Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Trận bóng đá liên Triều tại Bình Nhưỡng

2019-10-17

Vì một bán đảo thống nhất

© KFA

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã tổ chức trận đấu vòng hai, vòng loại World Cup Qatar 2022 khu vực châu Á tại sân vận động Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng vào 15/10. Trong trận cầu liên Triều đầu tiên thuộc vòng loại World Cup, không có bàn thắng nào được ghi. Trận bóng hiếm hoi này cũng không giúp hàn gắn mối quan hệ xuyên biên giới, vì Bắc Triều Tiên đã từ chối truyền hình trực tiếp, không cho chép báo chí và cổ động viên Hàn Quốc nhập cảnh. Hãy cùng lắng nghe giáo sư Chung Dae-jin đến từ Viện Thống nhất, Đại học Ajou phân tích sâu hơn.

 

Sẽ tốt hơn nếu 2 miền Nam Bắc bán đảo Hàn Quốc tổ chức một trận cầu giao hữu. Nhưng hai bên không có điều kiện cho việc này trong bối cảnh quan hệ song phương bế tắc hiện nay. Trên thực tế, phía Hàn Quốc đã rất lo lắng về trận đấu vòng loại World Cup ở Bình Nhưỡng, vì phải chờ đợi rất lâu mới nhận được lịch thi đấu từ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận là miền Nam và miền Bắc đã liên hệ với nhau vì một trận đấu sơ bộ của một sự kiện thể thao quốc tế. Đây là trận đấu đầu tiên giữa hai đội bóng đá nam của hai miền tại thủ đô Bắc Triều Tiên trong 29 năm, kể từ khi hai bên đá trận giao hữu tại sân vận động mùng 1 tháng 5 Rungrado, Bình Nhưỡng vào tháng 10/1990.

 

Trận bóng đá liên Triều diễn ra vào ngày 15/10 mang ý nghĩa rất đặc biệt. Tất nhiên, việc giành tấm vé vào vòng chung kết World Cup là rất quan trọng. Nhưng hơn thế nữa là quá trình chuẩn bị đưa đội bóng đá nam quốc gia Hàn Quốc sang thi đấu tại Bình Nhưỡng không hề dễ dàng. Ban đầu, Bắc Triều Tiên thông báo với Liên đoàn bóng đá châu Á vào ngày 2/8 rằng họ sẽ tổ chức trận đấu ở Bình Nhưỡng. Nhưng phải đến ngày 24/9, lịch trình cuối cùng mới được xác nhận. Sau đó, miền Bắc vẫn tỏ thái độ bất hợp tác và khá thờ ơ.

 

Đây là một trận đấu bất thường. Bắc Triều Tiên phải đứng ra tổ chức nhưng đã rất cảnh giác trong bối cảnh mối quan hệ không mấy mặn nồng giữa hai miền. Có vẻ các vận động viên và quan chức Hàn Quốc bị hạn chế nghiêm ngặt khi nhập cảnh vào Bắc Triều Tiên là do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước này. Chẳng hạn, người nhập cảnh không được phép mang theo điện thoại di động. Cho đến cuối tháng trước, vẫn chưa có thông tin chắc chắn liệu họ có thể đến Bình Nhưỡng hay không. Vì thế, đoàn Hàn Quốc đến Miền Bắc khá vội vàng. Có vẻ do Bắc Triều Tiên đang chịu lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế nên việc thực hiện các hoạt động giao lưu thể thao với nước này khá khó khăn.

 

Ngày 14/10, đội bóng đá nam Hàn Quốc xuất phát từ Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng. Các thành viên đã phải để lại điện thoại di động, do các quy định hàng hóa đưa vào Bắc Triều Tiên. Các phóng viên và cổ động viên Hàn Quốc cũng không được phép tiếp cận trận đấu. Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc đã liên tục yêu cầu Bắc Triều Tiên hỗ trợ cho đội bóng và du khách nước này, nhưng Bình Nhưỡng không hề phản hồi lại. Một trận đấu không có khán giả thậm chí còn đáng lo ngại hơn.

 

Bắc Triều Tiên đã từ chối tham gia đối thoại với Hàn Quốc và cũng yêu cầu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngừng các hành động “hòa giải quá giới hạn”. Trong bối cảnh này, chính quyền miền Bắc có lẽ đã khá bối rối trong việc đón tiếp đội bóng Hàn Quốc. Họ cũng không thể đơn phương hủy bỏ trận đấu vì đối thoại Mỹ-Triều đang nỗ lực hướng đến cải cách và cởi mở. Vì vậy, Bình Nhưỡng đã chọn tổ chức trận đấu mà không có khán giả. Một trận bóng đá quốc tế không có người hâm mộ trên khán đài là một sự việc không hề tự nhiên chút nào.

 

Ban đầu, Bắc Triều Tiên dự tính khoảng 40.000 khán giả sẽ lấp đầy sân vận động. Tuy nhiên trên thực tế, chẳng có cổ động viên nào xuất hiện. Đã có khá nhiều cuộc thảo luận về việc phát sóng trước thềm trận đấu, nhưng cuối cùng cũng chẳng có chương trình truyền hình trực tiếp nào. Giới chức của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tham dự trận bóng cập nhật thông tin cho trụ sở AFC qua tin nhắn điện thoại di động, rồi chuyển tiếp đến Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc, sau đó mới được đăng lên mạng xã hội và thông báo cho các phóng viên Hàn Quốc. Miền Bắc đã trao bản sao DVD của trận đấu cho phía Hàn Quốc trước khi đội rời Bình Nhưỡng. Không có gì ngạc nhiên khi tờ tin tức BBC mô tả trận đấu liên Triều này là “trận bóng đá kỳ lạ nhất thế giới”. Sự việc này cho thấy mối quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng đang không mấy dễ chịu.

 

Bình Nhưỡng dường như đang tránh đối thoại với Seoul cho đến khi lấy lại được lợi thế trong đàm phán với Mỹ. Trong điều khoản thứ hai thuộc Điều 5 “Tuyên bố Bình Nhưỡng” được lãnh đạo hai miền ký ngày 19/9 năm ngoái, Bắc Triều Tiên bày tỏ quyết tâm sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung, trong đó có việc dỡ bỏ hoàn toàn các cơ sở hạt nhân trong khu liên hợp Yongbyon quan trọng của nước này. Dựa trên các cam kết của miền Bắc, Hàn Quốc đã nỗ lực không ngừng để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán Mỹ-Triều. Tuy nhiên, sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai vào cuối tháng 2 năm nay, Bình Nhưỡng nói rằng họ đã mất niềm tin vào vai trò trung gian của Seoul.

 

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã cố gắng tạo bầu không khí hòa giải tại Thế vận hội mùa đông PyeongChang đầu năm ngoái. Các vận động viên từ hai miền đã cùng nhau bước vào sân vận động tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông, cùng tham gia thi đấu ở môn nữ khúc côn cầu trên băng với tư cách là đội bóng thống nhất đầu tiên của 2 nước trong lịch sử Olympic. Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un cùng em gái là Kim Yo-jong, Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động, đã tham dự lễ khai mạc Thế vận hội. Tiến trình tích cực này đã góp phần xoa dịu căng thẳng giữa hai nước, vốn leo thang vào năm 2017 khi Bắc Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Tuy nhiên, miền Bắc hiện không có ý định cải thiện mối quan hệ với miền Nam. Thái độ này đã được phản ánh trong trận bóng đá liên Triều vừa qua. Việc tiếp tục thể hiện cam kết đối thoại để phá vỡ bế tắc trong quan hệ xuyên biên giới là rất quan trọng với Seoul.

 

Chủ tịch Kim Jong-un hẳn đang bị sức ép về thời gian. Trong bài phát biểu tại phiên họp Hội đồng nhân dân tối cao hồi tháng 4, ông nói rằng Bắc Triều Tiên sẽ đi theo một con đường khác, với kế sách mới để hối thúc Mỹ quay trở lại bàn đàm phán cuối năm nay. Tuy nhiên trên thực tế, lộ trình đang rẽ theo một hướng khác không đúng với mong muốn của Chủ tịch Kim. Thời hạn cuối năm đang cận kề, trong khi nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên thì đứng ở ngã tư đường, và ông phải lựa chọn có nên đi con đường khác hay không. Vì vậy, mối quan hệ liên Triều có thể sẽ bị đình trệ cho đến hết năm. Trong khoảng thời gian này, Seoul cần chuẩn bị thêm để thu hút sự tham gia nhiều hơn từ phía Bình Nhưỡng, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế.

Hai miền Nam Bắc dự kiến sẽ tổ chức một trận đấu vòng loại World Cup khác vào tháng 2 năm sau ở Seoul, vì hai đội chơi theo thể thức hai lượt, hay còn gọi là thể thức sân nhà sân khách ở vòng loại khu vực. Nói cách khác, đội bóng đá nam của Bắc Triều Tiên phải tới Seoul thi đấu. Tương tự như việc khởi xướng tiến trình hòa bình trên bán đảo bị chia cắt tại Thế vận hội Olympic PyeongChang 2018, các sự kiện thể thao năm tới được cho là có thể đem lại động lực bất ngờ cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai miền bán đảo Hàn Quốc. Seoul nên có những nỗ lực nhất quán đối với mục tiêu đó.

 

Khi các cuộc đàm phán Mỹ-Triều có quá ít tiến triển và đối thoại liên Triều không có dấu hiệu nối lại tại thời điểm hiện tại, các trao đổi riêng lẻ được coi là quan trọng hơn cả. Bắc Triều Tiên đã chính thức mời đội tuyển Hàn Quốc tham dự Giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên châu Á, khai mạc tại Bình Nhưỡng vào ngày 20/10. Hy vọng rằng Seoul và Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động giao lưu trao đổi thể thao và tạo bầu không khí hòa giải thân thiện hơn.

Lựa chọn của ban biên tập