Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ngân hàng ở Bắc Triều Tiên

2019-10-03

Vì một bán đảo thống nhất

© KBS

Khi những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên định cư tại Hàn Quốc đến thăm một ngân hàng ở đây, họ đều ngạc nhiên khi thấy việc rút tiền quá thuận tiện. Rõ ràng, họ chưa từng biết đến các giao dịch nhanh chóng đơn giản tại các ngân hàng truyền thống ở miền Bắc, mặc dù ngày nay các giao dịch tài chính đang được thực hiện trực tuyến ở khắp nơi trên thế giới. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các ngân hàng của Bắc Triều Tiên, qua phần phân tích của Kang Mi-jin, một người Bắc Triều Tiên đào thoát và hiện đang là phóng viên của tờ báo trực tuyến Daily NK có trụ sở tại Seoul.

 

Ngân hàng Nhà nước miền Bắc được thành lập vào năm 1946

Tài chính là các hoạt động kinh tế mà ở đó ngân hàng Nhà nước tiến hành quá trình quản lý các quỹ tiền tệ Bắc Triều Tiên định nghĩa tài chính là các hoạt động kinh tế mà ở đó ngân hàng Nhà nước tiến hành quá trình quản lý các quỹ tiền tệ. Ở miền Bắc, không có sự phân biệt rõ ràng giữa tổ chức tài chính và Kho bạc quốc gia, vì Nhà nước kiểm soát tài chính và phân phối tiền theo kế hoạch của chính mình.

 

Nhiệm vụ chính là "quản lý quỹ của các nhà lãnh đạo".

Các ngân hàng Bắc Triều Tiên không dành cho hoạt động cá nhân, như gửi tiền hoặc vay vốn. Thay vào đó, công việc chính của họ là kiểm soát nền kinh tế thông qua chính sách, tài chính doanh nghiệp và quản lý quỹ của lãnh đạo miền Bắc. Ví dụ, Tập đoàn ngân hàng Kwangson thuộc Ngân hàng Ngoại thương Bắc Triều Tiên yêu cầu tất cả người dùng ngân hàng giao dịch bằng ngoại tệ phải trả 3% phí giao dịch, được sử dụng để bảo đảm các quỹ đặc biệt, bao gồm cả quỹ đầu tư cho lãnh đạo. Tất nhiên, Ngân hàng trung ương thực hiện vai trò điều tiết dòng tiền thông qua thanh khoản, đồng thời kinh doanh bảo hiểm cũng thông qua các văn phòng chi nhánh khu vực. Tuy nhiên, việc thiếu vốn tại các ngân hàng khiến mọi người khó rút tiền và các ngân hàng được coi là một phương tiện huy động các nguồn tài chính cần thiết để thực hiện các kế hoạch tài chính quốc gia. Điều lạ thường là người dân không gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng. Sau khi trải qua những khó khăn kinh tế khắc nghiệt vào những năm 1990, được gọi là giai đoạn “Tháng Ba gian khổ”, nhiều người dân Bắc Triều Tiên đã quay lưng lại với các ngân hàng.

Nền kinh tế kế hoạch tập trung của Bắc Triều Tiên đã bị tê liệt vào những năm 1990. Vai trò của Ngân hàng trung ương bị suy yếu vì không thể thu được lợi nhuận từ các doanh nghiệp Nhà nước, do năng suất lao động suy giảm. Người lao động cũng không được trả tiền công, và họ đã bắt đầu lưu trữ tiền mặt riêng. Trong quá trình này, những cá nhân cho vay tiền (còn được gọi là những người buôn bán tiền) đã nhen nhóm xuất hiện.

 

Lượng tiền mặt tư nhân cho vay thậm chí còn nhiều hơn tiền mặt dự trữ của Ngân hàng trung ương

Kể từ giữa những năm 1990, tài chính tư nhân đã giải quyết vấn đề mà Ngân hàng trung ương không thể làm. Bắt đầu bằng việc cho vay nặng lãi, những người cho vay cá nhân về sau đã mở rộng kinh doanh thành các giao dịch ngoại hối riêng lẻ để thu lợi nhuận từ biến động tỷ giá. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, các đại lý kinh doanh tiền tư nhân của Bắc Triều Tiên có thể cho vay tiền với lãi suất 20% mỗi tháng kỳ hạn từ 3-4 tháng vào những năm 1990, nhưng lượng tiền được sử dụng kinh doanh tư nhân là khá nhỏ. Kể từ những năm 2010, các loại tiền tệ mạnh như USD hoặc Nhân dân tệ Trung Quốc đã được sử dụng khi cho vay. Người vay dưới 2.000 USD phải trả lãi tháng 10% và không cần tài sản thế chấp. Còn đối với những khoản vay hơn 2.000 USD, người vay phải trả lãi tháng thấp hơn từ 4%-7%, song phải thế chấp quyền sử dụng nhà hoặc các phương tiện sản xuất. Những người buôn bán tiền chủ yếu là thương nhân giàu có và vợ của các quan chức trong Đảng. Lượng tiền mặt được sở hữu và lưu thông bởi những người cho vay tư nhân được cho là thậm chí còn nhiều hơn lượng tiền mặt được dự trữ của Ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, tài chính tư nhân đã tạo ra một số tác động tiêu cực trong quá trình vận hành, mở đường các giao dịch ngân hàng chính thức hồi sinh ở Bắc Triều Tiên trong thời gian gần đây.

 

Một số mặt tiêu cực phát sinh trong tài chính tư nhân đã mở đường các giao dịch ngân hàng chính thức hồi sinh

Chuyển tiền ở Bắc Triều Tiên khá phức tạp. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người sử dụng ngân hàng, vì giao dịch nhanh mà lại an tâm. Chính quyền miền Bắc cũng quan tâm đến việc cải cách lĩnh vực tài chính và một số yếu tố của các ngân hàng thương mại đang được giới thiệu ở quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa này, dù chưa có ngân hàng thương mại chính thức nào được thành lập. Các ngân hàng Bắc Triều Tiên đang tìm kiếm sự thay đổi để phát triển kinh tế. Một ngày nào đó, cư dân miền Bắc hy vọng có thể sử dụng ngân hàng một cách thuận tiện trong cuộc sống hàng ngày và tham gia vào các giao dịch tiền bình thường, giống người dân ở mọi quốc gia khác.

Lựa chọn của ban biên tập