Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chiến dịch “Vạn lý mã” ở Bắc Triều Tiên

2019-09-19

Vì một bán đảo thống nhất

© KBS

Cụm từ “Vạn lý mã” hay “Ngựa vạn dặm” (Mallima) xuất hiện khá nhiều trên tin tức ở Bắc Triều Tiên trong thời gian gần đây. Thuật ngữ này chỉ một con ngựa trong tưởng tượng có thể di chuyển quãng đường dài với tốc độ rất nhanh. Phong trào “Vạn lý mã” hay “Vạn dặm thần tốc”, phiên bản mới nhất của Phong trào "Thiên lý mã", là một chiến dịch vận động quần chúng tham gia lao động trên toàn quốc. Hôm nay, hãy cũng tìm hiểu về phong trào “Vạn lý mã”/“Vạn dặm thần tốc”, còn được gọi là chiến dịch trung thành tận tụy với Tổ quốc, qua phần phân tích của giáo sư Chung Eun-chan đến từ Viện Giáo dục Thống nhất thuộc Bộ Thống nhất.

 

“Thiên lý mã” là “chiến dịch tốc độ” đặc trưng của miền Bắc

Thiên lý là một dòng ngựa thần thoại có thể chạy ít nhất 400 km trong một ngày. Bắc Triều Tiên đã hô hào Phong trào “Thiên lý mã” vào những năm 1950 với mục đích tái thiết quốc gia sau chiến tranh Triều Tiên, giải quyết tình trạng thiếu vốn, hàng hóa và công nghệ vì hỗ trợ của Liên Xô suy giảm bằng cách khuyến khích công dân làm việc chăm chỉ hơn. Phong trào rất độc đáo chỉ có ở miền Bắc này nhằm huy động lao động, tối đa hóa sản xuất trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể. Phong trào “Thiên lý mã” đã giúp hoàn thành tốt các mục tiêu cũng như thống nhất, đoàn kết được nội bộ. Tiếp nối thành công đó, Bắc Triều Tiên cũng đã tổ chức thêm một số sự kiện tương tự như chiến dịch 70 ngày và chiến dịch 100 ngày. Ngày nay, “Chiến dịch lòng trung thành” vẫn giữ vai trò quan trọng. Tại đại hội Đảng năm 2016, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un tuyên bố rằng một kỷ nguyên của Phong trào “Vạn lý mã” đã mở ra. Kể từ đó, nó đã trở thành một “cuộc chiến tốc độ” mới trên phạm vi cả nước.

 

“Vạn lý mã” yêu cầu tốc độ nhanh gấp 10 lần so với “Thiên lý mã” trước đây

Năm 2013, một năm sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un đã nhấn mạnh chính sách phát triển song hành vũ khí hạt nhân và kinh tế. Tuy nhiên, vào năm 2016, nhà lãnh đạo này đã công bố kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm. Tiếp sau đó vào năm 2018, ông Kim chủ trương tập trung mọi nỗ lực vào việc tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi từ chính sách trước đây là theo đuổi đồng thời phát triển kinh tế và hạt nhân. Kể từ khi tuyên bố kỷ nguyên “Vạn dặm thần tốc” năm 2016, các chiến dịch đề cao tốc độ đã len lỏi vào hầu hết các lĩnh vực công nghiệp. Khẩu hiệu “Vạn lý mã” được hô vang trong các nhà máy thép và nhà máy xi măng. Một số thành tựu phải kể đến của chiến dịch này bao gồm máy cho ăn tự động tại các trang trại nuôi đà điểu địa phương, thẻ thanh toán điện tử, máy bán hàng tự động tại các cửa hàng cũng như nhiều cơ sở vật chất hiện đại được sử dụng trong sản xuất và cuộc sống hàng ngày. Bắc Triều Tiên tự hào tuyên bố đường Ryomyong là một biểu tượng của thời đại tinh thần “Vạn lý mã”.

 

Đường Ryomyong là một biểu tượng của thời đại tinh thần “Vạn lý mã”.

Miền Bắc chỉ mất một năm để xây dựng hàng chục tòa nhà chung cư, trường học và nhà trẻ cao tầng ở đường Ryomyong, một khu vực rộng lớn trên diện tích 900.000 m2. Theo Viện đất đai và nhà ở Hàn Quốc, 8 triệu công nhân đã được huy động vào công cuộc xây dựng đường Ryomyong, mỗi ngày có khoảng 30.000 người lao động làm việc với cường độ gấp đôi thông thường, thay phiên nhau xuyên suốt 24 tiếng mà không có ngày nghỉ. Chính quyền Bắc Triều Tiên tự hào gọi đường Ryomyong là một sáng tạo tuyệt diệu. Tuy nhiên, Phong trào “Vạn lý mã” trên thực tế đã vắt kiệt sức lao động của người dân.

Cuộc chiến đề cao tốc độ thực sự là những đợt lao động miễn cưỡng nặng nhọc của người dân Bắc Triều Tiên. Sau khi tốt nghiệp trung học, hầu hết các em học sinh đều hy vọng vào đại học, nếu không thì phải tham nghĩa vụ quân sự. Những người không đi nghĩa vụ được phân vào “Đội thanh thiếu niên xung kích thần tốc”. Các thành viên của tổ chức này hầu hết đều còn trẻ và có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì thế, họ được gửi đến các công trường xây dựng khác nhau để làm các công việc tay chân nặng nhọc. Lực lượng này thường có 70.000 -100.000, nhưng có thể tăng lên 200.000 đến 300.000 khi các dự án xây dựng lớn bắt đầu. Ngoài các thành viên của đội thanh thiếu niên xung kích, vô số người dân được huy động làm việc để bù đắp cho sự thiếu hụt trang thiết bị phục vụ thi công. Trớ trêu thay, chiến dịch thần tốc lại khiến cho nhiều người rơi cảnh khốn khó hơn. Thêm vào đó, các dự án xây dựng được thi công một cách vội vàng chạy theo tiến độ, có thể vi phạm an toàn lao động nghiêm trọng.

 

Phong trào “Vạn lý mã” chạy đua tốc độ đã gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng

Phong trào “Vạn lý mã” với mục đích xây dựng kinh tế với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với Phong trào “Thiên lý mã” trước đây, đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Một ví dụ gần đây là vụ nhiều người đã bị thương do một tòa nhà chung cư mới được xây dựng trong một khu vực canh tác thuộc huyện Songhwa, tỉnh Nam Hwanghae, bị đổ sụp. Bất chấp nhiều yếu tố tiêu cực của chiến dịch ”Vạn dặm thần tốc”, chính quyền Bắc Triều Tiên vẫn kêu gọi người dân tham gia vào nỗ lực khắc phục các lệnh trừng phạt quốc tế nặng nề, tăng cường đoàn kết nội bộ và theo đuổi tự lực tự cường. Tuy nhiên, tốc độ càng nhanh, người dân càng cảm thấy mệt mỏi áp lực, bởi chiến dịch chủ yếu dựa trên sự hy sinh mồ hôi, xương máu của dân chúng.

Lựa chọn của ban biên tập