Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ

2019-05-30

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản, trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới thăm Tokyo dưới niên hiệu mới Lệnh Hòa (Reiwa). Mặc dù chuyến thăm là nhằm chứng tỏ mối quan hệ đồng minh song phương vững chắc, nhưng Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thể hiện quan điểm khác biệt về các vụ thử vũ khí tầm ngắn mới đây của Bắc Triều Tiên. Ông Lee Myon-woo, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Sejong, phân tích về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ cũng như những tính toán ngoại giao của Tokyo trong vấn đề phi hạt nhân hóa.


Bất chấp quan điểm khác biệt giữa hai bên về các vụ thử vũ khí mới đây của Bắc Triều Tiên, lãnh đạo Mỹ-Nhật vẫn cho thấy họ có chung lập trường về phương án tiếp cận Bình Nhưỡng. Tổng thống Mỹ khẳng định rằng chuyến thăm là để chúc mừng tân Nhật hoàng đăng cơ, bắt đầu một kỷ nguyên mới. Do đó, chuyến thăm của người đứng đầu nước Mỹ được đánh giá là thành công về mặt tổng thể, đặc biệt là khi ông Trump đã chứng tỏ được mối quan hệ mật thiết với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.


Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản kể từ sau khi Nhật hoàng Naruhito đăng cơ vào đầu tháng này. Trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày từ ngày 25/5, lãnh đạo hai nước thể hiện sự vững chắc trong quan hệ đồng minh thông qua các cử chỉ thiện chí như chơi gôn, dùng nhiều bữa ăn cùng nhau. Tại cuộc họp báo chung sau Hội nghị thượng đỉnh song phương ngày 27/5, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh hai đồng minh đã tái xác nhận lập trường hoàn toàn đồng nhất về chính sách với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo lại có đánh giá rất khác nhau về vụ phóng tên lửa mới đây của miền Bắc. Cụ thể, trong khi Thủ tướng Abe khẳng định động thái trên là vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, thì Tổng thống Trump lại quan điểm hoàn toàn trái ngược. 


Nhiều dự báo cho rằng cả Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản sẽ nêu lên vấn đề Bắc Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh song phương, bởi chương trình hạt nhân và tên lửa của miền Bắc là một mối đe dọa an ninh lớn mà hai đồng minh cần phải giải quyết. Diễn biến thực tế, Tổng thống Trump tiếp tục nói rằng Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un nhận thức rất rõ tình hình và Mỹ đang để ngỏ cánh cửa đối thoại. Trái lại, Thủ tướng Abe lại tỏ ra nghi ngờ khả năng miền Bắc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Mặc dù có chung quan điểm về phương án đối phó với Bình Nhưỡng, song hai nước có thể không nhất trí về một số vấn đề chi tiết, ở đây là việc thể hiện quan điểm khác biệt về các vụ phóng tên lửa của miền Bắc.


Tổng thống Trump đã nhắc lại lập trường rằng không cần quá lo lắng về hai vụ thử vũ khí của Bắc Triều Tiên hồi đầu tháng này, đồng thời bác bỏ nhận định của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton rằng vũ khí mà miền Bắc đã phóng là tên lửa đạn đạo, vi phạm cấm vận quốc tế. Tại sao ông Trump lại tiếp tục gửi đi thông điệp mang tính hòa giải tới Bình Nhưỡng? 


Các lý do chính trị có thể giải thích cho thái độ của Tổng thống Trump. Một số quan chức trong chính quyền Mỹ đang chỉ trích phương cách tiếp cận Bắc Triều Tiên của ông Trump, mặc dù họ đồng tình về sự cần thiết phải giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc. Trong giai đoạn đầu, Tổng thống Mỹ đã có quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng, nhưng đã lựa chọn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và đang muốn duy trì xung lực đối thoại với miền Bắc. Xem xét tới nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau, nhà lãnh đạo Mỹ nhận thấy không nên thay đổi lập trường hiện tại. 


Dường như thông điệp hòa giải của Tổng thống Mỹ là nhằm nhiều mục đích. Bằng cách gạt đi đánh giá của Cố vấn Bolton, ông Trump đang cố gắng xoa dịu sự giận dữ của Bắc Triều Tiên và tái khẳng định với Chủ tịch Kim Jong-un về cam kết duy trì phương thức “từ trên xuống” trong đàm phán hạt nhân. Nói cách khác, ông Trump đang nỗ lực để tình hình không trở nên xấu đi, tránh việc miền Bắc có thêm động thái khiêu khích, và cố gắng khôi phục đàm phán, như một động thái chính trị nhằm bảo vệ sự đánh giá là “thành quả chính sách với Bình Nhưỡng lớn nhất” của Chính phủ Tổng thống Donald Trump, tạo lợi thế trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Trong khi đó, Nhật Bản đã cho thấy một sự thay đổi trong thái độ tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua với Mỹ. 


Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vừa qua đã hối thúc Hàn Quốc ngừng đóng vai “người trung gian nhiễu sự” trong tiến trình thiết lập hòa bình. Về căn bản, miền Bắc tin rằng nên đàm phán trực tiếp với Mỹ nhằm giải quyết vấn đề cấm vận. Nhưng nước này không thể loại Nhật Bản ra ngoài quá trình đấu tranh để được miễn cấm vận. Bình Nhưỡng có thể thu về lợi ích kinh tế thông qua việc bình thường hóa quan hệ với Tokyo. Do đó, Nhật Bản có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề ngoại giao khu vực. Tokyo biết rất rõ tình hình và cảm thấy cần phải tiếp cận miền Bắc một cách tích cực hơn. Mặc dù vẫn tỏ ra ngờ vực cam kết phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên, song Thủ tướng Abe đã bày tỏ mong muốn gặp gỡ Chủ tịch Kim một cách vô điều kiện. Đây là một thay đổi lớn về lập trường của Tokyo.


Do vị thế vai trò trung gian của Hàn Quốc giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ bị thu hẹp trong bối cảnh cục diện thay đổi, nên Nhật Bản đang có khả năng trở thành người điều đình mới trong khu vực. Nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, Tokyo đã thể hiện rõ ràng ý định can thiệp vào các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc, khác hẳn lập trường trước đây là phải tăng cường sức ép tối đa lên Bình Nhưỡng. Năm 2002, Tokyo thừa nhận rằng thời kỳ đô hộ của thực dân Nhật đầu thế kỷ XX đã làm tổn hại đến người dân Bắc Triều Tiên và thông qua Tuyên bố Bình Nhưỡng, với nội dung Nhật Bản viện trợ kinh tế cho miền Bắc sau khi bình thường hóa quan hệ song phương. Theo đó, nếu hai bên bình thường hóa quan hệ, Bắc Triều Tiên rất có thể sẽ nhận được hơn 80 tỷ USD viện trợ kinh tế. Điều này có thể giúp thay đổi tình hình hiện nay của Bắc Triều Tiên, vốn không thể tiến hành các dự án kinh tế với Hàn Quốc do cấm vận quốc tế. Nếu Bình Nhưỡng chấp thuận đề xuất của Tokyo, Thủ tướng Abe có thể xua tan các chỉ trích rằng Nhật Bản đã bị loại ra ngoài vũ đài đối thoại giải trừ hạt nhân bán đảo Hàn Quốc. Với những tính toán trên, ông Shinzo Abe đã nhấn mạnh quyết tâm tổ chức hội đàm thượng đỉnh với Chủ tịch Kim Jong-un. Vấn đề còn lại là thái độ của Bắc Triều Tiên. 


Điều then chốt là liệu Bắc Triều Tiên có thể hiện rõ ràng cam kết phi hạt nhân hóa hay không. Mỹ và Nhật Bản tin rằng cấm vận quốc tế mạnh mẽ đã khiến miền Bắc phải ngồi vào bàn đàm phán, còn Bình Nhưỡng lại cho rằng chương trình hạt nhân hùng mạnh đã giúp nước này có thể đối thoại trực tiếp với Washington. Giờ đây, rất khó để thu hẹp được khoảng cách quan điểm giữa các bên. Tôi cho rằng các quốc gia liên quan sẽ có một “cuộc chiến cân não” trong thời gian tới nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực. Với hai nước Triều-Nhật, họ sẽ cần thời gian để cải thiện quan hệ song phương.


Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Mỹ và Nhật Bản đều có chung mục tiêu là giải trừ hạt nhân bán đảo Hàn Quốc, nhưng lại có tính toán khác biệt trong việc khôi phục đàm phán. Việc thu hẹp khoảng cách trong quan điểm là không hề dễ dàng. Hàn Quốc đã công bố kế hoạch nhằm khôi phục đối thoại Mỹ-Triều thông qua hội đàm thượng đỉnh liên Triều, nhưng miền Bắc dường như chỉ tập trung vào hội đàm với Mỹ. Mặt khác, trong khi Washington yêu cầu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa trước khi được miễn cấm vận, thì Tokyo lại nỗ lực sử dụng thế bế tắc trong đàm phán Mỹ-Triều để mở rộng ảnh hưởng của mình. Với việc mỗi quốc gia đều theo đuổi mục đích và toan tính riêng, việc các bên có tìm được giải pháp trong vấn đề hạt nhân miền Bắc đang là câu hỏi lớn mà dư luận đặt ra và chờ đợi câu trả lời.

Lựa chọn của ban biên tập