Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Giáo dục ngoại ngữ ở Bắc Triều Tiên

2019-10-31

Vì một bán đảo thống nhất

© KBS

Bắc Triều Tiên đã mở trung tâm kiểm tra năng lực tiếng Trung Quốc đầu tiên trong năm nay và trở thành quốc gia thứ 137 trên thế giới có trung tâm kiểm tra trình độ tiếng Trung. Chương trình kiểm tra này bắt đầu từ năm 1990 nhằm đánh giá trình độ tiếng Trung của những người không nói tiếng mẹ đẻ Hoa ngữ. Trung tâm thi tiếng Trung được mở ở Bình Nhưỡng cho thấy việc dạy học ngoại ngữ đang ngày càng rầm rộ nơi đây. Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu về giáo dục ngoại ngữ của miền Bắc cùng giáo sư Chung Eun-chan đến từ Viện Giáo dục Thống nhất thuộc Bộ Thống nhất. 


Trọng tâm giáo dục ngoại ngữ chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Anh sau sự sụp đổ của Liên Xô

Tại thời điểm liên kết chặt chẽ với Liên Xô cũ, Bắc Triều Tiên nhấn mạnh người dân cần học tiếng Nga để dịch các sách khoa học và công nghệ của Liên Xô, cũng như tham gia các hoạt động ngoại giao liên quan. Năm 1964, miền Bắc tăng cường giáo dục ngoại ngữ, dạy tiếng Nga và tiếng Anh tại các trường trung học cơ sở, và cũng khuyến khích sinh viên đại học thành thạo ít nhất hai ngoại ngữ trước khi tốt nghiệp. Tại thời điểm đó, khoa ngoại ngữ được tách ra từ Đại học Kim Nhật Thành để thành lập trường riêng là Đại học Ngoại ngữ Bình Nhưỡng. Từ năm 1977, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật và tiếng Trung được thêm vào chương trình giáo dục ngoại ngữ của miền Bắc. Kể từ những năm 1990, trọng tâm giáo dục ngoại ngữ chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Anh, chủ yếu do sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng có một lý do khác khiến Bắc Triều Tiên chú trọng dạy tiếng Anh hơn. 


Học tiếng Anh để cạnh tranh với kẻ thù

Bắc Triều Tiên tin rằng cần phải học tiếng Anh để cạnh tranh với kẻ thù là Mỹ, vốn đã đối đầu với miền Bắc từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên đã ban hành cải cách giáo dục và chỉ định tiếng Anh là môn học bắt buộc. Trong hệ thống giáo dục bắt buộc 12 năm, học sinh bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 5. Sinh viên tại Học viện Ngoại ngữ Bình Nhưỡng hoặc Đại học Ngoại ngữ Bình Nhưỡng nhìn chung có trình độ tiếng Anh rất tốt. 


Chú trọng nuôi dưỡng các chuyên gia đa ngôn ngữ

Học viện ngoại ngữ Bình Nhưỡng có chương trình đào tạo 6 năm với 8 ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Nhật và tiếng Trung Quốc. Trường khuyến khích sinh viên giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày bằng ngôn ngữ họ học. Đặc biệt, với mục đích đào tạo sinh viên có khả năng giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài, viện thường chiếu phim Mỹ hoặc phim Anh cho sinh viên xem, một việc bị nghiêm cấm ở bên ngoài. Đại học Ngoại ngữ Bình Nhưỡng, với chương trình học 5 năm, đào tạo hàng trăm sinh viên có hai hoặc ba chứng chỉ ngoại ngữ mỗi năm với mục tiêu nuôi dưỡng các chuyên gia đa ngôn ngữ. 

Cựu đại sứ Bắc Triều Tiên tại Tây Ban Nha Kim Hyok-chol tốt nghiệp cả hai trường này. Tháng 2 năm nay tại Bình Nhưỡng, đại sứ Kim đã tham gia đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều với Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun. Nhìn chung, các trường đại học ở miền Bắc yêu cầu sinh viên học tiếng Anh là ngoại ngữ đầu tiên và chọn một trong các thứ tiếng Trung Quốc, Nga và Nhật làm ngôn ngữ thứ hai. 


Tiếng Trung ngày càng phổ biến

Tiếng Anh và tiếng Trung là hai ngoại ngữ phổ biến nhất ở Bắc Triều Tiên. Đặc biệt, Tiếng Trung được quan tâm nhiều bởi mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa hai đồng minh Cộng sản. Giao dịch với Trung Quốc chiếm đến 90% hoạt động xuất nhập khẩu của Bắc Triều Tiên. Thậm chí, nhiều người đã tiến hành kinh doanh với thương nhân Trung Quốc để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa trong thời kỳ “tháng Ba gian khổ” giữa những năm 1990. Thương mại Trung-Triều mở rộng nhanh chóng, nhiều gia đình khá giả ở miền Bắc đã thuê gia sư riêng để kèm con em họ học tiếng Trung. Một số sinh viên Khoa tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Bình Nhưỡng cũng dạy tiếng Anh cho thanh thiếu niên trong giới thượng lưu. Rõ ràng, thị trường giáo dục ngoại ngữ tư nhân đang bùng nổ ở phía bên kia bán đảo Hàn Quốc. Vì trình độ ngoại ngữ ảnh hưởng trực tiếp đến con đường công danh sau này nên cơn sốt giáo dục ngoại ngữ sẽ vẫn tiếp tục ở Bắc Triều Tiên. 


Rầm rộ cơn sốt giáo dục ngoại ngữ

Bắc Triều Tiên đang nỗ lực xóa bỏ hình ảnh trước đây về một đất nước nghèo nàn và bất thường với thế giới. Tăng cường giáo dục ngoại ngữ là một trong những hạng mục quan trọng của kế hoạch này. Thế giới vẫn phải chờ xem liệu sáng kiến “đẩy mạnh giáo dục ngoại ngữ” có giúp Bắc Triều Tiên vươn tới một bước phát triển mới hay không.

Lựa chọn của ban biên tập