Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba trong năm.

2019-11-07

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) ngày 4/11 nhận định Bắc Triều Tiên và Mỹ có thể sẽ tổ chức vòng đàm phán cấp chuyên viên mới trong tháng này hoặc muộn nhất tháng tới. Theo NIS, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un có vẻ đang muốn tiến tới Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm nay. Hôm nay, chúng ta sẽ nghe ông Oh Gyeong-seop, nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia thuộc Bộ Thống Nhất Hàn Quốc, phân tích về triển vọng của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba.

 

Mặc dù Cơ quan tình báo Quốc gia không nêu lý do cụ thể cho dự báo về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba, nhưng có thể thấy nhận định được đưa ra dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất, miền Bắc và Mỹ đã xác nhận lập trường  của nhau qua cuộc gặp cấp chuyên viên tại Stockholm ngày 5/10 vừa qua. Thứ hai, ông Kim Jong-un đặt thời hạn hết năm nay phải hoàn tất đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ. Theo đó, cơ quan tình báo đã dự đoán một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều khác có thể diễn ra trước khi hết năm.

 

Trong bài phát biểu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tối cao (tương đương Quốc hội Hàn Quốc) hồi tháng 4, Chủ tịch Kim Jong-un nói rằng ông sẽ chờ Mỹ đưa ra một quyết định mạnh tay đến cuối năm nay. Dựa vào cam kết này, cơ quan tình báo quốc gia ở Seoul dự đoán Bắc Triều Tiên có thể hối thúc đối thoại bổ sung với Mỹ để đáp ứng thời hạn cuối năm của nhà lãnh đạo miền Bắc. Dư luận đang quan tâm liệu Bình Nhưỡng và Washington có thể tạo thêm xung lực để tiếp tục các cuộc đàm phán cấp chuyên viên tại Hội nghị không phổ biến vũ khí hạt nhân (MNC) sẽ diễn ra từ 7/11 đến 11/11 tại Matxcơva hay không. Đối với “Diễn đàn giữa các cựu quan chức Chính phủ và chuyên gia” (còn gọi là đối thoại 1.5), miền Bắc đã cử ông Jo Chol-su, chủ nhiệm Ban chuyên trách vấn đề Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên, phía Washington cử Đặc phái viên phụ trách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Lambert tham dự.

 

Là người kế vị của Kwon Jong-gun, chủ nhiệm Ban chuyên trách vấn đề Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên, ông Jo Chol-su đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ. Có khả năng vị quan chức này sẽ liên lạc hoặc tổ chức các cuộc thảo luận với ông Mark Lambert bên lề Hội nghị không phổ biến hạt nhân ở Matxcơva. Để thực hiện điều đó, hai bên phải cùng có nhu cầu nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa ở cấp chuyên viên. Tuy nhiên hiện tại, chưa có báo cáo cụ thể về cuộc gặp nào giữa hai bên. Không rõ hai ông có gặp nhau hay không, mà dù có gặp, thì cũng chưa chắc cuộc đối thoại sẽ tiến xa đến đâu.

 

Cùng với Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui, ông Jo Chol-su được coi là nhân vật chủ chốt trong Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên. Đặc phái viên Mark Lambert đã thảo luận sơ bộ với người đồng cấp miền Bắc Kwon Jong-gun tại Stockholm hồi đầu tháng 10. Nếu ông Jo Chol-su và ông Mark Lambert gặp nhau tại Matxcơva trong tuần này, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của các quan chức Bắc Triều Tiên và Mỹ có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến các cuộc đàm phán hạt nhân, kể từ sau cuộc đàm phán ở Stockholm. Cuộc họp nếu diễn ra có thể phần nào làm rõ hơn cách thức của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ khả năng Bắc Triều Tiên sẽ có những hành động khiêu khích mạnh mẽ hơn thay vì đối thoại.

 

Bắc Triều Tiên đã tiến hành phóng thử  hệ thống vũ khí tầm ngắn 4 lần trong 6 tháng qua, mở màn bằng đợt thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander phiên bản Bắc Triều Tiên ngày 4/5. Tiếp đó vào ngày 5/ 8, nước này lại phóng thử Hệ thống pháo phản lực đa nòng cỡ lớn. Không dừng lại ở đó, vào ngày 10 và 16/8, miền Bắc lại bắn “tên lửa chiến thuật đất đối đất kiểu mới". Gần đây nhất, vào ngày 31/10, miền Bắc tiếp tục bắn hai pháo phản lực siêu lớn. Ngoài các vũ khí dẫn đường chiến thuật, Bình Nhưỡng cũng đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vào ngày 2/10. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân lâm vào bế tắc, một loạt các vụ phóng thử tên lửa của Bắc Triều Tiên có thể gây nhiều áp lực lên Mỹ. Bình Nhưỡng có thể sẽ tiếp tục các hành động khiêu khích nhằm giành được nhượng bộ từ phía Washington.

 

Bắc Triều Tiên đã phóng vũ khí vào 12 dịp khác nhau trong năm nay. Các hành động khiêu khích này có thể hiểu là chiến lược của Bình Nhưỡng để hối thúc Washington thay đổi thái độ trước khi kết thúc năm. Thời hạn cận kề, dư luận ngày càng lo ngại hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục leo thang. Trong một động thái khác nhằm gây áp lực lên Mỹ, nhà lãnh đạo miền Bắc có vẻ đang cân nhắc đến chuyến thăm Trung Quốc.

 

Điều cấp thiết lúc này đối với Bắc Triều Tiên là xóa bỏ lệnh trừng phạt bằng mọi cách. Để đạt được mục đích, sự hỗ trợ từ Trung Quốc là vô cùng quan trọng. Bình Nhưỡng rất quan tâm đến việc phát triển khu vực Kalma và núi Geumgang thành các điểm du lịch quốc tế. Đối với miền Bắc, thu hút khách du lịch Trung Quốc là một trong các cách hiếm hoi để kiếm ngoại tệ mà vẫn né tránh được lệnh trừng phạt của Mỹ. Vì nhiều lý do, Bình Nhưỡng cần hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh. Chính vì lẽ đó, không loại trừ khả năng ông Kim Jong-un sẽ đến thăm Trung Quốc trong năm nay. Quan hệ thắm thiết thân tình với Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Triều. Cũng rất có khả năng miền Bắc sẽ lựa chọn trì hoãn các cuộc đàm phán hạt nhân để tiếp tục gia tăng áp lực cho Mỹ.

 

Cơ quan Tình báo Quốc gia hôm 4/11 cho biết Chủ tịch Kim Jong-un có thể sẽ thăm Trung Quốc trong năm nay. Nhận định này dựa trên tiền lệ ở hai lần hội nghị thượng đỉnh trước, nhà lãnh đạo miền Bắc đều đến Trung Quốc trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Mỹ. Vì Bình Nhưỡng đang gây áp lực với Washington bằng nhiều cách khác nhau, nên rất khó dự đoán chắc chắn liệu hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba sẽ được tổ chức trong năm nay hay không.

 

Để mở đường cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba, trước tiên hai bên cần hoàn tất thảo luận và nhất trí một số thỏa thuận qua các cuộc gặp cấp chuyên viên. Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là hết năm, đây có vẻ là một nhiệm vụ khá khó khăn. Người đứng đầu Nhà trắng đang đối mặt với nhiều thách thức chính trị trong nước. Bởi vậy, ông khó có thể giải quyết nhanh gọn vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong năm nay. Về phần mình, Bắc Triều Tiên có thể tăng cường thắt chặt quan hệ với Trung Quốc để đối phó với các biện pháp trừng phạt quốc tế với nước này, cũng như thực hiện nhiều nỗ lực ngoại giao khác nhau để đạt được nhượng bộ từ Mỹ trong thời gian trì hoãn đàm phán. Mặc dù lãnh đạo miền Bắc đã đặt ra thời hạn cuối năm, nhưng có vẻ Bắc Triều Tiên sẽ khó có được những gì họ muốn trong năm nay. Tôi nghĩ là có rất ít khả năng một hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump khác sẽ diễn ra trong năm nay.

 

Kể từ khi cuộc đàm phán cấp chuyên viên tại Stockholm kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, cả miền Bắc và Mỹ đã liên tục thúc ép nhau đưa ra đề xuất hợp lý hơn. Trong bối cảnh không khí căng thẳng giữa hai nước tiếp tục dai dẳng, thế giới vẫn phải chờ xem liệu Washington có đưa ra đề xuất mới và tổ chức các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên trong năm nay như Bình Nhưỡng mong muốn hay không.

Lựa chọn của ban biên tập