Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Bắc Triều Tiên

2019-09-05

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Trong bối cảnh đối thoại Mỹ-Triều bế tắc kéo dài, Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Bắc Triều Tiên từ 2/9 đến 4/9 theo lời mời của người đồng cấp miền Bắc Ri Yong-ho. Giáo sư Chung Dae-jin đến từ Viện Thống nhất, Đại học Ajou, phân tích về ý nghĩa chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Trung Quốc và ảnh hưởng của nó đối với đối thoại Mỹ-Triều cũng như cục diện tình hình bán đảo Hàn Quốc.

 

Trước thềm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Triều vào ngày 6/10 tới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tới thăm Bình Nhưỡng hồi đầu tuần này. Trong bối cảnh nhiều suy đoán cho rằng Mỹ và Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị tái kích hoạt các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa cấp chuyên viên, tôi cho rằng chuyến thăm có thể nhằm mục đích tìm hiểu chính xác những gì hai phía Mỹ-Triều đang thảo luận, cũng như cách thức điều chỉnh các quan điểm và chiến lược khác nhau.

 

Trong ba ngày ở Bình Nhưỡng, ông Vương Nghị nhấn mạnh mối quan hệ Trung- Triều thân thiết và thảo luận nhiều vấn đề đang vướng mắc, bao gồm cả việc nối lại hội đàm phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều. Trong cuộc gặp tại Đại lễ đường Mansudae, thủ đô Bình Nhưỡng hôm 2/9, Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho kêu gọi cần phải mở ra một kỷ nguyên mới của quan hệ và hợp tác song phương mạnh mẽ hơn, đề nghị thúc đẩy quan hệ bằng cách tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Triều. Trước thềm sự kiện quan trọng này, chuyến thăm chính thức cấp cao của Ngoại trưởng Trung Quốc dường như một lời khẳng định cho quyết tâm tăng cường hợp tác hai nước.

 

Trong thời gian Hàn Quốc và Mỹ đang thực hiện cuộc tập trận quân sự chung hồi tháng 8, thì Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán quân sự cấp cao. Mặc dù đã không tiến hành diễn tập quân sự chung, song hai đồng minh đặc biệt này đã tái khẳng định tình bạn và liên minh quân sự bn chặt được củng cố qua các cuộc trao đổi quân sự cấp cao.

Về mặt kinh tế, Trung Quốc là đối tác chiếm 90% giao dịch thương mại của Bắc Triều Tiên, cho thấy Bình Nhưỡng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh. Nếu chuyến thăm miền Bắc của Ngoại trưởng Trung Quốc được nối tiếp bởi chuyến thăm Bắc Kinh của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 10 tới, hai nước sẽ có thể củng cố mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như quân sự, kinh tế và ngoại giao.

 

Trao đổi song phương Trung-Triều được tiến hành khá khẩn trương để kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Một phái đoàn kinh tế Bắc Triều Tiên do Bộ trưởng Bộ trưởng Kinh tế đối ngoại Kim Yong-jae dẫn đầu đã tham dự một diễn đàn tại thành phố Trường Xuân của Trung Quốc vào cuối tháng 8 và thảo luận về cách thức thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Trước đó, vào ngày 16/8, một phái đoàn quân sự cấp cao của miền Bắc do Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị Kim Su-gil dẫn đầu, đã đến thăm Trung Quốc để thống nhất về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quân sự song phương. Rõ ràng, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang thể hiện mối quan hệ thân thiết nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ bang giao. Nhưng có nhiều lý do phía sau việc tại sao hai nước lại đang gắn kết với nhau hơn vào thời điểm này.

 

Tôi vẫn còn nhớ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không gặp Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un cho đến khi nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên thể hiện cam kết phi hạt nhân hóa và sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tính đến thời điểm đó, quan hệ Trung-Triều đã khá xa cách. Hội nghị thượng đỉnh Trung-Triều chỉ diễn ra sau khi Bình Nhưỡng đưa ra tín hiệu sẵn sàng cho tiến trình phi hạt nhân hóa vào năm 2018. Cuối cùng, Bắc Triều Tiên đã tiến hành đàm phán với Mỹ. Nếu miền Bắc nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc trong quá trình này, họ có thể chiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ trong tương lai. Đó là lý do tại sao Bắc Triều Tiên không thể từ bỏ Trung Quốc. Về phần mình, Bắc Kinh thấy rằng cần phải sử dụng Bình Nhưỡng để kiềm chế ảnh hưởng của Washington trong cuộc chiến khốc liệt về thương mại và  quyền toàn cầu.

 

Khi Bắc Triều Tiên đang đẩy mạnh cuộc công kích nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ gian gần đây, đàm phán phi hạt nhân hóa đã ngày càng mất động lực. Lời mời Ngoại trưởng Trung Quốc tới thăm Bình Nhưỡng tại thời điểm hiện nay được hiểu là ý định sử dụng Bắc Kinh làm đòn bẩy để tạo ra đột phá trong đối thoại bế tắc với Mỹ, giữa bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang. Về phần mình, Trung Quốc có vẻ như đang tìm cách giảm bớt xung đột với Mỹ thông qua vai trò trung gian giữa Washington và Bình Nhưỡng. Dư luận đang đổ dồn sự chú ý vào việc liệu chuyến thăm Bình Nhưỡng lần này của Ngoại trưởng Trung Quốc có mở đường cho chuyến thăm Bắc Kinh của Chủ tịch Kim Jong-un trong thời gian tới hay không.

 

Có khả năng cao chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ diễn ra. Nếu Chủ tịch Kim gặp lại Chủ tịch Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Bình Nhưỡng có thể chứng minh mối quan hệ thân thiết với Bắc Kinh trước thềm các cuộc đàm phán Mỹ-Triều có thể diễn ra. Về đối nội, Chủ tịch Kim muốn chứng tỏ với người dân rằng ông có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc bất cứ lúc nào và lãnh đạo các nước cũng đều sẵn sàng gặp ông. Để nắm bắt cơ hội tuyệt vời hiếm có này, Chủ tịch miền Bắc có khả năng sẽ đến thăm Trung Quốc vào ngày 6/10.

 

Theo tiền lệ trước đây, chuyến thăm hai ngày của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tới Bình Nhưỡng vào tháng 5/2018 đã dẫn đến chuyến thăm thứ hai và thứ ba của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến Trung Quốc. Kỳ vọng ngày càng lớn về chuyến thăm của ông Kim Jong-un đến Trung Quốc vào tháng 10 tới, khiến cho các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều cũng được dự báo sẽ bước vào giai đoạn mới.

 

Trung Quốc và Mỹ có chung mục tiêu chiến lược là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bắc Triều Tiên. Điều quan trọng là miền Bắc có thể đáp ứng mức độ phi hạt nhân hóa theo yêu cầu của hai cường quốc này đến đâu. Một khi Bình Nhưỡng và Bắc Kinh thống nhất được về cấp độ giải trừ hạt nhân trong hội nghị thượng đỉnh song phương như kỳ vọng, rất có thể Bắc Triều Tiên sẽ đưa ra “chiêu bài” đàm phán mới với Mỹ. Dù xét về tổng thể, Bắc Kinh và Washington có khá nhiều điểm chung liên quan đến phi hạt nhân hóa Bình Nhưỡngsong hai bên vẫn bộc lộ nhiều quan điểm khác biệt khi đi vào chi tiết. Mỹ và Trung Quốc cần có sự phối hợp về tốc độ, phương hướng và cách thức phi hạt nhân hóa, dù điều này có thể mất khá nhiều thời gian.

 

Nếu nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đến Bắc Kinh và gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như dự báo, có nhiều khả năng đàm phán Mỹ-Triều sẽ được nối lại. Đặc biệt, lãnh đạo Mỹ-Triều thậm chí có thể gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh khác trong năm nay, để tạo ra một bước đột phá cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc đóng “vai trò lớn hơn” trong việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc, thì đối thoại Mỹ-Triều ngược lại có thể bị trì hoãn lâu dài. Tại thời điểm này, thật khó để dự đoán tương lai cho tiến trình ngoại giao khu vực. Nhưng có một điều chắc chắn, chuyến thăm mới nhất tới Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Trung Quốc, có tác động lớn tới các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập