Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Báo cáo cáo buộc mối quan hệ giữa Huawei và Bắc Triều Tiên

2019-07-25

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Theo một báo cáo của tờ Bưu điện Washington (Mỹ), gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đã và đang giúp xây dựng mạng lưới viễn thông di động thương mại ở Bắc Triều Tiên. Hãy cùng lắng nghe giáo sư Kang Jun-young đến từ khoa nghiên cứu Quốc tế và Khu vực học, thuộc khối sau đại học trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, phân tích về nội dung báo cáo cũng như đánh giá về tầm ảnh hưởng của cáo buộc này đến các cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên Mỹ-Triều trong tương lai.

 

Trích dẫn các tài liệu nội bộ lấy được từ một cựu nhân viên Huawei, tờ Bưu điện Washington cho biết hãng công nghệ Trung Quốc đã giúp Bắc Triều Tiên xây dựng và duy trì mạng viễn thông di động thương mại trong 8 năm, kể từ năm 2008. Theo đó, Huawei đã hợp tác với một doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc là Công ty Công nghệ thông tin quốc tế Panda trong nhiều dự án khác nhau, bao gồm việc cung cấp thiết bị cần thiết để xây dựng mạng viễn thông di động ở Bắc Triều Tiên.Có nghĩa là Huawei đã sử dụng doanh nghiệp Nhà nước để rót các nguồn viện trợ cho miền Bắc một cách bí mật và gián tiếp.

 

Tờ báo Mỹ cho biết Huawei đã tham gia vào việc cung cấp thiết bị cần thiết để thành lập nhà mạng viễn thông di động Koryolink (고려링크) của miền Bắc, một công ty liên doanh giữa hãng viễn thông Orascom của Ai Cập với Tập đoàn Bưu chính và Truyền thông Bắc Triều Tiên (KPTC), nhằm xây dựng hệ thống viễn thông di động 3G quốc gia. Các tài liệu nội bộ của Huawei được tờ Bưu điện Washington tiết lộ bao gồm một số hồ sơ về dự án mạng viễn thông ở Bắc Triều Tiên.

 

Các tài liệu bao gồm các đơn đặt hàng và hợp đồng liên quan đến việc xây dựng một mạng viễn thông di động ở Bắc Triều Tiên, khiến nhiều người tin vào cáo buộc này. Miền Bắc đã cố gắng xây dựng mạng internet, mạng viễn thông di động và các trạm cơ sở vào đầu những năm 2000. Trên thực tế, quá trình này không diễn ra suôn sẻ do các hạn chế về kỹ thuật và nhiều vấn đề trong nước khác. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2008, dự án đã có nhiều bước tiến đáng kể. Giờ đây, mạng viễn thông di động đã được xây dựng để cung cấp dịch vụ cho khoảng 90% dân số. Gã khổng lồ công nghệ toàn cầu Huawei bị nghi ngờ là đã nhúng tay vào tiến trình này.

 

Theo một báo cáo gần đây của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, kế hoạch phát triển mạng di động Bắc Triều Tiên đã bị đình chỉ vào năm 2004 sau sự cố nổ tàu. Nhưng dự án đã tiến triển nhanh chóng từ năm 2008 khi Koryokink được thành lập. Chỉ trong ba năm, miền Bắc đã xây dựng được một mạng lưới quốc gia với hơn 400 trạm phát sóngphủ khắp 14 thành phố lớn, trong đó có Bình Nhưỡng, 86 thành phố nhỏ và các quận, huyện nâng tỷ lệ cư dân có thể truy cập mạng không dây lên đến 92%. Trong một phiên họp của Ủy ban Quốc hội vào tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc khi đó là Cho Myung-kyun cho hay, số lượng điện thoại di động được sử dụng ở miền Bắc ước tính vào khoảng 6 triệu. Nếu báo cáo của tờ Bưu điện Washington là đúng, chúng ta không thể loại trừ khả năng Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp viễn thông di động ở Bắc Triều Tiên.

 

Dưới các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ, miền Bắc hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc. Bất chấp việc Mỹ đã cảnh báo là sẽ chống lại mọi sự trợ giúp dành chomiền Bắc vi phạm các lệnh cấm vận quốc tế, song Trung Quốc đã cung cấp cho đồng minh của mình các khoản viện trợ liên quan đến sinh kế của dân chúng dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh vẫn mở cửa sau, lén lút trợ giúp Bình Nhưỡng. Bởi lẽ Trung Quốc quan ngại sự sụp đổ bất ngờ của Bắc Triều Tiên hoặc bất kỳ sự hỗn loạn nào ở nước này, sẽ gây tổn hại cho Bắc Kinh. Về cơ bản, Trung Quốc muốn miền Bắc duy trì sự ổn định. Để thực hiện điều này, Trung Quốc đã âm thầm giúp Bắc Triều Tiên xây dựng mạng viễn thông di động và hỗ trợ về mặt kinh tế.

 

Theo báo cáo của cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Trung Quốc chiếm tới 95,8% thương mại của Bắc Triều Tiên trong năm 2018. Điều này cho thấy miền Bắc phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc. Tất nhiên, Trung Quốc tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về trừng phạt Bắc Triều Tiên. Nhưng vào tháng 4 năm nay, hai đồng minh Trung-Triều đã hoàn công một cây cầu mới xuyên biên giới nối thành phố Manpo của Bắc Triều Tiên và thành phố Cát An thuộc tỉnh Cát Lâm phía Đông Bắc Trung Quốc. Khi xét tới mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, rất có thể Huawei đã thực sự vi phạm lệnh trừng phạt đối với miền Bắc. Mối liên hệ bị nghi ngờ giữa Huawei và miền Bắc có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng như các cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên Mỹ-Triều trong thời gian tới.

 

Nếu cáo buộc được chứng minh là đúng, Mỹ sẽ rơi vào thế khó xử. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có thể xem xét giảm nhẹ lệnh trừng phạt Huawei tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn)  Osaka, Nhật Bản vào ngày 28/6. Và thực tế, 35 công ty Mỹ đã trình lên khoảng 50 yêu cầu về cung cấp linh kiện cho Huawei, trong khi Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nói rằng Washington sẽ giải quyết vấn đề này vào một thời điểm thích hợp. Nhưng nếu Huawei được xác nhận là đã cung cấp thiết bị cho miền Bắc, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, Washington sẽ phải áp dụng thêm hoặc thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung. Do đó, mối liên hệ đang bị cáo buộc giữa Huawei và miền Bắc đang nổi lên như một yếu tố tiêu cực mới, có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán Mỹ-Trung, Mỹ-Triều trong tương lai.

 

Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố 4 công dân Trung Quốc, bao gồm cả người đứng đầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Công nghiệp Hồng Tường Đan Đông (DHID) vào ngày23/7 vừa qua với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt miền Bắc. Động thái này cho thấy Mỹ đang tăng cường sức ép đối với cả Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đang thể hiện một thái độ khác. Liên quan đến báo cáo của tờ Bưu điện Washington về mối liên hệ bí mật giữa Huawei và Bắc Triều Tiên, ông Trump phát biểu hôm 22/7 rằng sẽ tìm hiểu thêm về vụ việc, đồng thời nhấn mạnh những khía cạnh tích cực trong quan hệ Mỹ-Triều.

 

Trong khi phải dồn sức đối phó với các vấn đề phức tạp liên quan đến Venezuela  Iran, Tổng thống Trump có thể muốn duy trì sự ổn định trong mối quan hệ Mỹ-Triều, xem đây như là một thành tựu ngoại giao của mình. Vì lý do đó, tôi cho rằng ông Trump sẽ cố gắng hết sức để tách biệt các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên khỏi các mối quan tâm khác. Tôi tin rằng cả Mỹ và Trung Quốc sẽ bác bỏ cáo buộc của tờ Bưu điện Washington. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng có khả năng sẽ tiếp tục chứng minh rằng nước này luôn có Trung Quốc đứng sau, nhấn mạnh vai trò của họ đối với các vấn đề khu vực. Miền Bắc được cho là sẽ ra sức thúc đẩy xung lực mới cho các cuộc đàm phán, đồng thời gây áp lực mạnh mẽ lên Mỹ.

 

Trong bối cảnh đó, hãng thông tấn trung ương Triêu Tiên (KCNA) ngày 23/7 đưa tin, Chủ tịch Ủy ban quốc vụ Kim Jong-un đã thị sát tàu ngầm mới chế tạo của nước này. Với việc miền Bắc kịch liệt chỉ trích cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ sắp tới, dường như nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã thực hiện thêm một bước đi. Nghi ngờ về mối quan hệ bí mật giữa Huawei và miền Bắc đã khiến cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa vốn đã khó khăn càng trở nên phức tạp. Bởi vậy, dự báo Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ bước vào một cuộc chiến ngoại giao khốc liệt hơn.

Lựa chọn của ban biên tập