Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tổng thống Mỹ thăm Hàn Quốc trong hai ngày cuối tháng 6

2019-06-27

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Theo kế hoạch đã được cả Hàn Quốc và Mỹ chính thức công bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thăm Hàn Quốc trong hai ngày 29 và 30/6. Giữa bối cảnh hội đàm Mỹ-Triều bế tắc kéo dài kể từ sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, sự chú ý đang đổ dồn vào việc liệu chuyến thăm Seoul của Tổng thống Trump có thể giúp khai thông thế bế tắc hiện nay, phù hợp với những diễn biến đối ngoại tích cực gần đây, hay không. Ông Cho Sung-ryul, nghiên cứu viên cấp cao của Viện nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc (INSS) phân tích.

 

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội kết thúc mà không thu về thành quả nào, việc thảo luận vấn đề giải trừ hạt nhân bán đảo Hàn Quốc đang trở nên ngày một cấp bách. Chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Trump sẽ tái khẳng định sự đồng thuận Hàn-Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa. Trong sự kiện này, Tổng thống Mỹ được kỳ vọng sẽ nhấn mạnh về những lợi ích mà Bắc Triều Tiên nhận được sau khi giải trừ hạt nhân, đồng thời chuyển đi thông điệp hòa bình tới miền Bắc.

 

Ông Trump thăm Seoul sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) tại Osaka, Nhật Bản. Như chúng ta đều biết, phi hạt nhân hóa không chỉ là vấn đề của riêng Bắc Triều Tiên và Mỹ, mà còn liên quan đến các quốc gia khác trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Trong thời gian diễn ra hội nghị G20 và thượng đỉnh Hàn-Mỹ, các nước liên quan chắc chắn thảo luận vấn đề giải trừ hạt nhân Bình Nhưỡng.

    

Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ 8 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Hội đàm thượng đỉnh Hàn-Mỹ  diễn ra trong bối cảnh một chuỗi hội nghị thượng đỉnh song phương khác cũng được tổ chức bên lề hội nghị G20 tại Osaka ngày 28 và 29/6 như Mỹ-Trung và Hàn-Trung. Trước tiên, ông Moon và ông Trump sẽ tìm hiểu ý định thực sự của Bắc Triều Tiên thông qua Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người vừa có chuyến thăm tới Bình Nhưỡng vào tuần trước. Sau đó, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp gỡ để thảo luận biện pháp khôi phục hội đàm phi hạt nhân hóa. Trong bối cảnh này, việc Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un mới đây trao đổi thư với nhau cũng làm dấy lên hy vọng về khả năng nối lại đàm phán song phương.

 

Lãnh đạo Mỹ-Triều được cho là đã chia sẻ quan điểm về sự cần thiết phải tổ chức hội đàm cấp chuyên viên trong thời gian tới nhằm mở đường cho hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ ba. Bắc Triều Tiên có lẽ không thích ý tưởng hội đàm cấp chuyên viên, vì nước này ưu tiên phương thức ngoại giao từ trên xuống. Vì vậy, Mỹ có thể đề xuất hai bên xúc tiến đàm phán, dựa trên thỏa thuận tạm thời gồm 4 vấn đề mà các nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của hai nước, là Stephen Biegun, và Kim Hyok-chol, đã nhất trí ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội. Bình Nhưỡng cũng có thể chấp nhận đề xuất của Washington về các cuộc thảo luận bổ sung theo sau thỏa thuận tạm thời này, vốn đã được Chủ tịch Kim Jong-un thông qua.      

 

Ngày 23/6, truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un tỏ ra rất hài lòng với bức thư hồi đáp nhận được từ Tổng thống Trump. Được biết, Tổng thống Mỹ đã gợi ý trong thư rằng hai phía cầntìm ra tiếng nói chung về vấn đề phi hạt nhân hóa thông qua đàm phán cấp chuyên viên. Trước đây, “ngoại giao thư từ” đã tạo ra sự đột phá trong việc tái khởi động đàm phán bị bế tắc. Trong khi đó, Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã tới Seoul ngày 27/6 để chuẩn bị cho chuyến thăm Hàn Quốc của ông Trump.

 

Đặc phái viên Biegun đã tổ chức hội đàm với Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Lee Do-hoon tại Washington vào tuần trước. Giờ đây, tại Seoul, ông Biegun sẽ tiến hành thảo luận kỹ lưỡng hơn với phía Hàn Quốc về vấn đề giải trừ hạt nhân trước khi diễn ra thượng đỉnh Hàn-Mỹ.

 

Một số ý kiến dự đoán hội đàm cấp chuyên viên Mỹ-Triều sẽ được tổ chức tại Làng đình chiến Bàn Môn Điếm nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ. Ông Biegun có một ngày rưỡi trước khi Tổng thống Trump tới Seoul sáng ngày 29/6. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, Đặc phái viên Mỹ có thể thảo luận vấn đề trên với các quan chức Chính phủ Hàn QuốcRõ ràng, thời gian không còn nhiều. Tuy nhiên, xét tới những thông điệp mà lãnh đạo Mỹ-Triều đã trao đổi với nhau, không loại trừ khả năng hội đàm cấp chuyên viên hai nước sẽ diễn ra.

 

Dù vẫn giữ vững nguyên tắc “phi hạt nhân hóa Bình Nhưỡng một cách triệt để, được kiểm chứng đầy đủ”, song dường như đang có thay đổi nhỏ trong lập trường của Washington, bởi Mỹ có lẽ đang xem xét một kế hoạch khả thi hơn. Giờ đây, dư luận quan tâm liệu ông Trump có thăm Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) trong chuyến thăm Hàn Quốc hay không.

 

Đây là chuyến thăm thứ hai của Tổng thống Trump tới Hàn Quốc kể từ khi nhậm chức. Trong chuyến thăm đầu tiên hồi tháng 11 năm 2017, ông Trump đã có ý định thăm Khu phi quân sự liên Triều nhưng không thành do thời tiết không thuận lợi. Vào thời điểm đó, quan hệ Mỹ-Triều đã ngày một xấu đi. Giờ đây, bối cảnh đã hoàn toàn khác so với hai năm trước. Sau hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới DMZ sẽ là một cơ hội tốt để chuyển đi thông điệp hòa bình tới toàn thế giới, thể hiện cam kết chấm dứt chiến tranh và vượt qua sự chia cắt trên bán đảo Hàn Quốc.

 

Tới thăm Khu phi quân sự liên Triều đã là hành động mang tính biểu tượng của hầu hết các đời Tổng thống Mỹ, bắt đầu từ chuyến thăm vùng biên của Tổng thống Dwight Eisenhower năm 1952 trong giai đoạn đỉnh điểm của chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Nếu tới thăm DMZ, một trong những khu vực biên giới được vũ trang nhiều nhất thế giới, Tổng thống Mỹ rất có thể sẽ tuyên bố các cam kết trong việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc, cũng như thúc đẩy đối thoại với Bắc Triều Tiên. Có ý kiến thậm chí còn nhận định về một hội nghị thượng đỉnh ba bên bất ngờ Hàn-Triều-Mỹ, bất kể việcmột quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ đã khẳng định rằng Tổng thống Trump không có kế hoạch gặp nhà lãnh đạo miền Bắc lần này.

 

Kịch bản đáng mong đợi nhất Chủ tịch Kim tới DMZ để dự hội đàm ba bên với Tổng thống Moon và Tổng thống Trump. Nhưng viễn cảnh này khó có khả năng xảy ra, xem xét tới nhiều yếu tố,nhất là về mặt thời gian. Mặc dù vậy, lãnh đạo Hàn-Mỹ có thể cùng tới Bàn Môn Điếm và đưa ra tuyên bố hòa bình chung tại đây. Nếu đồng minh Hàn-Mỹ có thể gửi thông điệp chung tới Bắc Triều Tiên, đây sẽ là một động thái rất tích cực. Một kịch bản khác là Tổng thống Trump có bài phát biểu hay tổ chức họp báo nhằm thể hiện cam kết hướng tới hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, cũng như tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba với nhà lãnh đạo miền Bắc.

 

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng và Washington vẫn chưa thu hẹp được bất đồng về một số vấn đề hóc búa liên quan tới phi hạt nhân hóa, vốn đã bộc lộ trong hội nghị tại Hà Nội. Bởi vậy, trước tiên, hai bên cần phải giải quyết các vấn đề này thông qua hội đàm cấp chuyên viên. Chuyến thăm của Tổng thống Trump có thể tạo ra xung lực nhằm thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều trở nên thực chất hơn.

Lựa chọn của ban biên tập