Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Căng thẳng Mỹ-Triều leo thang trước thời hạn cuối năm

2019-12-12

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Bắc Triều Tiên và Mỹ đã có nhiều động thái gây hấn, dằn mặt nhau kể từ khi Bình Nhưỡng ra tuyên bố về “cuộc thử nghiệm trọng đại” tại bãi phóng vệ tinh cuối tuần trước. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo Bắc Triều Tiên có thể mất tất cả. Miền Bắc cũng liên tục đáp trả gay gắt. Nhà nghiên cứu Oh Gyeong-seop đến từ Viện Thống nhất Quốc gia, Bộ Thống Nhất Hàn Quốc, phân tích sâu hơn.

 

Bắc Triều Tiên và Mỹ đã có nhiều phát ngôn chống đối nhau kể từ khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã tiến hành một vụ thử nghiệm rất quan trọng tại trạm phóng vệ tinh khu vực biển Tây ngày 7/12. Tổng thống Trump nói rằng Chủ tịch Kim Jong-un có thể mất tất cả nếu tiếp tục manh động. Đáp lại, Chủ tịch Ủy ban châu Á-Thái Bình Dương Kim Yong-chol của Bắc Triều Tiên ngày 9/12 khẳng định có quá nhiều điều ông Trump chưa biết về Bắc Triều Tiên, và miền Bắc thực sự không còn gì để mất. Ông Kim cho biết thêm nếu mọi thứ tiếp diễn theo chiều hướng này, thì cách nhìn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về Người đứng đầu Nhà Trắng có thể thay đổi. Tổng thống Trump đã phản ứng gay gắt về “vụ thử nghiệm trọng đại” của miền Bắc.

 

Nhiều ý kiến lo ngại tình hình Bán đảo Hàn Quốc có thể quay lại trạng thái căng thẳng Mỹ-Triều đỉnh điểm năm 2017, thậm chí có nguy cơ chiến tranh.

 

Trong khi Bắc Triều Tiên không công bố hình ảnh và kết quả cuộc thử nghiệm, ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở California (Mỹ), đã tiết lộ hình ảnh vệ tinh chụp từ bãi phóng khu vực biển Tây. Hình ảnh cho thấy Bắc Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm động cơ tên lửa.

Một quan chức Ủy ban tình báo tại Quốc hội Hàn Quốc nhận định cuộc thử nghiệm của Bình Nhưỡng liên quan đến động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng, không phải nhiên liệu rắn. Các chuyên gia quân sự cho rằng có khả năng đó là cuộc “thử nghiệm tập hợp” kiểm tra hiệu suất của “Động cơ núi Baekdu (Bạch Đầu)” cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đó là lý do tại sao Mỹ phản ứng mạnh mẽ và đang tiếp tục theo dõi sát sao tình hình.

 

Trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Chủ tịch Kim Jong-un năm ngoái, Tổng thống Trump công bố Bắc Triều Tiên hứa sẽ dỡ bỏ trạm phóng vệ tinh khu vực biển Tây, nơi thử tên lửa từ xã Tongchang. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Bình Nhưỡng tháng 9 năm ngoái cũng đi đến thỏa thuận đóng cửa vĩnh viễn trạm phóng này. Giờ đây, cũng tại địa điểm này, Bắc Triều Tiên lại tái diễn hành động khiêu khích. Mặc dù Bình Nhưỡng chưa tiết lộ chi tiết cụ thể về vụ thử nghiệm, nhưng giới quân sự Hàn Quốc cho rằng đây là thử nghiệm chùm động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng, nghĩa là kết hợp nhiều động cơ để tăng hiệu suất tên lửa. Đây là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên công khai thử nghiệm động cơ tên lửa, kể từ vụ thử nghiệm “Động cơ núi Baekdu” mà ông Kim Jong-un rêu rao là “cuộc cách mạng” hồi tháng 3/2017.

 

Trước đây, Bắc Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm động cơ cho các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 và Hwasong-15 tại chính địa điểm này. Điều đó có nghĩa là miền Bắc có thể thử nghiệm ICBM làm món quà Giáng sinh dành cho Mỹ như đã cảnh báo. Rõ ràng, Bình Nhưỡng đang cố gắng đạt nhượng bộ từ Washington bằng cách gia tăng căng thẳng, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai bên đang đình trệ. Miền Bắc đang ám chỉ rằng nước này có thể tiến hành các thử nghiệm bổ sung, chắc chắn sẽ vượt xa thử nghiệm động cơ tên lửa. Bình Nhưỡng đang kích động và gây áp lực với Washington để giành được những gì họ muốn.

 

Bắc Triều Tiên đã tuyên bố tạm hoãn thử hạt nhân và tên lửa tầm xa trước khi đàm phán hạt nhân với Mỹ. Tuy nhiên, kể từ khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thoả thuận, Bình Nhưỡng đã yêu cầu Washington đưa ra đề xuất mới và cảnh báo rằng Bắc Triều Tiên có thể tự dỡ bỏ lệnh tạm hoãn. Không loại trừ khả năng miền Bắc sẽ đi xa tới mức phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM, trừ khi Mỹ có động thái tích cực như nới lỏng các biện pháp trừng phạt với miền Bắc. Thử nghiệm ICBM, tên lửa có tầm bắn đủ dài tới phần đất liền của Mỹ, là hành động vượt “ranh giới đỏ” của Washington. Chắn chắn Mỹ sẽ khó chấp nhận và phản ứng mạnh mẽ với hành động khiêu khích nghiêm trọng này.

Sau cuộc “thử nghiệm trọng đại” của Bắc Triều Tiên cuối tuần trước, Mỹ đã cử máy bay không người lái tầm cao có khả năng trinh sát đến Bán đảo Hàn Quốc. Ngày 9/12, Mỹ cũng đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

 

Như tôi đã nói, có khả năng thử nghiệm ICBM của Bắc Triều Tiên sẽ là món quà Giáng sinh dành cho Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều sẽ không còn ý nghĩa. Để gây sức ép buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ ý định thử nghiệm ICBM, Mỹ đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Nhưng nếu Bình Nhưỡng vẫn nhất quyết tiến hành thử ICBM để khiêu khích, thì quan hệ Mỹ-Triều chắc chắn sẽ xấu đi, và Washington có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa lên Bình Nhưỡng.

 

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức một cuộc họp ngày 11/12 để thảo luận về động thái khiêu khích gần đây của miền Bắc. Như vậy, sau hai năm vắng mặt khỏi những chỉ trích của Hội đồng bảo an về Bắc Triều Tiên, lần này Mỹ đã phải đứng ra yêu cầu cuộc họp. Rõ ràng, Washington đang phản ứng mạnh mẽ với Bình Nhưỡng, và có vẻ đang đi chệch hướng tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều. Mỹ đang gây áp lực lên chính quyền Bắc Triều Tiên thông qua cộng đồng quốc tế. Xung đột giữa hai nước dự kiến sẽ còn căng thẳng hơn nữa.

 

Sau những màn khẩu chiến, có vẻ Bắc Triều Tiên và Mỹ đã sẵn sàng hành động chống lại nhau. Miền Bắc tuyên bố đã thử nghiệm thành công động cơ tên lửa có thể dùng cho ICBM. Đáp lại, Mỹ đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận vấn đề tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên.

Nếu hai bên cố gắng đạt thỏa hiệp về vấn đề hạt nhân thông qua đối thoại, họ sẽ kiềm chế mọi hành động gây hấn. Nhưng sự bế tắc kéo dài của các cuộc đàm phán có thể khiến Bắc Triều Tiên thất vọng và phải dùng đến những hành động khiêu khích, gia tăng căng thẳng. Còn Mỹ có thể đáp trả bằng cách tăng cường áp lực và các biện pháp trừng phạt.

 

Bắc Triều Tiên đang tăng cường chỉ trích và đe dọa đối với Mỹ, trong khi Mỹ đang có động thái gây áp lực mạnh hơn đối với Bắc Triều Tiên. Trong cuộc chiến khốc liệt này, những tuyên bố gay gắt đang leo thang thành hành động thực tế. Thế giới vẫn phải chờ xem quan hệ Mỹ-Triều sẽ diễn biến thế nào, đặc biệt vào dịp Giáng sinh và ngày 1/1 năm sau, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un công bố thông điệp Năm Mới.

Lựa chọn của ban biên tập