Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tổng thống Moon Jae-in chủ trương “Nền kinh tế hòa bình”

2019-08-22

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết xây dựng một nền kinh tế hòa bình với miền Bắc như một biện pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa thống nhất hai miền trong bài phát biểu chào mừng 74 năm Quốc khánh Hàn Quốc ngày 15/8. Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu lý do vì sao Chính phủ miền Nam lại nhấn mạnh tầm nhìn đặc biệt này, bất chấp việc miền Bắc đã phóng hàng loạt tên lửa và gay gắt chỉ trích Seoul trong thời gian gần đây, qua phần lý giải của nhà nghiên cứu cấp cao Cho Han-bum đến từ Viện Thống nhất Quốc gia thuộc Bộ Thống Nhất Hàn Quốc.

 

Hàn Quốc đang phải đương đầu với động thái trả đũa kinh tế của Nhật Bản. Trung Quốc cũng đã có hành động tương tự với Hàn Quốc khi Seoul quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vài năm trước. Tổng thống Moon Jae-in nhận định một Hàn Quốc bị chia rẽ và tình hình an ninh bất ổn, đang gây bất lợi cho việc hợp tác kinh tế ở khu vực Đông Á, đồng thời khẳng định hòa bình và sự ổn định trong khu vực sẽ góp phần phát triển kinh tế.

Tôi cho rằng đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều và tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc đã bước vào tình thế không thể đảo ngược. Trong bối cảnh này, Tổng thống Moon tin tưởng rằng một nền kinh tế hướng tới hòa bình là phương tiện và mục tiêu xây dựng một bán đảo Hàn Quốc mới.

 

Tổng thống Moon đã trình bày về tầm nhìn “nền kinh tế hòa bình” vào đầu tháng 8 này như một cách để ứng phó với hành động trả đũa kinh tế của Nhật Bản, cũng như giảm sự phụ thuộc kinh tế của Seoul vào Tokyo. Bộ trưởng Thống nhất Kim Yeon-chul hôm 20/8 phát biểu rằng, các điều kiện an ninh hiện tại trong khu vực đã chứng minh sự cần thiết của một nền kinh tế hòa bình, hướng đến một tương lai đầy hy vọng của bán đảo Hàn Quốc.


Do sự chia cắt của bán đảo Hàn Quốc, mạng lưới hậu cần của lục địa Á-Âu kết thúc tại đường phân giới quân sự hai miền Nam Bắc, trong khi mạng lưới giao thông và hậu cần của khu vực Thái Bình Dương dừng lại ở cảng Busan.

Một bán đảo Hàn Quốc thống nhất nếu được hiện thực hóa, sẽ mở ra một cuộc cách mạng về hệ thống giao thông và hậu cần cho các khối kinh tế Á-Âu và Thái Bình Dương mà trong đó Hàn Quốc đóng vai trò một trung tâm kinh tế. Nếu hai miền được thống nhất, sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, chính sách mới về phương Đông của Nga và việc tái thiết Bắc Triều Tiên có thể được quy tụ, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.

 

Theo số liệu thống kê, dân số Hàn Quốc đạt mức 51,6 triệu người vào năm ngoái. CIA World Factbook (Sách dữ kiện thế giới của Cục tình báo trung ương Mỹ) ước tính dân số Bắc Triều Tiên rơi vào khoảng 25,3 triệu người. Do đó, trong điều kiện nền kinh tế hòa bình, con số gần 80 triệu người từ hai miền sẽ làm tăng nhân lực và mở rộng đáng kể thị trường tiêu dùng. Hai miền nếu hợp nhất cũng sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí, ví dụ như chi phí quốc phòng, bởi nó xuất phát từ các khía cạnh độc đáo có một không hai của một quốc gia bị chia cắt.

Một số viện nghiên cứu đã đưa ra dự báo về quy mô của nền kinh tế thống nhất Hàn Quốc. Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh có trụ sở ở Anh, mức GDP theo sức mua ngang giá của một Hàn Quốc thống nhất sẽ đứng thứ 6 thế giới vào những năm 2030. Ông Goldman Sachs, một nhà đầu tư lão làng nhận định trong báo cáo năm 2009 rằng, thu nhập bình quân đầu người của Bán đảo Hàn Quốc hợp nhất sẽ đạt 86 nghìn đô la Mỹ vào năm 2050. Quan trọng hơn cả là một nền kinh tế hòa bình sẽ cải thiện quan hệ giữa hai miền Nam Bắc.

 

Từ năm 2018, Bắc Triều Tiên đã bắt đầu thể hiện thái độ hướng về miền Nam, cho đến khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội thất bại. Khác với trước đây, miền Bắc gần đây coi trọng mối quan hệ với cả Mỹ và Hàn Quốc. Hai miền Nam-Bắc đã xây dựng lòng tin quân sự và mở rộng trao đổi song phương. Điều đáng buồn là mối quan hệ liên Triều hiện đang rơi vào bế tắc, trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều đang bị đình trệ. Tiến một bước xa hơn từ một bước lùi tạm thời, Tổng thống Moon đã đưa ra lộ trình trung và dài hạn cho nền kinh tế hòa bình trong một khuôn khổ toàn diện hơn, với niềm tin rằng sự chú trọng vào kinh tế ở Bắc Triều Tiên hiện nay chắc chắn sẽ nhận được phản ứng tích cực từ chính quyền Kim Jong-un.

 

Có vẻ như Tổng thống Moon hướng trọng tâm vào một nền kinh tế hòa bình với các mối quan hệ xuyên biên giới dài hạn. Nhà lãnh đạo miền Nam tin rằng miền Bắc đã có các hành động khiêu khích nhằm giành thế thượng phong tại hội nghị thượng đỉnh thứ ba có thể diễn với Mỹ và hy vọng Seoul sẽ đóng vai trò trung gian giữa hai bên. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên đã có lập trường khá gay gắt đối với Hàn QuốcBình Nhưỡng đã bắn vũ khí về vùng biển phía Đông vào ngày 16/8, đồng thời chỉ trích bài phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc nhân dịp Quốc khánh.

 

Sự chỉ trích mạnh mẽ của Bình Nhưỡng đối với Seoul cho thấy chính quyền Kim Jong-un không hài lòng về các cuộc đàm phán bị đình trệ với Mỹ. Mục tiêu công kích của Bắc Triều Tiên là Mỹ thay vì Hàn Quốc. Thực tế là vậy, song Bình Nhưỡng đang kiềm chế không lên án trực tiếp Washington, vì sợ phá vỡ xung lực đối thoại. Rõ ràng, nước này đang tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ trước, sau đó mới đến Hàn Quốc. Trên thực tế, miền Bắc rất cần miền Nam, bởi các chính sách kinh tế của Chủ tịch Kim Jong-un sẽ không được xúc tiến nếu không có sự hợp tác từ Hàn Quốc. Bình Nhưỡng gần đây đã tuyên bố sẽ không ngồi lại bàn đàm phán với Seoul thêm một lần nào nữa. Tuy nhiên, những ngôn từ gay gắt đó được cho là “chiêu bài để giải quyết các vấn đề liên quan đến Mỹ, trước khi xúc tiến bất kỳ vấn đề liên Triều nào.

 

Bắc Triều Tiên dường như nhận thấy rằng họ không thể xử lý tốt mối quan hệ liên Triều như mong muốn, khi không có tiến triển trong mối quan hệ với Mỹ. Thậm chí, ngay cả khi đàm phán Mỹ-Triều diễn ra thì Bình Nhưỡng rất có khả năng sẽ giải quyết các mối quan hệ liên Triều một cách độc lập.

 

Miền Bắc thực sự mong muốn hợp tác kinh tế với miền Nam. Tất nhiên, Hàn Quốc hy vọng sẽ nối lại các dự án kinh tế xuyên biên giới như chương trình du lịch núi Geumgang và dự án khu công nghiệp Gaesung. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng muốn việc tái khởi động được tiến hành một cách quyết liệt hơn. Khi mối quan hệ Mỹ-Triều được cải thiện thì hợp tác kinh tế liên Triều cũng sẽ mang lại lợi ích cho Bắc Triều Tiên. Tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều sẽ mở lối cho các trao đổi kinh tế liên Triều.

 

Cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ đã kết thúc vào 20/8, đúng thời điểm Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đến thăm Hàn Quốc. Dư luận kỳ vọng sẽ có nhiều bước tiến tích cực trong thời gian tới, chẳng hạn như việc khôi đối thoại Mỹ-Triều, mở đường cho quan hệ liên Triều và thiết lập một nền kinh tế hòa bình.

Lựa chọn của ban biên tập