Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Di sản của nhà hoạt động dân chủ và Đệ nhất phu nhân Lee Hee-ho

2019-06-13

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Bà Lee Hee-ho, phu nhân cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, đã qua đời vào đêm ngày 10/6, thọ 97 tuổi. Bà đã sống qua những năm tháng đầy biến động của lịch sử Hàn Quốc hiện đại, chịu đựng nhiều gian khổ khi kề vai sát cánh cùng chồng. Hôm nay, chúng ta sẽ nhìn lại cuộc đời với nhiều sự kiện quan trọng của cố Đệ nhất phu nhân, người đã mơ về hòa giải liên Triều và thống nhất trong hòa bình, qua phần giải thích của nhà bình luận thời sự Lee Jong-hoon. 

 

Bà Lee Hee-ho thuộc thế hệ những nhà hoạt động nữ đầu tiên ở Hàn Quốc, đã đấu tranh cho nữ quyền từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi kết hôn với Tổng thống Kim Dae-jung, cuộc đời của bà đã có nhiều thay đổi. Đệ nhất phu nhân luôn ủng hộ chồng, một nhà lãnh đạo của phe chống đối, trong suốt thời kỳ khó khăn của đàn áp chính trị và độc tài quân sự. Bản thân Tổng thống Kim cũng luôn coi vợ mình như một đồng đội chính trị. Là nhân chứng sống của phong trào dân chủ ở Hàn Quốc và với tư cách một Đệ nhất phu nhân, bà Lee đã có những đóng góp to lớn cho sự thúc đẩy nữ quyền. Thậm chí, kể cả sau khi chồng qua đời, bà vẫn tới thăm Bắc Triều Tiên nhằm cải thiện quan hệ liên Triều.

 

Bà Lee Hee-ho sinh năm 1922 trong một gia đình theo nghề y. Bà tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul rồi theo học ở Mỹ. Sau khi trở về quê hương, bà trở thành Tổng phụ trách Hội liên hiệp phụ nữ trẻ Cơ đốc giáo Hàn Quốc, đi đầu các phong trào ủng hộ nữ quyền. Năm 1962, bà Lee Hee-ho kết hôn với ông Kim Dae-jung và ủng hộ ông trong suốt cuộc đời chính trị đầy biến động. Bà luôn kề vai sát cánh bên chồng, người đã phải nếm mật nằm gai, trải qua mọi nguy hiểm cực khổ, như trục xuất, bắt cóc, quản thúc tại gia, bị tuyên án tử hình, và rồi lại bị trục xuất khỏi tổ quốc lần nữa từ năm 1972 tới đầu thập niên 1980. Năm 2000, bà tháp tùng Tổng thống Kim Dae-jung trên cương vị Đệ nhất phu nhân tới Bắc Triều Tiên dự Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong lịch sử. Khi Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng miền Bắc Kim Jong-il qua đời năm 2011, bà đã tới Bình Nhưỡng để chia buồn, đồng thời gặp ông Kim Jong-un, vị lãnh đạo kế nhiệm trẻ tuổi của miền Bắc.

 

Khi Tổng thống Kim Dae-jung từ trần tháng 8 năm 2009, Bắc Triều Tiên đã cử phái đoàn gồm 6 người dẫn đầu là ông Kim Ki-nam, Bí thư đảng Lao động, tới Hàn Quốc để dự tang lễ. Đáp lại, bà Lee đã có chuyến thăm Bình Nhưỡng năm 2011. Ảnh chụp cho thấy khi đó bà đã gặp ông Kim Jong-un. Chuyến thăm Bắc Triều Tiên của Đệ nhất phu nhân Lee rõ ràng đã góp phần duy trì quan hệ liên Triều. Kể cả trong thời kỳ lãnh đạo của các Tổng thống Hàn Quốc theo đường lối bảo thủ như Lee Myung-bak và Park Geun-hye, hai miền Nam-Bắc vẫn xem xét tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương. Bà Lee Hee-ho được cho là đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trên, mặc dù ý định tổ chức thượng đỉnh liên Triều đã không thành.

 

Khi bà Lee Hee-ho có chuyến thăm hai ngày tới Bắc Triều Tiên cuối tháng 11 năm 2011, 12 quan chức miền Bắc đã tới tận thành phố vùng biên Gaesung để đón tiếp bà và phái đoàn theo nghi lễ trang trọng nhất. Sự kiện này đã phần nào cải thiện quan hệ hai miền, vốn đã bị đóng băng sau vụ Bắc Triều Tiên bắn chìm tuần dương hạm Cheonan và nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2010. Cựu Đệ nhất phu nhân Lee còn tới thăm miền Bắc một lần nữa năm 2015.

 

Đệ nhất phu nhân Lee đã gửi vòng hoa và thư tới Bắc Triều Tiên năm 2014 để kỷ niệm ba năm ngày mất lãnh tụ miền Bắc Kim Jong-il. Một năm sau, theo lời mời của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, bà đã có chuyến thăm Bình Nhưỡng kéo dài 4 ngày. Quả thực, cựu Đệ nhất phu nhân Lee đã nỗ lực cả cuộc đời nhằm cải thiện quan hệ liên Triều và thực thi thỏa thuận mà chồng bà, Tổng thống Kim Dae-jung, đã ký với Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-il tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên năm 2000.

 

Chuyến thăm Bắc Triều Tiên năm 2015 của bà Lee Hee-ho diễn ra giữa bối cảnh căng thẳng trong quan hệ liên Triều. Tại thủ đô Bình Nhưỡng, cựu Đệ nhất phu nhân 93 tuổi đã tới thăm nhiều cơ sở, trong đó có một bệnh viện sản phụ và một viện nhi, cũng như trao quà và thuốc men cho trẻ em. Bà đã không gặp nhà lãnh đạo miền Bắc khi đó. Tuy nhiên, xét tới vai trò thúc đẩy hòa bình liên Triều của bà Lee, sự chú ý đã đổ dồn vào việc liệu Bắc Triều Tiên có cử phái đoàn tới Hàn Quốc để dự tang lễ của bà hay không.

 

Do ban phụ trách tang lễ của bà Lee Hee-ho đã gửi cáo phó cho Bắc Triều Tiên, câu hỏi đặt ra là liệu miền Bắc sẽ phản ứng như thế nào. Một số người kỳ vọng miền Bắc sẽ cử phái đoàn tới miền Nam, nhưng cuối cùng Bình Nhưỡng lại chỉ gửi hoa và thư chia buồn. Giới phân tích cho rằng nếu Bắc Triều Tiên cử phái đoàn viếng tang lễ, điều này sẽ giúp phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong quan hệ liên Triều. Khi tới miền Nam năm 2009 để dự đám tang cựu Tổng thống Kim Dae-jung, phái đoàn miền Bắc đã gặp Tổng thống Lee Myung-bak và gửi thông điệp miệng của nhà lãnh đạo Kim Jong-il tới Tổng thống Lee. Vì vậy, nếu lần này Bắc Triều Tiên cử đại diện tới Hàn Quốc, chắc chắn quan chức miền Bắc sẽ chuyển thư của Chủ tịch Kim Jong-un tới Tổng thống Moon Jae-in.

 

Phái đoàn Bắc Triều Tiên tới thăm Hàn Quốc năm 2009 đã tổ chức hội đàm cấp cao liên Triều đầu tiên dưới thời của Chính phủ Tổng thống Lee Myung-bak, và thậm chí còn lưu lại thêm một ngày để tới thăm Phủ Tổng thống ở Seoul. Tuy nhiên, lần này, miền Bắc đã không cử phái đoàn tới miền Nam dự tang lễ bà Lee Hee-ho. Thay vào đó, bà Kim Yo-jong, em gái của Chủ tịch Kim Jong-un và hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động, đã gửi hoa và thư chia buồn dưới danh nghĩa nhà lãnh đạo miền Bắc, tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Sau khi cựu Đệ nhất phu nhân Lee tạ thế, đối ngoại khu vực xoay quanh bán đảo Hàn Quốc dường như đang có thay đổi.

 

Bà Lee Hee-ho đã để lại di chúc, cầu chúc cho thống nhất và hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Dường như, để đáp lại tâm nguyện của bà, một vài dấu hiệu tích cực đã diễn ra gần đây. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố đã nhận được bức thư tay từ Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, giữa bối cảnh có suy đoán cho rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh nữa với Chủ tịch Kim. Chỉ trong năm ngoái, lãnh đạo hai miền Nam-Bắc đã gặp nhau tới ba lần. Cuộc hội đàm song phương lần thứ tư, nếu trở thành hiện thực, được kỳ vọng sẽ dẫn tới Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba và gặt hái được một số thành quả tích cực. Dư luận đang thực sự chờ đợi những bước đột phá mới trong quan hệ liên Triều cũng như Mỹ-Triều, đúng như tâm nguyện và sự nỗ lực suốt cả cuộc đời của Đệ nhất phu nhân Lee Hee-ho.

Lựa chọn của ban biên tập