Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hội đàm Bộ trưởng Quốc phòng Hàn-Mỹ tại Seoul

2019-06-06

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyung-doo đã tổ chức hội đàm với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tại Seoul nhằm thảo luận các vấn đề trọng tâm, như hợp tác song phương vì an ninh trên bán đảo Hàn Quốc, tập trận chung Hàn-Mỹ nửa cuối năm nay và chuyển giao quyền tác chiến thời chiến. Đây là cuộc gặp thứ hai giữa Bộ trưởng Jeong và ông Shanahan sau lần gặp đầu tiên tại Washington (Mỹ) hồi tháng 4, đồng thời là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của quan chức Mỹ kể từ khi giữ chức quyền Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Shanahan đã tới Seoul sau khi tham dự diễn đàn an ninh khu vực tại Singapore. Thỏa thuận song phương mà lãnh đạo quốc phòng hai nước đạt được tại hội đàm bao gồm việc di dời trụ sở Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ ở Seoul về căn cứ Humphreys của quân đội Mỹ ở thành phố Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi). Ông Yang Wook, nghiên cứu viên cao cấp của Diễn đàn anh ninh quốc phòng Hàn Quốc, phân tích.

 

Ban đầu, Hàn Quốc và Mỹ nhất trí di dời trụ sở Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ về khu vực của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tại quận Yongsan, Seoul. Tuy nhiên, theo yêu cầu của phía Mỹ, hai bên đã nhất trí di dời cơ quan lớn này về căn cứ của quân đội Mỹ ở Pyeongtaek để tận dụng triệt để các cơ sở tại đó. Nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả trong hoạt động của Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ nếu cơ quan này được đặt trong một căn cứ quân sự Mỹ, nhất là khi xem xét tới việc chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến cho Seoul. Nhưng về căn bản, vai trò trong Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ vẫn đang được chia sẻ một cách công bằng giữa hai đồng minh, và tôi cho rằng động thái di dời trên không mâu thuẫn với bản chất của mối quan hệ đồng minh song phương.

 

Khi Seoul và Washington lần đầu nhất trí về “Kế hoạch tái bố trí Yongsan” hồi năm 2004, Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ đã được lên kế hoạch di dời tới Pyeongtaek. Tuy nhiên, năm 2014, hai phía đã đồng ý hoãn vô thời hạn việc chuyển giao quyền tác chiến thời chiến, khiến trụ sở của cơ quan này vẫn giữ nguyên tại Seoul. Đến năm 2017, Chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã một lần nữa hối thúc việc chuyển giao trên, và hai đồng minh đã nhất trí di dời trụ sở tới khu vực gần Bộ Quốc phòng Hàn Quốc để tiện cho việc liên lạc giữa Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ. Do đó, giờ đây khi hai phía thống nhất di dời cơ quan này tới Pyongtaek, nhiều người lo ngại rằng Hàn Quốc và Mỹ khó có thể duy trì liên lạc và hợp tác chặt chẽ.

 

Nhằm xua tan những mối quan ngại này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố hai nước đã quyết định kế hoạch di dời sau khi xem xét tới 4 yếu tố, trong đó có tính hiệu quả về hoạt động, thời gian và chi phí. Ngoài ra, quân đội hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm triển khai suôn sẻ kế hoạch trên. Một thỏa thuận khác trong hội đàm chính là việc một Đại tướng 4 sao người Hàn, chứ không phải Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, sẽ đứng đầu Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ một cách độc lập, sau khi hoàn tất việc chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến.

 

Nếu Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ được phép hoạt động trong khu vực của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cơ quan này sẽ không nhất thiết phải có một vị chỉ huy độc lập. Nhưng quyết định chọn một Đại tướng 4 sao người Hàn đứng đầu Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ cho thấy hai đồng minh rất tôn trọng cơ cấu của cơ quan này cũng như mối quan hệ đồng minh song phương. Hiện nay, một tướng Mỹ đang đứng đầu Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ và nhận chỉ thị của cả Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Hàn Quốc. Do đó, nếu Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc đứng đầu Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ, người này cũng sẽ phải đảm trách một chức vụ thấp hơn. Điều này khá là bất thường. Vì vậy, quyết định bổ nhiệm một vị chỉ huy độc lập là hợp lý hơn cả.

 

Việc quân đội Mỹ bổ nhiệm một quan chức quân đội đồng minh là Tư lệnh liên quân được xem là khá bất thường. Hai bên dự định tổ chức thử nghiệm xem Seoul đã chuẩn bị sẵn sàng đảm đương quyền chỉ huy tác chiến thời chiến hay chưa thông qua một cuộc diễn tập quân sự chung mới do quân đội Hàn Quốc dẫn đầu vào nửa cuối năm nay. Cuộc tập trận này sẽ thay thế cuộc tập trận quy mô lớn “Người bảo vệ tự do Ulchi” (UFG – Ulchi Freedom Guardian), như một nỗ lực nhằm ủng hộ tiến trình hòa bình với Bắc Triều Tiên. Nếu giới chức quân đội hai nước xác minh thành công khả năng chỉ huy lực lượng liên quân của Hàn Quốc, Seoul có thể lấy lại quyền tác chiến thời chiến từ Mỹ sớm hơn dự định.

 

Năm 2014, Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí rằng việc chuyển giao trên chỉ có thể diễn ra khi điều kiện chín muồi. Các điều kiện này bao gồm khả năng quân sự then chốt của Hàn Quốc cần thiết cho việc chỉ huy lực lượng liên quân, trạng thái sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của miền Bắc, cũng như môi trường an ninh thuận lợi xoay quanh bán đảo Hàn Quốc. Để có được tất cả các điều kiện trên, Seoul cần một khoảng thời gian đáng kể. Do đó, việc đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ bên trong căn cứ quân sự Mỹ cũng như sử dụng các cơ sở ở đó có thể góp phần giảm thiểu thời gian cần thiết để tiến hành việc chuyển giao này.

 

Hệ thống quyền chỉ huy tác chiến thời chiến phản ánh thực tế của bán đảo Hàn Quốc là chiến tranh và chia cắt. Đã có nhiều lời kêu gọi trong nội bộ Seoul về việc mau chóng chuyển giao quyền tác chiến trên vì lý do chủ quyền quân sự. Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực hết sức, tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng nhằm đáp ứng được các điều kiện cần thiết để lấy lại quyền tác chiến này. Lãnh đạo quốc phòng Hàn-Mỹ cũng đã chia sẻ quan điểm rằng Seoul đang đạt được tiến triển quan trọng trong việc đáp ứng các điều kiện để gánh vác trọng trách trên. Hơn nữa, quyết định di dời Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình chuyển giao quyền tác chiến thời chiến.

 

Điều then chốt là liệu quân đội Hàn Quốc có thể chứng tỏ khả năng chỉ huy và điều khiển một cách hợp lý trong điều kiện chiến tranh, cũng như đánh giá tình hình một cách chuẩn xác hay không. Đây không chỉ là vấn đề về mặt cơ sở vật chất, mà là vấn đề về việc liệu một quốc gia có đảm bảo được quyền chỉ huy và hệ thống điều khiển hiệu quả, cũng như có thể đưa ra quyết định hợp lý hay không. Việc chuyển giao có thể diễn ra trước khi kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in hay không là phụ thuộc vào các nỗ lực của Seoul. Nhiệm vụ còn lại là đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho việc chuyển giao và gánh vác nhiệm vụ này.

 

Nếu năng lực chỉ huy tác chiến thời chiến của Hàn Quốc được công nhận, các chuyên gia dự đoán rằng Seoul có thể lấy lại quyền tác chiến trên từ Mỹ vào năm 2022, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon. Cuộc hội đàm Bộ trưởng Quốc phòng Hàn-Mỹ mới đây dường như đóng vai trò như một “bài kiểm tra” quan trọng về hệ thống chỉ huy giữa hai đồng minh.

Lựa chọn của ban biên tập