Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều ở Stockholm không đạt thỏa thuận

2019-10-10

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Bắc Triều Tiên đã tỏ rõ sự bất bình về thất bại của cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa cấp chuyên viên với Mỹ tại Stockholm (Thụy Điển) vào ngày 5/10 vừa qua. Thậm chí, miền Bắc đã từ chối đề xuất của Thụy Điển về việc nối lại đàm phán sau hai tuần nữa, bất chấp việc Mỹ đã chấp nhận đề nghị. Khi các cuộc đàm phán ở Stockholm không đạt được thỏa thuận, đối thoại phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều tiếp tục rơi vào tình thế khó khăn. Hãy cùng lắng nghe giáo sư Kim Hyun-wook đến từ Học viện Ngoại giao Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, phân tích sâu hơn.


Kỳ vọng tăng cao cho các cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên Mỹ-Triều, đặc biệt là sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son-hui thông báo rằng hai bên đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán vào ngày 5/10. Tuy nhiên trên thực tế, các cuộc thượng lượng phần lớn được dự đoán là sẽ thể hiện quan điểm khác biệt giữa hai bên. Trong khi miền Bắc khăng khăng đòi Mỹ đến bàn đàm phán với một phương pháp tính toán mới, thì Washington lại yêu cầu sự tham gia quyết liệt hơn để giải quyết nhiều vấn đề liên quan. Nói cách khác, Washington muốn hai bên thu hẹp sự khác biệt lập trường trong các cuộc đàm phán cấp chuyên viên, trong khi Bình Nhưỡng hy vọng sẽ xác nhận một sự thay đổi trong thái độ của đối phương. Vì vậy, kỳ vọng của hai bên ngay từ đầu đã có sự khác biệt.


7 tháng sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội, đại diện đàm phán hai bên đã ngồi lại với nhau tại Thụy Điển. Tuy nhiên, kết quả cũng vẫn vậy, hai bên ra về tay trắng. Ngay sau khi các cuộc đàm phán kết thúc, Trưởng đoàn đàm phán Bắc Triều Tiên ông Kim Myong-gil đã đưa ra tuyên bố ngay bên ngoài Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Thụy Điển, nói rằng cuộc họp đã không thỏa mãn được kỳ vọng của miền Bắc và thất bại. Đại diện miền Bắc đổ lỗi cho Mỹ về sự thất bại này, chỉ trích Washington đã không chịu từ bỏ lập trường và thái độ lỗi thời của mình.


Mặc dù cựu Cố vấn an ninh quốc gia Nhà trắng John Bolton đã rời khỏi khỏi chính quyền Tổng thống Trump, song Mỹ vẫn ủng hộ cách tiếp cận thỏa thuận lớn toàn diện đối với vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Hai bên vẫn chưa thống nhất về cách thức hình thành lộ trình phi hạt nhân hóa và tình trạng phi hạt nhân hóa cuối cùng sẽ ra sao. Liên quan đến các biện pháp cụ thể mà cả hai bên có thể thực hiện, miền Bắc không hài lòng về mức độ giảm nhẹ trừng phạt và đảm bảo an ninh do Mỹ đưa ra, đổi lại bằng việc yêu cầu Bắc Triều Tiên phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon cộng với các bước đi bổ sung. Bình Nhưỡng lập luận rằng Washington nên có một hành động gì đó ngay lúc này để đổi lấy các biện pháp mà miền Bắc đã thực hiện cho đến nay, chẳng hạn như đóng cửa bãi thử hạt nhân và đình chỉ các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân. Về phía mình, Mỹ khẳng định sẽ có hành động đáp lại tương ứng, tùy thuộc vào biện pháp phi hạt nhân hóa mà Bắc Triều Tiên thực hiện. Tóm lại, cả hai bên yêu cầu đối phương đi trước một bước trong tiến trình này.


Mỹ dường như đã chuẩn bị cho một đề xuất mới liên quan đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập cơ chế hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, theo thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần lần đầu tiên vào năm ngoái ở Singapore. Tuy nhiên, đề xuất này được cho là không đáp ứng được kỳ vọng của Bình Nhưỡng đối với các vấn đề cơ bản hơn như giai đoạn cuối cùng của phi hạt nhân hóa, đảm bảo an ninh và dỡ bỏ trừng phạt. Trước thềm cuộc đàm phán cấp chuyên viên tại Thụy Điển, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, người nổi tiếng với lập trường cứng rắn với Bắc Triều Tiên, và cũng đề cập đến một phương thức mới về đàm phán phi hạt nhân hóa. Trong bối cảnh đó, miền Bắc có thể đã tin rằng Mỹ sẽ nhượng bộ đáng kể. Tuy nhiên trên thực tế, lá bài đàm phán của Washington đã thất bại trong việc thỏa mãn Bình Nhưỡng. Rốt cuộc, hai bên chỉ xác nhận những gì phía bên kia có trong đầu. Trong khi vẫn còn một khoảng cách lớn giữa các giải pháp hạt nhân do hai bên đề xuất, Bắc Triều Tiên mạnh mẽ lên án Mỹ.


Tôi cho rằng Bắc Triều Tiên bị sức ép về thời gian. Nước này muốn Mỹ đáp ứng mong muốn bằng mọi cách, nhưng đã đặt ra thời hạn là cuối năm nay, sau đó có thể tiếp tục với các vụ thử tên lửa tầm xa hoặc hạt nhân. Chỉ còn vài tháng trước hạn chót, Bình Nhưỡng hiện đang bị dồn vào thế bị động. Miền Bắc đang cố gắng gây áp lực với Tổng thống Trump, người đang vận động tái tranh cử vào năm tới. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng đang tìm cách dẫn dắt các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên và đạt được một thỏa thuận theo ý đồ của mình. Rõ ràng, vấn đề thời gian không thể là lựa chọn của Bình Nhưỡng.


Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên, Đại sứ Kim Myong-gil đã sử dụng ngôn ngữ khắc nghiệt khi các cuộc đàm phán ở Stockholm kết thúc trong thất bại. Ngay sau khi đàm phán kết thúc, quan chức này đã bóng gió ám chỉ về khả năng miền Bắc có thể tiếp tục thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Trên đường trở về nhà vào ngày 7/10, Đại sứ Kim cũng cảnh báo rằng việc Washington không chuẩn bị sẵn sàng có thể dẫn đến hậu quả khủng khiếp. Bắc Triều Tiên dường như đang sử dụng chiến thuật yêu sách điển hình của mình để gây áp lực cho Mỹ. Một số nhà phân tích dự báo rằng Bình Nhưỡng có thể tiếp tục dùng đến các hành động khiêu khích.


Tôi dự đoán khả năng 50/50 về việc miền Bắc sẽ tiếp tục khiêu khích. Nếu nhắm mắt làm ngơ trước vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Bắc Triều Tiên, Tổng thống Trump sẽ hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ nước Mỹ. Vì vậy, rất có khả năng Tổng thống Mỹ sẽ phản ứng nghiêm khắc với những hành động khiêu khích nghiêm trọng từ phía miền Bắc. Bình Nhưỡng nhận thức rõ về điều đó, nên tôi cho rằng họ sẽ không khiêu khích nghiêm trọng tới mức vượt qua lằn ranh đỏ.


Bắc Triều Tiên có thể thực hiện một số hành động khiêu khích như các vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm cho đến hết năm nay, để gây sức ép khiến Mỹ nhượng bộ, đồng thời kiềm chế tránh phá vỡ xung lực đối thoại. Giờ đây, sự chú ý đang đổ dồn vào hướng đi tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả một cuộc điều tra luận tội tại Quốc hội Mỹ trong cuộc chiến tái tranh cử. Hiện tại, ông Trump sẽ tìm cách cầm cự về vấn đề Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, nếu Bình Nhưỡng có dấu hiệu đi quá giới hạn, người đứng đầu Nhà Trắng có thể đưa ra quyết định “hoặc là tất cả hoặc không là gì”. Với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa một lần nữa lâm vào bế tắc, việc Bắc Triều Tiên và Mỹ có thể tiếp tục các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trong vài tuần tới là hoàn toàn không chắc chắn.


Hai bên khó có thể tiếp tục các cuộc đàm phán trong vòng hai tuần tới. Mỹ muốn thu hẹp sự khác biệt với Bắc Triều Tiên thông qua các cuộc đàm phán chuyên sâu hơn, trong khi Bắc Triều Tiên yêu cầu Mỹ đưa ra một đề xuất mới. Tuy nhiên, khả năng đạt được thỏa thuận theo ý đồ của Tổng thống Trump trong vấn đề Bình Nhưỡng đang ngày càng nhỏ đi, vì những rắc rối liên quan đến cuộc điều tra luận tội tại Quốc hội. Mặc dù Washington hy vọng sẽ thảo luận với Bình Nhưỡn một lần nữa để có bước tiến hiệu quả hơn trong các cuộc đàm phán, song miền Bắc có khả năng cao sẽ từ chối thực hiện đàm phán ở thời điểm hiện tại.


Một lần nữa, đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều lại đối mặt với khủng hoảng. Giới phân tích còn cho rằng tình hình thậm chí đã thoái lui hơn trước thời điểm Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, quay trở lại ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Rất có khả năng các cuộc đàm phán song phương sẽ tiếp tục sa lầy vào thế bế tắc một khoảng thời gian trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập