Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Đàm phán Hàn-Mỹ về chia sẻ chi phí quốc phòng

2019-10-31

Vì một bán đảo thống nhất

© MOFA

“Không thể có ‘người hưởng lợi miễn phí’ trong bảo đảm an ninh chung. Tất cả đều phải góp phần ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ liên minh, bất luận vị trí địa lý, quy mô kinh tế hay dân số.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khi đề cập đến “phòng thủ chung” gần đây. Mặc dù nhận định này chủ yếu hướng đến các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng cũng phần nào cho thấy Washington đang gia tăng áp lực lên các đồng minh nhằm tăng tỷ lệ đóng góp chi phí quốc phòng. Điều này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán Hàn-Mỹ về chia sẻ chi phí quốc phòng thời điểm hiện tại, và thảo luận phạm vi hoạt động quản lý khủng hoảng chung giữa hai nước. Ông Moon Sung-mook, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia Hàn Quốc, phân tích:


Washington đã yêu cầu Seoul trả 5 tỷ USD vào năm tới để duy trì quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, tăng gấp 5 lần so với năm nay. Cho đến nay, Hàn Quốc đã trả một phần chi phí, gồm phí thuê nhân viên người Hàn làm việc cho lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, phí xây dựng các cơ sở quân sự và hậu cần khác. Hiện tại, có vẻ Washington đang muốn Seoul trang trải cả phí thực hiện các cuộc tập trận quân sự chung, phí triển khai các tài sản chiến lược của Mỹ trên bán đảo Hàn Quốc, và nhiều chi phí khác. Tuy nhiên, phía Seoul cho rằng mức này vượt quá giới hạn của Hiệp định Quy chế dành cho quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc (SOFA). Hàn Quốc đồng ý rằng không thể tránh khỏi tăng chi phí quốc phòng ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, mức tăng phải hợp lý và được công chúng chấp nhận. Các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí có thể sẽ dai dẳng thêm một thời gian nữa để thu hẹp bất đồng giữa hai bên.


Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng lần thứ hai tại Honolulu ngày 23 và 24/10, để gia hạn Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ (SMA), và xác định số tiền Seoul phải chi trả cho quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc năm tới. Theo thông tin từ nhóm đàm phán hôm 29/10, chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất tăng chi một số hạng mục trong khoản thanh toán 1040 tỷ won (tương đương khoảng 885 triệu USD) năm nay theo nguyên tắc chia sẻ công bằng và hợp lý. Tuy nhiên, giới chức cấp cao chính quyền Mỹ, gồm cả Tổng thống Donald Trump, đang yêu cầu mức tăng cao hơn nhiều từ Seoul. 


Ông Trump đã nhiều lần đưa ra nhận xét khá sốc về việc chia sẻ chi phí với Hàn Quốc. Trên tinh thần “Mỹ là ưu tiên số một”, người đứng đầu Nhà Trắng tin rằng Mỹ không có lý do gì phải trả chi phí quốc phòng cho các đồng minh. Ông cho rằng những nước giàu như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức nên tăng mức đóng góp. Nhận định này được phản ánh trong các cuộc đàm phán chia sẻ tài chính đang diễn ra giữa Hàn Quốc và Mỹ. Hiện tại, thỏa thuận này có hiệu lực từng năm một. Washington muốn gia hạn hàng năm nhằm tăng mức đóng góp của Seoul sau mỗi lần đàm phán.


Trong một động thái gây áp lực với chính phủ Hàn Quốc, Tổng thống Trump đã nói rằng quốc gia giàu có Hàn Quốc đã đồng ý gia tăng đáng kể mức đóng góp của mình. Nhận định gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper rằng “không thể có người hưởng lợi miễn phí” cũng mang ngụ ý tương tự. Hai nước đều có mục tiêu hoàn tất đàm phán trong năm nay, nhưng triển vọng đạt thỏa thuận theo mong muốn của Hàn Quốc không mấy sáng sủa. Hai đồng minh đã bắt đầu thảo luận vai trò mới của mỗi bên đối với các tình huống bất ngờ, sau khi chuyển giao Quyền tác chiến thời chiến (OPCON) từ Mỹ sang Hàn Quốc. 


Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu thảo luận khả năng sửa đổi sổ tay quản lý khủng hoảng chung, đưa ra hướng dẫn về vai trò của mỗi bên và phương án phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến bán đảo Hàn Quốc. Ngoài ra, Washington cũng đã đề xuất thêm phần tình huống bất ngờ của Mỹ. 


Trong quá trình chuẩn bị chuyển giao Quyền tác chiến thời chiến, Mỹ đã đề xuất mở rộng phạm vi hoạt động quản lý khủng hoảng chung, gồm không chỉ các tình huống bất ngờ trên bán đảo Hàn Quốc mà cả các tình huống của Mỹ. Đề xuất này đang gây ra lo ngại ở Hàn Quốc. 


Nếu bản sửa đổi bao gồm cả các tình huống đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ được thông qua, Hàn Quốc sẽ phải điều động quân tới các khu vực ngoài châu Á-Thái Bình Dương, gồm biển Đông, eo biển Hormuz và Ấn Độ Dương, để cùng đối phó với các tình huống bất ngờ của Mỹ. Điều 3 về chiến thuật quản lý khủng hoảng trong thỏa thuận phòng thủ lẫn nhau giữa Hàn Quốc và Mỹ quy định rõ ràng, khu vực Thái Bình Dương là phạm vi hoạt động chung của hai nước. Nếu hướng dẫn được sửa đổi theo đề xuất của Mỹ thì bản thân thỏa thuận cũng phải được sửa đổi.


Đề xuất này phù hợp với nhu cầu nhất quán của Tổng thống Trump về vai trò lớn hơn của các đồng minh của Mỹ. Như vậy, có thể hiểu là Washington yêu cầu Seoul đóng góp thiết thực cho an ninh quốc gia của Mỹ để đổi lấy Quyền tác chiến thời chiến. Trong nỗ lực dập tắt tranh cãi về sửa đổi sổ tay quản lý khủng hoảng, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã bác bỏ khả năng các lực lượng quân đội sẽ thường xuyên bị điều động ra nước ngoài. Tuy nhiên, chính quyền Seoul chắc chắn sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn. 


Trên nền tảng liên minh song phương vững chắc, Seoul nên thảo luận kỹ càng vấn đề này với Washington và thể hiện rõ Hàn Quốc rất lưu tâm đến đề xuất thêm “các tình huống bất ngờ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ” trong thỏa thuận. Cho dù các cuộc đàm phán có thể không diễn ra như mong muốn, Mỹ sẽ không có hành động đáp trả quyết liệt như rút quân khỏi Hàn Quốc hoặc phá vỡ liên minh song phương vì nhu cầu liên minh và lợi ích quốc gia của chính họ. Seoul cần làm rõ lập trường luôn coi trọng liên minh và chắc chắn chia sẻ chi phí quốc phòng để hai bên không phát sinh động thái chống đối lẫn nhau.


Mỹ đang yêu cầu Hàn Quốc chịu nhiều trách nhiệm hơn trong vấn đề quốc phòng chung, và nhấn mạnh sự đóng góp công bằng của các đồng minh. Trong bối cảnh lo ngại gia tăng về việc đòi hỏi quá cao của Washington có thể phá vỡ liên minh truyền thống với Seoul, hai bên cần nỗ lực tìm ra một phương án thỏa hiệp hợp lý.

Lựa chọn của ban biên tập