên liệu sẽ giúp cải thiện quan hệ Mỹ-Triều và liên Triều?

 

Với việc diễn biến trên bán đảo Hàn Quốc thay đổi sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều bất thành tại Hà Nội, Bắc Triều Tiên được cho là không thể sẵn sàng chấp nhận đề xuất viện trợ của Hàn Quốc. Những phản ứng như vậy đã từng xảy ra trong quá khứ. Thậm chí, ngay cả khi rất cần viện trợ vì kinh tế khó khăn, tình hình chính trị và thể diện khiến miền Bắc không thể dễ dàng chấp nhận sự giúp đỡ từ miền Nam. Vì vậy, Bình Nhưỡng trước tiên sẽ tăng cường chỉ trích, thay vì mở rộng cánh tay, chấp nhận viện trợ.

 

Tuy nhiên, theo thời gian, miền Bắc sẽ đồng ý nhận viện trợ một cách tự nhiên. Nếu Chính phủ Hàn Quốc đề nghị giúp đỡ giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực ở Bắc Triều Tiên cùng với cộng đồng quốc tế, rất có khả năng nước này cuối cùng sẽ thể hiện thái độ mang tính hòa giải hơn, mở đường cho sự cải thiện trong cả quan hệ Mỹ-Triều và liên Triều. Điều này vẫn đúng kể cả khi miền Bắc chấp nhận viện trợ chỉ để phát động kế hoạch kinh tế 5 năm tới, cũng như hoàn tất kế hoạch kinh tế 5 năm mà Bình Nhưỡng đã đề ra, vốn sẽ kết thúc vào năm sau.

 

Bắc Triều Tiên một lần nữa lại phải đối mặt với thực trạng thiếu hụt lương thực nghiêm trọng. Dường như những thay đổi từ chính quyền miền Bắc là cấp thiết nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực triền miên cho người dân nước này.

Lựa chọn của ban biên tập