Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Thời khắc lịch sử cho ngoại giao khu vực bán đảo Hàn Quốc

2019-12-26

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Thời hạn cuối năm Bắc Triều Tiên đặt ra cho các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ đang đến gần, khiến các nước liên quan khẩn trương xúc tiến một loạt các hoạt động ngoại giao nhằm tìm bước đột phá trong vấn đề hạt nhân miền Bắc. Tại hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật ngày 24/12 vừa qua, ba nước đã chia sẻ quan điểm về sự cần thiết của phi hạt nhân hóa trên bán đảo Hàn Quốc, và giải pháp cho các vấn đề liên quan thông qua đối thoại. Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh Washington đã sẵn sàng đối phó với bất kỳ món quà Giáng sinh nào từ Bình Nhưỡng. Giáo sư Cho Jin-gu đến từ Viện nghiên cứu các vấn đề Viễn Đông, Đại học Kyungnam phân tích sâu hơn.

 

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Triều và các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa song phương rơi vào bế tắc, đầu tháng 12, Bắc Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành một cuộc thử nghiệm trọng đại tại bãi phóng vệ tinh khu vực biển Tây. Thái độ hung hăng của Bình Nhưỡng dự kiến sẽ ảnh hưởng mạnh đến mối quan hệ với Washington, quan hệ liên Triều, và tình hình an ninh ở Đông Á.

Hội nghị thượng đỉnh ba bên Hàn-Trung-Nhật ngày 24/12 đã diễn ra đúng thời khắc quan trọng này. Ba nước Đông Bắc Á đều lo ngại về bế tắc kéo dài trong các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều, và cùng chung nhận định cần nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán.

 

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật đã diễn ra tại Trung Quốc vào đêm Giáng sinh, một tuần trước thời hạn cuối năm Bắc Triều Tiên đặt ra nhằm hối thúc Mỹ đưa ra đề xuất mới trong đàm phán hạt nhân. Tại hội nghị, ba nước nhất trí rằng đối thoại là cách duy nhất để đạt được phi hạt nhân hóa trên bán đảo Hàn Quốc. Bên lề hội nghị thượng đỉnh ba bên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tổ chức hội đàm thượng đỉnh song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23/12, thảo luận các phương án duy trì xung lực cho đối thoại phi hạt nhân hóa.

 

Trung Quốc và Nga đã đệ trình dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 16/12, kêu gọi nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Tất nhiên, Bắc Triều Tiên rất mong muốn điều này, và Hàn Quốc không có lý do phản đối dự thảo nghị quyết nếu Hội đồng Bảo an thông qua, mặc dù khả năng này khá thấp.

Tổng thống Moon đánh giá tích cực vai trò của Trung Quốc trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho bầu không khí hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên không thể phớt lờ ý kiến của Trung Quốc  quan hệ truyền thống giữa hai đồng minh cộng sản. Trung Quốc có thể ngỏ ý với Bắc Triều Tiên về sự cần thiết phải đối thoại với Mỹ, khuyến khích Bắc Triều Tiên quay lại bàn đàm phán. Ông Moon Jae-in đã thảo luận các vấn đề tồn đọng với Chủ tịch Trung Quốc và nhấn mạnh tình hình căng thẳng hiện tại. Hai lãnh đạo đã đạt đồng thuận cao, tôi nghĩ điều này là rất quan trọng.

 

Đáng chú ý, các lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc đã thảo luận về dự thảo nghị quyết gần đây do Trung Quốc và Nga đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 23/12, Tổng thống Moon cũng đề cập tầm nhìn của ông đối với "Cộng đồng đường sắt Đông Á". Rõ ràng, Tổng thống Hàn Quốc đang cố gắng thuyết phục Bắc Triều Tiên ngồi vào bàn đối thoại bằng cách thể hiện Hàn Quốc và Trung Quốc có thể hợp tác trong vấn đề nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với miền Bắc, điều Bình Nhưỡng quan tâm nhất. Việc Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản tái khẳng định cam kết liên lạc và hợp tác chặt chẽ về phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc có thể sẽ khiến Bắc Triều Tiên cẩn trọng hơn với các hành động khiêu khích.

 

Năm 2020 là năm cuối cùng trong Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Bắc Triều Tiên. Trong năm quan trọng này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cần thể hiện một số kết quả cho người dân và củng cố vị thế của mình ở trong nước. Để làm được điều này, hợp tác từ Trung Quốc là rất cần thiết. Đến nay, Bắc Triều Tiên đã tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ. Hành động khiêu khích quân sự phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào thời điểm này sẽ phá hỏng mọi nỗ lực ngoại giao của Bình Nhưỡng, và chống đối lại cộng đồng quốc tế. Tôi nghĩ Bắc Triều Tiên cũng nhận thức rõ điều này.

 

Đầu tháng 12, Bắc Triều Tiên tiết lộ món quà Giáng sinh của họ sẽ phụ thuộc vào thái độ của Washington. Giới phân tích nhận định miền Bắc có thể thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nhưng chưa có dấu hiệu khiêu khích nào được phát hiện đến thời điểm hiện tại. Rất có thể Bình Nhưỡng cảm thấy áp lực bởi động thái công khai phản đối của các lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trong khi đó, Tổng thống Trump hôm 24/12 phát biểu Mỹ có thể ứng phó với bất kỳ món quà Giáng sinh nào của Bắc Triều Tiên. Thậm chí, người đứng đầu Nhà Trắng còn tự tin về khả năng nhận được món quà tốt đẹp từ nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un, chẳng hạn như một chiếc bình đẹp, thay vì thử nghiệm tên lửa.

 

Tôi nghĩ Tổng thống Trump đã đưa ra những nhận xét theo phong cách rất “Trump”, trái ngược với ý kiến bi quan của nhiều nhà phân tích về món quà Giáng sinh của Bắc Triều Tiên, cho rằng đó có thể là một vụ thử tên lửa hoặc khiêu khích cấp địa phương.

Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) gần đây đưa tin tháng 2/2018, Chủ tịch Kim Jong-un đã ra lệnh cho các quan chức miền Bắc sản xuất hàng loạt các bệ phóng di động. Nếu đây là sự thật, thì cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng chỉ là lời nói xạo. Để ngăn chặn Bắc Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân, như lời hứa của lãnh đạo nước này với ông Trump, Washington nhận thấy cần phải xoa dịu Bình Nhưỡng bằng cách nào đó. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao Mỹ kêu gọi Bắc Triều Tiên nối lại đàm phán, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng không nên tiếp tục các hành động khiêu khích.

 

Những bình luận của Tổng thống Trump cho thấy Washington tin tưởng có thể đối phó với bất kỳ nước cờ đàm phán nào của Bình Nhưỡng. Mỹ đã cử 4 máy bay giám sát trên bán đảo Hàn Quốc ngày 24/12 để theo dõi chặt chẽ các động thái trên không, trên mặt đất và trên biển của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ cũng kiềm chế mọi lời đe dọa chống lại miền Bắc. Rõ ràng, Washington đang cố gắng ngăn Bình Nhưỡng đi chệch hướng đối thoại, đồng thời nỗ lực kiểm soát tình hình.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng ngoại giao khu vực đã được ổn định. Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể triệu tập phiên họp toàn thể của Ủy ban trung ương Đảng lao động cuối tháng 12 này. Không thể loại trừ khả năng Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố chấm dứt đàm phán với Mỹ tại cuộc họp, và có hành động khiêu khích.

 

Thế giới vẫn phải chờ xem cuộc họp của Đảng lao động sẽ được tổ chức khi nào, và quyết định nào sẽ được đưa ra trong cuộc họp. Tôi không nghĩ Bắc Triều Tiên sẽ quay lại thời kỳ đỉnh điểm căng thẳng 2017 vì còn mối quan hệ với các nước láng giềng. Nhưng chúng ta vẫn phải chờ xem Bình Nhưỡng sẽ chọn cách nào. Nhiệm vụ quan trọng của các nước láng giềng hiện nay là hợp tác đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đối thoại. Đặc biệt, Hàn Quốc nên tăng cường vai trò thuyết phục Mỹ thực hiện những mong muốn của Bắc Triều Tiên. Để làm được điều này, Seoul cần một chiến lược mới.

 

Có vẻ Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị một hướng đi mới sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un công bố thông điệp Năm mới ngày 1/1. Trong lúc này, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ động thái của miền Bắc và cân nhắc các kịch bản khả thi khác nhau. Thời hạn cuối năm đang ngày càng cận kề, rất có thể các hoạt động ngoại giao xoay quanh bán đảo Hàn Quốc sẽ tạo ra bước ngoặt cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.

Lựa chọn của ban biên tập