Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên đề xuất đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ

2019-09-12

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son-hui ngày 9/9 tuyên bố Bình Nhưỡng sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hạt nhân ở cấp chuyên viên với Mỹ. Lý do được đưa ra là vì Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có phản ứng tích cực với đề xuất này. Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc nhấn mạnh rằng, tiến hành đối thoại có thể mở ra khả năng kích hoạt lại các cuộc đàm phán cấp cao. Hãy cùng lắng nghe ông Shin Beom-chul, Giám đốc Trung tâm An ninh và Thống nhất tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, phân tích về triển vọng đàm phán Mỹ-Triều.

 

Bắc Triều Tiên dường như đã quyết định nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận rằng có một sự thay đổi trong lập trường đàm phán của miền Bắc. Có lẽ, Bình Nhưỡng không muốn cộng đồng quốc tế tin rằng họ đang từ chối đối thoại. Dù đã khẳng định sẵn sàng cho các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ, nhưng về cơ bản, quan điểm của chính quyền Kim Jong-un vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi. Bình Nhưỡng kêu gọi một phương án mới từ Washington. Bắt đầu bằng việc lặp lại yêu cầu trước đây, miền Bắc nhấn mạnh Mỹ nên chấp nhận cách tiếp cận theo từng giai đoạn trong tiến trình phi hạt nhân hóa, cũng như giảm bớt các lệnh trừng phạt. Vì vậy, ngay cả khi các cuộc đàm phán cấp chuyên viên được tái lập, hai bên dự kiến sẽ lao vào một cuộc giằng co quyết liệt.

 

 Hãng thống tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Choe Son-hui đã đưa ra tuyên bố vào tối 9/9, rằng miền Bắc sẵn sàng đối thoại với Mỹ vào cuối tháng 9 tại thời gian và địa điểm do hai phía thỏa thuận. Mặc dù Bắc Triều Tiên kêu gọi Mỹ đưa ra một đề xuất mới hợp lý hơn, nhưng bản thân việc nước này chủ động kêu gọi nối lại đàm phán đã được coi là một dấu hiệu đáng khích lệ. Đáng chú ý, đề xuất được đưa ra sau một loạt các phát ngôn đầy hàm ý từ phía Mỹ.

 

Tuần trước, Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã bóng gió đề cập đến khả năng Hàn Quốc và Nhật Bản có thể tự trang bị vũ khí hạt nhân nếu miền Bắc không thực hiện phi hạt nhân hóa. Cảnh báo có thể đã gây áp lực lên Trung Quốc và khiến Bắc Triều Tiên nhận thấy rằng không nên khước từ đối thoại. Bình Nhưỡng có lẽ đã nhận ra sự cần thiết phải tái kích hoạt đối thoại bởi một số lý do khác. Trong chuyến thăm mới đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với mục đích công khai là nhằm tăng cường quan hệ song phương toàn diện, rất có thể, Bắc Kinh đã kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán.

 

Một điều rất bất thường khi một quan chức Mỹ bình luận về khả năng Hàn Quốc và Nhật Bản tìm kiếm khả năng hạt nhân của riêng mình, đây vốn là một chủ đề cấm kỵ ở Mỹ.  Rõ ràng, Washington đang gây áp lực với Bình Nhưỡng bằng cách đề cập đến kịch bản tồi tệ nhất trong trường hợp các cuộc đàm phán hạt nhân thất bại. Vào ngày 8/9, hai ngày sau khi Đặc phái viên Stephen Biegun có đưa ra phát ngôn liên quan đến vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc và Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng lên tiếng cảnh báo rằng Tổng thống Trump sẽ rất thất vọng nếu Chủ tịch Kim không quay lại bàn đàm phán. Dường như các động thái và áp lực từ phía Washington đã khiến Bình Nhưỡng chủ động đề xuất nối lại đàm phán với Mỹ. Trong bối cảnh này, việc phóng hai vũ khí tầm ngắn vào ngày 10/9 được coi là chiến lược của miền Bắc nhằm tạo ưu thế trong các cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ.

 

Tầm bắn của hai vũ khí là khoảng 330 km, hoàn toàn không có khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ, kể cả nếu đó là tên lửa. Việc phóng vũ khí được tiến hành ngay sau khi đưa ra đề xuất đối thoại, phần nào hé lộ khả năng Bình Nhưỡng có thể phóng tên lửa tầm xa nếu Washington không cho thấy được một toan tính mới hợp lý hơn tại lần hội đàm tới đây. Điều đó có nghĩa là, Bắc Triều Tiên đang đồng sử dụng đối thoại và gây áp lực đối với Mỹ.

 

Bằng việc bắn hai vũ khí tầm ngắn, Bắc Triều Tiên dường như một lần nữa đang yêu cầu Mỹ đưa ra phương án thay thế khả dĩ hơn, điều đã được Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đề cập trong bài phát biểu tại kỳ họp của Hội đồng Nhân dân Tối cao hồi tháng 4. Rõ ràng, miền Bắc đang chơi hai lá bài khác nhau là đối thoại và khiêu khích cùng lúc để giành thế thượng phong trong đàm phán với Mỹ.

 

Kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng cuối 2 năm nay, Bắc Triều Tiên đã yêu cầu Mỹ đưa ra cách tiếp cận mới. Tại cuộc hội đàm Hà Nội, Washington đã yêu cầu Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa triệt để toàn phần, phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon cũng như loại bỏ vật liệu hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Mỹ cũng đã nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt chỉ được nới lỏng sau khi việc phi hạt nhân hóa được xác nhận. Tất nhiên, Bình Nhưỡng không chấp thuận yêu sách này của Washington. Ngoài ra, phía Mỹ cho rằng có thể thảo luận về việc cải thiện trong quan hệ song phương thông qua viện trợ nhân đạo cho miền Bắc và thiết lập cơ chế hòa bình thông qua đàm phán. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên tiếp tục khẳng định Mỹ nên chấp nhận tiến trình phi hạt nhân hóa từng phần. Đó rõ ràng là tính toán mới mà Bắc Triều Tiên đang muốn đề cập.

 

Bắc Triều Tiên và Mỹ có quan điểm khác nhau về phương pháp phi hạt nhân hóa. Trong khi Mỹ muốn ký một thỏa thuận trọn gói toàn diện để đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa, thì Bắc Triều Tiên vẫn khăng khăng theo đuổi phi hạt nhân hóa từng giai đoạn, bắt đầu từ việc phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon, đổi lại bằng việc Mỹ cung cấp một bảo đảm an ninh cho chính quyền Kim Jong-un, cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, Washington khó có thể chấp nhận, bởi điều này sẽ chỉ có lợi cho Bình Nhưỡng. Do đó, hai bên sẽ khó tìm được sự thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

 

Bắc Triều Tiên và Mỹ có thể sẽ khôi phục đàm phán vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, sẽ mất thời gian để thu hẹp sự khác biệt giữa hai bên. Chính quyền Trump có thể làm rõ những gì họ có thể làm được cho Bắc Triều Tiên vào tháng 11 hoặc tháng 12, thời điểm Mỹ chịu sức ép lớn hơn để đạt được thỏa hiệp trước thềm bầu cử Tổng thống vào năm tới. Số phận của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều trong năm sau xoay quanh việc liệu Bình Nhưỡng có chấp nhận đề nghị này hay không. Vì lý do đó, các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trong tương lai là vô cùng quan trọng. Tôi hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ cam kết thực hiện các biện pháp phi hạt nhân hóa thực tế, để có thể giành được niềm tin từ cộng đồng quốc tế và nhận lại sự bù đắp cần thiết.

 

Dường như xung lực đối thoại Mỹ-Triều đã hồi sinh. Trong một diễn biến đáng chú ý, Tổng thống Trump bất ngờ thông báo quyết định thay thế Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, một người theo lập trường cứng rắn hàng đầu của chính quyền Trump vào ngày 10/9 (giờ địa phương). Điều này dự kiến sẽ đem lại thay đổi trong lập trường của Washington đối với Bình Nhưỡng. Dư luận đang đổ dồn sự chú ý vào việc hai bên sẽ nhượng bộ và quyết tâm đến đâu. Cuộc đàm phán cấp chuyên viên dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9 này sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều.

Lựa chọn của ban biên tập