Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Trung Quốc đến Bắc Triều Tiên, mở màn chuỗi hội nghị thượng đỉnh

2019-06-20

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Chuyến thăm Bắc Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ mở màn một chuỗi hoạt động đối ngoại thượng đỉnh về vấn đề phi hạt nhân hóa miền Bắc. Các hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung và Hàn-Trung được lên kế hoạch tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), diễn ra từ ngày 28 tới 29/6 tại Osaka, Nhật Bản. Ngay sau sự kiện này, hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ rất có thể cũng sẽ trở thành hiện thực. Giáo sư Chung Dae-jin đến từ Viện nghiên cứu Thống nhất, trường Đại học Ajou, phân tích.


Dường như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định thăm Bắc Triều Tiên một cách khá gấp gáp, vì tuyên bố về chuyến thăm được đưa ra hoàn toàn bất ngờ. Mặc dù Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un đã tới thăm Trung Quốc tới 4 lần trong năm qua, song ông Tập đã trì hoãn chuyến thăm đáp lại miền Bắc, xem xét tới nhiều yếu tố, trong đó có hội đàm Mỹ-Triều. Có vẻ như nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đột ngột quyết định thăm Bình Nhưỡng trước thềm Hội nghị G20, nhằm có thêm một quân bài đàm phán nữa tại sự kiện này.

 

Bình Nhưỡng và Bắc Kinh ngày 17/6 đã đồng thời công bố chuyến thăm Bắc Triều Tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình trong hai ngày 20 và 21/6 tới. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới miền Bắc kể từ khi nhậm chức vào năm 2013. Khi Chủ tịch Kim Jong-un thăm Trung Quốc tháng 1 năm nay, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng Chủ tịch Tập sẽ thăm miền Bắc trong tương lai gần. Trên thực tế, Bắc Kinh đã tỏ ra khá thờ ơ về vấn đề này. Tuy nhiên, việc nhà lãnh đạo Trung Quốc có mặt tại Bình Nhưỡng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, cho thấy Bắc Kinh muốn tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của mình tại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.

 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định chuyến thăm của ông Tập là nhằm tạo ra tiến triển trong giải pháp chính trị cho các vấn đề xoay quanh bán đảo Hàn Quốc. Như vậy, Bắc Kinh đã dùng cụm từ “chính trị” thay vì “kinh tế” hay “thực tiễn”. Về bề nổi, giải pháp “chính trị” ở đây có nghĩa là Trung Quốc hy vọng giải quyết vấn đề giải trừ hạt nhân thông qua đối thoại hòa bình. Nhưng sâu xa hơn, Bắc Kinh muốn dẫn dắt tiến trình thảo luận theo hướng một sự đảm bảo an ninh cho Bắc Triều Tiên. Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ đã được lên kế hoạch tại Hội nghị G20 cuối tháng này và Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ tiếp sau đó, Trung Quốc cảm thấy cần phải nhắc nhở các quốc gia liên quan về vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề chính trị và thiết lập hòa bình trong khu vực Đông Bắc Á.

 

Trước thềm Hội nghị G20, Chủ tịch Tập dường như đang sử dụng chuyến thăm Bắc Triều Tiên như đòn bẩy trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ tiếp tục leo thang, bằng cách chứng minh sự hợp tác chiến lược giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Về phần mình, miền Bắc có vẻ như đang cố gắng gây sức ép với Mỹ bằng việc thúc đẩy sựđoàn kết với Trung Quốc và đặt cược vào các cuộc đàm phán trong tương lai với Mỹ thông qua hội nghị thượng đỉnh Trung-Triều.

 

Bắc Triều Tiên được cho là đã tái sắp xếp đội ngũ đàm phán hạt nhân then chốt sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội. Dường như miền Bắc đã hoàn tất quá trình này và chốt được lập trường chính thức về phi hạt nhân hóa. Giờ đây, nước này đã sẵn sàng thông báo với Trung Quốc lập trường của mình trước khi nối lại hội đàm với Mỹ. Khi Chủ tịch Kim Jong-un và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau hồi năm ngoái, Bình Nhưỡng tuyên bố hai nhà lãnh đạo sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau. Điều này có nghĩa là hai đồng minh đã hình thành một mặt trận thống nhất nhằm đối phó với Washington.

 

Bắc Triều Tiên đang nỗ lực để có được nhiều quyền lợi hơn bằng cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, hơn là hội đàm ba bên Hàn-Triều-Mỹ. Và thông qua đàm phán song phương với Washington, Bình Nhưỡng mong muốn có được sự đảm bảo về an ninh, và cuối cùng là dỡ bỏ cấm vận từ Mỹ. Với viễn cảnh này, miền Bắc đang nỗ lực hình thành một khung đối ngoại rộng, đa phương, bao gồm cả Trung Quốc và Nga. Tôi cho rằng đây chính là mục đích Bình Nhưỡng tổ chức hội đàmthượng đỉnh với Bắc Kinh.

 

Trước đây, Chủ tịch Kim Jong-un đã thăm Trung Quốc để hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình trước thềm các sự kiện quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Vì vậy, chuyến thăm Bình Nhưỡng của nhà lãnh đạo Trung Quốc được kỳ vọng sẽ có tác động lớn tới đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều.

 

Một chuỗi các cuộc hội đàm thượng đỉnh song phương sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị G20. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình để nghe thông báo về kết quả hội đàm thượng đỉnh Trung-Triều, cũng như biết được tình hình hiện tại của Bắc Triều Tiên và ý định thực sự của nhà lãnh đạo miền Bắc. Lãnh đạo Hàn-Trung cũng sẽ thảo luận phương án đối phó với miền Bắc, đặc biệt là trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ. Do nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tổ chức hội đàm song phương với Tổng thống Mỹ và Tổng thống Hàn Quốc tại Osaka vào tuần sau, Chủ tịch Tập có thể chuyển thông điệp của Chủ tịch Kim tới lãnh đạo Hàn-Mỹ. Do đó, lá bài đang nằm trong tay ông Tập, ít nhất là cho tới cuối tháng 6.

 

Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập ngày 18/6 và xác nhận sẽ gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc nhân Hội nghị G20. Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định sẽ không để lỡ cơ hội khôi phục xung lực cho đối thoại. Lãnh đạo Hàn-Trung cũng đã nhất trí tổ chức hội đàm bên lề Hội nghị G20 và đang chốt lại nghị sự thượng đỉnh. Hội đàm Hàn-Trung rất có thể sẽ tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa. Tiếp sau đó, trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ tại Seoul, Tổng thống Moon và Tổng thống Trump được kỳ vọng chia sẻ đánh giá về kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Trung-Triều và thảo luận triển vọng của hội đàm hạt nhân Mỹ-Triều trong tương lai.

 

Hàn Quốc và Mỹ cần phải đưa ra một đề xuất mới tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Cộng đồng quốc tế yêu cầu Bắc Triều Tiên phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon (tỉnh Bắc Pyongan) và hơn thế nữa. Để thuyết phục miền Bắc chấp nhận đề nghị này, cần phải có thứ gì đó đổi lại. Bình Nhưỡng sẽ nói lên nguyện vọng của mình thông qua Bắc Kinh, còn Seoul và Washington sẽ phải thảo luận khả năng và thời điểm chấp nhận yêu cầu của miền Bắc. Nếu thời cơ chưa đến, Bắc Triều Tiên và Mỹ có thể nhất trí một thỏa thuận lớn, toàn diện trước, và sau đó thảo luận phương án từng bước chi tiết hơn. Trường hợp đồng minh Hàn-Mỹ đưa ra được một đề xuất cụ thể, cải tiến hơn, hai nước có thể đưa Bình Nhưỡng quay trở lại đối thoại, và thậm chí tìm ra một bước đột phá trong thời gian tới.

 

Đã xuất hiện một vài dấu hiệu tích cực trong việc khôi phục đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều. Các quốc gia liên quan dự định tổ chức một chuỗi các hội nghị thượng đỉnh chỉ vỏn vẹn trong vòng 10 ngàybắt đầu từ chuyến thăm Bắc Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc vào tuần này. Giai đoạn này được kỳ vọng sẽ mang tính bước ngoặt đối với tiến trình phi hạt nhân hóa và đối thoại khu vực.

Lựa chọn của ban biên tập