Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Lãnh đạo Mỹ-Triều gặp nhau lần thứ ba, tạo đột phá cho đàm phán

2019-07-04

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Ngày 30/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp bất ngờ với Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Sau cái bắt tay mang tính biểu tượng tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), Tổng thống Trump đã bước qua đường biên giới sang phần lãnh thổ miền Bắc, trước khi cùng Chủ tịch Kim quay trở lại phía miền Nam. Như phát biểu của Tổng thống Mỹ, đây thực sự là một khoảnh khắc mang tính lịch sử. Lãnh đạo Mỹ-Triều đã tiến về phía Ngôi nhà Tự do, phía Nam Bàn Môn Điếm, và được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chào đón. Đây là lần đầu tiên sau 66 năm, lãnh đạo ba nước Hàn-Triều-Mỹ gặp nhau, kể từ lần ký kết Hiệp định đình chiến năm 1953. Cuộc hội ngộ tại Bàn Môn Điếm được kỳ vọng sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn trong đối ngoại xoay quanh bán đảo Hàn QuốcGiáo sư Kim Hyun-wook từ Học viện ngoại giao quốc gia (thuộc Bộ Ngoại giao) phân tích.

 

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Bàn Môn Điếm thực sự là một sự kiện lịch sử, một động thái hết sức tích cực. Trên Twitter cá nhân ngày 29/6, Tổng thống Trump đã đề xuất gặp Chủ tịch Kim Jong-un tại biên giới, và Bắc Triều Tiên đã đáp lại một cách tích cực. Bởi vậy, cuộc gặp được thu xếp chóng vánh này đã không đề cập tới các vấn đề nghị sự cụ thể như phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, sự kiện trên đã chứng tỏ tình hữu nghị và lòng tin giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều. Tôi cho rằng tình hữu nghị thắm thiết đó sẽ giúp hai nước giảm nhẹ sự thù địch đối với nhau. Tất nhiên, vào thời điểm này, thật khó để kỳ vọng vào một sự đảo chiều hay thành quả đột biến trong quan hệ song phương. Mặc dù vậy, nguy cơ về một cục diện cực kỳ căng thẳng ít ra là đã được giảm nhẹ, báo hiệu cho các cuộc đàm phán trong tương lai với sự tham gia của cả hai miền Nam-Bắc và Mỹ.

 

Tổng thống Moon Jae-in ngày 2/7 nhận định cuộc gặp ba bên Hàn-Triều-Mỹ tại Bàn Môn Điếm đã báo hiệu sự mở đầu cho một thời đại mới của hòa bình. Tổng thống khẳng định mặc dù không có văn bản nào được ký kết, nhưng các bên đã công bố chấm dứt sự thù địch bằng hành động. Điều quan trọng là ở chỗ, lãnh đạo Mỹ-Triều, vốn đã đối đầu kịch liệt trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), đã gặp nhau tại nơi là biểu tượng cho nỗi đau của chia cắt trên bán đảo Hàn Quốc. Nhiều người kỳ vọng cuộc gặp lần thứ ba giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim sẽ mở đường cho tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc cũng như việc thiết lập hòa bình dài lâu trong khu vực. Tất nhiên, Hàn Quốc nhiệt liệt hoan nghênh sự kiện vừa qua, bởi hơn ai hết Seoul đã rất nỗ lực để khôi phục đối thoại Mỹ-Triều.

 

Đã có nhiều quan ngại và chỉ trích rằng Hàn Quốc đã mất chỗ đứng trên diễn đàn đối ngoại khu vực. Lý do là bởi Seoul đã không thể đóng vai trò trung gian, điều phối một cách hiệu quả, nhất là sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Bình Nhưỡng và cam kết ủng hộ về mặt an ninh và kinh tế cho miền Bắc hồi tháng trước. Tuy nhiên, tôi cho rằng chính những nỗ lực ngoại giao bền bỉ, sau hậu trường của Chính phủ Hàn Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp ba bên Hàn-Triều-Mỹ vừa qua. Sự kiện này đã mang lại xung lực quan trọng để Seoul tiếp tục vai trò trung gian của mình. Bởi vậy, đây thực sự là thành quả rất tích cực, đầy khích lệ đối với Seoul.

 

Tại cuộc gặp lịch sử vừa qua, lãnh đạo Mỹ-Triều đã chính thức nhất trí tái khởi động tiến trình giải trừ hạt nhân, vốn đã lâm vào bế tắc kể từ sau hội nghị thượng đỉnh song phương tại Hà Nội hồi cuối tháng 2. Do đó giờ đây, sự chú ý hiện đang đổ dồn vào các lá bài đàm phán mà hai bên sẽ sử dụng.

 

Về cơ bản, Mỹ vẫn giữ lập trường cho rằng trước tiên Bình Nhưỡng và Washington phải nhất trí về một lộ trình toàn diện, bao gồm phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bắc Triều Tiên, và sau đó là thiết lập hòa bình, gỡ bỏ cấm vận, đảm bảo an ninh cho chính quyền miền Bắc. Chỉ sau khi đạt được thỏa thuận lớn trên mới có thể tiến tới thỏa thuận chi tiết hơn nhằm thi hành các biện pháp liên quan, từng bước một. Một số nhà phân tích suy đoán rằng Bắc Triều Tiên đã thay đổi trọng tâm sang vấn đề đảm bảo an ninh, với niềm tin rằng Mỹ sẽ không chấp nhận yêu cầu miễn cấm vận. Một lý do nữa để Bình Nhưỡng từ bỏ yêu cầu gỡ bỏ cấm vận chính là niềm tin rằng, bằng việc đảm bảo được viện trợ kinh tế từ Trung Quốc hoặc Nga, nước này có thể chống đỡ được cấm vận. Dù lý do có là gì đi chăng nữa, miền Bắc được kỳ vọng sẽ nỗ lực tìm kiếm bước đột phá tại các cuộc đàm phán trong tương lai.       

 

Mỹ được cho là sẽ tập trung vào việc phác thảo một lộ trình phù hợp với “thỏa thuận toàn diện” mà Tổng thống Trump đã đề cập sau cuộc gặp vừa qua với Chủ tịch Kim. Một số người dự đoán rằng Washington có thể xem xét việc đóng băng các hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng theo giai đoạn, thay vì phá dỡ hoàn toàn các chương trình hạt nhân của nước này. Có nghĩa là, Mỹ có thể tiến hành phương án từng phần, trước tiên là cho đóng cửa các cơ sở hạt nhân miền Bắc, đổi lại bằng việc giảm nhẹ cấm vận.

 

Giới phân tích cũng nhận thấy một sự thay đổi trong chiến lược của Bắc Triều Tiên. Tại hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 4, Chủ tịch Kim Jong-un khẳng định điểm then chốt chính là có được sự đảm bảo về an ninh cho chính quyền. Bình Nhưỡng rất có thể sẽ sử dụng vấn đề này như một lá bài đàm phán mới.Theo kế hoạch, đội ngũ đàm phán hạt nhân vừa được tái tổ chức của hai nước sẽ tiến hành hội đàm cấp chuyên viên vào giữa tháng 7, sau 5 tháng gián đoạn.

 

Dường như Tổng thống Trump mong muốn đạt được thỏa thuận để kiểm soát các vấn đề liên quan tới Bắc Triều Tiên một cách hiệu quả hơn, trước khi tiến tới một hội nghị thượng đỉnh nữa với Chủ tịch Kim. Còn nhà lãnh đạo miền Bắc có lẽ cũng đang hy vọng đạt được thỏa thuận với Mỹ, mặc dù có thể không hoàn toàn hài lòng với thỏa thuận này. Nếu Bình Nhưỡng thực sự yêu cầu sự đảm bảo an ninh thay vì gỡ bỏ cấm vận, và hai bên có thể chốt được các vấn đề chi tiết trong đề xuất của mình, hoàn toàn có thể đạt được thỏa thuận sớm hơn kỳ vọng.

 

Tại các cuộc hội đàm cấp chuyên viên tới đây, điểm mấu chốt chính là liệu hai phía có thể thu hẹp sự khác biệt về phương án giải trừ hạt nhân hay không. Mỹ mong muốn một thỏa thuận lớn, một lần dứt khoát, trong khi Bắc Triều Tiên chủ trương phương án từng phần. Sự chú ý đang chuyển hướng sang việc liệu hai bên có tìm ra tiếng nói chung về vấn đề này, và cách hai phía giải quyết yêu cầu đảm bảo an ninh của Bình Nhưỡng, cũng như phương thức phi hạt nhân hóa linh hoạt của Washington. Kết quả đàm phán rất có thể sẽ quyết định dạng thức của đối ngoại khu vực trong tương lai. Và khi một bầu không khí thuận lợi đang được tạo ra cho đối thoại Mỹ-Triều, khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ tư cũng đang được đưa ra.

 

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ tư sẽ chỉ diễn ra sau hội đàm cấp chuyên viên Mỹ-Triều. Bình Nhưỡng và Washington có thể sẽ nhất trí bình thường hóa hoạt động của các dự án kinh tế liên Triều then chốt, như chương trình du lịch núi Geumgang và Khu công nghiệp liên Triều Gesung, đều nằm ở miền Bắc, tại các cuộc hội đàm cấp chuyên viên. Thỏa thuận này sẽ mở đường cho lãnh đạo liên Triều gặp nhau lần nữa để thảo luận chi tiết các vấn đề giữa hai miền. Vì vậy, dựa vào kết quả hội đàm cấp chuyên viên Mỹ-Triều, khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh liên Triều nữa sẽ được thảo luận.

Lựa chọn của ban biên tập