Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Phim ảnh ở Bắc Triều Tiên

2019-08-29

Vì một bán đảo thống nhất

© KBS

Liên hoan phim hòa bình quốc tế Pyeongchang 2019 được tổ chức từ ngày 16/8 đến 20/8 tại Pyeongchang tỉnh Gangwon, nơi diễn ra Thế vận hội mùa đông 2018. Có 85 bộ phim từ 33 quốc gia đã được trình chiếu xuyên suốt 5 ngày của sự kiện. Điểm nổi bật là năm nay, nhiều bộ phim của Bắc Triều Tiên như phim mở màn “Những chú chim”, “Băng tan ngày xuân” hay “Phía bên kia ngọn đồi” đã thu hút sự chú ý đặc biệt của khán giả. Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu về ngành phim ảnh của Bắc Triều Tiên, cụ thể là nội dung như thế nào và cách thức sản xuất ra sao, qua phần giải thích Giáo sư Jeon Young-seon đến từ Viện Nhân văn và Thống nhất, Đại học Konkuk.

 

Phim ảnh được sử dụng như một công cụ chính trị

Chính quyền Bắc Triều Tiên được thành lập vào tháng 9 năm 1948 và bộ phim đầu tiên mang tên “Tổ quốc tôi” được sản xuất vào ngay năm sau đó. Nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đã thiết lập một chế độ độc tài thống nhất thông qua hệ tư tưởng Nhà nước chính thống của “tự lực tự cường” vào những năm 1970. Miền Bắc cũng bắt đầu làm những bộ phim nhằm củng cố sự sùng bái của người dân đối với vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và gia tộc. Con trai Chủ tịch Kim Nhật Thành lúc bấy giờ là Kim Jong-il, là một người say mê điện ảnh. Ông đã sử dụng phim ảnh như một công cụ tuyên truyền chính trị khi làm việc tại Ban Tuyên giáo của đảng Lao động vào cuối những năm 1960. Ông đã viết một chuyên luận về bộ phim có tựa đề “Lý thuyết của nghệ thuật điện ảnh” vào năm 1973, đồng thời chỉ thị rằng tất cả các bộ phim nên được sản xuất dưới sự hướng dẫn của chính quyền.

Ở Bắc Triều Tiên, tất cả các bộ phim đều được thực hiện bởi Nhà nước. Họ cho rằng những thành tựu của vị lãnh tụ Kim Nhật Thành vĩ đại đến mức không có một cá nhân riêng lẻ nào có thể mô tả chuẩn xác. Bình Nhưỡng đã củng cố vai trò của hai hãng phim lớn là Hãng phim Nghệ thuật Bắc Triều Tiên và Hãng phim 25 tháng 4, đồng thời thành lập “Nhóm sáng tạo núi Bạch Đầu” chuyên chịu trách nhiệm khắc họa nhà lãnh đạo tối cao của đất nước thông qua các bộ phim. Người dân miền Bắc phải xem những bộ phim chủ yếu đề cập đến các chủ đề tiêu biểu của hoạt động cách mạng và anh hùng chiến tranh của lãnh tụ Kim Nhật Thành. Mô tả sự biến chuyển trong Nhà nước xã hội chủ nghĩa thường tập trung vào việc quảng bá hệ tư tưởng của đảng và sự ưu việt của chế độ, hơn là đi sâu vào thế giới nội tâm của con người hay các giá trị nghệ thuật.

 

Phim ảnh chính là kênh giáo dục công chúng

Bắc Triều Tiên sử dụng phim ảnh như một phương tiện giáo dục công chúng. Hầu hết các bộ phim đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đóng góp và cống hiến cho đảng Lao động thông qua các nhân vật đều là những người trở thành đảng viên chính trực khi lớn lên. Một khía cạnh đặc biệt khác của phim ảnh ở miền Bắc là có nhiều tập nối tiếp theo cùng một chủ đề chính. Ví dụ như trong phim “Quốc gia và vận mệnh”, phần 1 đến phần 4 tạo thành bộ truyện để miêu tả một vị tướng huyền thoại, trong khi phần 6 đến phần 9 thì kể câu chuyện của một nhân vật nổi tiếng khác. Các bộ phim có một chủ đề chính đi kèm với một số chủ đề phụ, có mục đích nhấn mạnh tính liên tục của sự biến chuyển.

Vì phim Bắc Triều Tiên được sản xuất dưới dạng sê-ri, nên số lượng khán giả, vốn thường là tiêu chí để đánh giá mức độ thành công của bộ phim, lại không thực sự quan trọng. Trong nhiều trường hợp, người dân miền Bắc được yêu cầu xem phim dài tập. Thống kê của nước này cho biết, tổng số khán giả đã xem bộ phim “Ngôi sao của Bắc Triều Tiên” gồm 10 phần, đã lên tới 120 triệu lượt. Điều này cho thấy, nhiều người dân đã xem bộ phim nhiều lần. Chủ đề phim khá hạn chế, chỉ tập trung vào tuyên truyền chính trị.

 

Tập trung tuyên truyền chính trị hơn là nghệ thuật và giải trí

Tại Bắc Triều Tiên, không có bộ phim nào mô tả tội ác hay chỉ trích những mâu thuẫn trong xã hội, bởi chính quyền cho rằng quốc gia mình là một xã hội hoàn hảo. Mặc dù có nhiều hạn chế, nhưng phim ảnh vẫn rất phổ biến ở miền Bắc. Liên hoan phim quốc tế Bình Nhưỡng được tổ chức hai năm một lần là cơ hội tuyệt vời hiếm có cho người dân Bắc Triều Tiên xem phim nước ngoài, dù vé chợ đen có giá cao gấp hàng chục lần giá gốc. Một số nhà phân tích hy vọng rằng sự quan tâm ngày càng tăng của công chúng đối với phim ảnh có thể mang lại sự thay đổi trong lòng xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh “làn gió mở cửa” đang len lỏi ở miền Bắc dưới sự  lãnh đạo của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un. Nhiều người băn khoăn liệu phim ảnh Bắc Triều Tiên có thể thoát khỏi những yếu tố cứng nhắc lỗi thời hay không.

Trước đây, các bộ phim của Bắc Triều Tiên thường gắn liền với chiến tranh hoặc tuyên truyền chế độ cầm quyền. Nhưng ngày nay, phim ảnh ở miền Bắc đã bắt đầu đề cập đến tình yêu gia đình, những người láng giềng tốt bụng, về hy vọng và cả ước mơ. Người dân miền Bắc thậm chí có thể xem các bộ phim Trung Quốc với sự xuất hiện của dàn diễn viên nổi tiếng. Mặc dù vậy, phim ảnh chưa phải là một kênh giải trí, mà vẫn là một phương tiện tuyên truyền chính trị ở Bắc Triều Tiên. Khi mà chế độ cầm quyền hiện hành vẫn được duy trì thì phim ảnh Bắc Triều Tiên khó có thể vượt ra khỏi ranh giới tuyên truyền chính trị.

Lựa chọn của ban biên tập