Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tổng thống Trump chỉ trích cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ lãng phí

2019-08-29

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện lập trường khá tiêu cực đối với cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ, chỉ trích đây là một sự lãng phí tiền bạc. Tuy nhiên, về vấn đề Bắc Triều Tiên, người đứng đầu Nhà Trắng lại đánh giá cao tiềm năng của quốc gia này. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Jin Hee-gwan đến từ khoa Thống nhất Đại học Inje, phân tích sâu hơn các quan điểm có phần mâu thuẫn của Tổng thống Mỹ về vấn đề ngoại giao xung quanh bán đảo Hàn Quốc.

 

Cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ là một trong những hạng mục rất quan trọng của liên minh quân sự hai nước. Thế nhưng, Tổng thống Trump lại nhiều lần thể hiện quan điểm tiêu cực về các cuộc diễn tập này kể từ khi lên nhậm chức. Mới đây nhất, ông Trump thậm chí đã gọi nó là một sự lãng phí tiền bạc. Trong bối cảnh đó, Bắc Triều Tiên gần đây đã thực hiện một loạt các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn và hệ thống phóng pháo phản lực đa nòng, một động thái khá rõ ràng để bày tỏ sự bất bình đối với việc đối thoại với Mỹ ngưng trệ kéo dài. Điều đáng nói là có vẻ như Tổng thống Mỹ không coi các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là quá nghiêm trọng, bởi lẽ chúng không thực sự đe dọa lãnh thổ Mỹ, dù việc này có vi phạm cấm vận của Washington hay không.

 

Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/2018, Tổng thống Trump bày tỏ quan điểm phản đối việc diễn tập quân sự chung Hàn-Mỹ, xem đây như là một “trò chơi chiến tranh” và tiếp tục giữ thái độ đó cho đến bây giờ. Tổng thống Mỹ đã liên tục sử dụng cụm từ “lãng phí tiền bạc” khi nói về tập trận chung Hàn-Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh G7 (nhóm 7 nước công nghiệp phát triển) diễn ra ở Pháp vào ngày 25/8. Nhận xét này được xem là ý đồ của Tổng thống Mỹ nhằm xoa dịu Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un với hy vọng nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa cấp chuyên viên Mỹ-Triều. Cùng ngày, ông Trump biện bạch rằng các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn gần đây của miền Bắc là không vi phạm thỏa thuận giữa hai nước. Ngược lại, người đứng đầu Nhà Trắng không đánh giá cao cuộc tập trận quân sự chung với Seoul xét từ góc độ kinh tế, làm dấy lên lo ngại về mối quan hệ liên minh song phương Hàn-Mỹ. Liên quan đến quyết định gần đây của Hàn Quốc về việc chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật, Tổng thống Trump tự tin nói rằng có thể lường trước được điều gì sẽ xảy đến.

 

Đối với Tổng thống Trump, bản thân GSOMIA có thể không quá quan trọng, mặc dù Lầu Năm Góc đánh giá hiệp định này là khởi đầu của hợp tác an ninh ba bên Hàn-Nhật-Mỹ theo chiều hướng toàn diện hơn. Điều quan trọng đối với ông Trump lúc này là làm thế nào để kiểm soát được trật tự ngoại giao ở Đông Bắc Á thông qua Hàn Quốc. Tất nhiên, duy trì liên minh quân sự hiện có với Nhật Bản cũng là một trong những ưu tiên của Mỹ. Trong bối cảnh này, có vẻ như Tổng thống Trump đã thể hiện một phản ứng tương đối mạnh mẽ.

 

Trái ngược với lập trường khá trung lập của cá nhân Tổng thống Trump, chính quyền Mỹ đã bày tỏ quan ngại và không hài lòng về quyết định của Seoul chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung với Tokyo. Đặc biệt, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 27/8 còn cho rằng các cuộc diễn tập bảo vệ đảo Dokdo mới đây của Hàn Quốc không có ý nghĩa gì trong việc giải quyết tranh chấp hiện tại với Nhật Bản. Trong hoàn cảnh này, một số nhà phân tích e ngại rằng liên minh Hàn-Mỹ sẽ không còn mặn mà như trước nữa.

 

Đối với Bộ Quốc phòng Mỹ, việc thực hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc và kiểm soát Iran là vô cùng quan trọng. Theo nghĩa này, Lầu Năm Góc có thể xem quyết định “không gia hạn GSOMIA” của Hàn Quốc là rất nghiêm trọng. Việc triển khai tên lửa Mỹ ở châu Á đang nổi lên như một vấn đề nóng sau khi nước này rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga. Hàn Quốc cũng phải đối phó với vấn đề cử binh lực tới eo biển Hormuz để gia nhập liên minh Hải quân do Washington lãnh đạo. Tuy nhiên, vấn đề điều động binh lực là khá khó khăn đối với Seoul lúc này. Bên cạnh đó, việc triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ tại Hàn Quốc nếu được thực hiện, sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Trung Quốc, thậm chí còn nghiêm trọng hơn tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD). Điều này đồng nghĩa với việc Seoul sẽ phải đối mặt với một bước lùi trong quan hệ với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của mình.

 

Nếu liên minh Hàn-Mỹ bị suy yếu, Washington có thể gây áp lực lớn hơn đối với Seoul về việc chi trả cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc và đưa quân tới eo biển Hormuz. Trớ trêu thay, khi quan hệ liên minh Hàn-Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức, Tổng thống Trump lại đang gửi tín hiệu hòa giải tới Bắc Triều Tiên.

 

Tổng thống Trump đã kiềm chế không gây kích động Bắc Triều Tiên nhằm giúp duy trì xung lực đối thoại. Khá bất ngờ khi người đứng đầu Nhà Trắng đề cập cụ thể đến đường sắt của miền Bắc tại hội nghị G7 Pháp, dù trước đó đã nói đến tiềm năng kinh tế của Bình Nhưỡng nhiều lần. Tổng thống Mỹ dường như tin rằng Washington sẽ đạt được lợi ích thông qua hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng, một khi Bắc Triều Tiên cải thiện quan hệ với Mỹ và các nước láng giềng như một quốc gia bình thường. Tôi cho rằng Tổng thống Trump đã phác thảo khá nhiều kế hoạch tương lai liên quan đến miền Bắc.

 

Bắc Triều Tiên rất quan tâm đến việc cải tạo nâng cấp các tuyến đường sắt đã lỗi thời của mình. Nếu Mỹ-Triều tiếp tục các cuộc đàm phán và tiến lên phía trước, tuyến đường sắt nối hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc với Trung Quốc và Nga có thể được thiết lập. Có vẻ như Tổng thống Mỹ khi ám chỉ về khả năng của dự án đường sắt là nhằm đưa Chủ tịch Kim Jong-un quay trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, điều mấu chốt ở đây là sự linh hoạt của hai bên trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

 

Trong một tuyên bố vào tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho đã gọi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là “một nhân tố bảo thủ độc hại của ngành ngoại giao Mỹ”. Nhận xét khiếm nhã bất thường này cho thấy quan hệ Mỹ-Triều vẫn đang ở trạng thái căng thẳng nghiêm trọng. Dự báo, hai bên sẽ tổ chức các cuộc đàm phán không chính thức, nhưng có lẽ sẽ không diễn ra một cách suôn sẻ. Nếu mọi thứ không diễn ra như kỳ vọng, quan hệ Mỹ-Triều có thể xấu hơn nữa trong thời gian tới. Bởi vậy, để tìm ra một bước đột phá, hai bên cần giữ liên lạc một cách bí mật nhưng kịp thời và nghiêm túc.

Lựa chọn của ban biên tập