Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Triển vọng của đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên Mỹ-Triều

2019-07-18

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Bắc Triều Tiên và Mỹ đã đưa ra các thông điệp của mình về các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa cấp chuyên viên trong cuộc họp tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào ngày 30/6 vừa qua.

Tuy nhiên, đến ngày 16/7, miền Bắc đã bộc lộ ý định xem xét mối quan hệ giữa cuộc tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ với việc tham gia các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều. Bất chấp lời đe dọa từ miền Bắc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ám chỉ rằng có thể có một sự thay đổi trong các lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, tùy thuộc vào tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóaÔng Park Won-gon, Giáo sư ngành Quan hệ quốc tế của trường Đại học toàn cầu Handong, phân tích về triển vọng của việc nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều.

 

Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi tại Bàn Môn Điếm vào ngày 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã đồng ý kích hoạt lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên song phương trong vòng hai đến ba tuần sau đó. Ngay ngày hôm sau, các phương tiện truyền thông Bắc Triều Tiên, bao gồm báo Lao động - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đã khẳng định cam kết của nước này đối với các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ. Giới phân tích nhận định đối thoại sẽ diễn ra vào tuần thứ 3 của tháng 7. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, miền Bắc vẫn đang giữ im lặng.

 

Mỹ và Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ tổ chức một cuộc hội đàm cấp chuyên viên vào tuần này, nhưng thời gian chính xác vẫn chưa được tiết lộ. Theo một số nguồn tin ngoại giao,Mỹ đã đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán trong tuần này, nhưng vẫn chưa nhận được phúc đáp từ miền Bắc.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng đang tăng cường sức ép đối với Washington về vấn đề tập trận quân sự chung Hàn- Mỹ.

 

Một Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên ngày 16/07 khẳng định, việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên với Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, nếuWashington tiếp tục theo đuổi cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ vào tháng 8 tới đây. Tuyên bố này gửi đi thông điệp rằng Bình Nhưỡng từ chối tham gia các cuộc đàm phán với Washington. Trên thực tế, miền Bắc ủng hộ phương thức ngoại giao “từ trên xuống” và vẫn còn khá hoài nghi về các cuộc đàm phán cấp  chuyên viên. Việc hai bên vẫn thể hiện quan điểm khác biệt rõ ràng về biện pháp phi hạt nhân hóa khiến Bắc Triều Tiên nghi ngờ rằng sẽ khó đạt được thỏa thuận mong muốn ngay cả khi tham gia các cuộc đàm phán cấp chuyên viên.

Tuyên bố này cũng có thể được xem là chiến lược của Bình Nhưỡng về hội đàm phi hạt nhân hóa với Washington. Bắc Triều Tiên nhận thức được thực tế rằng Hàn Quốc và Mỹ không thể hủy bỏ cuộc tập trận quân sự vào tháng 8 tại thời điểm này. Thông qua việc nhấn mạnh các điều kiện mà cả Hàn Quốc và Mỹ đều khó chấp nhận, miền Bắc có lẽ đang cố gắng giành thế thượng phong trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

 

Có hai lý do chính khiến Bắc Triều Tiên đưa ra vấn đề tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ. Thứ nhất, Bình Nhưỡng có thể từ chối tham gia các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Washington. Thứ hai, miền Bắc muốn thể hiện quyết tâm không bị dao động trước Mỹ trong các cuộc đàm phán.

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên thường xuyên đề cập đến cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ mỗi khi các cuộc đàm phán hạt nhân diễn ra. Bằng việc chỉ trích các cuộc tập trận chung chính là mối đe dọa đối với chính quyền miền Bắc, Bình Nhưỡng đã sử dụng vấn đề này như một xung lực đàm phán, bởi lẽ đàm phán cấp chuyên viên đã được thốngnhất là sẽ đề cập đến vấn đề bảo đảm an ninh cho Bắc Triều Tiên. Với lá bài này, Bình Nhưỡng có thể sẽ giành được thế chủ động trong các cuộc đàm phán với Washington.

Có vẻ như hai nước sẽ tổ chức một cuộc họp cấp chuyên viên, mặc dù muộn hơn một đến hai tuần so với dự kiến, đơn giản vì nó đã được lãnh đạo tối cao hai nước quyết định.

 

Tôi không nghĩ rằng Bắc Triều Tiên sẽ hoàn toàn chối bỏ các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ. Đội ngũ đàm phán hạt nhân trên thực tế cũng đã được sắp xếp. Phái đoàn Mỹ do Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Stephen Biegun dẫn dầu, trong khi có vẻ như cựu Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Việt Nam Kim Myong-gil đã được chọn làm người đại diện cho miền Bắc dẫn dắt đàm phán. Các nguồn tin tại Mỹ cho hay, Bình Nhưỡng, làng đình chiến Bàn Môn Điếm và Thụy Điển đang được cân nhắc là nơi diễn ra cuộc gặp. Mỹ dường như sẵn sàng chấp nhận mọi địa điểm do miền Bắc quyết định. Tuy nhiên, tuyên bố ngày 16/7 chứng tỏ Bắc Triều Tiên cần thêm thời gian để đưa ra quyết định. Trước mắt, tháng 8 chưa phải là thời điểm phù hợp vì cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹsẽ diễn ra. Tôi cho rằng, Bắc Triều Tiên nên đưa ra quyết định về các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ ít nhất là trong tháng này.

 

Để kích hoạt cho các cuộc đàm phán cấp chuyên viên, Mỹ đang gửi đi các thông điệp tích cực và hướng tới tương lai. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, các đảm bảo an ninh mà Bắc Triều Tiên mong đợi phải được đưa ra và việc đạt được phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên theo cách mà Mỹ có thể xác minh, sẽ là một thành tựu lịch sử. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhận định, đóng băng hạt nhân sẽ là bước khởi đầu của tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Khi nhắc đến các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên, Tổng thống Trump cũng cho rằng, thời gian không phải là điều cốt yếu, quan trọng nhất là những kết quả tốt đẹp sẽ thu được.

 

Tổng thống Trump đã nhất quán quan điểm của mình về vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, khẳng định sẽ không vội vàng và mong muốn phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở  Hà Nội, Washington đã đưa ra đề xuất thỏa thuận trọn gói một lần. Nhưng giờ đây, có vẻ như lập trường của Mỹ đã bắt đầu linh hoạt hơn, thông qua việc đề cập đến các biện pháp đối ứng với Bắc Triều Tiên, mặc dù điều đó không có nghĩa là Nhà Trắng sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.

 

Theo một nguồn tin gần gũi với các cuộc thảo luận của Nhà Trắng về Bắc Triều Tiên, Mỹ đang xem xét đình chỉ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu than đá và dệt may của Bắc Triều Tiên trong khoảng 12 đến 18 tháng, đổi lại bằng việc Bình Nhưỡng tháo dỡ tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon và đóng băng toàn bộ chương trình hạt nhân. Tất nhiên, Washington cũng đang xem xét khả năng Bình Nhưỡng có thể không chấp nhận đề xuất này. Tuy vậy, dường như Mỹ đang tiếp cận vấn đề phi hạt nhân hóa theo cách thức linh hoạt hơn trước. Mỹ cũng kỳ vọng sẽ nối lại đối thoại với miền Bắc và đạt được thỏa thuận, bất chấp những bình luận đầy khiêu khích gần đây của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên.

Nếu có thể tái xúc tiến một cuộc họp cấp chuyên viên, hai bên sẽ hiểu được bên kia đã thay đổi quan điểm phi hạt nhân hóa như thế nào trong 4 tháng qua, kể từ sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội.

 

Nếu các cuộc đàm phán cấp chuyên viên diễn ra, đó sẽ là bước tái khởi động kể từ thất bại của Hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội, khi hai bên đưa ra lập trường rất khác biệt về tiến trình phi hạt nhân hóa. Tất nhiên, điểm khác biệt vẫn còn tồn tại, song lần này việc đạt được thỏa thuận là hoàn toàn có khả năng. Miền Bắc có thể chọn cách tiếp cận từ nguyên nhân hay lợi ích thiết thực. Nếu chọn cách xuất phát từ nguyên nhân, hai bên sẽ rất khó thúc đẩy các cuộc đàm phán đi đến thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu Bình Nhưỡng theo đuổi lợi ích thiết thực, rất có khả năng nước này sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân hiện tại. Và nếu kịch bản này xảy ra, Mỹ và cộng đồng quốc tế có thể đáp lại ở một mức độ nhất định.

Lựa chọn của ban biên tập