Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tổng thống Trump đề cập việc “tái kiến thiết toàn diện” với Bắc Triều Tiên

2019-10-24

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hé lộ một số thông tin thú vị về nhiều điều đang diễn ra giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Ông cũng đề cập đến việc tái xây dựng trên diện rộng của miền Bắc. Đây là những bình luận đầu tiên của Tổng thống Trump về Bình Nhưỡng sau khi cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa cấp chuyên viên Mỹ-Triều tại Stockholm ngày 5/10 không đi đến thỏa thuận. Hãy cùng nghe ông Shin Beom-chul, Giám đốc Trung tâm An ninh và Thống nhất tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, phân tích sâu hơn những nhận xét từ người đứng đầu Nhà Trắng.


Tôi cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trumpđang suy nghĩ rất nhiều về các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên. Trên thực tế, ông vẫn giữ im lặng khi Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm ngay trước cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên với Mỹ hồi đầu tháng này. Ông tiếp tục im lặng sau khi các cuộc đàm phán kết thúc trong đổ vỡ, điều này cho thấy người đứng đầu Nhà Trắng vẫn đang đặt kỳ vọng vào cuộc đối thoại với miền Bắc. Thông qua những bình luận gần đây, Tổng thống Trump đã gửi thông điệp tích cực đầy hy vọng tới Bắc Triều Tiên. Rõ ràng, cụm từ "xây dựng lại" ngụ ý Mỹ sẽ giúp Bắc Triều Tiên tái kiến thiết kinh tế và tăng cường đầu tư vào Nhà nước cộng sản, với duy nhất một điều kiện các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa diễn ra tốt đẹp. Mặc dù các cuộc đàm phán cấp chuyên viên ở Stockholm không có bất kỳ kết quả hữu hình nào, Tổng thống Trump vẫn tin rằng Mỹ có thể duy trì xung lực đối thoại và đạt được mục tiêu trong các cuộc trao đổi tiếp theo.


Phát biểu gần đây về Bắc Triều Tiên của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un thực hiện chuyến thăm mang tính biểu tượng chính trị tới núi Baekdu (Bạch đầu). Ông Trump dường như đang gửi thông điệp tới Chủ tịch Kim rằng, họ có thể tạo đột phá thêm một lần nữa thông qua ngoại giao từ trên xuống. Giờ đây, dư luận đang đổ dồn sự chú ý đến cụm từ “xây dựng lại trên phương diện lớn”.


Tổng thống Trump đang kêu gọi hành động phi hạt nhân hóa từ phía Bắc Triều Tiên và cũng hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Bắc Triều Tiên có tiềm năng kinh tế rất lớn. Giới phân tích diễn giải cụm từ “một sự tái thiết lớn” theo nhiều cách khác nhau, nhưng tôi nghĩ nó có nghĩa Mỹ sẽ sẵn lòng đầu tư, tích cực hỗ trợ miền Bắc xây dựng lại nền kinh tế nếu nước này thực hiện các biện pháp phi hạt nhân hóa cần thiết


Người đứng đầu Nhà Trắng không đề cập chi tiết phương hướng của đề xuất “tái xây dựng toàn diện”. Nhưng dựa vào nhận định “có rất nhiều điều đang diễn ra”, thì có vẻ Bắc Triều Tiên và Mỹ đang có một cuộc trao đổi kín phi chính thức. Bên cạnh thông điệp hòa giải, ông Trump cũng đề cập đến khả năng chiến tranh - một kịch bản khả dĩ khác dù rất khó xảy ra. Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố nếu Tổng thống Mỹ là ai đó khác không phải ông, rất có khả năng một cuộc chiến lớn với Bắc Triều Tiên đã nổ ra. Việc ông Trump đưa ra cụm từ “chiến tranh” trong khi rêu rao những thành tựu ngoại giao của mình có thể được hiểu là thông điệp cảnh báo đối với Bình Nhưỡng. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên đã lên án mạnh mẽ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với nước này trong thời gian gần đây.


Bắc Triều Tiên khăng khăng bảo vệ lập trường của mình và cho rằng Mỹ nên nhượng bộ. Nếu Washington từ chối, Bình Nhưỡng nói rằng họ sẽ đi theo con đường riêng để theo đuổi sự tự lực tự cường. Thời gian gần đây, miền Bắc liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự lực. Trong bài phát biểu chính sách tại Hội nghị Nhân dân Tối cao ngày 12/4, Chủ tịch Kim Jong-un nói rằng ông sẽ chờ Mỹ trình bày tính toán mới đến cuối năm nay. Thời hạn càng cận kề, Bình Nhưỡng càng cứng rắn hơn đối với Washington như một động thái chiến lược nhằm giành được sự nhượng bộ từ Mỹ.


Gần đây, các cơ quan truyền thông Bắc Triều Tiên thường xuyên đưa tin về vấn đề trừng phạt quốc tế, thúc ép không chỉ Mỹ mà cả Hàn Quốc đưa ra phương án tính toán mới. Chủ nhật tuần trước, Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên đã đề cập đến tháng 11/2017, thời điểm quốc gia này tuyên bố hoàn thành phát triển lực lượng hạt nhân sau khi bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Trong chuyến thăm núi Geumgang trên bờ biển phía Đông, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ rất không hài lòng về chương trình du lịch liên Triều mà hai miền bán đảo Hàn Quốc đã cùng thực hiện tại ngọn núi tuyệt đẹp của Bắc Triều Tiên.


Chủ tịch Kim đã chỉ trích nặng nề chính sách phụ thuộc Hàn Quốc sai lầm của dự án du lịch, và nhấn mạnh cần độc lập xây dựng các cơ sở hiện đại mới tại khu nghỉ mát. Ông đã bắt đầu đôn đốc các quan chức xây dựng và vận hành các cơ sở mới theo cách riêng và bằng sức của chính họ. Với động thái này, tôi nghĩ nhà lãnh đạo miền Bắc muốn gửi thông điệp tới cả Hàn Quốc và Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Choe Son-hui và Chủ tịch Mặt trận Thống nhất Chang Kum-chol đã tháp tùng Chủ tịch Kim trong chuyến thị sát lần này. Hai vị quan chức này rất hiếm khi đi cùng Chủ tịch đến các công trình xây dựng. Điều này cho thấy ông Kim đang gây sức ép, buộc Hàn Quốc thuyết phục Mỹ giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, từ đó hai miền Nam Bắc có thể nối lại các dự án kinh tế xuyên biên giới như Chương trình du lịch núi Geumgang và dự án Khu công nghiệp Gaeseong.


Chủ tịch Kim Jong-un đánh giá Chương trình du lịch núi Geumgang là một dự án sai lầm, và đã ra lệnh phá hủy các cơ sở do Hàn Quốc xây dựng. Động thái quyết liệt này phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của ông trong việc theo đuổi sự tự lực. Có vẻ ông Kim đang cố gắng phá vỡ bế tắc đàm phán Mỹ-Triều bằng cách tác động lên mối quan hệ liên Triều, bởi các dự án kinh tế xuyên biên giới luôn được coi như một biện pháp khuyến khích miền Bắc xúc tiến phi hạt nhân hóa. Việc Bắc Triều Tiên gửi thông điệp mạnh mẽ tới cả Mỹ và Hàn Quốc gây khá nhiều lo ngại về khả năng bế tắc kéo dài trong các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều.


Tôi nghĩ ông Trump chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng về Bắc Triều Tiên từ giờ đến cuối năm. Thậm chí, Bình Nhưỡng có thể bất ngờ đảo ngược những phát ngôn đanh thép của chính họ. Vì vậy, chúng ta vẫn nên để ngỏ về khả năng thỏa hiệp giữa miền Bắc và Mỹ. Sự thỏa hiệp, dưới mọi hình thức, đều chắc chắn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trên bán đảo Hàn Quốc. Là một quốc gia liên quan trực tiếp, Hàn Quốc nên nêu rõ quan điểm về phi hạt nhân hóa, và hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong vấn đề này.


Các cuộc đàm phán Mỹ-Triều tiếp tục lâm vào bế tắc kể từ khi đàm phán ở Stockholm kết thúc mà không có thỏa thuận nào. Washington hiện đang gửi cả thông điệp hòa giải lẫn cảnh báo tới Bình Nhưỡng. Thế giới vẫn phải chờ xem cuộc chiến tinh thần dai dẳng giữa hai bên sẽ diễn biến như thế nào.

Lựa chọn của ban biên tập