Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Căng thẳng ở Iran làm dấy lên quan ngại về quan hệ Mỹ-Triều

2019-07-11

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Trong một diễn biến đáng chú ý vào ngày 8/7, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã xác nhận rằng lượng dự trữ uranium làm giàu của Iran đã vượt quá giới hạn của Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Tehran đã ký với các cường quốc phương Tây. Thông báo được đưa ra sau một cảnh báo mạnh mẽ của giới chức Mỹ về việc áp đặt lệnh trừng phạt chống Iran. Cuộc đối đầu leo thang giữa Mỹ và Iran làm chuyển hướng mối quan tâm về mối quan hệ Mỹ-Triều trong bối cảnh hai nước cũng đang tiến hành đàm phán hạt nhân. Ông Shin Beom-chul, Giám đốc Trung tâm An ninh và Thống nhất thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Asan phân tích.

 

Quan hệ giữa Mỹ và Iran đang ngày càng xấu đi. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên “Kế hoạch hành động chung toàn diện”, được ký giữa Iran và các cường quốc trên thế giới vào năm 2015 dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Tất nhiên, việc Washington đơn phương rút khỏi hiệp định đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Tehran.

 

Iran gần đây tuyên bố họ sẽ sớm làm giàu uranium vượt giới hạn 3,67% như trong thỏa thuận hạt nhân 2015. Mỹ đã ngay lập tức đáp trả bằng kế hoạch tăng cường biện pháp trừng phạt Iran. Trong đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã một lần nữa sử dụng cụm từ “sức ép tối đa”. Washington có vẻ sẽ gây áp lực kinh tế mạnh tay hơn đối với Tehran, mặc dù hiện tại phương án quân sự vẫn chưa được xem xét tới.

 

Vào ngày 8/7, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc gia Iran đã tuyên bố chính thức dừng cam kết của mình đối với thỏa thuận hạt nhân. Nước này cũng đe dọa sẽ tăng cường làm giàu uranium ở cấp độ 20%, nếu châu Âu không thực hiện theo đúng thỏa thuận. Trước khi thỏa thuận được ký kết, Iran đã từng làm giàu uranium lên tới 20%. Để chế tạo vũ khí hạt nhân, mức làm giàu này phải đạt 90%.

 

Đáp lại, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế Iran, cũng như không bao giờ cho phép nước này có được vũ khí hạt nhân. Đồng thời, giới chức ngoại giao cũng đang có sự so sánh về mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ-Iran và Mỹ-Triều.

 

Trong cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm ngày 30/6 vừa qua, hai bên đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên viên. Mối quan hệ thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo khiến Mỹ khó có thể gây thêm sức ép lên miềnBắc, song vẫn giữ nguyên các biện pháp cấm vận, còn Bắc Triều Tiên thì mong muốn tiếp tục đối thoại song phương.

 

Quan hệ Mỹ-Triều có vẻ đang có nhiều dấu hiệu tích cực, trái ngược với quan hệ Mỹ-Iran. Về khả năng hạt nhân, Bắc Triều Tiên vượt trội hơn hẳn so với Iran. Washington đang sử dụng chiến thuật ngoại giao hơi nghịch lý, gây áp lực với Iran, nhưng lại tham gia đối thoại với Bắc Triều Tiên.

 

Mỹ đã có cuộc đối đầu căng thẳng với cả Bắc Triều Tiên và Iran về vấn đề hạt nhân, song thái độ của Washington đối với mỗi quốc gia thì lại hoàn toàn khác biệt. Với Bình Nhưỡng, ngoài hai hội nghị thượng đỉnh trước, hai nhà lãnh đạo của Mỹ-Triều cũng đã tổ chức một cuộc họp ngắn vào cuối tháng 6 và nhất trí về việc nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên để thảo luận vấn đề phi hạt nhân vốn đã bị đình trệ. Tuy nhiên về phần Tehran, Nhà Trắng đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015, gây áp lực với quốc gia này bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và thậm chí là cả đe dọa quân sự. Vậy thì tại sao Mỹ lại thân thiện với miền Bắc và hằn học với Iran đến vậy?

 

Thái độ hiện tại hé lộ phần nào chiến lược quốc tế của Mỹ. Washington tự tin là có thể kiểm soát được miền Bắc, bởi mặc dù sở hữu vũ khí hạt nhân, quốc gia Đông Bắc Á nhỏ bé này khá nghèo nàn và nằm lọt thỏm giữa Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trái lại, Iran là một cường quốc ở khu vực Trung Đông, nên việc phát triển vũ khí hạt nhân của nước này có thể thay đổi hoàn toàn chính sách Trung Đông của Washington. Theo chiến lược hiện hành, Mỹ quản lý khu vực dựa trên liên minh với Ả rập Xê út, quốc gia có đối thủ mạnh nhất không ai khác ngoài Iran. Nếu Iran đi trước một bước trong vấn đề hạt nhân, Ả rập Xê út rất có thể sẽ đua theo, gây ra bất ổn trong khu vực. Đồng thời, giá dầu tăng cũng có thể gây ra nguy cơ đảo lộn nền kinh tế toàn cầu. Vì những lý do này, Mỹ có thể sẽ tiếp tục giữ vững lập trường cứng rắn về các vấn đề liên quan đến Iran.

 

Vào ngày 1/7, tờ tạp chí Phố Wall (Mỹ) đã chỉ ra rằng, so với việc thương lượng với Bắc Triều Tiên thì Tổng thống Trump bị thiếu một cơ số các chiêu bài trong việc đối phó với Iran. Ví dụ như, ông Trump đã liên lạc trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ đối với Bình Nhưỡng cũng đang thu hút được sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng quốc tế. Mặt khác, việc Mỹ kiểm soát các hoạt động hạt nhân của Iran là không hề dễ dàng.

 

Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, chính quyền Trump đã cố gắng hướng Tehran và cộng đồng quốc tế đến một bàn đàm phán mới. Tuy nhiên, khác hẳn Bắc Triều Tiên, Iran lại không mấy mặn mà với đối thoại.

 

Bắc Triều Tiên được cho là quốc gia có đủ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân và hiện đang tìm cách gỡ bỏ các lệnh trừng phạt mạnh tay về kinh tế thông qua các cuộc đàm phán. Nói cách khác, miền Bắc đang cố gắng cải thiện tình hình thông qua đối thoại.

 

Trong trường hợp của Iran, nước này có thể nhận thấy cần phải phản ứng với việc đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Mỹ. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu Iran có tiếp tục đối đầu với Mỹ trước áp lực ngày càng tăng hay không. Với miền Bắc, cuộc khủng hoảng đã kéo dài trong một thời gian trước khi chuyển sang giai đoạn đối thoại. Về mặt này, Mỹ và Iran có thể đạt được thỏa hiệp hợp lý ở một số điểm, mặc dù hai bên vẫn còn rất nhiều căng thẳng ở thời điểm hiện tại. Với kịch bản này, Mỹ và Iran có thể lao vào vào một cuộc chiến tâm lý khiến cả hai bên đều bị hao mòn.

 

Iran có thể rút kinh nghiệm từ Bắc Triều Tiên bằng việc tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ thông qua đối thoại. Quan hệ Mỹ-Triều đã vô cùng căng thẳng vào năm 2017 khi Mỹ gây áp lực lớn lên miền Bắc. Bình Nhưỡng khi đó đã đáp trả bằng vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nhưng hai bên cuối cùng đã tạo ra một bước đột phá vào năm ngoái bằng Hội nghị thượng đỉnh song phương lần đầu tiên trong lịch sử.

Iran có thể tiếp bước Bắc Triều Tiên. Mặc dù vậy, nếu căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang, miền Bắc rất có thể sẽ thay đổi thái độ trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

 

Bất cứ khi nào tổ chức đàm phán với Mỹ, Bắc Triều Tiên cũng đều chỉ trích rằng Mỹ đã không thực hiện theo đúng các thỏa thuận trước đó. Lần này cũng vậy, Bình Nhưỡng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành phi hạt nhân hóa theo giai đoạn để đề phòng trường hợp Washington từ chối thực hiện thỏa thuận. Về điểm này, thất bại trong thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều.

 

Tôi không nghĩ rằng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ sớm tìm ra được giải pháp toàn diện. Bình Nhưỡng và Washington sẽ chỉ có thể giải quyết vấn đề sau khi xây dựng được lòng tin hoặc đưa ra quyết định táo bạo. Cho đến thời điểm đó thì hai bên sẽ tiếp tục lặp lại quá trình đàm phán đầy mệt mỏi và nhàm chán. Họ sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho các cuộc đàm phán kéo dài triền miên.

 

Sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5 năm ngoái, Mỹ đã khôi phục lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran. Miền Bắc rất chú ý đến điểm này. Cuộc đụng độ giữa Mỹ và Iran có thể sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa, và chính sách của Washington đối với Tehran được cho là sẽ quyết định tiến trình quan hệ Mỹ-Triều.

Lựa chọn của ban biên tập