Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Giao thông công cộng ở Bắc Triều Tiên

2019-06-13

Vì một bán đảo thống nhất

© KBS

Ở Bắc Triều Tiên, quyền tự do đi lại bị hạn chế một cách nghiêm ngặt khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong di chuyển. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi có một thời,những chiếc xe đạp là tài sản mà người miền Bắc quý trọng nhất. Tuy nhiên, giao thông công cộng ở đất nước khép kín này đã có một sự thay đổi quan trọng. Giờ đây, hình ảnh những chiếc taxi và xe buýt đầy ắp người trên đường phố của thủ đô Bình Nhưỡng đã trở nên phổ biến. Tuần trước, chúng ta đã bàn về cuộc cách mạng hậu cần của Bắc Triều Tiên, xuất phát từ sự bùng nổ của một loại phương tiện giao hàng đặc biệt gọi là “servi-cha” (xe dịch vụ). Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu về những thay đổi về giao thông công cộng ở nước này.

 

Thị trường mở rộng khiến giao thông công cộng phát triển nhanh chóng

Nhu cầu đi lại tăng là một chỉ số khác về sự phát triển nhanh chóng của thị trường ở Bắc Triều Tiên. Sau khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng những năm 1990, dịch vụ giao thông công cộng, kể cả đường sắt, đã không thể vận hành tốt được. Do đó, người dân địa phương đã tự mình phát triển nhiều loại hình giao thông, khởi đầu bằng những chiếc xe dịch vụ bất hợp pháp gọi là “servi-cha”. Sau đó, số lượng xe buýt và taxi tăng lên mạnh mẽ.

 

Giao thông công cộng bắt đầu phát triển nhanh chóng kể từ khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên lãnh đạo năm 2012. Nhiều cá nhân đã tích lũy được của cải song song với sự mở rộng của chợ, và một số trong đó đã bỏ tiền túi ra mua xe buýt và taxi từ Trung Quốc hay nhiều nước khác để nhảy vào ngành kinh doanh vận tải béo bở này. Tất nhiên, sở hữu tư nhân đối với phương tiện vẫn bị cấm ở miền Bắc. Vì vậy, các nhà vận hành xe buýt và taxi phải trả phí cho các tổ chức hoặc doanh nghiệp Nhà nước để được dùng tên của họ trong kinh doanh.

 

Nhu cầu đi lại tăng, taxi trở nên phổ biến

Trước đây, taxi nằm ngoài tầm với của phần lớn người dân Bắc Triều Tiên. Ở đất nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa, thật khó mà hình dung việc một cá nhân sử dụng phương tiện, có lái xe và mua nhiên liệu vì mục đích riêng. Nhưng số lượng taxi đã tăng vọt sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên lãnh đạo. Hiện nay, có khoảng 6.000 taxi đang hoạt động trong khu vực thủ đô Bình Nhưỡng. Taxi đợi khách bên ngoài quán mỳ lạnh nổi tiếng có tên “Okryugwan” là cảnh tượng thường thấy. Trước đây, người ta chỉ nhìn thấy taxi ở thành phố, nhưng ngành kinh doanh vận tải hành khách này hiện đang cực thịnh tại khu vực biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc. Ngày nay, khách hàng có thể gọi taxi chỉ bằng một cú điện thoại.

 

Phí cơ bản của taxi là 2 USD, khá đắt đối với người dân miền Bắc, bởi họ có thể mua 4 kg gạo bằng số tiền này. Tuy nhiên, nhu cầu taxi ở chợ tư nhân là rất ổn định, vì người dân giàu lên luôn tìm kiếm phương tiện giao thông thuận tiện và mau chóng hơn cả.

 

Tàu điện ngầm – phương tiện giao thông công cộng chính ở Bình Nhưỡng

Hệ thống tàu điện ngầm Bình Nhưỡng mở cửa năm 1973, sớm hơn một năm so với tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Seoul. Tương tự như ở Hàn Quốc, người dân Bình Nhưỡng sẽ quét thẻ giao thông và đi qua cửa quay ở mỗi ga. Có hai tuyến cơ bản là Chollima (Thiên lý mã) chạy từ Bắc xuống Nam và Hyoksin chạy từ Tây sang Đông. Năm 1987, nước này mở một tuyến khác gọi là Mangyeongdae, dù đây thực chất là sự mở rộng của tuyến Chollima. Tổng chiều dài của hệ thống tàu điện ngầm Bình Nhưỡng chỉ là 34 km.

 

Do hạn chế của tàu điện ngầm, người dân phải dùng cả xe điện và xe buýt. Nhưng 4 tuyến của hệ thống xe điện là không đủ để đáp ứng nhu cầu di chuyển của hơn 3 triệu người dân thủ đô. Hơn nữa, hoạt động của xe điện thường bị gián đoạn do nguồn điện không ổn định. Vì vậy, xe buýt đang ngày càng chiếm trọn vai trò của xe điện.

 

Trong quá trình đó, một loại hình xe buýt đặc biệt gọi là “beori” hay “xe buýt thương mại” đã nở rộ. Xe do cá nhân vận hành, thường chở 20 hành khách và có giá đắt gấp gần 10 lần xe buýt công cộng. Đó là bởi nhà xe phải mua xăng lậu ở chợ để bổ sung cho nguồn cung thiếu thốn của Nhà nước. Nhưng nhiều người vẫn lựa chọn xe buýt đắt tiền, vì nếu đi làm muộn, họ không thể nhận được khẩu phần thực phẩm hàng ngày.

 

Xe buýt liên thành phố nối thủ đô với các tỉnh thành lớn

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên hoạch định không gian và tổ chức xã hội theo cách sao cho cho nhà  gần với chỗ làm nhất có thể, giảm thiểu nhu cầu đi lại của người dân. Trước đây, xe buýt chỉ có thể hoạt động trong khoảng bán kính 30 km. Từ thập niên 1980, xe buýt có thể được chạy những tuyến liên thành phố ngắn khoảng 200-300 km. Nhưng cùng với sự trỗi dậy của tầng lớp giàu có gọi là “donju”, giờ đây những tuyến xe buýt liên thành phố dài hơn đang đi vào hoạt động, kết nối thủ đô với những thành phố chính trên cả nước. Những thay đổi trên đều xuất phát từ sự thịnh vượng của chợ. Việc chợ ngày càng mở rộng đang đẩy nhanh quá trình du nhập các yếu tố của một nền kinh tế thị trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

 

Mặc dù sự mở rộng của giao thông công cộng không phản ánh đầy đủ sự thay đổi trong tổng thể xã hội Bắc Triều Tiên, song đây là một dấu hiệu rõ ràng của việc tiến tới nềnkinh tế thị trường. Hãy cùng chờ xem liệu những gợn sóng nhỏ bên trong có thể dẫn tới một làn sóng của thay đổi hay không.

Lựa chọn của ban biên tập