Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tổng thống Moon Jae-in họp thượng đỉnh Hàn-Mỹ và có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc

2019-09-26

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kích hoạt lại quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Hàn Quốc bằng hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời có bài phát biểu quan trọng tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Hãy cùng tìm hiểu thêm về chuyến thăm Mỹ mới nhất của Tổng thống Moon, qua phần phân tích của ông Hong Hyun-ik, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Sejong.

 

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi cuối tháng 2 năm nay không đạt được thỏa thuận, quan hệ giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên đã rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài. Nhưng mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc Choe Son-hui bất ngờ tuyên bố rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại với Washington. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng vừa sa thải Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, nhân vật theo đường lối cứng rắn trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

 

Tổng thống Moon Jae-in đã có bài phát biểu tại khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2017 và 2018. Năm nay, ban đầu Hàn Quốc dự kiến để Thủ tướng tham dự kỳ họp. Tuy nhiên, trong bối cảnh xung lực đối thoại Mỹ-Triều đang có dấu hiệu hồi sinh, Tổng thống Moon đã trực tiếp tham dự khóa họp, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp Tổng thống Hàn Quốc có mặt tại sự kiện này. Hơn thế, Tổng thống Moon đã hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Trump bên lề kỳ họp. Sự kiện diễn ra hôm 23/9 đã thu hút nhiều sự chú ý từ dư luận, bởi đúng vào thời điểm Bắc Triều Tiên và Mỹ đang có dấu hiệu thiếp lập lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa cấp chuyên viên, vốn đã bị bế tắc kể từ thất bại của hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội.

 

Mục tiêu lớn nhất của Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ là tăng cường liên minh song phương và duy trì tiến trình hòa bình bán đảo Hàn Quốc. Điều đáng nói là hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đẩy nhanh quá trình đó trên cơ sở Tuyên bố chung Mỹ-Triều đã được ký kết bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Singapore ngày 12/6/2018. Theo Tuyên bố chung gồm 4 hạng mục, hai nước cam kết bình thường hóa quan hệ; xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài trên bán đảo Hàn Quốc; Bình Nhưỡng nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hợp tác hồi hương hài cốt tù binh và những người mất tích trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Hai nội dung đầu tiên thể hiện mục tiêu tìm kiếm sự ổn định lâu dài của Bình Nhưỡng, trong khi hai hạng mục còn lại phản ánh lập trường của Washington. Việc Tổng thống Trump nhắc đến Hội nghị thượng đỉnh Singapore cho thấy Mỹ sẵn sàng chấp thuận yêu cầu của Bắc Triều Tiên, đồng thời đưa ra yêu sách riêng của mình, kêu gọi hành động đồng thời từ cả hai phía.

 

Phi hạt nhân hóa là chương trình nghị sự quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ. Hai nhà lãnh đạo đánh giá tích cực cam kết của Bắc Triều Tiên về tham gia đối thoại với Mỹ, thống nhất tạo ra bước tiến đáng kể về vấn đề phi hạt nhân hóa bằng cách nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều. Đáng chú ý, hai Tổng thống đã nhắc lại rằng, tinh thần của thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên vào năm ngoái, vẫn còn nguyên giá trị. Theo đó, Mỹ và Bắc Triều Tiên cam kết sẽ chấm dứt 70 năm thù địch và xây dựng cơ chế hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Hàn Quốc. Thái độ của Washington khi tổ chức đàm phán với Bình Nhưỡng trong tương lai, được cho là sẽ khác so với lần đàm phán thượng đỉnh Hà Nội. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về biện pháp củng cố liên minh Hàn-Mỹ.

 

Ngay sau hội nghị thượng đỉnh, Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo tiếp tục khẳng định niềm tin rằng liên minh Hàn-Mỹ vẫn là mối quan hệ hòa bình vững chắc và đảm bảo cho an ninh trên bán đảo Hàn Quốc nói riêng, khu vực Đông Bắc Á nói chung. Mỹ đã thể hiện sự không hài lòng với việc Hàn Quốc quyết định chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung với Nhật Bản. Tuy nhiên, thông qua hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ, hai nước đã một lần nữa thể hiện tinh thần đồng minh bền chặt. Thêm vào đó, hai Tổng thống đã tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên và quan hệ đồng minh song phương. Về phía Hàn Quốc, Hội nghị thượng đỉnh được cho là đã xua tan những chỉ trích từ dư luận về sự rạn nứt có thể đã phát sinh trong quan hệ liên minh với Mỹ.

 

Trên nền tảng liên minh Hàn-Mỹ bền chặt, có vẻ như Tổng thống Moon và Tổng thống Trump đã thảo luận về các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều.

 

Được biết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận rất chi tiết về cách thức tiến hành đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều nhằm tạo ra một kết quả như kỳ vọng. Tôi cho rằng hai Tổng thống đã thảo luận sâu về phạm vi phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên, các biện pháp tương ứng của Mỹ, và lập trường cơ bản đối với một bảo đảm an ninh cho thể chế cũng như xóa bỏ trừng phạt miền Bắc. Tôi tin rằng việc Tổng thống Trump tuân thủ thỏa thuận Singapore sẽ thúc đẩy Bắc Triều Tiên nhanh chóng tham gia các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ. Kỳ vọng đang tăng cao đối với các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều, bởi đây rất có thể sẽ là tiền đề cho một hội nghị thượng đỉnh song phương tiếp theo.

 

Theo nguồn tin từ Phủ Tổng thống Hàn Quốc, tại hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ, hai nhà lãnh đạo đã không thảo luận cụ thể về vấn đề đảm bảo an ninh và Tổng thống Trump cũng đã không đưa ra đề xuất về “cách tính toán mới” của Mỹ. Thay vào đó, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, lần hội họp thượng đỉnh này rất được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến các cuộc đàm phán Mỹ-Triều trong tương lai, bởi nó đã đề cập tới cả các cách thức nhằm đạt được kết quả tốt trong các cuộc đàm phán cấp chuyên viên sắp tới. Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) hôm 24/9 nhận định rằng, các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa cấp chuyên viên Mỹ-Triều có thể được tái khởi động trong hai hoặc ba tuần tới. Ngoài ra, cơ quan này cũng cho rằng, tùy thuộc vào tiến triển đàm phán, hội nghị thượng đỉnh thứ ba giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể được tổ chức trong năm nay. Mặt khác, trong bài phát biểu quan trọng tại khóa họp 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 24/9, Tổng thống Hàn Quốc đã đề xuất xây dựng Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) thành một “Khu vực hòa bình quốc tế”.

 

Tổng thống Hàn Quốc đề xuất biến DMZ thành một “Khu vực hòa bình quốc tế”. Theo đó, hai miền Nam-Bắc có thể loại bỏ gần 400.000 quả mìn đã được chôn tại DMZ với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, các văn phòng của Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức khác nhau liên quan đến hòa bình, môi trường và văn hóa đang đặt văn phòng tại Hàn Quốc, có thể chuyển đến DMZ, biến nơi đây trở thành “Khu vực hòa bình quốc tế”, đồng thời là điểm du lịch nổi tiếng.

Nếu Bắc Triều Tiên từ bỏ phát triển hạt nhân và chỉ sở hữu vũ khí thông thường, quốc gia này có thể cảm thấy bất an về sự tồn tại của thể chế. Tuy nhiên, khi DMZ trở thành “Khu vực hòa bình quốc tế”, sẽ mang lại sự đảm bảo thực tế cho an ninh của Bắc Triều Tiên. Do đó, việc biến DMZ thành một khu vực hòa bình, có thể là một trong những yếu tố khiến Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

 

Tầm nhìn biến biểu tượng chia rẽ quốc gia duy nhất còn tồn tại trên thế giới là DMZ, trở thành một khu vực hòa bình lâu dài có thể đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa, bởi nó mang lại sự đảm bảo an ninh thiết thực cho Bắc Triều Tiên. Đảm bảo an ninh luôn là một trong những vấn đề quan trọng cần giải quyết tại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều. Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ xem liệu bài phát biểu gần đây của Tổng thống Hàn Quốc trước Đại hội đồng Liên hợp quốc và hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ mới nhất, có mở đường cho các cuộc đàm phán cấp chuyên viên và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba hay không.

Lựa chọn của ban biên tập