Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Khoa học và công nghệ ở Bắc Triều Tiên

2019-06-20

Vì một bán đảo thống nhất

© Getty Images Bank

Đội tuyển gồm ba thành viên đến từ trường Đại học Công nghệ Kim Chaek của Bắc Triều Tiên đã đứng thứ 8 Cuộc thi lập trình quốc tế (ICPC), được tổ chức ở Bồ Đào Nha tháng 4 vừa qua. Do Hiệp hội kỹ thuật tính toán Mỹ (ACM) chủ trì, sự kiện thường niên này là sân chơi để sinh viên từ các trường đại học hàng đầu thế giới tham gia tranh tài. Năm nay, sinh viên của 3.200 trường đại học từ 110 quốc gia đã dự thi, và 135 đội tuyển từ 47 nước đã lọt vào vòng chung kết. Với Hàn Quốc, Đại học quốc gia Seoul và Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) lần lượt xếp thứ 7 và 21 chung cuộc. Vậy thì nền khoa học công nghệ của miền Bắc đã tiến xa tới đâu? Hãy cùng tìm hiểu về khoa học và công nghệ ở miền Bắc.

 

Chính sách chú trọng khoa học và giáo dục giúp thu về nhiều giải thưởng quốc tế

Đại học Công nghệ Kim Chaek là trường hàng đầu về khoa học và kỹ thuật. Ban đầu, trường thuộc Đại học Kim Nhật Thành, nhưng tháng 9 năm 1948 đã tách ra để thành lập Đại học Công nghệ Bình Nhưỡngnăm 1951 thì đổi tên thành Đại học Kim Chaek, theo tên của Bộ trưởng Công nghiệp đầu tiên. Ngôi trường này là nơi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un tới thăm đầu tiên sau hội nghị thượng đỉnh bất thành với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội hồi tháng 2. Bình Nhưỡng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của “tự lực cánh sinh” giữa bối cảnh đàm phán hạt nhân bế tắc với Mỹ, và chuyến thăm trường của nhà lãnh đạo miền Bắc đã phản ánh quyết tâm tập trung vào khoa học và giáo dục.

 

Bắc Triều Tiên từ lâu đã được cho là rất nhiệt huyết trong việc bồi dưỡng sinh viên tài năng và gửi họ đi các sự kiện quốc tế. Khởi đầu bằng việc thành lập Học viện Ngoại ngữ Bình Nhưỡng năm 1958, miền Bắc đã mở nhiều trường đào tạo nghệ thuật, âm nhạc và thể dục thể thao trong thập niên 1960. Cuối những năm 1990, công tác giáo dục sinh viên tài năng được mở rộng ra khoa học, công nghệ cũng như máy tính. Năng lực của họ được đánh giá cao tại các cuộc thi quốc tế. Từ năm 2013, sinh viên từ các trường hàng đầu như Đại học Kim Nhật Thành và Đại học Công nghệ Kim Chaek đã thắng giải tại các cuộc thi lập trình quốc tế tới 30 lần.

 

Chính sách khoa học là công cụ để phát triển kinh tế

Năm 2013, tức giai đoạn Chủ tịch Kim Jong-un mới lên lãnh đạo đất nước, ông Kim đã công bố mục tiêu then chốt là xây dựng nền kinh tế tri thức và biến tất cả người dân thành những tài năng khoa học và công nghệ. Dường như nhà lãnh đạo miền Bắc có niềm tin vững chắc rằng khoa học và công nghệ sẽ giúp cải thiện đời sống của người dân. Bình Nhưỡng đã đầu tư mạnh tay vào các lĩnh vực ứng dụng, như công nghệ thông tin (IT), công nghệ sinh học, năng lượng và công nghiệp nhẹ.

 

Nước này cũng tạo ra những con phố có chủ đề khoa học, xây dựng các tổ hợp dân cư và nghiên cứu gần các trường đại học lớn ở thủ đô. Năm 2015, Bắc Triều Tiên mở Tổ hợp khoa học-công nghệ Bình Nhưỡng với mặt bằng trên 100.000 m2. Trung tâm hiện đại này có một thư viện điện tử cùng nhiều phương tiện trải nghiệm khác. Các cơ sở khoa học như vậy gần đây đã được mở rộng ra các địa phương, trong đó có thành phố Hamheung ở phía Bắc.

 

Phát triển mạnh khoa học cơ bản, IT

Những vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên là có liên quan tới chính sách lấy khoa học làm trọng, cũng như sự đối đãi đặc biệt dành riêng cho các nhà khoa học. Các hacker được gửi ra nước ngoài để tiến hành tấn công mạng vào các thể chế tài chính trên toàn thế giới nhằm thu thập thông tin và lấy về ngoại tệ mạnh.

 

Nước này cũng thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản. Ngày càng nhiều sinh viên Bắc Triều Tiên đi du học ở Trung Quốc, Mông Cổ và châu Âu chọn học ngành sinh học và hóa học. Nền công nghệ thông tin cực kỳ phát triển ở nước này cũng rất đáng chú ý. Đại học Công nghệ Kim Chaek đã phát triển phần mềm có khả năng đọc văn bản viết bằng nhiều ngôn ngữ, và có thể nhận diện chữ viết từ các văn bản với độ chính xác lên tới 99,7%.

 

Nền khoa học, công nghệ tân tiến cũng là con dao hai lưỡi

Nếu khai thác khoa học chỉ vì mục đích quân sự, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục hứng chịu chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Nhưng nếu nước này theo đuổi cải cách và mở cửa, bắt đầu bằng việc giải trừ hạt nhân, chính sách phát triển công nghệ khoa học và bồi dưỡng tài năng có thể là một nền tảng mới cho hợp tác liên Triều.

 

Hiện nay, mục tiêu tối cao của Bắc Triều Tiên là trở thành một trung tâm kinh tế thông qua khoa học và công nghệ. Nhưng để đạt được mục tiêu này, trước tiên phải phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng rất giỏi trong việc áp dụng mọi thứ vào thực tiễn, trong khi Hàn Quốc được biết đến vì tính cách tân và năng lực công nghệ cao. Tất nhiên, hai bên có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực, kể cả ngay bây giờ. Nhưng chỉ khi nền hòa bình vĩnh viễn được thiết lập trên bán đảo Hàn Quốc – thành quả của việc giải trừ hạt nhân miền Bắc – thì hợp tác liên Triều mới có thể được mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khoa học, để hai miền cùng đạt được thịnh vượng như những đối tác tốt của nhau.

Lựa chọn của ban biên tập