Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Căng thẳng Mỹ-Triều tiếp tục leo thang trước thềm “thời hạn cuối năm” do chính Bắc Triều Tiên đặt ra

2019-12-19

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Vụ việc Bắc Triều Tiên công bố đã tiến hành “cuộc thử nghiệm trọng đại” ngày 7 và 13/12 đã gây ra căng thẳng trong khu vực. Trong bối cảnh đó, Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun ngày 16/12 đã công khai đề xuất một cuộc họp với miền Bắc. Tuy nhiên, đến giờ phút này, Bình Nhưỡng vẫn im lặng với lời đề nghị, khiến bầu không khí đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều thêm ảm đạm. Giáo sư Chung Dae-jin đến từ Viện nghiên cứu Thống nhất, trường Đại học Ajou, phân tích sâu hơn.

 

Bắc Triều Tiên đã đề nghị Mỹ đưa ra cách tính toán mới trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trước khi hết năm. Mỹ cử Đặc phái viên Stephen Biegun đến Hàn Quốc để thể hiện với Bắc Triều Tiên rằng Washington đang nỗ lực duy trì xung lực đối thoại. Trong thời gian ở Hàn Quốc đầu tuần này, ông Biegun đã đề xuất gặp gỡ các quan chức miền Bắc. Mặc dù có một kênh đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington, Đặc phái viên Stephen Biegun vẫn trực tiếp đến Seoul để công khai đề nghị gặp Bắc Triều Tiên, dù lịch trình trong nước của ông khá dày đặc trước khi được bổ nhiệm chức phó ngoại trưởng. Điều này cho thấy “kênh liên lạc không chính thức” của hai bên đang hoạt động không hiệu quả. Ông Biegun nói rằng Mỹ không đặt ra thời hạn cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Bắc Triều Tiên. Phát ngôn này chứng tỏ Washington vẫn quyết tâm duy trì đàm phán hạt nhân với miền Bắc.

 

Đặc phái viên Stephen Biegun đề nghị gặp gỡ Bắc Triều Tiên khi chỉ còn vỏn vẹn 15 ngày nữa là đến thời hạn cuối năm do miền Bắc đề xuất. Chuyến thăm của ông Stephen Biegun đến Seoul đã làm dấy lên hy vọng về khả năng nối lại quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington, mở ra một bước ngoặt mới trong ngoại giao khu vực, giữa lúc căng thẳng gia tăng do một loạt các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Đặc phái viên Mỹ đã không nhận được hồi âm từ phía miền Bắc, và khởi hành đến Nhật Bản ngày 17/12.

 

Có vẻ Bắc Triều Tiên đang nghĩ rằng Mỹ vẫn chưa đưa ra được đề xuất mới mà nước này yêu cầu. Trên thực tế, có rất ít thay đổi trong thái độ của Washington đối với Bình Nhưỡng. Do đó, Bắc Triều Tiên tin rằng không cần trả lời đề nghị của Mỹ. Bình Nhưỡng yêu cầu Washington rút lại chính sách thù địch với Bắc Triều Tiên, trong đó có việc đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ. Tôi đoán rằng chính Mỹ cũng đang bối rối về những gì có thể đổi lại cho Bắc Triều Tiên. Có lẽ Bình Nhưỡng quyết định không nhận lời tham gia cuộc họp vì họ cho là sẽ không có kết quả gì.

 

Bắc Triều Tiên đã tăng cường áp lực lên Mỹ bằng cách tiến hành “thử nghiệm trọng đại” vào hai dịp khác nhau đầu tháng 12. Hai đợt thử nghiệm được cho là liên quan đến động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Nhiều ý kiến lo ngại Bắc Triều Tiên có thể đi xa tới mức tuyên bố chấm dứt đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.

Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc và Nga đã đệ trình dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 16/12, kêu gọi nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên hai nước hợp lực hành động trong suốt quá trình đàm phán hạt nhân giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ hai năm qua.

 

Trung Quốc và Nga đề xuất dự thảo nghị quyết mà không thảo luận trước với Mỹ và các thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an là khá bất thường. Nghị quyết mới không thể được phê duyệt nếu một trong 5 thành viên thường trực sử dụng quyền phủ quyết. Trung Quốc và Nga nhận thức rõ rằng ba thành viên thường trực khác là Mỹ, Anh và Pháp đều phản đối nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Vì vậy, hai quốc gia này cũng không thực sự mong đợi dự thảo nghị quyết của họ sẽ được thông qua. Vậy động cơ thực sự của việc này là gì? Tôi nghĩ rằng họ đang gây áp lực lên Mỹ và cả Bắc Triều Tiên. Hòa bình và ổn định của Bán đảo Hàn Quốc cũng rất quan trọng với lợi ích quốc gia của chính họ. Trung Quốc và Nga không muốn an ninh trong khu vực quay lại thời điểm căng thẳng cực độ vào năm 2017. Có lẽ thông qua dự thảo nghị quyết, Bắc Kinh và Mát-xcơ-va muốn thảo luận các phương án giảm bớt biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, từ đó ngăn Bình Nhưỡng tiếp tục các hành động khiêu khích như thử nghiệm ICBM cuối năm nay hoặc đầu năm tới.

 

Dự thảo mới kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thủy sản và dệt may của Bắc Triều Tiên, và ngừng trục xuất công nhân Bắc Triều Tiên ở nước ngoài về nước. Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất miễn trừng phạt đối với các dự án hợp tác đường sắt và đường bộ liên Triều. Thông qua nghị quyết này, Bắc Triều Tiên muốn thăm dò liệu Mỹ có ý định nới lỏng trừng phạt hay không. Tuy nhiên, hôm 16/12, Mỹ cho biết hiện chưa phải lúc để xem xét giảm nhẹ trừng phạt. Washington đã bác bỏ đề xuất này, nên dự thảo nghị quyết của Trung Quốc và Nga đã trở thành vô dụng. Tuy nhiên, hợp tác giữa Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga đang ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh xung đột Mỹ-Triều đang lan rộng sang phạm vi quốc tế, Đặc phái viên Stephen Biegun đã có chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc ngày 19/12.

 

Sau khi Trung Quốc và Nga bất ngờ đệ trình dự thảo nghị quyết, có vẻ Mỹ đang tin rằng hợp tác quốc tế về vấn đề Bắc Triều Tiên đang bắt đầu lung lay. Washington không thể đứng nhìn, nên Đặc phái viên Stephen Biegun đã kéo dài chuyến thăm Đông Á và có chuyến thăm ngoài dự kiến tới Trung Quốc. Tại đây, dự kiến ông sẽ nêu quan điểm của Washington về các lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, và nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.

 

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay ông Stephen Biegun sẽ thăm Trung Quốc ngày 19 và 20/12 để thảo luận sự cần thiết của việc duy trì khối thống nhất quốc tế đối với vấn đề Bắc Triều Tiên. Rõ ràng, Mỹ đã có sự cảnh giác về khả năng thắt chặt quan hệ Nga-Trung-Triều. Washington đã nhanh chóng dập tan ý đồ giảm nhẹ trừng phạt quốc tế lên miền Bắc của Trung Quốc và Nga. Trong khi đó, có thể Bắc Triều Tiên đã lưu tâm việc Mỹ từ chối nghị quyết, qua đó chọn tìm kiếm hướng đi mới. Quyết định này có thể sẽ được đưa ra tại cuộc họp toàn thể của Ủy ban trung ương đảng Lao động miền Bắc cuối tháng 12 này.

 

Trong bối cảnh đàm phán với Mỹ vẫn chưa tiến triển thêm, cuộc họp của Đảng lao động cuối tháng này rất có thể sẽ là thời khắc Bắc Triều Tiên tuyên bố thu hồi lệnh đình chỉ các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân, thể hiện quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự lực tự cường, và tinh thần sẵn sàng đối đầu quân sự dựa trên sức mạnh hạt nhân hiện có. Gần đây, Bình Nhưỡng đã hai lần tiến hành thử nghiệm đốt động cơ, được coi là giai đoạn trước của thử nghiệm ICBM. Đáng chú ý, miền Bắc không hề thông báo về thử nghiệm với người dân trong nước. Nếu Bắc Triều Tiên lựa chọn tìm kiếm hướng đi mới trong đợt họp Đảng, chúng ta phải chờ xem liệu nước này có công bố quyết định trước công chúng hay không, và nếu có thì sẽ giải thích cụ thể với người dân như thế nào.

 

Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến thời hạn cuối năm do miền Bắc tự đặt ra cho đàm phán phi hạt nhân hoá Mỹ-Triều, trong khi hợp tác quốc tế về lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng lại đang có dấu hiệu suy yếu. Thế giới vẫn phải chờ xem Bắc Triều Tiên sẽ đưa ra quyết định gì từ nay đến hết năm.

Lựa chọn của ban biên tập