Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hàn Quốc và Mỹ tái xác nhận lập trường cơ bản về phi hạt nhân hóa

2019-09-24

Tin tức

Hàn Quốc và Mỹ tái xác nhận lập trường cơ bản về phi hạt nhân hóa

Xác nhận lại lập trường về giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên

Trong cuộc hội đàm thượng đỉnh Hàn-Mỹ, hai nhà lãnh đạo chỉ xác nhận lại lập trưởng cơ bản về vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, nhưng lại cho thấy dấu hiệu có sự thay đổi tích cực về vấn đề chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ và việc củng cố quan hệ đồng minh song phương. Cuộc họp diễn ra đúng vào thời điểm Bắc Triều Tiên đề nghị đối thoại với Mỹ vào cuối tháng 9, nên việc giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc là điều được dư luận hết sức quan tâm. Trước đó, Bình Nhưỡng đã yêu cầu Washington có “cách tính toán mới” để thực hiện đối thoại. Tuy nhiên, một số quan chức Chính phủ cho biết, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề đề cập đến cách tiếp cận mới liên quan đến vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.


Tổng thống Mỹ đẻ ngỏ khả năng đưa ra phương pháp mới 

Tổng thống Trump từng đã lên tiếng chỉ trích cựu Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton liên quan đến việc yêu cầu nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un phải đi theo “mô hình Li-bi”, đồng thời nhận định“một phương pháp mới có lẽ sẽ tốt”. Phát biểu này hàm ý rằng Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng có phương pháp mới, trong đó có “cách giải quyết từng bước một mới” và có thái độ mềm dẻo hơn để thoát khỏi bế tắc trong đàm phán hạt nhân với miền Bắc. Do đó, một số ý kiến cho rằng trong cuộc hội đàm thượng đỉnh Hàn-Mỹ, hai nhà lãnh đạo có thể đề cập đến phương pháp mới. Một quan chức của Phủ Tổng thống khẳng định, Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump đã trao đổi ý kiến về phương án cụ thể nhằm đạt được tiến triển thiết thực khi cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều được nối lại. Quan chức này cũng cho biết, cuộc gặp có đề cập ý kiến “các lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên cần được duy trì”, nhưng không thảo luận vấn đề đảm bảo sự sống còn của chế độ miền Bắc, việc khôi phục chương trình du lịch núi Geumgang và khởi động lại khu công nghiệp liên Triều Gaesung.


Washington tái cam kết không sử dụng vũ lực với Bình Nhưỡng

Mặt khác, Tổng thống Trump đã xác nhận lại cam kết trước đó là không sử dụng vũ lực đối với Bắc Triều Tiên. Cùng với đó, hai nhà lãnh đạo một lần nữa khẳng định sẽ có một tương lai tươi sáng hơn nếu miền Bắc thực hiện phi hạt nhân hóa. Như vậy, trong cuộc gặp lần này, Tổng thống Hàn Quốc và Tổng thống Mỹ đã tái xác nhận ý chí mạnh mẽ nhằm phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc, tức sẽ tiếp tục duy trì lập trường cơ bản trước đây. Tuy nhiên, điều này không có ý nghĩa là Washington không đổi cách tiếp cận liên quan đến đối thoại với Bình Nhưỡng. Dựa trên lập trường hiện nay, Mỹ đang tìm phương án để đạt tiến triển thiết thực trong cuộc đàm phán hạt nhân với Bắc Triều Tiên. Một số chuyên gia nhận định, ông Trump chưa đề cập đến “phương pháp mới” vì vẫn còn đang trong quá trình tìm kiếm cách giải quyết.


Trao đổi về quan hệ đồng mình Hàn-Mỹ và vấn đề chia sẻ chi phí quân sự

Được biết, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về vấn đề củng cố quan hệ đồng minh và chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ. Đặc biệt, Tổng thống Trump khẳng định Hàn Quốc là đối tác mua sắm trang thiết bị quân sự lớn nhất của Mỹ. Theo đó, khác với phát ngôn trong cuộc hội đàm thượng đỉnh Hàn-Mỹ vào tháng 4 năm nay, ông Trump thể hiện một thái độ tích cực liên quan đến việc Washington yêu cầu Seoul trả thêm chi phí quân sự. Trong cuộc gặp thượng đỉnh cách đây 5 tháng, Tổng thống Mỹ tuyên bố Hàn Quốc đã đồng ý mua số lượng lớn thiết bị quân sự của Mỹ và gây sức ép lên Seoul. Trong nội bộ Mỹ cũng có ý kiến chỉ trích việc Washington đòi hỏi Seoul gánh vác thêm chi phí quân sự Hàn-Mỹ. Về việc mua thiết bị quân sự, tại cuộc hội đàm, Tổng thống Moon đã điểm lại tình hình trong vòng 10 năm qua và kế hoạch mua sắm trang thiết bị quân sự trong 3 năm tới, đồng thời nhấn mạnh hai bên phải chia sẻ chi phí quân sự một cách hợp lý và bình đẳng. Điều này có ý nghĩa là Tổng thống Moon phản đối việc Seoul phải trả thêm chi phí quân sự quá mức vì Hàn Quốc là đối tác mua sắm trang thiết bị quân sự lớn nhất của Mỹ. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định lại quan hệ đồng minh vững chắc giữa Hàn Quốc và Mỹ, mối quan hệ đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng hòa bình và an ninh trên bán đảo Hàn Quốc và khu vực Đông Bắc Á.

Lựa chọn của ban biên tập